Google nắm giữ lượng dữ liệu gấp 10 lần con số Facebook đang có về bạn, và đây là cách xem chúng

    Tấn Minh,  

    Cần nói thẳng ra rằng Google, Amazon, Apple và Microsoft đều đang theo dõi người dùng, và dữ liệu của chúng ta chính là miếng mồi ngon cho các công ty này.

    Khi mà mọi cặp mắt đều đổ dần vào những vụ lùm xùm rò rỉ dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư của Facebook trong nhiều tuần vừa qua, chúng ta hầu như quên mất rằng còn có đến 4 công ty công nghệ lớn khác đang ngày đêm thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Google, Amazon, Apple, và Microsoft, tất cả đều là những cái tên không thể không nhắc đến khi nói về "chủ nghĩa tư bản giám sát" và là những con diều hâu luôn chực chờ để xâu xé dữ liệu của chúng ta. Một thông tin gây sốc cho bạn đây: nếu bạn cho rằng Facebook nắm giữ quá nhiều dữ liệu về bản thân mình, thì những báo cáo mới nhất cho thấy Google nắm giữ lượng dữ liệu về bạn nhiều gấp 10 lần con số đó!

    Vì tò mò muốn biết Google sở hữu bao nhiêu dữ liệu về mình, nhà phát triển web Dylan Curran cho biết anh đã tải về tập tin dữ liệu kia, vốn được Google cung cấp thông qua mục "My Account" trên trang quản lý tài khoản người dùng. Mục này được tạo nên vào năm 2015, cùng với một công cụ là "My Activity". Tập tin này tương tự như tập tin mà Facebook sẽ cung cấp cho người dùng nếu được yêu cầu. Liệu những tập tin như vậy có có chứa đầy đủ những thông tin mà Google hay Facebook nắm giữ hay không, không ai biết. Nhưng Curran nói rằng tập tin chứa dữ liệu của anh nặng đến 5,5 GB, tức gấp gần 10 lần tập tin anh tải về từ Facebook. Số lượng và loại dữ liệu chứa trong tập tin cho thấy Google không chỉ thường xuyên theo dõi những hoạt động trên mạng của bạn mà còn theo dõi cả vị trí bạn đang đứng ngoài đời thực nữa.

    Tập tin chứa dữ liệu Google của Curran có chứa một lượng cực lớn thông tin về hoạt động lướt web của anh, có thông tin được thu thập từ...cả thập kỷ trước. Nhưng quan trọng hơn là, Google còn theo dõi cả những lần anh đi lại ngoài đời thực thông qua chiếc smartphone hay tablet của anh - bao gồm những địa điểm ngẫu nhiên mà anh thường lui tới, nhiều quốc gia và thành phố nước ngoài anh từng đến du lịch, các quán bar và nhà hàng anh đi đến khi ở các quốc gia đó, quãng thời gian anh dành ra tại các địa điểm này, và thậm chí là con đường anh đi đến đó và quay về nhà.

    Những điều này không phải quá mới mẻ. Chúng ta đều biết rằng Google âm thầm theo dõi bạn ở khắp mọi nơi bạn đến và tạo ra một tấm bản đồ đường đi nước bước của bạn thông qua tính năng Location History. Bạn có thể tắt nó bằng cách vào timeline và tùy chỉnh ở đó.

    Một người dùng Google khác đã tải tập tin của anh ta về và phát hiện ra công ty đã và đang lưu trữ dữ liệu của mình ngay cả khi duyệt web ở chế độ ẩn danh (Incognito) - một chế độ được quảng cáo là không lưu lại lịch sử duyệt web!

    Google nắm giữ lượng dữ liệu gấp 10 lần con số Facebook đang có về bạn, và đây là cách xem chúng - Ảnh 1.

    Giống Facebook, Google thu thập thông tin của bạn để bán cho các đối tác quảng cáo bên thứ 3, bao gồm tên, địa chỉ email, số điện thoại, thẻ tín dụng, những cách thức bạn dùng các dịch vụ của Google, chế độ tương tác của bạn với bất kỳ website nào sử dụng công nghệ Google (như AdWords chẳng hạn), thiết bị của bạn, và các câu lệnh tìm kiếm bạn đã gõ vào. Và nếu bạn không vào tài khoản của mình để thay đổi các thiết lập, thì bất kỳ điều gì bạn làm trên mạng có liên quan đến một công cụ bất kỳ của Google cũng sẽ bị theo dõi.

    Chính sách của Google có đoạn sau: "Nếu những người dùng khác đã có địa chỉ email của bạn, hoặc các thông tin khác dùng để xác định danh tính của bạn, chúng tôi có thể cho họ thấy thông tin công khai trên Google Profile của bạn, như tên và ảnh của bạn".

    Nhưng nhiều dữ liệu vị trí lại xuất phát từ việc sử dụng các ứng dụng Google như Maps hoặc Now - những ứng dụng có tính năng chia sẻ vị trí của bạn. Nếu bạn muốn ngừng việc chia sẻ thông tin này, bạn phải vào phần thiết lập tài khoản và điều chỉnh ở đó.

    Mục đích mà Google vẽ ra nhằm ngụy biện cho việc chia sẻ dữ liệu là nhằm cải tiến trải nghiệm người dùng, nhưng ai được hưởng lợi hơn lại là điều gây tranh cãi. Cũng trong năm hãng này công bố mục "My Activity" nói trên, một chương trình mới cũng được họ tiết lộ - trong chương trình này, email của bạn sẽ bị chia sẻ cho các đối tác quảng cáo lớn của Google. Được gọi là "Customer Match", hệ thống này chọn lọc và tối ưu thông tin người tiêu dùng để chèn quảng cáo vào đúng nơi, với nội dung phù hợp với khách hàng, ở những thời điểm mà Google cho rằng người dùng dễ tiếp nhận nhất.

    Chính sách của Google còn liệt kê 3 hạng mục chính trong việc thu thập dữ liệu: Những thứ bạn làm; những thứ bạn tạo nên; và những thứ định nghĩa nên con người bạn.

    Nhưng bạn vẫn có khả năng hạn chế sự lộ lọt các thông tin cá nhân này. Bạn có thể tắt theo dõi vị trí, tắt tìm kiếm giọng nói, và các tính năng khác; bạn có thể xem và điều chỉnh các thiết lập cá nhân; bạn có thể thay đổi hồ sơ công khai, và tải về tập tin dữ liệu Google để xem họ có gì về bạn.

    Ngoài ra, bạn có thể cao tay hơn và xóa toàn bộ dữ liệu của bạn, không chỉ từ Google mà còn từ nhiều dịch vụ trực tuyến khác.

    1. Đầu tiên, vào Deseat.me và đăng nhập bằng tài khoản Gmail

    2. Nhìn xuống danh sách các tài khoản đã đồng bộ và chọn những tài khoản bạn muốn xóa, những tài khoản muốn giữ lại

    3. Nhấn nút "Delete" là xong.

    Liệu xóa dữ liệu từ các công ty đang thu thập thông tin về bạn có ngăn được vấn nạn khai thác dữ liệu hay không? Chắc chắn là không. Nhưng ít ra chúng ta có cơ hội để khiến mọi người chú ý hơn đến những hệ quả của một nền kỹ trị đang nhăm nhe tìm cách tư nhân hóa hoạt động giám sát/theo dõi người dùng.

    Tham khảo: TheMindUnleashed

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày