Hành trình săn lùng kho báu Đức Quốc xã kéo dài đã gần một thế kỷ, đâu là nơi đỗ cuối cùng của những con tàu chở hàng tấn vàng?
Nhiều người dân địa phương còn sống sót qua Thế chiến II kể rằng, họ đã tận mắt chứng kiến những hàng dài các đoàn xe chất theo vô số kho báu đến khu vực dãy núi Owl Mountains và chưa bao giờ quay trở lại.
Đã hơn 70 năm trôi qua, và cuộc hành trình săn tìm kho báu quân Phát xít để lại đã thu hẹp phạm vi về một góc nhỏ phía Tây Nam đất nước Ba Lan. Đệ Tam đế chế đã dựng lên một mạng lưới đường hầm sâu trong dãy núi Owl Mountains vào khoảng thời gian 1943 – 1945, dưới cái tên Dự án Riese. Mục đích của dự án Riese vẫn chưa được làm sáng tỏ, có thể nó được dùng để che giấu những khí tài bí mật của Đức quốc xã, hoặc cũng có thể, nó được dùng để xây dựng nên thành trì phòng thủ kiên cố cuối cùng của Hitler.
Dù kế hoạch của quân Phát xít Đức có là gì đi nữa, nó cũng đã bị Hồng quân Liên Xô phá hỏng hoàn toàn. Năm 1945, khi Hồng quân đã tiến rất gần đến chiến thắng, Phát xít Đức quyết định phá sập hệ thống đường hầm này, nhằm che giấu vĩnh viễn kế hoạch của họ cùng lớp bụi đất dày đặc.
Nhưng các giai thoại vẫn truyền lại tới ngày nay. Các tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức, và một khối lượng vàng khổng lồ rất có thể đang nằm đâu đó tại khu vực này. Nhiều người dân địa phương còn sống sót qua Thế chiến II kể rằng, họ đã tận mắt chứng kiến những hàng dài các đoàn xe chất theo vô số kho báu đến khu vực dãy núi Owl Mountains và chưa bao giờ quay trở lại.
“Tôi hoàn toàn chắc chắn về sự tồn tại của những đoàn tàu hỏa dưới thời Phát xít Đức ở đâu đó trong khu vực đường hầm này.” – Rob Nelson, nhà địa chất học người Mỹ cho biết. “Mặc dù tôi đã làm việc với rất nhiều người dân bản địa trong một khoảng thời gian dài, nhưng vẫn còn quá nhiều dấu hỏi. Những dữ liệu chúng ta đã tìm thấy mới chỉ là 5% khối lượng của cải nằm tại đây. Phần còn lại, hoặc đã nổ thành tro bụi, hoặc đã nằm lại tại những khu vực biệt lập hoàn toàn.”
Rất có thể đây chỉ là những giai thoại kích thích trí tò mò của giới du lịch, nhưng những bằng chứng lịch sử về kho báu của Phát xít Đức là không hề ít. Một chuyến tàu tương tự, chứa đến hơn 5 tấn vàng, 500 kg kim cương và ngọc trai, 1250 bức tranh và hàng nghìn tấm lụa phương Đông, đã bị phe Đồng Minh đánh chặn và tịch thu. Và vùng lãnh thổ xung quanh dãy núi Owl Mountains, vốn thuộc quyền quản lý của Phát xít Đức, là nơi an tọa của rất nhiều cứ địa và nhiều tòa lâu đài, vốn được biết đến là địa điểm tích trữ của cải của Đệ tam Đế chế. Phần lớn số của cải này chưa bao giờ được khám phá ra.
Trong hành trình theo dấu kho tàng này, Nelson cùng các cộng sự của mình đã sử dụng công nghệ radar xuyên lòng đất, với cơ chế là sử dụng các xung điện từ đâm xuyên qua lòng đất dày đến hơn 3 mét, từ đó thu thập thông tin và xây dựng hình ảnh về những loại vật chất có dưới đó. Thêm vào đó, họ còn sử dụng cả thiết bị thăm dò điện chiếu trường, giúp họ tìm ra các mạch nước, các đường ngầm, các khoang rộng trong lòng đất.
Đây không phải là lần đầu tiên những công nghệ này được sử dụng vào việc truy tìm kho báu Đức quốc xã. Vào năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu và những người săn tìm kho báu nghiệp dư đã sử dụng những công nghệ này, khi một tên cựu phát xít đã để lại những chỉ dẫn cụ thể về kho tàng này ngay trước khi hắn qua đời. Nhưng hàng tháng trời trôi qua, công nghệ radar đâm xuyên lòng đất, các cảm biến nhiệt và từ trường cũng trở thành vô dụng. Họ chẳng thể tìm thấy bất cứ một vết tích nào về kho tàng này. Một cuộc thăm dò tiến hành vào năm 2016 cũng cho kết quả tương tự - không có đoàn tàu, không có hầm mỏ, chẳng có bất cứ một thứ gì.
Quay trở lại với cuộc tìm kiếm lần này, Nelson và Burns đã huấn luyện cho những cộng sự của mình tiến hành tìm kiếm tại các khu vực lân cận, nơi được cho là vị trí của các đoạn đường ray nhánh, nơi dẫn tới đoạn đường ray chính. Đây là những khu vực hoàn toàn mới mẻ và chưa từng có ai tiến hành khảo sát trước đây. Nelson cho rằng, ông đã tìm thấy nhiều manh mối về những đoạn đường ray này, nhưng chưa thể công bố thêm điều gì trước khi ông có được kết quả thực sự.
Cùng với đó, đoàn khảo sát cũng sử dụng cả máy LIDAR xách tay, công nghệ sẽ giúp họ phác họa lại bản đồ 3D của khu vực hầm mỏ này, nhờ vào các cảm biến laser siêu nhạy. Nhờ có công nghệ này, nhóm khảo sát đã lần đầu tiên dựng nên được tấm bản đồ 3D vô cùng chi tiết, thứ mà trước đây chỉ có thể được vẽ tay.
“Chúng ta cứ tưởng rằng Trái đất này gần như chẳng còn gì để khám phá. Nhưng chẳng ai biết được kế hoạch của Đức quốc xã là gì với khu vực đường hầm này. Những gì đã từng tồn tại, nay bị chôn vùi sâu dưới hàng chục mét đất đá, và tất cả những chỉ dẫn, những bản đồ và những bản kế hoạch đều đã bị tiêu hủy. Nhưng đó mới là thứ làm nên sự bí ẩn và thử thách.” – Nelson cho biết.
Tham khảo: Howstuffworks
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng