Hãy xem kinh nghiệm chơi tai nghe của kẻ ngại học hỏi, biết đâu bạn sẽ tìm thấy tình yêu mới
Đây là bài viết sẽ giúp bạn thêm phần dũng cảm để bước chân vào thế giới tai nghe với vũ khí duy nhất là tình yêu âm nhạc.
Trong suốt 6 năm theo đuổi thứ âm thanh ma thuật từ Grado, Sennheiser hay Audio Technica, điều mà tôi thường được nghe nhất từ những người bạn không-cuồng-âm-thanh của mình là "Mình không phân biệt được tai nghe xịn với tai nghe Tàu đâu nhé. Nghe chẳng thấy khác gì nhau cả".
Khi được hỏi đã từng nghe những chiếc tai nghe "xịn" nào thì họ sẽ kể đến Beats, Bose, Sony hay khá khẩm nhất là Sennheiser. "Vậy Sennheiser nào?"
"Mình không nhớ. Cái loại nhét vào tai ấy".
Trong một vài trường hợp khác, tôi cũng đã từng được đọc những dòng comment (hoặc status) hùng hồn rằng "Âm nhạc quan trọng hơn hết là cảm xúc chứ không phải là thiết bị. Chơi âm thanh mà mệt mỏi như các bác thì thà đừng chơi cho xong".
Tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều đã có lần nghe hoặc nói những điều này. Trong khi không phải là những luận điểm hoàn toàn vô lý, chúng nói lên sự thật rằng ngay từ khi chưa có ý định chơi tai nghe, nhiều người đã sẵn sàng mang một cái đầu đóng. Giả sử rằng họ thực sự quan tâm đến âm thanh thì thay vì thực sự lắng nghe âm nhạc của mình, họ lại chọn cách lười biếng (và ít mệt mỏi) hơn là xổ toẹt sự khác biệt giữa những chiếc tai nghe.
Biển lớn
Đó là một sai lầm rất căn bản. Bạn hoàn toàn có thể tận hưởng trải nghiệm thú chơi tai nghe mà không cần phải bỏ ra quá nhiều thời gian hay công sức tìm hiểu. Nói cách khác, bạn có thể chơi tai nghe theo cách của một kẻ lười biếng khi đứng trước "biển" tai nghe cao cấp tại thị trường Việt Nam.
Giai đoạn khởi điểm bao giờ cũng là khó khăn nhất. Biết bắt đầu từ đâu khi thế giới tai nghe có vô số thương hiệu, từ những tên tuổi phổ thông ai cũng biết đến như Beats và Sony đến những nhãn hiệu dành cho người "sành" như Grado, Sennheiser, Audio Technica, AKG, Fostex, V-MODA... Trung Quốc trong những năm qua cũng đã vươn lên trở thành một thế lực của ngành sản xuất tai nghe. Ngay tại Việt Nam, một số cá nhân hoặc công ty cũng đã manh nha tìm hiểu cách sản xuất, lắp ráp những thiết bị âm thanh cá nhân thực sự đẳng cấp.
Sau khi đã bước qua giai đoạn "vạn sự khởi đầu nản", nhiều người sẽ bước chân lên các cung bậc tiếp theo của... giá tiền. Trong khi tai nghe giá rẻ thường là các sản phẩm dễ sử dụng với điện thoại hoặc laptop, nhiều mẫu tai nghe từ trung cấp trở lên có trở kháng cao và đòi hỏi phải có âm-li (amp) đi kèm. Amp cho tai nghe cũng không phải là chỉ có một loại duy nhất: có amp đèn (tube), có amp bán dẫn (solid-state), có amp "lai" giữa hai loại. Mỗi chiếc amp có công năng khác nhau, và thường một chiếc amp khó có thể phục vụ tốt cho cả tai nghe trở cao lẫn tai nghe trở thấp.
Chỉ riêng amp là vẫn chưa đủ, bởi chúng chỉ có tác dụng khuếch đại tín hiệu analog. Tất cả các file mp3, FLAC, các dịch vụ nhạc trực tuyến của bạn đều phát ra tín hiệu số - bạn sẽ cần một loại thiết bị là DAC để chuyển từ tín hiệu số thành tín hiệu analog cho amp. Dĩ nhiên, bạn có thể nối thẳng laptop vào amp để "kéo" tai nghe trở cao, nhưng làm như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất âm.
Đây mới chỉ là những khái niệm căn bản nhất, dễ hiểu nhất của thế giới tai nghe. Khi bạn nâng cấp, mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên phức tạp gấp nhiều lần và bạn cũng có thêm nhiều kiến thức để học, nhiều điều để hỏi.
Tôi có 3 bí quyết cho bạn.
1. Đầu tiên, luôn tự hỏi "Tôi cần gì?"
Bao giờ cũng vậy, khi đứng trước quá nhiều lựa chọn và nhiều điều cần biết, hãy bắt đầu bằng những gì bạn thực sự biết. Trong trường hợp này, bạn biết bạn cần gì (một chiếc tai nghe để nghe các thể loại ưa thích), bạn biết bạn có thể đầu tư bao nhiêu kinh phí, bạn biết hoàn cảnh sử dụng (ở nhà hay trên đường)... Làm rõ nhu cầu bản thân ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc tự chính bản thân bạn tự lao vào "biển" Google hoặc Head-fi với quá nhiều những bài viết, những cái tên và những thuật ngữ xa lạ.
Hãy đưa ra những câu hỏi càng chi tiết càng tốt, ví dụ như: "Mình thích EDM với USUK, Pop, kinh phí có khoảng 1 triệu đồng". Hoặc "Mình muốn mua tai nghe chụp để nghe ở nhà, nghe nhiều thể loại trừ Rock nặng. Không nghe được in-ear vì đau tai". Bạn có Internet và trên đó có hàng triệu người luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc và đưa ra các gợi ý cho bạn. "Muốn biết phải hỏi" là cách lười biếng nhưng thông minh hơn so với việc lên Google thông tin để rồi bị rối loạn hoặc đi đến những nhận định sai lầm.
Hãy nhớ rằng bắt đầu bằng cách làm rõ nhu cầu bản thân là một nguyên tắc quan trọng cho cả những người đã có nhiều năm chơi tai nghe. Ví dụ, mới gần đây một cậu bạn của tôi đã nhờ tìm một bộ amp/DAC thật "ngon" ở mức giá 10 triệu đồng. Sau khi tôi đã đưa ra nhiều lựa chọn, cậu bạn này mới chợt nhớ ra rằng toàn bộ những chiếc tai nghe đã có lẫn tai nghe muốn mua đều có trở kháng thấp, độ nhạy cao và do đó không thực sự cần amp quá đắt tiền. Chính lúc này, chúng tôi phải gạch bỏ rất nhiều combo đã nghĩ đến chỉ đơn giản vì đã dồn nhiều tiền cho amp hơn là cho DAC.
2. Hiểu rằng có những lúc, tìm hiểu quá kỹ chẳng để làm gì cả
Lại nói chuyện amp DAC. Hành trình đi tìm amp DAC có thể khiến ngay cả những người đã có một vài năm kinh nghiệm cảm thấy rối loạn. Hai con số quan trọng nhất là trở kháng và độ nhạy, và nói một cách đơn giản thì trở kháng của tai nghe càng cao thì càng đòi hỏi điện thế lớn từ amp, ví dụ như Sennheiser HD600 và HD650. Độ nhạy càng thấp thì lại càng đòi hỏi cường độ dòng điện lớn (ăn dòng), ví dụ như AKG k7xx và Q701.
Công thức tính âm lượng có thể đạt được ở một mức điện năng đầu vào cụ thể là như sau:
dBSPL = dB(1mW) 10 * log10 (P)
trong đó db(1mW) là độ nhạy của tai nghe còn P là công suất đầu vào tai nghe, có thể được tính bằng công thức P = E^2/R, trong đó R là trở kháng tai nghe còn E là điện thế đầu ra của amp (tính bằng điện thế đầu ra của DAC nhân với mức gain đang chọn của amp).
Tôi biết một đống những con số và ký hiệu ở trên có thể khiến nhiều người bối rối, nhưng đây vẫn là cách tốt nhất để tính xem một chiếc amp liệu có thể "kéo" được một chiếc tai nghe nào đó hay không.
Vấn đề là để làm gì? Hãy nhớ rằng chúng ta mua tai nghe rồi phối ghép amp là để thưởng thức âm nhạc, vậy tại sao lại cứ phải xoáy vào những con số trong khi bạn hoàn toàn có thể ra cửa hàng hoặc đến các hội chợ âm nhạc, cắm tai nghe vào amp, vặn núm âm lượng rồi tự cảm nhận bằng tai (chứ không phải là bằng máy tính).
Thực tế là tôi vẫn biết có những nguyên tắc để áng chừng khả năng kết hợp giữa tai nghe và amp: tai nghe có điện trở càng cao, độ nhạy càng thấp thì càng cần amp khỏe, còn điện trở thấp, độ nhạy cao thì càng cần amp... yếu. Và cũng khác với những người mới chơi, tôi cũng đã bỏ tâm lý mua amp khỏe để "kéo cái gì cũng được" (cho ra công suất quá cao sẽ khiến những chiếc tai nghe trở thấp/nhạy cao dễ gặp nhiễu ngay cả ở mức công suất thấp).
Nhưng kể cả khi đã biết cách nguyên tắc căn bản trên (và khi cũng đã hiểu về công thức tính db SPL ở trên), tôi vẫn phải khẳng định với bạn rằng để tiết kiệm thời gian khi tìm hiểu amp tôi vẫn sẽ lên hỏi người khác. Mỗi mẫu amp đều có đặc trưng riêng về chất âm và khả năng kéo tai nghe (tai nào hợp, tai nào không hợp), và chắc chắn sẽ luôn có ít nhất là một người có kinh nghiệm để tư vấn.
Nghe có vẻ lười biếng quá mức, nhưng cuối cùng thì đây vẫn là một cách để bạn thu nhận thông tin thực sự có nghĩa. Tại sao lại tốn thời gian tìm hiểu những công thức phức tạp chỉ để biết được liệu một chiếc tai nghe A khi cắm vào amp B có thể... kêu đủ to, trong khi cái bạn thực sự cần biết là liệu tai nghe A khi cắm vào amp B nghe có hay hay không? Và điều đó chỉ có bạn có thể tự cảm nhận khi tự mình thử nghiệm tai nghe bằng đôi tai.
3. Học hỏi theo kiểu lười...
Nếu đã lười biếng, thì phải thu nhận thông tin dành cho người lười: hãy hỏi về trải nghiệm trực tiếp thay vì đào sâu vào những thông tin trung gian. Ví dụ, tôi sẽ luôn mong nhận được những phản hồi dạng như "O2 không kéo được HD600 đâu em" hoặc "Amp đèn kéo in-ear để mà noise à" thay vì "Con O2 output@33ohm của nó là độ hơn 600 mW thì phải".
Mọi thứ cũng giống như là khi tìm hiểu về card màn hình vậy: tại sao lại phải tìm hiểu về xung nhịp, dung lượng bộ nhớ, băng thông... trong khi ai đó đã giúp bạn xác nhận chắc chắn rằng chiếc AMD RX480 có thể chơi mượt mà Witcher 3 khi kết hợp cùng Core i5 và 8GB RAM? Trong một lĩnh vực thậm chí còn mang tính cảm nhận cá nhân rõ rệt hơn như âm thanh, những con số lại càng trở nên vô nghĩa hơn.
...nhưng không nghe theo kiểu lười
Ở trên, tôi đã nhiều lần nhắc tới chuyện hỏi ý kiến của người khác. Quả thật, những ý kiến góp nhặt trên diễn đàn tai nghe được nhiều người biết tới là head-fi.org đã giúp tôi lựa chọn được nhiều sản phẩm âm thanh thực sự ưng ý.
Nhưng trong khi nhiều ý kiến đó là những thông tin có nghĩa, cuối cùng thì chúng vẫn chỉ là ý kiến cá nhân.
Tại sao? Sự thật là không một ai có thể tái hiện được chính xác trải nghiệm âm thanh mà họ đã cảm nhận bằng câu chữ hay lời nói. Quan trọng hơn, trải nghiệm âm thanh là một trải nghiệm hoàn toàn mang tính cá nhân. Điều này không chỉ nằm ở yếu tố sai khác trong thiết bị hay đến từ sở thích cá nhân mà còn đến từ sự khác biệt trong cơ thể của mỗi người. Đã có lần tôi đưa một nhóm bạn cùng đến cửa hàng thử tai nghe và vẫn cùng một chiếc tai nghe, có người nói âm treb chói tai không chịu nổi, có người lại nói là sáng vừa đủ. Có người nói tai bị lệch bên trái to hơn, có người nói tai cân bằng.
Thể trạng khác nhau, tâm trạng khác nhau và sở thích, kinh nghiệm khác nhau khiến cho 2 người khó có thể đưa ra cùng một cảm nhận giống hệt. Với những người đã chơi tai nghe và tích cực giao lưu trong nhiều năm như tôi, đó là một sự thật cực kỳ hiển nhiên. Và đó là còn chưa kể hai chiếc tai nghe (hoặc hai chiếc amp/DAC) cùng một model, cùng thời lượng sử dụng chưa chắc đã có âm thanh ngang ngửa nhau. Nói cách khác, từ cả hai phía thiết bị và người dùng, gần như chắc chắn chẳng có 2 trải nghiệm nào là giống hệt nhau cả.
Trớ trêu là gần như chẳng ai nhớ đến sự thật hiển nhiên này mỗi lần đọc review, và tệ hơn là nhiều người sẽ mang một thái độ quá gay gắt khi cùng thảo luận với người khác về cảm nhận của riêng mình. Hệ quả là những tuyên bố thái quá dạng như "Tai nghe có chất âm ngang ngửa tai nghe giá cao gấp 3 lần" hoặc "Chiếc amp giá rẻ có chất âm trung tính đến tuyệt đối" xuất hiện trong quá nhiều các bài đánh giá, những cuộc thảo luận. Ở phía còn lại (mà đặc biệt là ở Việt Nam), người ta vẫn sẵn sàng tham gia vào các cuộc khẩu chiến nảy lửa để hạ bệ người khác, tự tôn mình lên bằng... chiếc tai nghe đang sử dụng. Trong những cuộc cãi vã online, ai cũng sẵn sàng sôi máu vì đã coi cảm nhận cá nhân của mình là chân lý người khác phải chấp nhận.
Việc "đóng" suy nghĩ của mình vào những khẳng định thái quá như trên sẽ khiến bạn bỏ lỡ nhiều trải nghiệm đáng giá. Tại sao tôi lại đưa ra một lời khuyên có vẻ hiển nhiên đến mức ngớ ngẩn như vậy? Lý do là bởi đã quá nhiều lần tôi được một người bạn nào đó hỏi tư vấn và rồi lại quay ra khẳng định chắc như đinh đóng cột về những chiếc tai nghe, những bộ amp/DAC mà họ chưa từng thử nghiệm hoặc chưa có cơ sở để so sánh. Đến lúc được thử nghiệm thật, họ mới thực sự nhận ra mình sai lầm – hóa ra, những bài review, những câu bình luận họ đã đọc là chả để làm gì cả.
Hoặc, đã có những lúc tôi bị "dọa" về một chiếc tai nghe nào đó để rồi đến khi thử nghiệm lại cảm thấy cực kỳ yêu mến, ví dụ như chiếc Grado PS500 bị đám bạn mạng gọi là "thiếu chất Grado chất vì treb tối bass nhiều" hóa ra lại cực kỳ phù hợp với các dòng nhạc Progressive Rock tôi hay nghe. Hay như dòng 325 của Grado: ai cũng nói rằng chúng chói đến xé tai trong khi đôi tai tôi vẫn lành lặn (chưa bị "xé) sau 6 năm gắn bó với SR325i, SR325is và SR325e.
Ở chiều ngược lại, có những chiếc tai nghe luôn được tung hô lên tận mây xanh nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của bản thân tôi. Đây cũng là trường hợp khiến tôi bực mình nhất: khi đọc rất nhiều review về chiếc DT880, tôi đã tốn công chờ đợi chiếc Beyerdynamic này từ Amazon về Việt Nam để rồi thấy... thất vọng tràn trề về chất âm trung tính đến mức thiếu sức sống.
Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bài review nào cũng vô nghĩa hay ai ở trên mạng cũng sẽ nói thậm xưng. Thực tế là tôi không mấy khi gặp những bài viết bóp méo sự thật, dạng như âm thanh ấm áp thì nói là tối hoặc trung âm ngọt thì lại nói là khô. Song cuộc chơi âm thanh không dừng ở những khái niệm đơn giản như vậy, và một khi đã đi vào tiểu tiết thì thế nào cũng có hiểu nhầm và cũng có tranh cãi. Không mấy ai nhận ra rằng những câu mô tả dạng như "mid ngọt và dày, bass đánh gọn nhưng không sâu, treb không leng keng mà chỉ lên vừa tới" sẽ không bao giờ biến thành âm nhạc trong tai người đọc – trừ khi chính họ đã thử chiếc tai nghe (và amp/DAC) đang được mô tả. Không ai hiểu rằng "ít bass, âm sáng, âm trường rộng" vừa có thể để mô tả HD598, vừa có thể mô tả AKG Q701 vẫn không sai.
Bởi vậy nên tôi mới đưa ra lời khuyên rằng, dù có lười biếng đến mấy thì cũng không bao giờ được "nghe theo kiểu lười": chưa nghe thì chớ vội tự đưa ra kết luận cho bản thân. Chớ vội mang quan điểm của người khác làm quan điểm của mình, vì bạn sẽ cực kỳ mất thời gian vào những thứ có thể trở nên vô nghĩa khi đã trực tiếp thưởng thức âm thanh từ chiếc tai nghe đang tìm hiểu.
Còn bạn, bạn có những lời khuyên nào dành cho những người lười biếng muốn vượt qua nỗ choáng ngợp để đến với thú chơi tai nghe hay không? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng