Gửi Samsung, Apple, Microsoft và Google: Đừng cố "nhồi nhét" trải nghiệm PC vào các thiết bị di động nữa
Những con chip mạnh mẽ bên trong smartphone và tablet đã thừa đủ sức mạnh để tạo ra một trải nghiệm desktop đầy đủ. Vậy mà, tại sao giấc mơ "biến hình" vẫn chưa trở thành hiện thực?
Những nỗ lực dang dở
Với sự kiện ra mắt bộ tứ Galaxy S10 vào tháng 2 vừa qua, các fan Android đã tìm được chiếc smartphone trong mơ của mình. Thế nhưng, so với Galaxy S9 hay S8, Galaxy S10 không được quảng bá (hay tặng) kèm một phụ kiện quen thuộc: DeX.
Trong vòng 2 năm liền, DeX đã từng là một trong những tính năng "đỉnh" được của dòng S và dòng Note. Samsung cũng liên tục cố gắng để cải thiện trải nghiệm desktop do DeX tạo ra: ban đầu, phụ kiện "biến hình" này là một bộ dock thuần túy để kết nối phụ kiện, sau đó "tiến hóa" thành một bộ dock PC có khả năng biến smartphone thành touchpad cho giao diện PC. Phiên bản cuối cùng của DeX từng được tặng kèm những chiếc Galaxy Note9 là một cọng dây nhỏ và nhẹ để nối sang màn hình.
Giấc mơ thay thế PC hiện hữu trên cả smartphone...
...lẫn thiết bị từ các hãng lớn.
DeX không phải là nỗ lực lấn sân từ di động sang PC duy nhất của các ông lớn. Suốt từ 2015 tới nay, Apple chẳng mấy khi gọi iPad Pro là "tablet", thay vào đó lại muốn người dùng coi chiếc máy tính bảng này là một công cụ làm việc đầy đủ. Đối thủ lớn nhất của Apple là Google thậm chí đã kịp "hoàn thành" thử nghiệm lấn sân cho tablet Android: chiếc máy tính bảng Google cuối cùng sử dụng Android là Pixel C ra mắt đã 3 năm và nay đã bị ngưng hỗ trợ. Google đã bỏ cuộc trong giấc mơ lấn sân, và nay chuyển sang phát triển ChromeBook đắt tiền.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể quên được kẻ đã khởi đầu tất cả. Năm 2012, Microsoft ra mắt hẳn một phiên bản Windows mới (Windows RT) với tham vọng dung hòa tablet ARM và môi trường Windows truyền thống vào làm 1. Năm 2014, cuối vòng đời của Windows 10 Mobile, Microsoft nói rất nhiều Continuum, công nghệ cho phép tạo ra trải nghiệm Windows đầy đủ từ những chiếc smartphone Lumia.
Hai điểm chung lớn
Samsung DeX, iPad Pro, Surface RT hay Continuum cho Lumia có hai điểm chung. Điểm chung đầu tiên: chúng là những nỗ lực tạo ra trải nghiệm PC từ những thiết bị di động. Chúng là hiện thân của một trong những giấc mơ công nghệ lâu đời nhất: tích hợp nhiều hình thái công nghệ vào một thiết bị duy nhất.
Vẫn sống tốt nhưng Surface gần như luôn sử dụng với vai trò là laptop.
Điểm chung thứ 2: tất cả đều đã thất bại. DeX đã không còn được đem ra quảng bá mạnh mẽ cùng S10 và đã lùi về trở thành một công nghệ hướng vào thị trường doanh nghiệp. iPad Pro không thể hồi sinh cho doanh số của iPad (nhiệm vụ này sau đó đã được chiếc iPad "thường" hoàn thành tốt). Pixel C đã nối chân Surface RT và những chiếc Lumia để chìm vào quên lãng.
Đến nay, phần lớn những chiếc tablet biến hình đều được sử dụng như... laptop: chẳng có ai mua Surface mà lại không mua bàn phím rời cả. Surface Laptop, dòng sản phẩm mới nhất của Microsoft thậm chí còn là laptop thường, không thể tháo rời màn hình. Các ứng dụng cảm ứng trên Windows vẫn bị coi là công dân hạng hai so với ứng dụng x86 truyền thống. Nói cách khác, ước mơ kết hợp tablet và laptop của Microsoft coi như đã thất bại hoàn toàn.
Phần mềm mới quan trọng
Thoạt nhìn, những thất bại này là một nghịch lý. 12 năm phát triển bùng nổ, sức mạnh di động quả thật đã quá thừa để tạo ra một trải nghiệm desktop đầy đủ và chất lượng. Những con chip dòng A_X trên iPad Pro thậm chí còn được đánh giá ngang ngửa chip Intel về hiệu năng đơn nhân. Gắn thêm bàn phím, những chiếc máy tính bảng không khác gì laptop cả.
Không hỗ trợ chuột, làm sao iPad Pro có thể thay thế được PC?
Nhưng đáng buồn thay, tất cả đều thất bại chỉ vì điểm chung thứ 3: không một nhà sản xuất nào đủ tầm để tái hiện lại trải nghiệm desktop đầy đủ từ thiết bị di động. Cả iOS và Android không hề tối ưu cho loại phụ kiện tối quan trọng trên trải nghiệm desktop: iOS thậm chí còn không hỗ trợ chuột, còn Android thì dùng nút phải chuột làm nút... back. Chỉ vì thiếu sót này, các ứng dụng như Office hay Photoshop sẽ không bao giờ cất cánh trên 2 hệ điều hành di động phổ biến nhất hành tinh.
DeX, Windows qua Continuum hay Samsung DeX thì có hỗ trợ chuột, nhưng chúng lại mắc phải điểm yếu trầm trọng hơn: phần mềm không tương đồng. Vốn dựa trên nền vi xử lý ARM, các công nghệ này không thể tạo ra một trải nghiệm desktop thực sự ngang hàng và tương thích với ứng dụng Windows (hay macOS) thông thường.
Nỗ lực sáng tạo của Samsung rất đáng nể, nhưng để bắt kịp hàng chục năm kinh nghiệm của Windows và macOS là bất khả thi.
Bởi thế mà từ ông lớn này sang ông lớn khác, từ smartphone đến tablet, cuối cùng những nỗ lực "nhồi nhét" một trải nghiệm PC đầy đủ vào bên trong các thiết bị di động vẫn cứ thất bại. Có lẽ, giờ là lúc để Samsung, Apple, Microsoft và Google ngừng lại: chừng nào họ còn chưa thể đầu tư cho một trải nghiệm "biến hình" thật sự chất lượng trên khía cạnh phần mềm, chừng đó giấc mơ tưởng dễ mà khó này vẫn sẽ là giấc mơ mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng