Hạ tầng Internet Việt: Khi các ông lớn ra tay chèn ép

    PV,  

    Tuy nhiên Bộ Thông Tin và Truyền Thông chưa có quy định để xử lý.

    Hạ tầng Internet Việt: Khi các ông lớn ra tay chèn ép 1


    Những ngày đầu tháng 3/2013, khách hàng sử dụng D-Com 3G và thuê bao di động của Viettel đã liên tục gặp khó khăn khi truy cập vào nhiều trang báo điện tử và website. Một điểm chung của tất cả những website không thể truy cập được bằng 3G của Viettel như: nhaccuatui.com; dantri.com.vn; kenh14.vn; tamtay.vn,… đó là chúng đều có hosting tại Công ty điện toán và truyền số liệu (VDC). 


    Khi bị thắc mắc, Viettel trả lời khiếu nại của khách hàng 3G như sau: “do VDC quản lý trang Web nhaccuatui.com và chặn khách hàng 3G của Viettel nên khách hàng không truy nhập vào trang đó và do Viettel đang tiến hành thỏa thuận lại dịch vụ với VDC…” . Thông tin này được phía VDC cho biết là được ghi âm lại từ cuộc gọi tới Đài hỗ trợ của Viettel. Lý do Viettel đưa ra có thể hiểu là để "trả đũa" vì phía VDC đã chặn của Viettel trước. Với việc có trong tay một thị phần khá lớn dịch vụ truy nhập Internet qua mạng di động 3G, hành động chặn các website có hosting từ VDC của Viettel đã khiến VDC chịu thiệt hại không nhỏ. 


    Tại buổi làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra sau đó, Giám đốc VDC Nguyễn Văn Hải tỏ ra vô cùng bức xúc và cho rằng hành vi của Viettel vừa qua là chơi xấu, đồng thời yêu cầu Bộ xem xét nhắc nhở, tránh để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra.


    Hạ tầng Internet Việt: Khi các ông lớn ra tay chèn ép 2


    Viettel đang nắm giữ một thị phần tương đối lớn về dịch vụ truy nhập Internet thông qua mạng di động 3G ở Việt Nam (nguồn: sách trắng về CNTT 2012) 


    Khi các ông lớn ra tay chèn ép


    Trên thực tế, việc các nhà mạng xảy ra mâu thuẫn rồi "đánh chặn" lẫn nhau không phải là hiếm. Đối với VDC, công ty này có quy mô tương đối lớn và còn nhận được hậu thuẫn từ VNPT nên có thể "đôi công".


    Tuy nhiên, với những nhà mạng nhỏ thì vấn đề lại phức tạp hơn nhiều. Đầu tháng 1 vừa qua, khách hàng sử dụng mạng của công ty cổ phần viễn thông CMC Telecom liên tục gọi điện đến than phiên về việc mạng chập chờn hoặc không thể truy cập vào một số website như vnexpress, tinhte,… Phía CMC Telecom cho biết, FPT đã tiến hành chặn toàn bộ các đường truyền của công ty này vào các dịch vụ có hosting của FPT. Ông Nguyễn Đức Thành, tổng giám đốc CMC Telecom cho biết, trước thời điểm tháng 1/2013, hai mạng của CMC và FPT kết nối trực tiếp với nhau, kết nối của khách hàng hai bên hoạt động bình thường. Tuy nhiên, phía FPT đã đơn phương cắt kết nối trực tiếp và khách hàng hai mạng đã phải kết nối với nhau thông qua mạng chuyển quốc gia VNNIC. Đến cuối tháng 1, khi khách hàng liên tục gặp sự cố khi kết nối, phía VNNIC cũng như FPT hoàn toàn không xử lý các sự cố kết nối này.


    Chưa tính đến những thiệt hại về kinh tế, hành động đánh chặn của FPT đã khiến CMC bị thiệt hại rất lớn về lòng tin của khách hàng khi bị đánh giá là mạng chập chờn, chất lượng kém. Sự việc chỉ kết thúc sau khi hai bên đề xuất một "thỏa thuận mới" với phần lợi nghiêng về phía nhà mạng lớn hơn. "Các nhà mạng hiện nay đều có thỏa thuận khi kết nối với nhau. Tuy nhiên, các thỏa thuận này chỉ mang tính tạm thời, thiếu đi tính đảm bảo và ổn định", ông Thành cho biết.

    .

    Bộ TT&TT: Khó can thiệp


     Dù động thái chèn ép của các nhà mạng lớn đã bị phản ánh tới Bộ TT&TT nhiều lần, động thái của Bộ lại không cho thấy sự quyết liệt. Ngay cả khi giám đốc VDC "tố" Viettel trực tiếp trong cuộc họp của Bộ TT&TT, Bộ chỉ cho biết sẽ xem xét gửi công văn đến để cảnh cáo, nhắc nhở đối với Viettel. "Nguyên lý quản lý chung của Bộ là tạo điều kiện cao nhất, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh nhất cho thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu trong cuộc họp. Tuy nhiên trên thực tế, Bộ TT&TT rất khó để can thiệp xử phạt. Nguyên nhân chính, theo ông Thành, là bởi Bộ TT&TT hiện chưa có một quy định chính thức nào về kết nối liên thông (peering) giữa các nhà khai thác hạ tầng mạng Internet. Thiếu quy định nên việc quản lý hoạt động, tiến hành giám sát, xử phát các nhà mạnh lớn là rất khó.


    "Để bảo đảm cạnh tranh công bằng, Bộ TT&TT cần sớm ban hành quy định kết nối giữa các Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng Internet nhằm đảm bảo quyền lợi các mạng nhỏ trên thị trường. Điều này cũng tương tự như việc Bộ đã ra quy định kết nối giữa các mạng di động/cố định thời điểm đầu những năm 2000", đại diện CMC Telecom nhận định. Trong khi chờ Bộ TT&TT soạn thảo và ban hành quy định mới, phía đang phải chịu thiệt thòi nhất có lẽ vẫn là người tiêu dùng, khi bất đắc dĩ bị kẹt ở giữa cuộc chiến của hai nhà mạng. 


    Xem thêm: VDC kiến nghị Bộ TT&TT về việc Viettel cạnh tranh không lành mạnh

                     Khách hàng bị tổn thương vì dịch vụ 3G


    Theo Hoàng Vân 
    CafeBiz/TTVN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày