Google thở phào nhẹ nhõm khi “họng pháo” Cyanogen chĩa sang hướng khác
Cyanogen là gã tí hon đã từng đe dọa cả người khổng lồ Google bằng ROM cook của hệ điều hành Android. Nhưng kết cục của những kẻ chống lại Google đều không có hậu.
Công ty phần mềm Cyanogen mới đây tuyên bố sẽ cắt giảm phần lớn nhân viên của mình, trong đó có rất nhiều nhà phát triển ROM cook cho Android trước đây. Nếu là một người hay mày mò ROM cook, có lẽ bạn đã quá quen thuộc với cái tên Cyanogen, được đánh giá là một trong những phiên bản ROM cook tốt nhất cho các smartphone Android.
Cyanogen là cái tên vô cùng quen thuộc đối với những người thích mày mò ROM cook cho Android.
Cyanogen - kẻ tí hon từng đe dọa gã khổng lồ Google
CyanogenMod bắt đầu chỉ là một bản ROM cook của hệ điều hành Android, do một số nhà phát triển phần mềm đam mê tạo ra và chia sẻ miễn phí cho cộng đồng. Ban đầu CyanogenMod chỉ là dự án nhỏ, mà các nhà phát triển phần mềm này làm ngoài giờ.
Nhưng với sự đón nhận rất tích cực của cộng đồng, CyanogenMod bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Các nhà phát triển phần mềm cũng dành nhiều thời gian hơn để phát triển các phiên bản CyanogenMod tiếp theo, dần dần nó trở thành công việc toàn thời gian của họ.
ROM cook CyanogenMod được tích hợp sẵn trên OnePlus One là một bước tiến lớn.
CyanogenMod vẫn cho phép tất cả mọi người tải về và sử dụng miễn phí, nhưng đồng thời các nhà phát triển cũng hợp tác với nhà sản xuất smartphone như OnePlus. Mối quan hệ hợp tác này giúp các nhà sản xuất tùy chỉnh nhiều hơn, không thực sự phải phụ thuộc vào Google và cạnh tranh với các hãng smartphone Android khác.
Với số vốn 7 triệu USD, mục tiêu của công ty mới thành lập Cyanogen Inc là biến CM trở thành hệ điều hành được ưa chuộng đứng thứ 3 trên thị trường, vượt qua cả Windows Phone và BlackBerry.
Đây cũng là lần đầu tiên một dự án ROM cook cho Android có thể đứng riêng và cạnh tranh được với các ông lớn. Cũng là lần đầu tiên có một “họng pháo” khác ngoài iOS, chĩa vào gã khổng lồ Google.
Thất bại và chuyển hướng
Nói và làm luôn là hai việc hoàn toàn khác nhau, nói được chưa chắc bạn đã làm được. Và để đánh bại gã khổng lồ Google không phải là điều đơn giản, ngay cả khi CyanogenMod được rất nhiều người dùng yêu thích.
Sau khi Cyanogen đánh mất hợp đồng với nhà sản xuất OnePlus, cùng một loạt các giao dịch thất bại khác, công ty phần mềm này không kiếm được nguồn doanh thu. Hệ điều hành CyanogenMod được nhiều người sử dụng nhưng cũng không giúp công ty kiếm được tiền.
Cyanogen bắt đầu lao dốc. Theo báo cáo của Android Police, công ty đã phải sa thải 20% nhân viên để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Các nhân viên bị sa thải hầu hết là những nhà lập trình và phát triển dự án ROM cook.
Sau đó, Cyanogen phải tuyên bố hướng đi mới trong tương lai là phát triển ứng dụng cho Android. Vậy là từ một kẻ thách thức gã khổng lồ Google, giờ đây Cyanogen lại phải sống dựa vào nền tảng Android của gã khổng lồ này.
Thế nhưng Google cũng phải thở phào nhẹ nhõm
Mặc dù câu chuyện drama của Cyanogen thật đáng xấu hổ, khi họ không thể làm được như những gì đã từng mạnh mồm tuyên bố. Nhưng CEO Kirt McMaster một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi đã bắn một phát đạn sượt qua đầu của Google”.
Trước đó, vị CEO này từng có một tuyên bố hùng hồn: “Chúng tôi sẽ bắn một viên đạn xuyên qua đầu Google”. Có lẽ Google nên cảm thấy may mắn, vì viên đạn đó chỉ sượt qua đầu họ.
CEO Kirt McMaster của Cyanogen.
Tuyên bố của giám đốc điều hành Cyanogen có phần mạnh miệng, nhưng cũng hoàn toàn có cơ sở. Vì lúc đó công ty phần mềm Cyanogen nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn, với khoản đầu tư ban đầu lên tới 80 triệu USD.
Trong đó có những nhà đầu tư có tên tuổi như Qualcomm và Twitter. Nhờ đó mà động lực thúc đẩy ước mơ của Cyanogen càng lớn, họ tuyển dụng nhiều nhà phát triển phần mềm hơn để tạo ra một hệ điều hành tách biệt với Android.
Lúc đó, cũng có rất nhiều nhà sản xuất smartphone đi tìm một hướng đi mới để không phụ thuộc vào Android của Google. Trong đó có Acer với hệ điều hành Aliyun, mặc dù vẫn dựa trên Android nhưng lại “dám” không tích hợp các ứng dụng của Google.
Cyanogen còn khẳng định sẽ giúp các nhà sản xuất smartphone thoát khỏi “xiềng xích” của Google, khi mà hệ điều hành Android mang tiếng là mã nguồn mở nhưng luôn bị Google kiểm soát và tích hợp các dịch vụ độc quyền.
Cyanogen thất bại một cách đáng tiếc.
Thậm chí Microsoft còn hợp tác với Cyanogen để tích hợp các ứng dụng và dịch vụ của mình vào hệ điều hành CyanogenMod. Động thái này không những đe dọa tới hệ điều hành Android mà còn có thể lôi kéo người sử dụng khỏi các dịch vụ như Gmail, Chrome hay công cụ tìm kiếm của Google.
Sự thất bại của Cyanogen là một tin đáng mừng đối với Google. Vì sự thật là gã khổng lồ này cũng từng có lúc lo sợ đối thủ nhỏ bé này, không tự nhiên mà Google từng đề nghị mua lại công ty Cyanogen với giá 1 tỷ USD.
Nhưng lúc đó Cyanogen nghĩ mình đủ lớn để nuốt chửng Google, vì thế họ từ chối lời đề nghị. Phải thừa nhận rằng đó là một suy nghĩ viển vông, bởi bất kỳ hệ điều hành mở nào dựa trên Android mà muốn tách ra khỏi Google đều phải nhận những cái kết đắng lòng. Chúng ta đã thấy Tizen của Samsung, FireOS của Amazon hay Aliyun của Acer, giờ đến lượt CyanogenMod.
Dẫu sao cũng thật đáng tiếc cho cộng đồng sử dụng ROM cook Android, khi một trong những thương hiệu ROM cook hàng đầu như CyanogenMod sẽ không còn ra mắt phiên bản mới nữa. Hiện tại những người sử dụng các phiên bản CyanogenMod cũ vẫn chưa bị ảnh hưởng gì.
Tham khảo: thenextweb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng