Mình từng tự phong cho bản thân danh hiệu 'người tiêu dùng thông minh'! Mặc dù yêu công nghệ từ bé, nhưng mình không bao giờ bỏ một số tiền lớn ra để mua những sản phẩm mới nhất, tốt nhất (kéo theo đó là đắt đỏ nhất) trong lúc nó mới được ra mắt. Mình cười vào mặt những người mỗi năm lại đổi smartphone một lần, vì họ "chả biết cách tiêu tiền". Tại sao phải mua smartphone cao cấp lúc nó ra mắt chứ; hoặc là đợi nó xuống giá hoặc mua smartphone tầm thấp dùng cũng tốt thôi mà?
Mình vẫn nhớ rõ vào tháng 9 năm 2013, buổi sáng thức dậy và đọc được tin tức chiếc LG G2 ra mắt và cảm thấy choáng ngợp bởi thiết kế viền màn hình siêu mỏng (cho thời điểm bấy giờ) và cấu hình vô cùng cao cấp. Nhưng là một học sinh với công việc làm thêm chỉ vài trăm ngàn một tháng, mình đâu dám bỏ mười mấy triệu để mua chiếc smartphone này dùng lúc nó được công bố. Sau 2 năm dành dụm, bỏ bát phở bò tái chín để mua bánh mì ăn cầm hơi mỗi buổi sáng, mình mới có thể mua được một chiếc LG G2 mong ước ở một cửa hàng cũ.
Chiếc LG G2 'chinh chiến' đã quá cũ nát của mình
Sau 3 năm sử dụng, 'con dế' này bắt đầu trở nên cũ nát. Những chi tiết được sơn bắt đầu tróc ra, viền máy thậm chí mẻ một miếng lớn, tai hại nhất là màn hình có dấu hiệu bị hỏng cảm ứng. Mặc dù tiếc đứt ruột, nhưng mình cũng phải bán rẻ cho một người bạn để 'tái chế' thành máy phụ để phát mạng 3G cho những thiết bị khác, còn mình thì sắm một chiếc Realme 2 Pro tầm trung để sử dụng.
Trở lại với hiện tại: Trong một buổi đi ăn mình có gặp lại người bạn này, và thấy cậu ta sử dụng một chiếc Samsung Galaxy Note 3. Trùng hợp thay khi chiếc Note 3 được ra mắt cùng năm với LG G2 mà mình đã bán cho cậu ấy - 2013. Trùng lớp thêm một lớp nữa, khi mình là một trong những người may mắn được thử nghiệm chiếc Galaxy Note 10 mới được hãng ra mắt vào đầu tháng 8 vừa qua.
Mình ngỏ ý mượn của cậu chiếc smartphone này về để sử dụng chung với 'hậu duệ' Note 10 , và đó là lý do ra đời của bài viết này. Và quả thực mình cũng cảm thấy tò mò: thị trường công nghệ nói chung và dòng Samsung Note (được mệnh danh là ông vua của smartphone Android) đã thay đổi như thế nào trong 6 năm qua?
Nói một cách thật lòng thì trước đây mình không có thiện cảm với Samsung cho lắm. Trong khi Apple với dòng iPhone và một số smartphone Android khác đã chuyển qua sử dụng kim loại để làm vỏ, Samsung từ tầm thấp đến tầm cao vẫn sử dụng nhựa làm vật liệu chủ yếu, trong đó có mặt bên được sơn giả kim loại rất dễ bong tróc. Hãng trong một thời gian dài cũng có giao diện rất xấu, thậm chí đến mức khó sử dụng.
Cả 2 điều này sẽ được nói rõ hơn khi ta 'nói xấu' chiếc Galaxy Note 3, nhưng có lẽ trước tiên ta sẽ điểm mặt những ưu điểm lớn của chiếc smartphone 6 năm tuổi này so với phiên bản kế nhiệm của năm 2019.
Một ý tưởng rất hay, và mình nhớ là chỉ duy nhất chiếc Galaxy Note 3 có đó là phần vỏ smartcover được gắn liền vào nắp lưng, nên ta không cần phải mua bất cứ vỏ ốp nào ở bên ngoài. Gọi đây là 'smart'-cover (vỏ thông minh) vì nó có sự tương tác với máy, chỉ cần đóng vào là máy tự động chuyển vào chế độ hiện qua cửa sổ nhỏ, mở nắp ra thì máy cũng tự động mở lên.
2 ưu điểm nữa mà Note 10 và tất cả những smartphone khác trên thị trường đều phải 'chào thua' Note 3 của 6 năm trước đó là cổng 3.5mm và khả năng tháo nắp lưng để thay pin. Là một người thích nghe nhạc bằng tai nghe không dây, mình đôi phần thất vọng với Samsung khi hãng quyết định từ bỏ cổng 3.5mm trên sản phẩm Note 10. Hiện nay những cặp tai nghe không dây đã tốt hơn và rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm Apple bắt đầu từ bỏ cổng 3.5mm, nhưng dòng Note từ trước đến nay luôn là dòng 'cái gì cũng có', nên việc nó không có một tính năng cơ bản như vậy thì cũng thật lạ.
Khả năng thay pin cũng rất đáng để nói, ta hoàn toàn có thể sắm một pin viên pin thứ 2, gắn nó vào và sử dụng ngay khi viên pin trong máy cạn kiệt. Hoặc với những ai đã sử dụng máy quá lâu, viên pin đầu tiên bị 'chai' và hết sạc nhanh thì có thể thay thế một cách dễ dàng, không cần nhờ tới những người có tay nghề.
Nhưng có lẽ ta cũng không phải nhìn đâu xa để thấy được những yếu điểm của dòng máy cũ này trong thời điểm 2019. Đối diện với cổng 3.5mm là cổng sạc, dùng chuẩn Micro-B gen 2. Đây là một chuẩn thường được dùng trong các bộ nhớ gắn ngoài, chứ không bất cứ hãng nào sử dụng trên smartphone ngoài Samsung cả! Ta vẫn có thể sạc được bằng dây cắm micro USB thông thường, nhưng sẽ hở ra 1 lỗ nhỏ ở bên cạnh và dễ tuột hơn hẳn so với các máy khác.
Ưu điểm về phần vỏ da gắn liền nhanh chóng trở thành nhược điểm nếu ta nhìn vào tình trạng của nó hiện nay. Phải công nhận rằng thằng bạn mình sử dụng máy rất giữ gìn, vì mặc dù máy mua cùng thời với chiếc LG G2 của mình nhưng máy vẫn chưa sứt mẻ quá nhiều, nhưng riêng phần vỏ da thì không thể tránh được tình trạng xuống cấp. Đây cũng là lý do tại sao Samsung chỉ thử nghiệm nó trong dòng máy này, và nhanh chóng từ bỏ nó trong những phiên bản sau đó.
Đặt cạnh chiếc Galaxy Note 10 , ta thấy rõ được sự thay đổi của Samsung và cả thị trường smartphone nói chung. Note 3 có thiết kế vuông vức, kèm theo đó là có cạnh viền dày do công nghệ thiết kế máy và màn hình chưa hiện đại được như hiện nay. Chất lượng hoàn thiện của Note 10 và các máy tầm cao của Samsung cũng đã tốt hơn rất nhiều so với trước, chuyển từ nhựa sang nhôm và kính - cứng cáp, đẹp mắt và chắc chắn sẽ khôngs xảy ra hiện tượng bong tróc như nhựa sơn giả kim loại như Note 3.
Nhưng cũng phải công nhận một điều, đó là màn hình của Galaxy Note 3 đến hiện nay vẫn chưa đến mức quá lỗi thời. Máy có màn hình 5.7 inch độ phân giải FullHD, là tấm nền AMOLED có độ đậm màu và tương phản vượt trội so với chiếc LG G2 có màn hình LCD thông thường. Song tất nhiên nó không thể bì được với màn hình vô cùng tuyệt vời của chiếc Galaxy Note 10 : to hơn tới 1.1 inch, tràn tới tất cả mọi cạnh, có viền cong tăng tính thẩm mỹ, độ sáng cao hơn rất nhiều, chất lượng màu sắc cũng được điều chỉnh phù hợp hơn, không còn bị quá rực như ở Note 3.
'Đặc sản' của các dòng máy Note là ở bút S Pen, và chi tiết này cũng đã trải qua sự nâng cấp rõ rệt. Bút S Pen của Note 3 không có lò xo, nên người dùng sẽ phải dùng móng tay để 'cậy' ra! Mặc dù có Bluetooth, cảm biến hồi chuyển và gia tốc kế để thêm các thao tác từ xa nhưng bút của Galaxy Note 10 vẫn nhỏ nhắn hơn so với của Note 3, thật là lạ!
Điểm thú vị là bút của cả 2 máy đều sử dụng chung được cho nhau, nhưng vì một lý do nào đó mà bút của Note 10 cho cảm giác 'mượt' hơn, không bị mất nét nhiều như ở Note 3. Rất có thể do thời gian sử dụng lâu nên ngòi của bút Note 3 đã bị xuống cấp nhiều, nên sự so sánh này là không thực sự công bằng.
Mở màn hình lên, ta nhìn thấy ngay một tính năng mà bất cứ smartphone hiện đại nào cũng có, nhưng lại thiếu hụt ở những dòng máy thời xưa: hệ thống mở khóa bằng sinh trắc. Note 3 không có cảm biến vân tay, không có mở khóa bằng mặt, nên mình cảm thấy như một 'người tối cổ' khi phải nhấn mật khẩu hoặc vẽ để mở khóa. Ngược lại, Note 10 hiện đại hơn hẳn với hệ thống mở khóa mặt và cả cảm biến vân tay siêu âm trong màn hình.
Và khi mở được khóa, mình hiểu được lý do tại sao nhiều người chê giao diện Samsung trong quá khứ: nó quá nhiều màu sắc và rối mắt. Hình ảnh chứa đựng hàng ngàn lời nói, nên mình sẽ không cần phải giải thích giao diện cũ của Note 3 xấu như thế nào, các bạn chỉ cần nhìn hình ảnh là thấy!
Giao diện trước đây của Samsung lấy ý tưởng từ 'nước, cả về hình ảnh lẫn âm thanh
Đó là còn chưa nói tới việc những máy Galaxy trước đây có lượng phần mềm rác cài sẵn (bloatware) nhiều hơn một cách đáng kể so với hiện nay. Việc Samsung 'thay máu' toàn bộ giao diện bằng OneUI là một trong những quyết định đúng đắn nhất của hãng, giúp cho các dòng máy mới có trải nghiệm toàn diện, cao cấp hơn hẳn.
Một điều không nói ai cũng biết, đó là hiệu năng của Galaxy Note 10 cao hơn chiếc...Galaxy Note 3 của 6 năm về trước. Vi xử lý Exynos 5420 Octa (trên tiến trình 28nm) của Note 3
trước đây có thể đáp ứng được mọi tác vụ, thì phải nói là đã trở nên quá tệ cho thời điểm hiện nay. So về điểm hiệu năng, vi xử lý Exynos 9825 (tiến trình 7nm) thường cao hơn so với 800 khoảng 4 - 5 lần về CPU, và từ 2.5 - 3 lần về GPU.
Trải nghiệm thực tế cũng thể hiện rõ những số điểm này. Chiếc Note 3 làm mọi việc đều quá chậm, những thao tác đơn giản như mở ứng dụng, chụp hình, mở trang web mới ở trình duyệt cũng chậm hơn cả chiếc Realme 2 Pro với Snapdragon 660 (một chip tầm trung, cũng không còn mới nữa), chứ chưa muốn so với Note 10 với Exynos 9825 (có điểm số ngang ngửa Snapdragon 855).
Một hiện tượng rất hay xảy ra ở Galaxy Note 3, có thể là sự kết hợp của vi xử lý hiệu suất thấp (dễ bị quá nhiệt) và viên pin đã quá yếu theo năm tháng, đó là khi thực hiện các tác vụ nặng như chạy benchmark, chơi game máy có thể bị thoát ra màn hình chính hoặc thậm chí tắt hẳn nguồn. Để trải nghiệm hiệu năng của máy, mình có thử tải và chơi Liên Quân Mobile. Nhưng đến khi vào trận đấy, Note 3 bỗng tắt 'phụt' mặc dù pin vẫn còn tới 20%. Hậu quả tai hại là mình bị trừ điểm tín nhiệm vì bỏ game, chỉ vì 'tội' muốn thử chơi ở một smartphone của 6 năm trước!
Một khía cạnh nữa cũng có sự khác biệt rõ rệt đó là khả năng chụp hình. Thời Galaxy Note 3 được ra mắt, việc một smartphone có nhiều camera sau vẫn chỉ là ý tưởng trong đầu của một kỹ sư nào đó, chứ chưa thành hiện thực. Nhưng đến nay, các smartphone tầm thấp đến trung cũng có tới 2,3 thậm chí 4 camera sau, cùng hệ thống xử lý ảnh vượt trội.
Camera chính của Note 3 có độ phân giải 13MP, tức cao hơn cả Note 10 (12MP), nhưng qua hình ảnh so sánh phía trên ta có thể thấy được Note 10 tốt hơn quá nhiều, khá là hài hước! Hình ảnh từ Note 3 có màu sắc rất bệt, khả năng giữ dải nhạy sáng (DR) quá kém nên có những chi tiết vùng tối bị mất hoàn toàn. Ngược lại, Note 10 cho một bức hình tươi sáng, màu sắc đậm đà và giữ được đủ mọi thành phần từ sáng đến tối. Đến đây ta rút ra một bài học: độ phân giải chỉ là một yếu tố rất nhỏ quyết định chất lượng hình ảnh.
Chất lượng ảnh của Galaxy Note3 trong thời điểm hiện nay là không thể chấp nhận được!
Không dừng lại ở đó, như đã đề cập thì các smartphone hiện nay đều có đa camera, từ đó gia tăng tính tiện dụng cho việc chụp hình. Note 10 có 3 camera ở 3 dải tiêu cự siêu rộng, thông thường và zoom 2x. Đứng một chỗ mình có thể chụp được một lúc 3 hình ảnh khác nhau mà không làm giảm chất lượng ảnh, điều mà Note 3 phải 'bó tay'.
Đó là còn chưa kể tới khả năng quay phim rất mạnh mẽ của Note 10 , với chất lượng 4K, tính năng xóa phông theo thời gian thực, cắt ghép và chỉnh sửa ngay trên máy. Nếu chụp hình Note 3 đã không làm tốt, thì không cần phải so về chất lượng video ta cũng hiểu được là sự cách biệt xa đế mức nào.
Sự thay đổi nhỏ vô cùng nhưng cũng có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm thực tế đó là bộ rung. Note 3 được trang bị một bộ rung rất yếu, kèm theo đó là có độ trễ cao nên cho trải nghiệm sử dụng rất rẻ tiền. Galaxy Note 10 hay những chiếc máy tầm cao hiện nay đều có bộ rung chất lượng cao hơn rõ rệt - rung mạnh, nhanh và chính xác - cho cảm giác vật lý (tactile) vượt trội hoàn toàn.
Mỗi bài viết đều phải có lời kết, và mỗi câu chuyện đều phải có bài học được rút ra. Qua 2 tuần 'hai tay hai súng' bộ đôi Galaxy Note 3 và Note 10 , mình nhận ra 2 điều:
- Thế giới smartphone nói chung và Samsung đã trải qua một thời kỳ đổi mới vượt bậc. Những dòng máy 'đỉnh cao' thời xưa giờ đã trở nên xấu xí, với cấu hình yếu đến mức ảnh hưởng đến việc sử dụng hàng ngày. Nói một cách hẹp hơn, thì Samsung cũng đã có nhiều sự thay đổi cho smartphone của mình từ ngoài vào trong, thể hiện nhất là ở dòng Galaxy Note. Và nếu không có những sự thay đổi đó, có lẽ hãng đã không trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất Thế giới ở thời điểm hiện tại.
- Mình hiểu hơn tâm lý của những người mỗi năm đều thay đổi smartphone, và toàn chọn những dòng máy cao cấp nhất. Đối với họ, chiếc smartphone không còn là một thứ dùng để nghe gọi, một công cụ phục vụ cuộc sống mà trở thành một thú chơi. Và cũng giống những thú chơi khác, việc có một chiếc máy cao cấp nhất, đẹp nhất trở thành một điều thiết yếu.
Galaxy Note 3, Realme 2 Pro mình đang dùng hay Galaxy Note 10 cũng đều là smartphone, đều có thể làm được những tác vụ cơ bản. Thế nhưng một chiếc máy tầm cao, hiện đại đem lại người dùng một trải nghiệm toàn diện hơn, và quả thực là cầm trên tay cũng 'sang' hơn rất nhiều. Mình chắc chắn sẽ cảm thấy rất hụt hẫng khi phải trả lại chiếc Note 10 để trở lại với Realme 2 Pro!
Bài viết này nói về một chiếc smartphone của 6 năm về trước, để rút ra 2 kết luận mà bất cứ ai cũng đã biết từ lâu, nên quả thực mình cảm thấy nó thật là vô dụng! Có lẽ bài viết chỉ dùng để mình kể về 'cuộc phiêu lưu' của trong Thế giới công nghệ, và sự thay đổi về nhận thức của cá nhân, mong rằng bạn đọc vẫn sẽ cảm thấy nó đủ thú vị để đọc được đến những dòng cuối cùng này!