Google Photos: Tại sao dịch vụ này sẽ khiến tất cả các DN điện toán đám mây lo sợ?

    PV,  

    Khi Google công bố ứng dụng quản lý ảnh mới ra mắt của mình sẽ miễn phí và không giới hạn lượng lưu trữ, nhiều công ty công nghệ trong ngành bắt đầu cảm thấy lo sợ."Cuộc đua về số 0" giữa các gã khổng lồ trong ngành điện toán đám mây đang diễn ra quyết liệt.

    Hiện tại, ngành công nghiệp điện toán đám mây mang lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty công nghệ. Tuy nhiên, những cuộc đua của các ông lớn trong ngành này đang khiến nhiều người phải lo lắng.

    Google Photos: Tại sao dịch vụ này sẽ khiến tất cả các DN điện toán đám mây lo sợ?

    Giá: 0 USD. Hoàn toàn miễn phí.

    Đó là "cuộc đua về số 0".

    Nội dung của cuộc đua này rất đơn giản: Miễn phí tất cả mọi thứ của dịch vụ đám mây , trong đó lưu trữ đám mây sẽ là dịch vụ đầu tiên không bị thu phí.

    Đây là cuộc chơi vô cùng nguy hiểm bởi điều đó đồng nghĩa với việc sẽ chỉ có những công ty lớn nhất, với ngân sách mạnh nhất và kinh doanh hiệu quả nhất mới có thể trụ lại được trong thế giới điện toán đám mây.

    Tại sao các công ty công nghệ lại chạy theo "cuộc đua về số 0"?

    Có khá nhiều lý do để giải thích điều này. Chẳng hạn, phần cứng máy tính, bắt đầu từ những thiết bị lưu trữ (như ổ cứng chẳng hạn), đang ngày càng rẻ đi. 1 GB ổ cứng năm 1993 có giá 9000 USD, tới năm 2013 chỉ đáng giá gần 0,04 USD.

    Bộ xử lý của máy tính ngày càng mạnh mẽ. Năm 1969, một bộ xử lý IBM có giá 3 triệu USD dùng để hỗ trợ con người lên mặt trăng có bộ nhớ 64 B và chạy với tốc độ 0,043 MHz. Ngày nay, một chiếc iPhone 6 có giá 200 USD đã có bộ nhớ tới 16 GB và có tốc độ xử lý là 2,6 GHz.

    Đó chưa phải là tất cả. Sự khởi động của Amazon chính là lý do khiến người tiêu dùng càng ngày càng được dùng dịch vụ đám mây giá rẻ.

    Amazon đã giảm giá cho dịch vụ đám mây của mình rất sâu. Tới cuối năm 2014, Dịch vụ của Amazon đã giảm tới 47% so với thời điểm mới ra mắt cách đó 6 năm.

    Thay vào đó, Amazon chọn cách tăng doanh thu bằng việc có nhiều khách hàng hơn và thêm vào những dịch vụ hấp dẫn để khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền, kể cả khi nó đắt đỏ. Kể cả khi giá dịch vụ đi xuống, khách hàng vẫn chi tiêu nhiều hơn cho Amazon.

    Về cơ bản, dịch vụ đám mây của Amazon giống như một cửa hàng bán lẻ. Bạn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nếu bạn nhận được khuyến mãi trong bất kỳ mặt hàng nào mình mua.

    Tuy nhiên, bước sang 2015, Google đang tiến một bước xa hơn. Thay vì theo đuổi mức giá cạnh tranh của Amazon, Google thậm chí còn cung cấp mức giá rẻ hơn nhiều. Đó là miễn phí.

    Google không phải là hãng đầu tiên cung cấp dịch vụ lưu trữ ảnh không giới hạn và miễn phí. Amazon cũng từng làm điều tương tự cách đây vài tháng. Tuy nhiên, gói dịch vụ của Amazon chỉ giành cho những người có Amazon Prime hoặc Kindle Fire. Trong khi đó, Google Photo sẽ có mặt trên cả thiết bị chạy Android và iPhone, nghĩa là sẽ phủ sóng 90% thị trường smartphone hiện nay.

    Về phần mình, Microsoft cũng bắt đầu cuộc đua về số 0. Doanh nghiệp này đã cung cấp lưu trữ không giới hạn cho bất kỳ ai đăng ký Office 365. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với miễn phí hoàn toàn vì bản Office này có giá là 70 USD mỗi năm.

    Mặc dù vậy, động thái của các hãng công nghệ lớn cho thấy, một ngày, tất cả các dịch vụ lưu trữ đều sẽ miễn phí. Không chỉ có các hãng lớn, mà những DN nhỏ như Dropbox hay Box cũng phải làm điều này. Hiện tại, khi cuộc đua về số 0 vẫn đang tiếp diễn, các hãng cung cấp dịch vụ lưu trữ đang phải liên tục cắt giảm mức phí của mình.

    Khi lưu trữ miễn phí, các DN phải tìm cách cung cấp những dịch vụ đám mây đặc biệt hơn, cá biệt hóa sản phẩm của mình để người tiêu dùng cảm thấy sẵn lòng trả tiền.

    Box, chẳng hạn, cung cấp dịch vụ bảo mật thêm cho hệ thống các tập tin, một dịch vụ mà nhiều DN ưa thích để đảm bảo họ luân tuân thủ pháp luật. Box cũng xây dựng các ứng dụng khác, nhưng ứng dụng quản lý dự án, quản lý tài liệu, và những ứng dụng đặc biệt giúp người dùng có thể làm việc với các dữ liệu, chứ không chỉ đơn giản là lưu trữ và chia sẻ chúng.

    Dropbox cũng đang cố gắng để bán sản phẩm Dropbox for Business của mình. Gói sản phẩm này cung cấp nhiều tính năng bảo mật và quyền quản lý mà các DN mong muốn.

    Kinh doanh thì bắt buộc phải có đẻ ra lợi nhuận. Vì vậy, khi nguồn thu từ việc thu phí lưu trữ dần về 0, các DN đám mây cần phải nghĩ ra những dịch vụ mới cho sản phẩm của mình.

    Cũng có một số đơn vị từ chối chạy theo cuộc đua về số 0. Trưởng dự án điện toán đám mây của Cisco đã tuyên bố "Chiến lược của chúng tôi không chạy theo cuộc đua này" khi bỏ ra 1 tỉ USD để đầu tư vào điện toán đám mây hè năm ngoái.

    Một vài DN lớn khác như IBM hay Oracle cũng khẳng định sẽ không hạ giá sản phẩm để cạnh tranh.

    Đối với các DN như IBM hay Oracle, chạy đua như vậy rất nguy hiểm. Kể cả khi giá lưu trữ ngày càng giảm, chi phí tổng để chạy trung tâm dữ liệu (data center) vẫn rất lớn. Càng nhiều người sử dụng, các hãng này càng phải mở rộng data center và chi trả để quản lý, chi phí điện năng và nhiều vấn đề khác. IBM vừa mới phải đầu tư 1,2 tỉ USD cho việc xây dựng hệ thống data center mới.

    Công thức mới: Chi tiêu hàng tỉ đô la để xây dựng data center và cung cấp những dịch vụ có giá ngày càng thấp. Sau đó cố gắng tìm ra những dịch vụ gia tăng đủ sức lôi cuốn các DN trả thêm tiền.

    Sẽ chỉ có vài DN điện toán đám mây đủ khả năng làm điều này. Có lẽ trong tương lai gần, chỉ có Amazon, Google và Microsoft là đi theo chiến lược này.

    >> Google hé lộ Project Vault: máy tính nhỏ như thẻ microSD

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày