Hành trình đưa Axie Infinity thành game NFT gây sốt toàn cầu của CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung

    Nhiên Nhiên , viettimes.vn 

    'Nghiện' game từ nhỏ, đến mức bỏ ăn, bỏ học, niềm đam mê công nghệ đã giúp Nguyễn Thành Trung gây dựng Axie Infinity trở thành game NFT đắt giá nhất thế giới.

    Nhiều năm sau Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, cộng đồng game thế giới mới sục sôi bởi một tựa game do người Việt Nam phát triển. Đó chính là Axie Infinity.

    "Khi bắt đầu, không ai biết Axie Infinity là của người Việt. Bởi ban đầu, một startup không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ việc làm sao kết hợp văn hóa vào sản phẩm, vì họ còn quá nhiều vấn đề phải nghĩ như làm thế nào để sống sót", Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập và CEO Sky Mavis, đơn vị sở hữu tựa game Axie Infinity, chia sẻ như vậy tại một sự kiện hồi tháng 4/2022.

    Hành trình đưa Axie Infinity thành game NFT gây sốt toàn cầu của CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung - Ảnh 1.


    Khởi đầu cho làn sóng game kiếm tiền (“play to earn”) và cũng là nhà sáng lập một trong những tựa game NFT đắt giá nhất thế giới, Nguyễn Thành Trung được coi là đại diện “tinh hoa” cho thế giới tiền mã hóa (crypto) của Việt Nam. Trung từng lọt top 10 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới crypto vào năm 2021, theo bảng xếp hạng được công bố bởi CoinDesk.

    Sinh năm 1992, Nguyễn Thành Trung là học sinh chuyên Toán - Tin (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và được tuyển thẳng vào Đại học FPT và theo học ngành Kỹ sư phần mềm.

    Tuy nhiên, đến năm thứ 2, chàng trai 9x đã quyết định tạm dừng việc học để khởi nghiệp với Lozi – tiền thân của Loship (một startup về ẩm thực) - với vai trò là CTO (Giám đốc công nghệ) của startup này.

    Không đạt được sự đồng thuận với những nhà sáng lập khác của Lozi, Trung rời khỏi dự án, ở ẩn một thời gian sau đó quay trở lại tiếp tục hoàn thành những năm còn lại của bậc đại học.

    Hành trình đưa Axie Infinity thành game NFT gây sốt toàn cầu của CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung - Ảnh 2.

    CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung

    Mối duyên với Blockchain

    Sau khi tốt nghiệp đại học, mang tâm thế đi tìm mục tiêu của đời mình, Trung đã “va” phải blockchain.

    Trả lời phỏng vấn một tờ báo, Trung từng chia sẻ, mình ghét blockchain vì mọi người nhắc đến công nghệ này thường nói về giá Bitcoin và các cuộc ICO (huy động tài chính cho các dự án tiền điện tử).

    Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kĩ về blockchain và chơi thử một game có sự kết hợp với blockchain, CryptoKitties, anh nhận ra việc sử dụng như thế nào là do con người quyết định.

    Trong giai đoạn này, Trung gặp các nhà đồng sáng lập của Axie Infinity. Hai trong số năm co-founder là người nước ngoài, bao gồm Aleksander Leonard Larsen từ Na Uy và Jeffrey Zirlin từ Mỹ.

    "Tôi gặp 2 co-founder của mình trên internet bởi có cùng sở thích và quan tâm đến game blockchain. Trong thời gian đầu tiên gây dựng đội ngũ, 2 đứa ở 3 nước, tôi ở Việt Nam – Aleksander Larsen (COO) ở Na Uy và Jeffrey Zirlin (Growth Lead) đang ở Mỹ”, Trung kể lại.

    Dự án được chính thức khởi động vào cuối năm 2017. Ban đầu Axie Infinity chỉ đơn giản là game ứng dụng blockchain, chứ chưa có cái tên game NFT.

    Đây là tựa game sử dụng công nghệ blockchain đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được xây dựng với bối cảnh là một vũ trụ của các thú cưng (gọi là các Axie).

    Khi đã có sản phẩm, Axie Infinity bắt đầu gọi vốn cộng đồng bằng cách cho mọi người đặt hàng các nhân vật trong game. 500.000 USD là số tiền đầu tiên mà nhóm khởi nghiệp huy động được.

    Trung nhận thấy, cầm tiền của mọi người thì phải thật sự có trách nhiệm với số tiền này. Chính vì vậy, anh quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian cho game Axie Infinity, chứ không chỉ còn là sở thích cá nhân và một sự phiêu lưu không tính toán nữa.

    Hành trình đưa Axie Infinity thành game NFT gây sốt toàn cầu của CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung - Ảnh 3.

    Axie Infinity - game NFT đắt giá nhất thế giới (Ảnh: Asia Crypto News)

    Tiên phong game NFT

    Mùa hè năm 2020, Axie Infinity đã trở thành một hiện tượng ở Cabanatuan phía bắc thủ đô Manila, Philippines. Không thể ra ngoài do các biện pháp phòng dịch Covid-19, người dân ở đảo quốc tìm đến trò chơi này để kiếm tiền.

    Từ vật phẩm, quà tặng kiếm được trong game, người chơi có thể "đồng bộ hoá và hoán đổi" đồng AXS thông qua Ethereum (giao dịch theo cặp AXS/ETH trên các sàn tiền số). Kỷ lục cao nhất mà một Axie được bán gần đây là 300 ETH (gần 1,6 tỷ đồng).

    Điểm khiến cho tựa game nổi tiếng toàn cầu đó là giúp các game thủ vừa thỏa mãn sở thích chơi game lại vừa kiếm được tiền. Và Axie Infinity chính là nhà tiên phong hết sức thành công của làn sóng chơi game kiếm tiền trên thị trường tiền mã hóa.

    Tháng 5/2021, Trung và đội ngũ sáng lập thực hiện vòng series A thành công cho Axie Infinity với con số ấn tượng 7,5 triệu USD.

    Đến tháng 10/2021, Axie Infinity thực hiện thành công vòng gọi vốn series B với con số lên tới 152 triệu USD. Nhờ vậy, Sky Mavis trở thành “kỳ lân công nghệ” thứ 3 của người Việt được định giá trên 1 tỉ USD, đạt 1 triệu người dùng hàng ngày vào thời điểm tháng 8/2021 và có định giá lớn nhất là hơn 4 tỉ USD.

    Bên cạnh nhà đồng sáng lập là người Việt, Sky Mavis có đội ngũ khoảng 200 nhân sự trên khắp thế giới.

    Tháng 3/2022, Axie Infinity đứng trước một thách thức vô cùng lớn – bị hacker cướp đi số tiền mã hóa trị giá 625 triệu USD.

    Đây là một sự kiện gây chấn động trong giới và đông đảo người chơi do vị thế dẫn đầu của tựa game trong làng game blockchain. Vụ hack buộc Sky Mavis phải đóng cửa hệ thống của Axie Infinity để ngăn việc rút token ồ ạt.

    Để giải quyết khủng hoảng, Sky Mavis đã kêu gọi thành công 150 triệu USD trong một vòng gọi vốn do sàn giao dịch Binance dẫn dắt, theo Nikkei.

    Số tiền được dùng để đền bù cho người dùng chịu ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Động thái vô cùng quan trọng có thể giúp lấy lại niềm tin của người dùng.

    "Tất cả thành viên của Sky Mavis chưa bao giờ có ý định dừng lại. Bây giờ muốn đi tiếp cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải giữ được uy tín, khắc phục hậu quả và trả lại tiền đã mất cho người dùng", Trung chia sẻ quan điểm ngay sau khi xảy ra sự cố.

    “Muốn khởi nghiệp thành công cần nghĩ lớn, đặt mục tiêu lớn hơn và dám làm, dám đương đầu với thách thức. Và khởi nghiệp là hành trình không hề đơn giản, phải kiên trì và kiên trì”, Trung nói. Có lẽ cũng vì thế, tựa game mà anh sáng lập không ngừng phát triển, đổi mới.

    Tháng 9/2022, Hội nghị AxieCon được tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha) thu hút hơn 1.000 khách tham dự từ khắp thế giới.

    Sky Mavis tiết lộ rằng Axie Infinity: Origin sẽ được đổi tên thành 'Axie Infinity: Origins' để tạo ra một thương hiệu khác biệt hơn.

    Sky Mavis cũng chia sẻ một dự án dài hơi mang tên “Land” với tham vọng “phá vỡ ranh giới hiện có” của những trò chơi trong nền tảng Web3.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày