Hai anh em người Ireland này đã biến 7 dòng code trở thành startup 9,2 tỷ USD như thế nào?
Hiện tại, startup Stripe của Patrick và John Collison đang hợp tác với Amazon để kiểm soát dòng chảy thương mại toàn cầu nhiều hơn nữa.
Mỗi ngày, người Mỹ chi khoảng 1,2 tỷ USD cho các hoạt động trực tuyến. Theo Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, con số này đã tăng gấp đôi trong vòng bốn năm qua và có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong 5 năm tới khi mà internet đang tiếp tục đánh bại những cửa hàng truyền thống. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi nền tảng tài chính của web vẫn trong tình trạng cũ và chậm.
Trong nhiều năm, sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại điện tử đã vượt qua những công nghệ cơ bản. Các công ty muốn bán hàng trực tuyến phải tới ngân hàng, phải gặp một hãng xử lý thanh toán và cần một "gateways" xử lý những kết nối giữa các bên. Việc này có thể mất hàng tuần, cần nhiều nhân lực và chi phí.
Phần lớn các phần mềm xử lý giao dịch có tuổi đời hàng chục năm và các phần mềm mới lại được viết bởi ngân hàng, các công ty thẻ tín dụng và đơn vị trung gian tài chính, những người vốn không chuyên về tối ưu code.
Patrick và John Collison
Trong năm 2010, Patrick và John Collison, hai anh em ở một vùng nông thôn Ireland, đã bắt tay vào "debug" cho toàn bộ quá trình trên. Công ty của họ, Stripe Inc., đã xây dựng một phần mềm mà các doanh nghiệp có thể tích hợp vào trang web và ứng dụng để kết nối ngay lập tức với thẻ tín dụng và hệ thống ngân hàng để thanh toán. Sản phẩm này là một sự đột phá với các startup ở Silicon Valley. Các doanh nghiệp như Lyft, Facebook, DoorDash và hàng ngàn startup khác đã biến Stripe trở thành xương sống tài chính trong hoạt động của họ.
Hiện tại, giá trị những giao dịch trên internet mà Stripe xử lý mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD và họ kiếm tiền bằng cách thu một khoản lệ phí nhỏ trên từng giao dịch. Một nửa dân số Mỹ mua sắm trực tuyến mỗi năm và có thể, một cách vô tình, họ làm điều này qua Stripe. Những thành công ấy giúp Stripe được định giá vào khoảng 9,2 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với những đối thủ cạnh tranh, và biến Patrick, 28 tuổi, và John, 26 tuổi, trở thành hai trong số những tỷ phú trẻ nhất thế giới.
Nhưng thanh toán là một thị trường tàn khốc. Vô số startup, ngân hàng lớn và những công ty như Google, Apple đang cố gắng thu hút từng giao dịch nhỏ qua hệ thống của họ. Sự cạnh tranh này, kết hợp với lợi nhuận nhỏ bé của ngành công nghiệp, khiến các chuyên gia nghi ngờ giá trị của Stripe.
Có thể hợp đồng với Amazon, ông lớn đầy tham vọng trong ngành thương mại điện tử, khiến Stripe được định giá cao. Gần đây, Stripe đã bắt đầu giải quyết phần lớn các giao dịch của Amazon. Dẫu vậy quy mô của thỏa thuận giữa hai hãng này vẫn chưa được tiết lộ.
Dẫu vậy, trong bảy năm qua, sứ mệnh của Stripe là tăng GDP của internet chứ không phải đưa thêm nhiều sách, máy hút chân không và dụng cụ làm đẹp tới khách hàng, Patrick nói. Để làm được điều này, công ty bắt đầu vượt ra khỏi phạm vi thanh toán bằng cách viết phần mềm giúp những công ty thay đổi cách phối hợp, trả lương cho công nhân và phát hiện những gian dối. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải tiến cách kinh doanh trực tuyến đã được tiến hành trong 20 năm qua và cho những người có ý tưởng sáng tạo một cơ hội cạnh tranh. "Chúng tôi nghĩ rằng trong số hai người nắm trong tay cùng cơ sở hạ tầng như một doanh nghiệp với 100.000 người, ai có tác động tổng hợp hơn tới doanh nghiệp sẽ thành công hơn", Patrick nói.
Anh em nhà Collison sinh ra ở Limerick và lúc còn bé phải di chuyển khắp nơi trước khi định cư tại Dromineer, một ngôi làng bình dị ở trung tâm Iceland. Cha mẹ họ đều có kiến thức khoa học, ông bố Denis làm kỹ sư điện trong khi bà mẹ Lily làm việc trng ngnahf vi sinh học. Sau này, cả hai đều trở thành doanh nhân, Denis điều hành một khách sạn 24 phòng trong khi Lily mở một công ty huấn luyện doanh nghiệp tại nhà.
Hai cậu bé tới trường và học trong những lớp chỉ có dưới 20 học sinh. Trên lớp, khi buồn chán Patrick thường đọc sách. "Tôi ngồi khuất trong góc nên giáo viên không nhìn thấy", Patrick kể và nói thêm rằng sau này một hiệu trưởng của trường đã chỉ thị giáo viên cho phép học sinh đọc sách trong giờ học nếu thấy chán.
Những năm học cuối, Patrick tự học ở nhà để có thể làm những bài kiểm tra hết cấp sớm hơn, anh tốt nghiệp năm 16 tuổi. Cũng trong năm đó, anh nhận được danh hiệu Nhà Khoa học trẻ của năm khi phát triển thành công một ngôn ngữ lập trình và một hệ thống trí tuệ nhân tạo. Kiến thức mà người thường cần học trong hai năm được Patrick nạp vào đầu trong 20 ngày và sau đó anh giải quyết liên tiếp 30 bài kiểm tra. Cách ăn mừng tốt nghiệp của anh cũng rất khác người, chạy marathon.
Patrick Collison trong chuyến thăm Israel
Patrick đăng ký theo học tại MIT vào năm 2006 bằng bài kiểm tra SAT mà anh hoàn thành năm 13 tuổi. Anh được nhận và vài năm sau John đã theo anh tới Mỹ để theo học Harvard. Trong thời gian rảnh, họ đã phát triển các ứng dụng dành cho iPhone, Một trong số những thành công ban đầu của họ là một phiên bản Wikipedia giá 8 USD mà người dùng có thể tìm kiếm thông tin khi không có kết nối internet. Nhờ loại bỏ toàn bộ code không cần thiết, hai anh em nhà Collison đã tích hợp được mọi thứ vào một tập tin có thể tải xuống iPhone. Họ cũng đã tạo ra cách để quản lý những cuộc đấu giá trên EBay và bán công ty mang tên Auctomatic Inc. này với giá 5 triệu USD vào năm 2008.
Cuối năm 2009, hai anh em bỏ học để theo đuổi ý tưởng mà sau này trở thành Stripe. Họ mở một văn phòng ở Palo Alto, đối diện trụ sở cũ của PayPal. Hai anh em Collison thường đạp xe tới văn phòng và luôn ướt đẫm mồ hôi do chạy đua với nhau. "Có thể họ muốn tăng tính cạnh tranh trong nhau nhưng cũng có thể họ quá hà tiện, không muốn chi tiền cho một chiếc xe hơi", Mike Moritz, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của PayPal chia sẻ.
"Họ là những người khiêm tốn và toàn diện. Có rất nhiều điều không tưởng trong câu chuyện của họ, ai mà tin được hai anh em tới từ một ngôi làng nhỏ lại có thể tạo ra thứ có thể là một trong những công ty quan trọng nhất internet", Moritz, người cũng là đối tác của Sequora Capital và thành viên quản trị của Stripe, nhận định.
Stripe ra mắt vào năm 2011 với Patrick làm CEO và John làm chủ tịch. Hai anh em đã trải qua hai năm thử nghiệm dịch vụ của họ và tạo mối quan hệ với các ngân hàng, các công ty thẻ tìn dụng và các nhà quản lý để khách hàng không phải làm những điều ấy. Với Stripe, tất cả những gì mà các startup cần làm là thêm 7 dòng code vào trang web của họ để xử lý các thanh toán. Những gì trước đây phải mất tới một tuần để thiết lập thì nay chỉ cần cut và paste thế là xong. Các coder ở Silicon Valley cũng ngay lập tức thán phục kiến trúc mới cực kỳ tao nhã này của anh em nhà Collison.
Với sự giúp đỡ của các nhà phát triển, Stripe thể hiện được tầm quan trọng của mình với các startup trong những ngày đầu. Và công nghệ của nó được tạo ra cho những mô hình kinh doanh hiện tại. Ví dụ, các hãng xây dựng thị trường như Shopify cần xử lý thanh toán cho cả các nhà cung cấp và khách hàng, những startup chia sẻ như Lyft phải chuyển tiền cho cả lái xe và người đi xe.
Cần tới sáu tháng để xây dựng và thiết lập một nền tảng kế toán để Lyft có thể trả tiền cho cả lái xe và tính phí hàng triệu khách hàng. "Bạn phải theo dõi xem ai nhận được khoản tiền nào và họ đã nhận được hay chưa, sau đó bạn còn phải đối mặt với những rắc rối về pháp luật", John nói. "Những gì mà các startup cần làm để quản lý giao dịch là công việc khó khăn. Chúng tôi có thể làm điều đó cho họ để họ tập trung vào phát triển doanh nghiệp".
Dù các startup đánh giá cao những gì Stripe đang làm nhưng hầu hết các nhà đầu tư lại không nghĩ vậy. Một nhóm nhỏ các kỹ sư trẻ làm thế nào để thay đổi cấu trúc tài chính của internet? Họ không biết tới sự tồn tại của PayPal ư? Trớ trêu thay, đó là những câu hỏi mà cả Moritz và những đồng sáng lập của PayPal là Peter Thiel và Elon Musk muốn tìm câu trả lời. Họ nhận ra rằng công nghệ của PayPal đã không theo kịp thời đại.
"Cánh quạt của con tàu PayPal đã bị bọc chặt và thân tàu đã bị hàu bám kín kể từ khi chúng tôi đầu tư vào công ty này cách đây một thập kỷ", Moritz nói.
Ngày nay, Stripe là công cụ tài chính của hơn 100.000 doanh nghiệp. Nó lưu trữ thông tin tài chính quan trọng như số thẻ tín dụng, đối phó với gian lận và bổ sung hỗ trợ cho những dịch vụ mới xuất hiện như Apple Pay. Stripe tính phí khoảng 2,9% giá trị giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng qua hệ thống của họ, mức phí có thể giảm với những giao dịch giá trị lớn. Stripe không tiết lộ số lượng giao dịch mà họ xử lý nhưng các nhà phân tích ước tính rằng con số này có thể đạt gần 50 tỷ USD mỗi năm.
Như vậy, doanh thu của Stripe rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD. Lợi nhuận mà Stripe thu được là những gì còn lại sau khi ngân hàng tính phí dịch vụ của họ. Trung bình, các ngân hàng có thể thu tới 2,5% nhưng Patrick khẳng định rằng lợi nhuận của Stripe lớn hơn nhiều so với ước tính của mọi người, con số cụ thể không được tiết lộ.
Mức lợi nhuận thấp chứng minh câu nói bất hủ trong ngành công nghiệp: Dịch vụ thanh toán không thể kiếm ra tiền. Stripe đang trong một vũ trụ luẩn quẩn nơi bị thống trị bởi các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng và bị ràng buộc bởi các quy định. Tuy nhiên, do thanh toán chẳng phải cạnh tranh với bất cứ điều gì ngoài luồng giao dịch toàn cầu nên không thiếu đơn vị tham gia.
Đối thủ trực tiếp của Stripe là Braintree Payment Solutions LLC, công ty con của PayPal, và Adyen BV của Hà Lan. Hiện Adyen BV đang hợp tác, xử lý một lượng lớn giao dịch cho các thương hiệu như Netflix, Airbnb và Uber.
Trong khi đó, Square Inc. tập trung vào việc xử lý giao dịch bán hàng trực tuyến, Google và Apple tập trung vào giao dịch trên smartphone và các công ty như Alibaba có nền tảng riêng. Những hãng xử lý thanh toán cũ, Chase Paymentech Solutions LLC, First Data Corp, hợp tác với các hãng bán lẻ truyền thống lớn, cũng đang cố gắng hiện đại hóa công nghệ của mình.
John đang làm việc với nhân viên tại trụ sở
Trong khi tiếp tục thu hút các startup, Stripe cũng có ý định hợp tác với Uber và Airbnb trong tương lai. "Nếu biết quỹ đạo rộng lớn của internet bạn sẽ tiếp tục thấy những thành công đột phá", Patrick nói. Tuy nhiên, Stripe cũng đang cố gắng để ký hợp đồng với Target Corp., Under Armour Inc..., và các hãng bán lẻ khác nhằm tìm kiếm nguồn doanh thu bên ngoài các startup. Khả năng hợp tác của Stripe với những đối tác kể trên là khá cao sau khi họ thiết lập quan hệ đối tác với Amazon.
Trong năm 2016, Stripe chuyển văn phòng tới ngay cạnh AT&T Park ở quận SoMa, San Francisco, nơi tập trung nhiều startup. Trước đó, Dropbox thuê khu văn phòng này và chia nó thành các không gian nhỏ với quầy bar, studio, phòng Lego... Anh em nhà Collison đã dọn bỏ tất cả những thứ đó. Nhà bếp, nơi nhân viên Dropbox ăn tối với những đĩa ăn riêng biệt, nay trở thành quán cafe với những dãy bàn thoải mái. "Chầm chậm và đầy khao khát chính là cảm giác chờ đợi đồ ăn tại đây", Patrick nói.
Vào một ngày mùa xuân, nhạc pop vang lên trong sảnh chờ được tô điểm bởi những giò hoa phong lan trắng. Trên bàn cà phê là những cuốn sách, tiểu thuyết. Công ty được thiết kế theo dạng sàn mở và nhân viên đổi bàn mỗi tháng một lần để gặp gỡ đồng nghiệp mới. Một thuật toán sẽ giúp nhân viên chọn bạn ăn trưa tại những băng ghế tập thể. Những dòng chữ trên tấm biển ở trước khu nhà vệ sinh ghi rõ: "Chúng tôi tin rằng giới tính không phải số nhị phân. Hãy sử dụng nhà vệ sinh mà bạn cảm thấy thoải mái nhất".
Những cuốn sách phủ kín bàn của Patrick. Trong đó có bản sao của cuốn The Dream Machine, viết về JCR Licklider, một chuyên gia công nghệ đã dựng lên và tài trợ cho khái niệm đầu tiên về internet. Do cuốn sách đã không còn bán nên Patrick đã mua bản quyền và in hàng trăm bản cho anh, nhân viên và các vị khách.
Hình nền trên máy tính Patrick là chiếc đồng hồ đếm ngược của cuộc đời anh. Nó hiển thị rằng Patrick còn 52 năm và vài ngày. "Đây là một ước tính có phần thô sơ nhưng luôn nhắc nhở rằng bạn đang già đi một cách nhanh chóng", anh nói, mái tóc đỏ đã pha một chút màu xám. "Khi bạn nói chuyện với những người gia, một vài người trong số họ ước rằng có thể tận hưởng nhiều hơn nhưng đa số họ ước rằng mình không lãng phí nhiều thời gian trong quá khứ".
Hai anh em có chung sở thích đọc sách và ở chung trong một căn hộ. Họ thích nói chuyện với nhau về công nghệ, những chuyến bay bởi cả hai đều đã có bằng lái máy bay và đều không biết nhiều lắm về văn hóa nhạc pop. Cuối tuần, John thuê một sinh viên Stanford dạy anh về luật trong khi đó Patrick có một người dạy kèm về vật lý.
Khi không đi bay, họ chạy tập thể dục và cập nhật trạng thái, ảnh lên Strava, một mạng xã hội dành riêng cho những người thích tập thể dục. Trong những lần công ty tổ chức thi chạy, Patrick thường tụt lại phía sau để tán gẫu với những người chạy chậm nhất. Đôi khi, John tự làm những chiếc pancake vào buổi sáng sau khi vệ sinh và tập thể dục.
Ba năm trước, Stripe có 80 nhân viên. Bây giờ họ có 750 người. Công ty đang tiếp tục cố gắng để lấy lòng các nhà phát triển. Gần đây, họ thuê Susan Fowler, người đã tố cáo văn hóa quấy rối tình dục ở Uber khiến startup cung cấp ứng dụng gọi xe phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và CEO Travis Kalanick phải từ chức. Tại Stripe, Fowler giám sát một ấn phẩm nội bộ mang tên Increment ra mắt số mới hàng quý và đăng tải những câu chuyện về các những kỹ sư ở các công ty khác giải quyết vấn đề. Stripe cũng mua lại Indie Hacker, một trang chuyên nghiên cứu về các công cụ ứng dụng và phần mềm.
Kế hoạch của anh em Collison là đưa những công cụ mới vào sản phẩm chính của họ khiến khoản phí 2,9% trở nên đáng giá hơn. Một trong những tính năng, mang tên Radar, có thể giúp phát hiện gian lận, lừa đảo trong hệ thống. Stripe sử dụng AI để phân tích các khoản thanh toán trên mạng của họ và xác định các hoạt động đáng nghi.
Nhờ quét một lượng lớn dữ liệu, Stripe tin rằng họ có thể phát hiện ra những hoạt động đáng nghi tốt hơn một công ty đang xem xét những giao dịch của chính họ. Radar được cung cấp miễn phí nhưng Stripe muốn tìm cách tính phí hàng tháng cho những tiện ích, chẳng hạn như hỗ trợ khách hàng cho đối tác lớn. Mục tiêu của mảng kinh doanh phụ này là mang về lợi nhuận cao hơn, bền vững hơn cho mảng thanh toán trong tương lai.
Hồi tháng Năm, Patrick đã có một chuyến đi 5 ngày tới Israel để gặp gỡ các nhà đầu tư và doanh nhân trẻ cũng như giới thiệu sản phẩm của hãng. Không khí sôi động của các startup Israel khiến Patrick có cảm giác như anh vẫn đang ở Silicon Valley.
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng