Google Music: Nước cờ liều mạng của “gã khổng lồ”?

    PV, Vi Dũng 

    Quyết định tiếp cận thị trường âm nhạc của Google mở ra một cuộc chơi đáng để chúng ta theo dõi.

    Chưa đầy một tháng trước, CEO của tập đoàn Motorola, Sanjay Jha đã có phát biểu trong đó nhắc tới việc Google Music sẽ ra mắt cùng với Hệ điều hành mới Android 3.0 (Honeycomb).
     
    Theo trang tin CNET, hiện tại dịch vụ này đang được thử nghiệm nội bộ tại đại bản doanh Google. Thông tin này được CNET dựa trên “một số nguồn tin trong ngành công nghiệp âm nhạc”. Những nguồn tin này cũng cho biết Google Music đã và đang được bàn tán sôi nổi trên diễn đàn của những nhà phát triển XDA, một người đã phát hiện ra bản ứng dụng khi anh cài Honeycomb lên thiết bị của mình. Theo những người sinh hoạt trên diễn đàn này, đây là “một bản demo thô sơ, và có lẽ khi được chính thức ra mắt, nó sẽ khác hoàn toàn”.
     
    Cho đến thời điểm này, Google vẫn “kín như bưng” khi không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào, kể cả về Honeycomb lẫn Google Music. Một câu hỏi được đặt ra, hiện tại Google đang “giữ khư khư” mã nguồn của Honeycomb, có phải vì Google Music? Cũng có thể lắm chứ! Dưới đây là một đoạn trong bản giới thiệu của Google về hệ điều hành Android Honeycomb, trong đó có nhắc tới “ứng dụng âm nhạc”:
     
    Honeycomb cho phép các nhà phát triển sử dụng nền tảng kết nối mới. Giao diện lập trình ứng dụng API hỗ trợ cho cả hai chuẩn kết nối Bluetooth A2DP lẫn HS, giúp các ứng dụng tự động nhận Bluetooth và thông báo cho người sử dụng. Ví dụ, một ứng dụng âm nhạc có thể kiểm tra kết nối và thông báo cho người dùng biết nhạc đang được phát qua tai nghe. (lược dịch)
     
    Ảnh mang tính chất minh họa.
     
    Mùa thu năm ngoái đã có tin nói rằng Google đang “qua lại” với những hãng thu âm để ký kết hợp đồng. Theo Billboard, nếu những bản hợp đồng trên thành công, người sử dụng ứng dụng của Google sẽ mất 25 USD một năm phí lưu trữ các bài hát trên cơ sở dữ liệu "đám mây". Đổi lại người sử dụng có quyền đăng nhập vào tài khoản và download hoặc nghe trực tiếp những bài nhạc đó trên bất kỳ thiết bị có khả năng kết nối Internet nào (smartphone hoặc thiết bị sử dụng dịch vụ của Google).
     
    Ed Christman của Billboard cho biết: “Các cửa hàng download của Google sẽ giống như một nhà phát hành dữ liệu số. Nó cho phép người sử dụng có thể chọn mua những bài hát đơn lẻ, hay là cả một album đầy đủ. Tuy nhiên những người sử dụng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, thay vì chỉ đợi những thứ mình đã mua được chuyển về tài khoản “đám mây” của họ”.
     
    Google cũng cho biết họ muốn đàm phán với các hãng thu âm để có quyền cho khách hàng của mình nghe đầy đủ một bài hát mới qua hệ thống stream một lần duy nhất trước khi họ quyết định có mua bài hát ấy hay không.
     
    Tất nhiên chúng ta vẫn chưa biết “mặt mũi” phiên bản Google Music hoàn thiện sẽ như thế nào. Nhưng có vẻ như đây là một chiến lược thú vị mà Google đang theo đuổi. Ít nhất Google Music sẽ được đón nhận nhiệt tình bởi số lượng lớn fan Android?
     
    Sự thật Google Music hoàn toàn có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến mảng chiến lược xã hội của công ty khổng lồ này. Tuần trước Google đã thông báo rằng tất cả những người sử dụng YouTube sẽ phải sở hữu một tài khoản Google – Một điểm quan trọng trong chiến lược kinh doanh xã hội hoá của Google.
     
    Kẻ ngáng đường "nặng ký" nhất: Apple iTunes.
     
    Đương nhiên, một khi ra mắt, Google Music sẽ buộc phải đối đầu trực tiếp với Amazon và Apple. Nhưng cũng nhờ việc “nhúng tay” vào lĩnh vực âm nhạc, mà Google có cơ hội vượt mặt một đối thủ khác, đó là Facebook. Âm nhạc từ trước đến giờ luôn là một phần vô cùng quan trọng trong bức tranh tổng thể về giải trí xã hội hoá.
     
    Âm nhạc, lĩnh vực nhờ nó, MySpace vẫn có thể trụ lại bên cạnh sự đe doạ của “gã khổng lồ” Facebook. Tuy nhiên, với sự ra đời trong nay mai của Google Music, tương lai của nền giải trí xã hội hoá, vốn đã khó nhận định, nay lại càng khó hơn.
     
    Tâm lý chung của người sử dụng Internet, là muốn chia sẻ những bản nhạc hay, cũng như tìm ra những bản nhạc mới cùng bạn bè. Mạng xã hội và âm nhạc hiện tại là hai mắt xích không thể tách rời. Và đây là thứ Google tập trung khai thác triệt để, một khi họ đã trở thành một thế lực mới trong lĩnh vực mạng xã hội nói chung.
     
    Thứ quan trọng tiếp theo là các công cụ tìm kiếm. Mọi người sử dụng những công cụ này để tìm những bản nhạc hàng ngày, hàng giờ. Và Google sẽ chẳng ngần ngại đưa sản phẩm của họ đến với người sử dụng, thông qua những công cụ tìm kiếm truyền thống cũng như nâng cao. Về mảng tìm kiếm, chúng ta không cần phải nghi ngờ Google.
     
    Cũng trong tuần trước, Google thông báo về một dạng quảng cáo AdWords mới mang tên Media Ad. Dạng quảng cáo này cho phép nhúng những đoạn video vào đoạn quảng cáo. Khi click vào chúng, đoạn video sẽ được mở ở chính giữa trình duyệt. Hiện tại tính năng này mới chỉ dành cho những studio phim lớn của Hollywood, nhưng trong tương lai gần, nó sẽ là xu hướng quảng cáo chung trên mạng Internet.
     
    Media Ad: Liệu có thay đổi được bộ mặt ngành quảng cáo trên Internet?
     
    Sau âm nhạc, người sử dụng Internet sẽ đi tìm những bản giới thiệu (trailer) phim mới và những video clip ca nhạc. Đây sẽ là nơi hoàn hảo cho các hãng đĩa cũng như những nhạc sĩ, ca sĩ độc lập có cơ hội thể hiện tài năng của họ.
     
    Quyết định tiếp cận thị trường âm nhạc của Google mở ra một cuộc chơi đáng để chúng ta theo dõi, khi mà tham vọng của gã khổng lồ không đơn thuần chỉ là mảng âm nhạc, mà còn liên quan đến rất nhiều mảng khác, như mạng xã hội, công nghệ di động (Android), và đôi khi còn liên quan đến cả các công cụ tìm kiếm, lĩnh vực mà Google đang “vô địch”.
     
    Tham khảo WebProNews
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày