Hành trình trở thành huyền thoại thế giới của USB
Ngành công nghệ có thể đã khác nếu không có sự xuất hiện của khái niệm "USB".
Universal Serial Bus (USB) được coi là chuẩn kết nối có dây cho máy tính và nhiều thiết bị công nghệ khác như điện thoại, máy tính bảng... Chuẩn kết nối này được ra đời cách đây tròn 20 năm vào ngày 15 tháng 11 năm 1995 do 1 nhân viên của Intel khi đó là ông Ajay Bhatt tình cờ tạo nên.
Đã có quá nhiều câu chuyện về Ajay và phát minh của ông, nhưng ít ai để ý tới tầm ảnh hưởng mà USB đã tạo ra trong suốt 20 năm qua đối với ngành công nghiệp máy tính thế giới.
Sự phát triển
Trong một cuộc phỏng vấn với PCWorld, Ajay Bhatt tỏ ra rất hào hứng khi nói về phát minh của mình, cái cách mà ông tạo ra nó cũng như đem nó tới với cả thế giới. Dù vậy, Ajay chia sẻ với thái độ vô cùng khiêm tốn, về nguyên nhân ông tạo ra đơn thuần chỉ để giúp việc sử dụng máy in của vợ mình trở nên dễ dàng hơn.
Từ một căn nguyên vô cùng đơn giản, kết nối USB đã có những sự phát triển lớn sau đó, từ ngoại hình cho tới cách nó hoạt động. Những dạng USB đầu tiên chẳng thể đảo ngược, tốc độ chậm và giờ đây là USB Type-C tân tiến nhất, tất cả đã song hành cùng chiều dài của lịch sử máy tính trong 2 thập niên qua.
Chân dung người đàn ông phát minh ra chuẩn kết nối USB.
Trước khi có USB, người ta vẫn thường sử dụng FireWire, PS/2 hay kể cả là Ethernet để truyền thông tin và lệnh tới các thiết bị lưu trữ hay thiết bị ngoại vi khác. Mục tiêu của Ajay là tạo ra một tiêu chuẩn có khả năng phổ biến tốt hơn, đơn giản hơn, mạnh mẽ hơn và chi phí thấp. Dù thế, Ajay từng bị hất cho 1 gáo nước lạnh ngay khi ông nêu ý tưởng của mình cho cấp trên tại Intel. Đồng thời việc tìm kiếm 1 khách hàng bỏ tiền để mua phát minh đó cũng là điều không tưởng, bởi không mấy ai cảm thấy hứng thú với 1 chuẩn kết nối mới, có thể làm mọi thứ trở nên phiền toái hơn. Ông thậm chí đã liên lạc cả những công ty lớn như Apple nhằm tìm cơ hội cho phát minh của mình.
USB đối đầu với FireWire
Nhiều chuyên gia máy tính với hàng chục năm trong nghề đánh giá cuộc chiến giữa 2 chuẩn kết nối này như một thiên anh hùng ca của thế giới máy tính. Khi đó, FireWire là kết nối mà Apple đã dành nhiều năm để phát triển, và chẳng có lí do gì để họ loại bỏ chuẩn kết nối này. Đó là lý do phía Apple không hề để tâm tới USB do Ajay tạo ra.
Apple, hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất cách đây 20 năm từng rất trung thành với chuẩn kết nối FireWire của họ.
FireWire và USB là 2 chuẩn kết nối hoàn toàn khác nhau, trong khi FireWire sử dụng phương thức P2P, USB thì không. Điều này khiến cho FireWire gặp khá nhiều vấn đề khi không thể kết nối với các thiết bị ngoại vi "kém thông minh" như chuột hay bàn phím.
USB ra đời chính là cánh cửa mở ra tương lai mới cho máy tính cá nhân, nó giảm tối đa sự phức tạp đã tồn tại bấy lâu đồng thời giảm chi phí cho các hãng sản xuất và người dùng. "Chúng tôi cảm thấy mình cần phải tạo ra 1 chuẩn kết nối có thể hoạt động trên mọi thiết bị, có thể mua với giá chỉ 25 cent", Ajay Bhatt nói.
Không nhận được thiến chí từ phía Apple, nhưng phía Intel cuối cùng đã lập nên 1 liên minh sử dụng USB bao gồm các công ty khác như Microsoft, DEC, Nortel, Compaq, IBM và NEC.
Các hệ điều hành lúc đó chưa hỗ trợ kết nối USB
Năm 1995, sau khi không thể kết thân được với Apple, USB còn chỉ còn 1 cứu cánh duy nhất là Microsoft với hệ điều hành Windows của họ. Rất may khi ông lớn này đã đồng ý tham gia vào liên minh sử dụng USB do Intel khởi xướng và tích hợp bộ điều khiến chuẩn kết nối mới trong phiên bản Windows 95 ra mắt năm 1996.
Tuy vậy, mọi thứ đã không thực sự dễ dàng với Ajay và sản phẩm của ông. Mọi người đều cảm thấy việc sử dụng chuẩn kết nối USB trên Windows 95 là vô cùng khó chịu. Sau đó, Microsoft ra mắt phiên bản OEM Service Release 2.1 cho hệ điều hành của mình, nhưng cũng chẳng giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Phải chờ tới năm 1998 và 1999 với 2 phiên bản Windows 98 và Windows 98 Second Edition, vấn đề về tương thích phần mềm mới được giải quyết.
"Windows 98 SE đã hỗ trợ tốt chuẩn kết nối USB, và phải chờ tới Windows XP mới thực sự giúp nó phổ biến", Bhatt nói.
Không chỉ có Microsoft, Apple cũng bắt đầu quan tâm hơn tới USB khi bắt đầu tích hợp chuẩn kết nối này song song với FireWire trên chiếc iMac ra mắt vào năm 1998 của hãng. Chiếc iMac G3 ở thời điểm đó có tới 2 cổng kết nối USB 1.1.
USB Type-C, chuẩn kết nối của tương lai.
Sự phát triển của USB sau này
Ajay Bhatt nói rằng ý định ban đầu của ông là tạo ra các cổng kết nối nối tiếp và kết nối song song với các thiết bị ngoại vi , thiết bị lưu trữ. Nhưng nó đã phát triển xa hơn thế, khi mà sau này USB còn được sử dụng để kết nối màn hình và kết nối mạng. Trong khi kết nối không dây Wifi đang dần đưa Ethernet vào dĩ vàng, thì người ta vẫn tìm kiếm 1 cách kết nối có dây ưu việt hơn, đó chính là Ethernet-to-USB.
"Tôi nhắc lại với bản thân mỗi ngày rằng USB sẽ hỗ trợ mọi thứ, và kết nối tất cả với nhau. Do đó, trong tương lai bạn sẽ chỉ cần tới một vài đoạn cáp USB và có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn. Khi đó, tầm nhìn của tôi đã trở thành sự thật", Ajay nói.
Tầm nhìn và ước mơ của Ajay về việc truyền tải điện qua USB cũng đã thành sự thực, khi mà các thiết bị di động đều đang được sạc qua kết nối USB hoặc tương đương. Ông cho biết, thông số ban đầu của USB từng gần như không thể truyền điện, bởi nó sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Nhưng sau này, qua quá trình phát triển khả năng truyền tải đã tăng dần từ 5 watt lên 65 watt, 100 watt và cao hơn nữa nhờ vào những bộ sạc.
Tại sao không thể xoay chiều cắm của USB?
USB Type-A từng được coi là 1 cải tiến vượt bậc, nhưng nó cũng chẳng thể thay đổi được vấn đề cố hữu là rất khó cắm của USB. Người ta từng nói đùa rằng "USB có 2 chiều xoay, nhưng bạn vẫn phải mất tới 3 lần để cắm nó thành công". Rõ ràng USB từng dễ cắm hơn nhiều nếu so sánh với PS/2 kiểu cũ, thứ từng là chuẩn kết nối bàn phím và chuột rất phổ biến cách đây 2 năm.
Có 2 chiều để cắm, USB vẫn khiến bạn phải thử tới 3 lần.
Tất nhiên, Ajay cũng hiểu được về vấn đề này của USB, ông từng nghĩ tới cho nó khả năng "cắm chiều nào cũng được" từ rất lâu, dù thế chưa thể thực hiện ý định của mình. "Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này từ lâu, nhưng việc đó sẽ khiến chi phí đội lên gấp đôi, bởi nó cần nhiều mạch và dây kết nối hơn, do đó nó chưa phù hợp", Ajay nói.
Ajay Bhatt cảm thấy mình đã sai lầm sau 20 năm nhìn lại
Dù USB đã thực sự thành công, nhưng Ajay vẫn cảm thấy mọi thứ chưa đủ tốt, khi ông so sánh chuẩn kết nối của mình với Thunderbolt. USB từng chiến thằng FireWire của Apple, nhưng hãng này cũng đã chẳng ngần ngại khi có 1 kết nối được cải tiến cho riêng họ, chính là Thunderbolt. Được giới thiệu vào năm 2011, Thunderbolt cho thấy nó có tốc độ cao hơn nhiều so với USB, dù chi phí sản xuất không hề rẻ. Các loại cáp Thunderbolt từng có giá lên tới 50 USD, và các chip điều khiển cũng rất đắt nếu so với USB.
Trong khi Apple chấp nhận sử dụng kết nối này trên máy Mac của họ, các hãng khác vẫn trung thành với USB để giảm thiểu chi phí. Điều đó khiến Apple bị tách biệt với thế giới, nhưng mọi thứ đã dần thay đổi nhờ vào sự xuất hiện của Thunderbolt 3.0 cùng USB Type-C. Hai chuẩn này có thể cắm chung và có tốc độ tương đương nhau.
Bhatt nghĩ gì về Thunderbolt 3.0?
Ông tỏ ra khá thoải mái với nó. Trong thực tế, Bhatt là 1 trong số những người tại Intel ủng hộ việc để USB 3.1 và Thunderbolt 3.0 có thể dùng chung 1 công kết nối. Tuy nhiên, ông vẫn coi Thunderbolt là đối thủ với phát minh của ông.
Thunderbolt được đánh giá rất cao, ngay cả với người đã phát triển ra USB.
"Chúng tôi chỉ muốn người dùng có thể sử dụng các thiết bị của họ dễ dàng hơn, bằng cách thống nhất các chuẩn kết nối với nhau. Từ góc nhìn của người dùng, họ ủng hộ việc Thunderbolt và USB có thể dùng chung 1 cổng kết nối, đó cũng chính là thứ mà tôi đang theo đuổi", Ajay Bhatt vui vẻ trả lời.
Có thể nói, USB là 1 sự đột phá của toàn ngành công nghệ máy tính. Ajay Bhatt rất vui vẻ khi tầm nhìn và giấc mơ của ông trở thành hiện thực, khi USB đã làm được thứ ông muốn, ngay cả khi Ajay không nhận được bất cứ 1 đồng nào từ phát minh của mình.
Tham khảo PCWorld
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng