Câu chuyện thành công của người sáng lập WhatsApp là một hành trình đầy cảm hứng cho bất kì ai không chùn bước trước khó khăn.
Jan Koum hiện có khối tài sản ròng lên tới 8,8 tỷ USD, xếp thứ ba trong danh sách những doanh nhân dưới 40 tuổi giàu có nhất nước Mỹ do Forbes công bố.
Dù vậy, CEO của WhatsApp có những khởi đầu hết sức khiêm tốn. Anh sinh năm 1976 tại Ukraine. Gia đình Jan Koum khi ấy thậm chí còn không có nước sạch để dùng.
"Mọi thứ tồi tệ đến mức trường học của chúng tôi không có nhà vệ sinh bên trong. Hãy tưởng tượng mùa đông ở Ukraine với nhiệt độ chạm ngưỡng -20 độ C còn bọn trẻ thì phải đi dọc bãi để xe để sử dụng nhà vệ sinh," Jan Koum từng chia sẻ.
Sau khi Jan Koum bước sang tuổi 16, anh cùng mẹ nhập cư vào Mỹ và sống trong một căn hộ nhỏ ở Mountain View, California nhờ trợ cấp và tem phiếu.
Ở trường trung học, Jan Koum tự học máy tính bằng cách mua sách hướng dẫn ở một hiệu sách địa phương và trả lại chúng mỗi khi đọc xong.
Mặc dù tự nhận mình là một kẻ gây rối ở trường trung học và "thiếu chút nữa không tốt nghiệp nổi", Jan Koum vẫn ghi danh vào Đại học bang San Jose và được làm việc tại Ernst and Young với vai trò một nhân viên kiểm tra bảo mật.
Jan Koum từng phải lãnh một án lệnh cấm chỉ (lệnh tòa án cấm người bạo hành đến gần, liên lạc, hành hung nạn nhân bị bạo hành) khỏi bạn gái cũ của mình. Anh nói đây là một phần quá khứ mình muốn xóa bỏ nhất. "Tôi cảm thấy mình mất hết lý trí và hành động một cách tồi tệ sau khi chia tay," Koum nói với Bloomberg. "Tôi xấu hổ với cách mình hành xử, xấu hổ với hành động của tôi buộc cô ấy phải tìm đến khía cạnh pháp lý. Tôi thành thực xin lỗi vì những gì đã làm."
Khi làm việc tại Ernst and Young, Koum đã gặp một nhân viên của Yahoo có tên Brian Acton. Sáu tháng sau, vào năm 1997, Acton giúp Koum được nhận vào làm nhân viên bảo mật tại Yahoo.
Hai tuần sau đó, Koum thu xếp mọi thứ để vừa có thể đi học tại Đại học bang San Jose vừa làm việc toàn thời gian ở Yahoo. Một hôm, người đồng sáng lập Yahoo David Filo gọi Koum về một vấn đề liên quan đến máy chủ. "Anh đang ở đâu?" "Tôi đang ở trong lớp học." "Đến đây ngay lập tức!". Koum quyết định bỏ học Đại học một thời gian ngắn sau đó.
Tại Yahoo, Jan Koum tham gia một nhóm hacker có tên w00w00 với nhiều nhân vật có tiếng trong lĩnh vực bảo mật.
Koum làm việc ở Yahoo trong suốt 9 năm với chức vụ cao nhất là giám đốc mảng hạ tầng kĩ thuật. Tuy nhiên, anh và Acton cùng rời công ty này vào năm 2007 để đi du lịch Nam Mỹ.
Trở về từ chuyến đi, Koum và Acton cùng ứng tuyển vào Facebook nhưng không được nhận.
Trong khoảng thời gian này, Koum cân nhắc kỹ càng những gì mình muốn làm tiếp theo và bất chợt nghĩ ra ý tưởng một dịch vụ cho phép người dùng cập nhật trạng thái trên điện thoại. Koum thành lập WhatsApp vào ngày sinh của mình, 24 tháng 2, năm 2009. Cũng trong mùa hè năm đó, anh và Acton quyết định biến WhatsApp thành một ứng dụng nhắn tin.
"Văn phòng" đầu tiên của WhatsApp là một vài căn phòng trước đó là nhà kho dùng chung với Evernote. Tại đây, các thành viên phải cuốn chăn để ủ ấm. Chịu ảnh hưởng bởi thời gian làm việc ở Yahoo, Acton và Koum cùng có một triết lý sản phẩm: Quảng cáo thật tệ hại!
WhatsApp cũng rất quan tâm đến vấn đề riêng tư người dùng. Theo Koum: "Chúng tôi muốn biết càng ít về người dùng càng tốt. Chúng tôi không biết tên hay tuổi của bạn. Chúng tôi cũng thiết kế hệ thống nặc danh nhất có thể. WhatsApp không được dùng để bán quảng cáo vì thế các thông tin cá nhân là không cần thiết."
WhatsApp đạt tốc độ phát triển khá nhanh chóng mà không cần nhiều chiến dịch marketing.
Năm 2012, WhatsApp thu hút sự chú ý của Mark Zuckerberg. Cha đẻ Facebook đã gọi điện hẹn gặp Jan Koum. Hai người đi uống cà phê và đi leo núi cùng nhau sau đó nhưng chưa có thương vụ mua bán nào được định hình.
Hai năm sau đó, Koum và Mark vẫn giữ liên lạc với nhau và ngày càng trở nên thân thiết. Họ đi leo núi với nhau và trò chuyện về sứ mệnh kết nối thế giới với nhau nhiều hơn.
Tháng 2 năm 2014, Mark Zuckerberg mời Jan Koum đến ăn tối và chính thức đưa ra lời mời mua lại WhatsApp. Koum đã suy nghĩ về lời mời này sau đó vài ngày và trở lại nhà cha đẻ Facebook đúng vào ngày Valentine, "phá hỏng" bữa tối của Mark và vợ.
Đêm trước ngày kí thỏa thuận thâu tóm chính thức, Koum thức rất khuya để xem lại một số điều khoản với Sequoia, đơn vị từng đầu tư vào WhatsApp. Trở về nhà lúc 2 giờ 30 phút sáng, xe của Koum bị nổ lốp ở tốc độ hơn 120 km trên giờ khiến anh suýt gặp một tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.
Hôm sau, Jan Koum kí giấy tờ thâu tóm với Facebook ngay tại cửa văn phòng cũ của WhatsApp. Hình ảnh này sau đó đã được rất nhiều người quan tâm chia sẻ.
Sau thâu tóm, cổ phần của Koum tại WhatsApp tăng lên con số 6,8 tỷ USD.
Koum gia nhập ban lãnh đạo của Facebook sau đó với mức lương hàng năm 1 USD cùng lượng cổ phiếu trị giá 2 tỷ USD.
Nhân viên WhatsApp đã ăn mừng thương vụ sáp nhập với Facebook bằng những chai champagne Cristal với giá chỉ 200 USD. Igo Solomenikov, một trong những nhân viên đầu tiên của WhatsApp, đã đăng hình ảnh này lên Instagram, tuy nhiên lại gỡ xuống sau đó.
Vài ngày sau khi thương vụ mua lại được công bố, Koum và người đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton đáp chuyến bay tới Barcelona để tham dự hội chợ công nghệ MWC. Tại đây, họ đã gặp thị trưởng thành phố này Xavier Trias.
Tại Barcelona, Koum cũng ăn mừng thương vụ với Facebook và sinh nhật lần thứ 38 của mình tại một quán bar có tên Boujis.
Mặc dù đã trở nên giàu có, Koum vẫn giữ thói quen tiết kiệm. Jan Koum chia sẻ anh từng yêu cầu Facebook thực hiện kí kết thương vụ Facebook - WhatsApp nhanh chóng trước khi anh lỡ chuyến bay giá rẻ đến Barcelona.
Koum không thích được gọi là một doanh nhân. Anh muốn tập trung vào việc tạo nên các sản phẩm tuyệt vời hơn là gây dựng một khối tài sản lớn cho mình.
Vài tháng sau khi Facebook mua lại WhatsApp, Jan Koum âm thầm quyên góp 556 triệu USD cho Tổ chức Silicon Valley Community Foundation.
Anh cũng đóng góp 1 triệu USD cho tổ chức đứng đằng sau hệ điều hành mã nguồn mở FreeBSD. "FreeBSD đã giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó. Một trong những lý do chính tôi được nhận làm việc ở Yahoo là bởi lúc đó họ đang sử dụng FreeBSD."
Khi Facebook mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD vào năm 2014, ứng dụng này có khoảng 450 triệu người dùng hàng tháng. Hiện nay, con số này được nâng lên 900 triệu.
"WhatsApp sẽ không dừng lại cho đến khi tất cả mọi người trên trái đất đều được tiếp cận một cách thức tiết kiệm và đáng tin cậy để liên lạc với bạn bè và người thân."
Theo Kenh14 / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng