"Cuộc chiến" giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ (Uber, Grab) vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện thí điểm, Bộ GTVT đã có sự nhìn nhận lại nhiều vấn đề và đưa ra hướng giải quyết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đầu năm 2016, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch thí điểm chi tiết. Sau 2 năm thực hiện thí điểm đã xuất hiện nhiều tồn tại của loại hình xe hợp đồng vận tải ứng dụng khoa học công nghệ (taxi công nghệ) và cuộc cạnh tranh chưa hồi kết giữa loại hình này với loại hình taxi truyền thống.
36.000 xe ô tô tham gia thí điểm cần quản lý như xe taxi?
Tại Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ GTVT tổ chức diễn ra chiều ngày 19/12, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP HCM. Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm.
Cũng đã có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử. Tổng số hiện có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, sau 2 năm thực hiện thí điểm trên địa bàn TPHCM, loại hình vận tải này được người dân đón nhận, nhiều người được hưởng dịch vụ đi lại bằng ô tô hơn. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, "taxi công nghệ" là một dạng taxi và tác động đến hạ tầng tương tự như những xe taxi tuy nhiên lại hưởng nhiều ưu đãi hơn taxi truyền thống.
Đồng tình với ông Lâm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội công nhận, "taxi công nghệ" mạng lại nhiều tiện ích như: tận dụng xe nhàn rỗi, chất lượng dịch vụ cao, tiết kiệm được thời gian cho người dân... Tuy nhiên, ông Viện cũng cho rằng, bản chất của xe hợp động ứng dụng công nghệ tương đương xe taxi nên cần phải được quản lý như taxi.
Còn đại diện Sở GTVT Khánh Hoà cho biết, địa phương này đã "tẩy chay" Uber, Grab vì cho rằng các doanh nghiệp này "tự tung tự tác" khi tự quyết định giá cước và thu cước vận tải qua lái xe nhưng vẫn khẳng định mình là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Sửa Nghị định để "taxi công nghệ" và "taxi truyền thống" gần nhau
Trước những ý kiến của các địa phương, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, năm 2014 khi loại hình Uber xuất hiện, Bộ GTVT nhận thấy những xe chạy trên nền tảng ứng dụng này hoàn toàn là xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải, như vậy rất rủi ro cho hành khách và tài xế.
"Tuy nhiên, đến khi Grab xuất hiện và đưa những xe taxi đang hoạt động, những xe trong hợp tác xã vận tải, những xe cá nhân có đăng ký kinh doanh vận tải vào hoạt động thì bản chất của hình thức xe hợp đồng là không thay đổi. Loại hình này sẽ sai khi đưa xe cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải. Và ngược lại, sẽ đúng khi đưa vào những xe đăng ký kinh doanh vận tải. Nhà nước không cấm những phần mềm kết nối không làm thay đổi bản chất", ông Ngọc lý giải.
Về việc tại sao Grab, Uber không kê khai giá như taxi truyền thống, ông Ngọc cho biết, bản chất của xe hợp đồng là không cần kê khai giá mà đây là sự thoả thuận dân sự giữa hành khách và hợp tác xã kinh doanh vận tải. Grab, Uber là phần mềm kết nối trung gian nên cũng không cần kê khai giá trong ứng dụng.
Nhìn nhận về quá trình thí điểm 2 năm qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sự tiến bộ của khoa học công nghệ sẽ thay đổi tính chất của tổ chức kinh doanh. Do vậy, sự "lúng túng" của cơ quan quản lý trong việc phân biệt giữa "taxi truyền thống" và "taxi công nghệ" là bình thường.
"Về mặt chính sách, khi ta chưa sửa đổi được chính sách, ta chấp nhận sự không công bằng của hai hình thức này như: đường cấm thì chỉ Uber, Grab được đi còn taxi thì không hay việc nộp thuế thì các công ty taxi phải nộp rất nhiều thuế trong khi lái xe sử dụng Uber, Grab thì tự nộp thuế thu nhập cá nhân", ông Hiếu cho biết.
Vì thế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần sửa Luật Giao thông đường bộ trước khi sửa Nghị định 86 và việc sửa sẽ theo hướng xem xét nhiều điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ như: số lượng xe taxi, tập huấn lái xe... để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.
Về việc đăng ký kê khai giá, đại diện CIEM cũng cho rằng, giá là phải để thị trường quyết định và là thoả thuận giữa người mua và người bán.
Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đồng tình cho rằng, sau 2 năm thực hiện thí điểm, cái "được" đó chính là sự thay đổi về tư duy quản lý, quản lý cần phải ứng dụng khoa học công nghệ.
"Bản thân các hãng taxi truyền thống cũng trăn trở, mày mò để tìm tòi hướng đi mới trong khi đó công nghệ phát triển và xâm nhập vào cuộc sống rất nhanh. Cơ quan quản lý muốn bắt nhịp được cũng rất vất vả. Bộ GTVT đã phối hợp nhiều với các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương để tìm ra cơ chế quản lý. Bản thân tôi cũng rất trăn trở. Tôi cho rằng cần bình đẳng, công khai, minh bạch nhưng cũng cần tạo ra môi trường mới, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động", Thứ trưởng nói.
Nói về việc đảm bảo quyền lợi, sự an toàn của hành khách khi sử dụng những hợp đồng vận tải điện tử như Uber, Grab, Thứ trưởng cho rằng, thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều quy định ngặt nghèo hơn, cụ thể hơn về việc an toàn bởi "anh có lợi nhuận thì anh phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng con người".
Lãnh đạo ngành giao thông cũng thừa nhận, những điều kiện hiện nay còn chưa phù hợp khiến các doanh nghiệp cạnh tranh không bình đẳng, vẫn còn nhiều trường hợp "lách luật" mà không có chế tài xử lý vi phạm. Vì vậy, hướng sửa của Nghị định 86 ngoài vấn đề công nghệ thì điều kiện kinh doanh giữa "taxi truyền thống" và "taxi công nghệ" phải gần nhau.
"Nếu cần thiết sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không để tồn tại những hợp đồng công nghệ xuyên biên giới", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng