Hàng ngàn loài sinh vật tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu, tại sao chỉ riêng sứa sinh sôi mạnh?
Những con sứa đã trở thành công dân của biển cả trong hơn 500 triệu năm qua.
Thế giới của chúng ta đang ở giữa một giai đoạn mà các nhà khoa học gọi là "cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu".
Theo một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, khoảng 500.000 cho đến 1 triệu loài thực vật và động vật đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn khỏi Trái Đất. Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái, đại dương ấm lên và những hậu quả khác của biến đổi khí hậu đang làm sụt giảm sinh khối của cả hành tinh trên một quy mô chưa từng thấy.
Vậy mà giữa những biến động lớn của cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu ấy, có một nhóm sinh vật dường như không hề bị ảnh hưởng. Một cách rất vô tư và bàng quan, những sinh vật kỳ lạ này cũng đã sống sót qua năm cuộc đại tuyệt chủng trước đó. Chúng là những con sứa!
Biến đổi khí hậu làm tuyệt chủng hàng ngàn loài sinh vật, nhưng chỉ riêng sứa lại sinh sôi phát triển
Trong suốt hơn 500 triệu năm, những con sứa đã lang thang khắp các đại dương trên Trái Đất. Những công dân của biển cả này thuộc vào hơn 4.000 loài khác nhau, mà chỉ trong hai thập kỷ, số lượng cá thể của chúng đột nhiên tăng vọt khắp nơi trên Trái Đất.
Một loài được gọi là "jellyfish blooms" hay sứa nở hoa thậm chí đang xâm chiếm các bãi biển. Chúng phát triển quá độ đến nỗi giết chết được cả các loài cá khác trong vùng.
Nghiên cứu gần đây tiết lộ sự phát triển đột biến trong quần thể sứa cũng có thể liên quan đến hoạt động của con người.
Khi khí thải nhà kính tạo ra những bẫy nhiệt trên hành tinh, các đại dương phải nóng lên để hấp thụ 93% lượng nhiệt dư thừa đó. Không giống như nhiều loài sinh vật biển khác bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng này, sứa có thể phát triển mạnh trong môi trường nước ấm hơn với ít oxy hơn.
Ngoài ra, những thiên địch của loài sứa như rùa và cá mập đang bị con người đánh bắt quá mức, càng tạo điều kiện cho loài sinh vật cổ xưa này phát triển ngoài sức tưởng tượng. Một Trái Đất nóng lên đang trở thành thiên đường cho loài sứa, những đó lại không phải là tin vui cho các loài sinh vật khác, bao gồm cả con người chúng ta.
Hãy cùng tìm hiểu tại sao lại vậy:
Sứa là những sinh vật có cấu tạo rất đơn giản. Tới 95% cơ thể chúng là nước. Sứa không có não, dạ dày, hệ tiêu hóa hay phổi.
Thay vào đó, cả chất dinh dưỡng và oxy đều được hấp thụ qua lớp da trong suốt của chúng.
Sứa di chuyển bằng cách co rút cái đầu hình nấm của nó, hút và đẩy nước ra phía sau, tạo ra phản lực khiến chúng bơi được về phía trước.
Phía sau đầu sứa là những xúc tu dùng để săn mồi. Thông thường, các xúc tu này sẽ lướt qua những sinh vật bé nhỏ, tiết độc làm bất hoạt chúng. Sau đó, sứa lại dùng chính xúc tu để đưa con mồi vào khoang cơ thể, nơi chúng bắt đầu tiêu hoá con mồi.
Sứa là một loài sinh vật cơ hội, điều đó có nghĩa là chúng sẽ tiêu hóa bất kể thứ gì chúng ăn được: từ những sinh vật phù du bé nhỏ, ấu trùng của các loài cá hoặc giáp xác…
Sứa thậm chí còn ăn thịt cả đồng loại của mình.
Một cơ thể đơn giản, không có bất kỳ bộ phận hay cơ chế phức tạp nào lại là thứ giúp sứa dễ thích nghi với những biến động mạnh trong lòng đại dương.
Chúng không dễ gì bị tổn thương bởi nhiệt độ, độ axit và độ mặn của nước như các loài sinh vật khác.
Trong vòng 100 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình trên bề mặt các đại dương đã tăng khoảng 0,9 độ C. Năm ngoái, mức nhiệt của các đại dương đã chạm ngưỡng kỷ lục.
Nước ấm hơn cũng có nghĩa là biển sẽ chứa ít oxy hơn. Tác động kép này đã làm tổn thương nghiêm trọng nhiều loài sinh vật biển, như san hô. Những nó chẳng vần gì đối với những con sứa. Trên thực tế, ở những vùng đại dương có vĩ độ trung bình, nước ấm hơn lại đang khiến phôi và ấu trùng sứa phát triển nhanh hơn. Những con sứa vì thế cũng có mùa sinh sản dài hơn.
Và nói về sinh sản, sứa là một loài cực kỳ "mắn đẻ". Một con sứa có thể sinh ra 45.000 quả trứng mỗi ngày.
Đáng ngạc nhiên, hoạt động vận chuyển hàng hải và công nghiệp khai thác dầu dưới biển cũng có lợi cho sứa, vì một trong những giai đoạn sinh sản của sinh vật này được gọi là giai đoạn polyp, đòi hỏi chúng phải định cư trên một bề mặt cứng.
Các chân giàn khoan và tàu biển khi đó trở thành một nơi lý tưởng để sứa phát triển, còn tốt hơn cả đá ngầm hay cát. Một lần nữa, polyp sứa cũng chịu được điều kiện oxy thấp.
Hoạt động nông nghiệp của con người tạo ra những thiên đường cho loài sứa.
Khi các con sông thu gom phân bón hòa vào đại dương, nó vô tình làm cho tảo và các sinh vật phù du ở đây phát triển mạnh. Sự tăng sinh của tảo làm cạn kiệt oxy trong nước và tạo nên các "khu vực chết" mà nhiều loài sinh vật biển khác không thể tồn tại.
Nhưng một số loài sứa vẫn có thể sống ở đó. Ngoài ra, bởi những con sứa ăn phù du, khu vực chết đối với các sinh vật biển khác lại trở thành thiên đường của chúng. Sứa có thể có được nguồn thức ăn dồi dào ở đây, không phải cạnh tranh với bất kỳ loài nào khác, và không bị thiên địch của chúng giết hại.
Kể từ thập niên 1960, số khu vực chết được ghi nhận ở các cửa biển đã tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Hiện tại, có khoảng 500 khu vực như vậy trên Trái Đất.
Hoạt động đánh bắt hải sản quá mức thúc đẩy sứa phát triển.
Thông thường, quần thể sứa sẽ phải chịu sự kiểm soát của những kẻ săn mồi như rùa biển và cá ngừ. Nhưng những quần thể đó hiện đang bị thu hẹp do hoạt động đánh bắt quá mức của con người. Trong hai thập kỷ qua, mỗi năm có khoảng 100 triệu đến 120 triệu sinh vật biển đã bị mang ra khỏi lòng đại dương.
Ngoài ra, việc đánh bắt các sinh vật như cá cơm và mực, những loài ăn phù du, cũng giúp sứa loại bỏ được những kẻ cạnh tranh thức ăn với mình. Con người càng đánh bắt nhiều hải sản, sứa càng có cơ hội phát triển.
Một nghiên cứu năm 2012 của Đại học British Columbia kết luận rằng dân số sứa đang gia tăng trong phần lớn các hệ sinh thái biển và bờ biển.
Và điều này có liên quan đến hoạt động của con người.
Các quần thể sứa phát triển bùng phát hoặc nở hoa.
Những bông hoa nhìn thì đẹp, nhưng lại có thể gây ra một loạt các vấn đề.
Hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 150 triệu ca bị sứa chích.
Mặc dù không phải loài sứa nào cũng có độc hoặc gây ra những vết chích đau đớn, nhưng một số loài sứa có vết chích thực sự nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Ví dụ như loài sứa Chironex fleckeri này có thể giết chết bạn chỉ trong vòng 3 phút.
Nọc độc mà sứa tiết ra nhắm thẳng vào tim và hệ thần kinh. Nó cũng có thể tung ra một đòn chí tử vào những người đang bơi, khiến họ chết đuối hoặc trụy tim trước khi vào được bờ.
Vào tháng 1 năm 2019, khoảng 4.000 người tắm biển ở Queensland, Australia đã bị tấn công bởi một đợt sứa chai xanh trôi dạt vào bờ.
Trước đó, năm 2008, hạt Volusia, bang Florida, Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận hơn 1.000 người ở bị sứa chích khi chúng nở hoa tại một vùng biển ngoài khơi hạt này.
Với số lượng lớn, sứa có thể làm tắc các đường ống của nhà máy điện, buộc chúng phải dừng hoạt động.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 1999, 40 triệu người sống trên đảo Luzon của Philippines đã bị mất điện sau khi hàng ngàn con sứa bị hút vào ống làm mát của một nhà máy nhiệt điện địa phương.
Năm 2011, sứa cũng đã hạ gục hệ thống làm mát tại một nhà máy nhiệt điện ở Israel.
Hai năm sau, sứa bị hút vào ống làm mát của một lò phản ứng hạt nhân ở Thụy Điển, khiến nó phải ngừng hoạt động.
Sứa cũng có thể gây tử vong cho các loài sinh vật biển khác.
Năm 2017, một đàn sứa tím đã phát triển bùng nổ trên diện tích 10 dặm vuông ngoài khơi Ireland, giết chết khoảng 100.000 con cá hồi.
Nhìn chung, các nghiên cứu và thực tế ngày nay đang cho thấy hệ sinh thái dưới nước đang chuyển mình. Chúng ta cứ nghĩ vua của biển cả là những loài cá, nhưng tới giờ, có lẽ sứa mới chính là loài sinh vật đang thống trị trong lòng các đại đương.
Loài sinh vật này đã sống suốt 500 triệu năm và không biết chúng sẽ còn sống đến khi nào, sau khi tất cả chúng ta đã tuyệt chủng?
Tham khảo Businessinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng