Hãy nghe nữ sinh Indonesia chia sẻ bí quyết để được thực tập tại Google
Với Rakina Zata Amni, một sinh viên khoa học máy tính ở Indonesia, đây là một giấc mơ thành hiện thực.
Cô hiện thực tập tại bộ phận nghiên cứu và trí tuệ máy tại trụ sở chính của Google ở Mountain View.
"Tôi không thế nói quá nhiều về việc tôi làm tại đây", Rakina chia sẻ. "Nhóm của tôi chịu trách nhiệm một dự án quan trọng cho việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Google".
Đây là lần thứ hai cô thực tập tại một công ty ở Silicon Valley dù cô chưa học xong đại học. Lần trước, cô thực tập ba tháng ở Square, nơi cô được phân công nghiên cứu một công cụ gợi ý cho một startup giao thực phẩm vừa được Square mua lại.
Bên cạnh những ưu đãi nhận được như thực phẩm miễn phí, an toàn, các hoạt động ngoại khóa, khóa thực tập này còn giúp Rakina còn khám phá ra một điều rất quan trọng. Khi làm việc cho các công ty ở Silicon Valley cô nhận ra mình rất có năng khiếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là máy học.
Cô hy vọng một ngày nào đó có thể làm việc toàn thời gian ở Mỹ nhưng hiện tại cô cần hoàn thành nghiên cứu của mình ở Đại học Indonesia. Cô cũng đang tìm kiếm cơ hội tại các startup địa phương để lấp đầy những khoảng thời gian rảnh trong năm cuối đại học.
Có vẻ như Rakina là một người biết đặt mục tiêu nhưng cô chia sẻ rằng mình cũng bắt đầu giống như các sinh viên khác mà thôi. Điều quan trọng mà cô hướng tới là tránh những thất bại.
Vượt qua những thất bại ban đầu
Rakina nhận ra mình muốn làm việc tại Silicon Valley từ khi còn học trung học nhưng khác với những bạn bè tuổi teen, cô học tập, cố gắng thực hiện ước mơ đó chứ không coi nó là một mơ ước viển vông.
"Từ năm thứ nhất đại học tôi đã chuẩn bị những bước đi cần thiết để thực hiện ước mơ đó", cô nhớ lại.
Cô tham gia vào các cuộc thi code, xây dựng các trang web và quyết định gửi hồ sơ tới các doanh nghiệp. "Tôi đã gửi đơn xin việc cho một số công ty lớn nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào", Rakina kể.
Những thất bại như vậy sẽ khiến người khác bỏ cuộc nhưng Rakina thì khác, cô nghĩ cách cải thiện bản thân để khiến mọi người phải chú ý tới.
Cải thiện hồ sơ
"Tôi dành cả mùa hè của năm thứ nhất đại học để đóng góp các dự án mã nguồn mở và huyến luyện đội Olympic tin học của Jakarta nhờ vậy tôi có thêm những trải nghiệm tốt hơn để đưa vào hồ sơ của tôi", Rakina chia sẻ.
Cô cũng đã tự nghiên cứu rất nhiều và cuối cùng vượt qua một chương trình cố vấn có tên Indo2SV. Chương trình này được các kỹ sư phần mềm Indonesia làm việc ở Silicon Valley tổ chức nhằm giúp sinh viên Indonesia có cơ hội thực tập tại đó.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
"Đó là năm đầu tiên chương trình được triển khai và với tôi đó là cầu nối giúp tôi thực hiện ước mơ của mình", Rakina nhớ lại.
Cô đã không ngại nhờ sự giúp đỡ của những người đi trước. "Tôi ngay lập tức đăng ký và may mắn được chấp nhận và được sắp xếp làm gặp gỡ một người cố vấn".
Vượt qua giới hạn bản thân
Tiếp theo Rakina phải trải qua một loạt cuộc phỏng vấn và thực hành kéo dài nhiều giờ.
"Tôi thực hành mỗi tuần và liên tục đọc các câu hỏi, câu trả lời chuẩn bị cho buổi phỏng vấn", Rakina nói.
Cô cũng vượt qua sự nhút nhát của mình. "Tôi thậm chí không thể duy trì một cuộc gọi hoặc gọi video kéo dài hơn 5 phút do vậy phải trải qua cuộc phỏng vấn trong vòng 45 phút là một điều rất khó khăn".
Hoạt động rộng
Sau đó Rakina gửi hồ sơ tới một loạt công ty thay vì chỉ gửi cho công ty mà cô ưa thích nhất. Cô cũng yêu cầu người cố vấn giới thiệu cô tới các công ty.
"Khác với những năm trước, giờ đây tôi gửi hồ sơ tới cả những công ty mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới", Rakina chia sẻ.
Cuối cùng cô đã nhận được một số phản hồi tích cực và sau đó quyết định khóa thực tập nào phù hợp với mình. Cô đã chọn Square.
"Tôi đã ấn tượng với những người phỏng vấn ở Square, họ thực sự quan tâm đến những gì tôi đã làm", Rakina hào hứng nói. Các nhân viên của Square cũng rất hào phóng chia sẻ các mẹo nên Rakina nghĩ rằng startup này là nơi hoàn hảo để thực tập.
Xây dựng kinh nghiệm cho bản thân
Sau Square, đáng ra Rakina có thể hài lòng ở lại và tiếp tục làm việc ở đó. Nhưng cô đã quết định gửi hồ sơ cho một đợt thực tập hè khác. Lần này, không cần sự hỗ trợ của cố vấn, cô nhận được lời mời từ Uber, Dropbox và Google. Cô đã chọn thực tập ở Google.
"Mọi thứ hiện tại dễ dàng hơn vì tôi có kinh nghiệm làm ở Square trong hồ sơ, tôi nghĩ thế, vì vậy tôi nhận được phản hồi vài ngày sau khi gửi hồ sơ. Tôi nhận hai cuộc gọi phỏng vấn và đã làm rất tốt", Rakina chia sẻ.
Khi tới Google, Rakina nhận ra rằng cô không chỉ học về code mà còn mang về một loạt trải nghiệm mới nếu cô hòa nhập vào văn hóa của doanh nghiệp bên ngoài văn phòng.
"Khi không code, tôi tham gia một trong nhiều hoạt động mà Google tổ chức cho thực tập sinh và nhân viên của họ như thể thao, các buổi tọa đàm, các lớp học và thậm chí là các buổi tiệc", cô nói. Cô đã đi cắm trại ở Yosemite với một đồng nghiệp và gia đình của anh ấy.
"Ấn tượng của tôi về Silicon Valley là: Ở đây họ sống và thở cùng với công nghệ! Văn hóa doanh nghiệp ở đây thực sự tiến bộ, vui vẻ và khỏe mạnh. Mọi người đều tập luyện và ăn uống một cách lành mạnh".
Theo Tech in Asia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng