(GenK.vn) - Xiaomi, hãng smartphone đã vượt qua cả Apple lẫn Samsung ở thị trường Trung Quốc đang chuẩn bị gia nhập thị trường nước ta.
Theo nguồn tin từ một nhà mạng, Xiaomi đang đàm phán gia nhập thị trường Việt Nam và nội dung cuộc đàm phán với các nhà mạng là việc Xiaomi muốn được bán hàng trên kênh phân phối của các nhà mạng. Kênh phân phối của các nhà mạng hiện tại có thể là hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ như Viettel, hay hệ thống phân phối điện thoại qua cửa hàng viễn thông VNPT.
Tin tức về việc Xiaomi tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam đã được biết tới vào cuối năm trước. Nhưng lý do khiến hãng này chưa chính thức ra mắt thị trường nước ta là do “Xiaomi muốn có được sự hợp tác của nhiều kênh phân phối trước khi ra mắt sản phẩm, vì hiện tại có rất nhiều đối thủ Trung Quốc tại thị trường Việt Nam”, một nguồn tin đang làm việc trong hệ thống bán lẻ đồ điện tử, điện máy cho GenK biết.
Trừ Lenovo đã có mặt ở thị trường Việt Nam khá sớm với các sản phẩm feature phone, thì khoảng thời gian gần đây rất nhiều hãng smartphone Trung Quốc đã công bố chính thức việc gia nhập thị trường. Một số hãng như Oppo hay Haier thì tự thiết lập hay góp vốn vào các chuỗi cửa hàng, trong khi một số hãng khác như Gionee hay Huawei thì bán hàng thông qua các chuỗi bán lẻ.
Xiaomi thường được truyền thông phương Tây gọi là “Apple của Trung Quốc” do sự phát triển cực nóng của công ty công nghệ này. Thêm vào đó, CEO của Xiaomi, Lei Jun có phong cách ăn mặc và diễn thuyết khá giống với Steve Jobs. Trong quý vừa rồi hãng bán được 11 triệu thiết bị và ước tính sẽ bán được 60 triệu thiết bị vào cuối năm nay.
CEO Xiaomi (trái) có phong cách ăn mặc và thuyết trình khá giống Steve Jobs.
Tuy chỉ mới 3 năm tuổi, nhưng giá trị vốn hóa của Xiaomi đã lên tới hơn 10 tỷ USD. Dù vậy, tên tuổi của hãng chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, nơi hãng vừa mới vượt qua Samsung để vươn lên vị trí số 1 trong quý vừa qua, theo NPD Group.
Nhưng trong thời gian gần đây, Xiaomi cho thấy tham vọng vươn ra toàn cầu của hãng, mà trước mắt là các nước xung quanh khu vực châu Á. Xiaomi đã làm thế giới công nghệ chấn động khi chiêu mộ được Phó chủ tịch Google phụ trách Android Hugo Barra.
Các sản phẩm của Xiaomi được đánh giá là bán với giá khá rẻ và chất lượng ổn định, theo PcWorld. Để giảm giá thành sản xuất, Xiaomi hạn chế việc bán điện thoại qua các cửa hàng và quảng cáo. Thay vào đó, hãng bán sản phẩm chủ yếu qua mạng và gầy dựng một cộng đồng fan lớn để giúp quảng bá sản phẩm. Hãng cũng bản thêm phần mềm và vật phẩm ảo trên thiết bị để kiếm thêm lợi nhuận.
Vào hồi giữa tháng 2 năm nay, Xiaomi bắt đầu hiện thực hóa việc xâm chiếm toàn cầu bằng màn ra mắt ở Singapore. Tại đây, Xiaomi đã bán smartphone cao cấp nhất của hãng là Mi-3 với giá khoảng 332 USD, và sản phẩm giá rẻ Redmi với giá 134 USD. Trong bước đi tấn công thị trường Singapore, Xiaomi cũng giới thiệu nhiều bước bản địa hóa, bao gồm nền tảng MIUI dành riêng cho thị trường Singapore và một số app địa phương hóa.
Thứ 3 vừa rồi, Xiaomi cũng vừa ra mắt tên miền mới để phục vụ quá trình thâm nhập các nước khác trên thế giới. Và hãng cũng tuyên bố việc sẽ mở rộng ra 10 thị trường mới bao gồm 5 nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và một số thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Xiaomi vào Việt Nam sẽ khiến cuộc chiến về smartphone giữa các hãng sản xuất ngày càng trở nên nóng hơn. Việt Nam hiện nay hội tụ khá nhiều thương hiệu smartphone quốc tế và Trung Quốc. Và hầu hết các đối thủ này đều đang chào bán những sản phẩm Android với cấu hình cao và giá cũng không đắt hơn sản phẩm Xiaomi. Vì thế, có lẽ người dùng Việt sắp đón nhận một làn sóng giảm giá đi kèm những tiện ích gia tăng giá trị cho người dùng smartphone từ các thương hiệu điện thoại này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng