Grab không chỉ phải dè chừng Go-Jek, "vua gọi xe" Trung Quốc Didi Chuxing cũng đã gửi hồ sơ lên Bộ GTVT xin gia nhập thị trường Việt Nam
Ứng dụng gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc đã gửi hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải với mong muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa xem xét trường hợp của Didi do thời điểm chưa phù hợp, đại diện của Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Tại sự kiện mới đây, chia sẻ về những đối thủ của Grab – Uber trong khu vực Đông Nam Á, ông Nguyễn Xuân Thủy - Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải – đã liệt kê 2 cái tên Go-Jek và Didi Chuxing.
"Go-Jek ở Indonesia đang mong muốn tìm hiểu, tham gia thị trường Việt Nam. Hay như Didi của Trung Quốc cũng đã gửi hồ sơ lên Bộ GTVT nhưng cơ quan chức năng chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp", ông Thủy chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" sáng 6/4.
Ông Thủy cũng khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, Didi Chuxing vẫn chưa được chính thức hoạt động tại Việt Nam.
Liên quan đến nỗi lo taxi truyền thống bị "bóp nghẹt", ông Thủy cho biết trong quá trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ Giao thông Vận tải đã tham khảo tình hình thực tế ở một số nước trong khu vực và thấy rằng: Thị phần taxi và thị phần gọi xe không bị triệt tiêu hoàn toàn dù mỗi nước có cách quản lý khác nhau.
"Chẳng hạn như tại Thái Lan, taxi vẫn chiếm ưu thế, dù Chính phủ đã cấm dịch vụ gọi xe qua điện thoại nhưng Grab, Uber vẫn tồn tại. Câu trả lời ở đây nằm ở nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng".
"Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, điều tôi mong muốn là sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe, thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn và người dân được hưởng lợi", ông Thủy nói.
Chia sẻ dưới góc độ người tiêu dùng, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận rằng: Bà trước đây là khách hàng trung thành của taxi Mai Linh, nhưng rất nhiều lần bị muộn họp bởi Mai Linh nên đã chuyển sang dùng Uber và Grab.
"Nếu gọi Grab hay Uber thì họ có xe ngay, họ lan toả và cung cấp dịch vụ ngay lập tức khi khách hàng có nhu cầu. Tôi đi Uber hay Grab vì thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là vì giá cả".
"Grab và Uber đang chấp nhận thua lỗ để tích luỹ thị trường. Họ cũng rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện nay không có. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho giờ cao điểm và được giảm giá vào giờ thấp điểm", bà Hiền chia sẻ.
Thời điểm Uber và Grab vào thị trường Việt Nam , Tổng cục Đường bộ Việt Nam bỏ nhiều thời gian tìm hiểu "vì sao khách hàng thích Grab hay Uber, vì sao các anh lái xe tham gia vào Grab, Uber".
"Các doanh nghiệp hậu Grab thâu tóm Uber cần nhìn lại bản chất, vấn đề ở đây không chỉ là công nghệ kết nối, mà cần nhìn lại bản chất về chất lượng dịch vụ. Mỗi giai đoạn người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn, chúng ta phải tự đào thải chứ không chờ người khác đào thải mình", bà Hiền nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng