Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng : Phần 1 - Thế giới gia công
Do không được tiếp cận với các nguồn linh kiện chính hãng của iPhone, các linh kiện gia công này đã trở thành nguồn sống cho các cửa hàng sửa chữa độc lập trên toàn thế giới.
Đối với Apple, hệ sinh thái giữa những chiếc iPhone và ứng dụng di động đã giúp giữ chân người dùng ở lại với iOS và nâng cấp thiết bị của mình. Nhưng bên cạnh đó, còn có một hệ sinh thái sửa chữa iPhone và các thiết bị Apple, với sự liên quan của các cửa hàng bán lẻ của Apple, các cửa hàng dịch vụ do Apple ủy quyền (các AASP: Apple Authorized Service Providers), các cửa hàng sửa chữa độc lập và các nhà máy sản xuất bên thứ ba.
Trái với hệ sinh thái cho người dùng tập trung vào các trải nghiệm, hệ sinh thái sửa chữa này lại là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các bên để giành về cho mình những linh kiện và các bộ phận chất lượng tốt nhất, để có thể sửa chữa các thiết bị hỏng của khách hàng và người dùng.
Thế nhưng hệ sinh thái này đầy phức tạp này đôi khi còn làm người dùng bị nhầm lẫn vì thiếu đi sự kết nối chặt chẽ giữa nhiều bên với nhau, đặc biệt là với Apple. Vì vậy trang MacRumors muốn đào sâu hơn vào thế giới này, để mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn sau mỗi chiếc iPhone hỏng.
Các nhà máy gia công linh kiện iPhone
Cảm hứng cho MacRumors thực hiện điều tra này là nhờ một đoạn video gửi tới cho họ từ một nguồn đáng tin cậy. Đoạn video này cho thấy quang cảnh của một trong những cơ sở sản xuất ở Trung Quốc dành riêng cho việc tạo ra các linh kiện iPhone gia công.
Đây chỉ là một cơ sở quy mô nhỏ, nơi người lao động cho thấy đang tạo ra một bộ số hóa màn hình cảm ứng gia công cho iPhone – linh kiện này là một tấm nhựa mỏng được gắn vào màn hình LCD thông qua một sợi cáp dẻo và nó cho phép các cú chạm vật lý trên màn hình chuyển thành tín hiệu đầu vào kỹ thuật số, giúp bộ xử lý iPhone biên dịch thành các cú chạm đó thành các câu lệnh trong hệ thống.
Bên cạnh việc sản xuất các bộ số hóa màn hình cho iPhone, trong một phòng sạch khác, cơ sở sản xuất này còn có thể gắn chúng vào các màn hình LCD lấy từ các nhà máy khác để sản xuất nên một cụm màn hình iPhone hoàn chỉnh, để có thể bán chúng cho những cửa hàng sửa chữa iPhone trên toàn thế giới.
Bên trong nhà máy sản xuất màn hình iPhone gia công.
Dù chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ với khoảng 10 người làm, nhưng theo nguồn tin của MacRumors, nhà máy này có thể sản xuất tới 10.000 phụ tùng màn hình mỗi tháng, với chi phí cho trang thiết bị chỉ khoảng 90.000 USD, một khoản đầu tư nhỏ với lợi nhuận rất lớn.
Các nhà máy lớn hơn, ví dụ những nơi đang sản xuất các màn hình LCD gia công cho iPhone và những smartphone khác, với quy mô khổng lồ có thể tạo ra hàng triệu linh kiện mỗi tháng. Các công ty như Tianma, Longteng LCD, Shenchao, và JingDongFang rất nổi tiếng trong thế giới sửa chữa iPhone vì tạo ra những màn hình LCD gia công đang được nhiều cửa hàng sửa chữa sử dụng. Nếu bạn tìm kiếm các linh kiện màn hình trên những trang rao vặt như Alibaba, những cái tên này sẽ hiện lên hàng đầu.
Đây không phải là các nhà máy sản xuất màn hình LCD vô danh với quy mô nhỏ - chúng là những cơ sở lớn đang tạo ra hàng triệu linh kiện – điều đó sẽ cho bạn thấy nhu cầu của các linh kiện gia công này trên toàn cầu lớn đến mức nào. Nó cũng tiêu tốn hàng trăm triệu USD để mua các loại trang thiết bị cần thiết cho việc sản xuất nên những màn hình LCD gia công.
"Đó là một ngành công nghiệp điên rồ có thể lên tới nhiều triệu, thậm chí nhiều tỷ USD mỗi năm. Nó thật sự điên cuồng." Nguồn tin đó cho biết.
Nhu cầu về các linh kiện gia công
Các công ty sản xuất các màn hình LCD gia công đang làm như vậy, bởi vì nhu cầu đáng kể cho các bộ phận này từ những cửa hàng sửa chữa trên toàn thế giới. Các cửa hàng không phải nhà cung cấp dịch vụ được Apple ủy quyền sẽ không thể lấy được nguồn cung từ Apple bởi vì Apple chỉ cung cấp giới hạn các bộ phận OEM cho những cửa hàng sửa chữa là đối tác của họ.
Khi không có cách nào mua được những bộ phận này từ Apple, các nhà cung cấp bên thứ ba cho những bộ phận này là lựa chọn duy nhất cho những cửa hàng sửa chữa độc lập muốn mang tới dịch vụ sửa chữa iPhone cho khách hàng.
Một cửa hàng ở gần Cupertino, California.
Hiện có hơn 15.000 cửa hàng sửa chữa độc lập tại Mỹ, tất cả trong số này đều tìm mua các bộ phận từ những nhà cung cấp bên thứ ba tại Trung Quốc. Ở riêng khu vực South Bay, nơi đặt trụ sở chính của Apple, có hàng trăm địa điểm không phải AASP có thể sửa một chiếc iPhone hỏng. Và đó là mới chỉ ở Mỹ, còn có hàng nghìn cửa hàng sửa chữa độc lập như vậy trên toàn thế giới.
Thị trường cho các linh kiện iPhone gia công (các linh kiện aftermarket) không chính thức đang phát triển mạnh đến nỗi, ở Trung Quốc, có cả những nhà máy khổng lồ dành riêng cho việc sản xuất các bộ phận này để những cửa hàng sửa chữa không thể mua linh kiện chính hãng từ Apple vẫn có thể sửa chữa cho khách hàng.
Chất lượng các linh kiện gia công
Khi nói về các bộ phận do bên thứ 3 sản xuất, bạn có thể cho rằng những linh kiện sản xuất trong các nhà máy này sẽ có chất lượng kém xa các bộ phận do Apple cung cấp. Đó cũng là quan điểm từ nguồn tin của trang MacRumors.
"Về cơ bản, các công ty Trung Quốc đang xả rác ra thế giới bên ngoài. Màn hình của riêng Apple có thể chỉ hỏng khi bạn làm rơi nó. Nếu không, thậm chí nó có thể dùng được 5, 10 năm đến khi hỏng. Nhưng với các màn hình nhái, chúng thường hỏng chỉ sau 2, 3 năm sử dụng. Thường là vậy."
Tuy nhiên theo nhiều cửa hàng sửa chữa mà trang này tiếp xúc, điều này không hoàn toàn đúng như vậy.
Bạn có nhận ra đâu là iPhone đã được thay màn hình khác (Lời giải: bản gốc nằm bên phải, màn hình thay thế nằm bên trái)
Kyle Wiens, người điều hành iFixit, trang web và cửa hàng về sửa chữa, cho rằng có rất nhiều mức chất lượng đối với các linh kiện của bên thứ ba. Một số "đúng nghĩa là rác rưởi" khi có chất lượng kém xa sản phẩm của Apple, nhưng các bộ phận khác thì có chất lượng gần tương đương.
"Chúng không hoàn toàn tốt như của Apple." Wiens cho biết. "Nhưng rất gần mức đó." Một số bộ phận thậm chí còn "không thể phân biệt" với hàng của Apple, "trừ phi bạn có thiết bị kiểm tra của Apple".
Đó cũng là ý kiến của hàng loạt các cửa hàng sửa chữa khác. Mansoor Safi, người vận hành cửa hàng sửa chữa iFixers ở khu vực Bay Area, cho biết, thường có 4 loại chất lượng màn hình: loại cao cấp "Premium", loại A (grade A), loại B (Grade B) và loại C (grade C). iFixers sử dụng các màn hình loại cao cấp, được xem như các màn hình gia công có chất lượng hàng đầu, bởi vì các loại thấp hơn thực sự chả khác gì hàng thải.
"Nếu bạn không chọn loại cao cấp, bạn sẽ thấy sự khác biệt như ngày và đêm về mức độ phản hồi, màu sắc, chất lượng hình ảnh và việc nó sẽ hỏng lại nhanh như thế nào." Safi cho biết. "Nếu tôi sử dụng bất cứ thứ gì loại A, tôi sẽ thấy khách hàng đó quay trở lại, và thật bất tiện khi bắt khách hàng phải quay lại để sửa tiếp."
So sánh giữa màn hình iPhone gia công và màn hình OEM.
Ngay cả với một trong những màn hình gia công tốt hơn, bạn vẫn có thể thấy sự khác biệt giữa thiết bị đã qua sửa chữa và thiết bị nguyên bản. Để chứng minh cho sự khác biệt đó, Safi đã đưa ra một chiếc iPhone 7 tiêu chuẩn và iPhone 7 đã được sửa với màn hình gia công chất lượng cao.
Anh cho biết, màn hình thiết bị đã qua sửa chữa có thể xanh hơn 5% hoặc vàng hơn 5%, tùy thuộc vào màn hình sử dụng, nhưng nó không phải là sự chênh lệch dễ nhận ra. "Trừ khi bạn đặt 2 chiếc điện thoại cạnh nhau, bạn sẽ không thấy sự khác biệt."
Theo Safi, các phụ tùng của Apple đều rất cao cấp, nhưng vì những lý do như chi phí và thời gian đầu tư (một số người cần sửa ngay lập tức), đôi khi chất lượng "gần đạt" đã đủ tốt.
Theo Laxmi Agrawal của Cupertino iPhone Repair, rất nhiều màn hình LCD giá rẻ, chất lượng thấp đến từ Trung Quốc có thể có rất nhiều vấn đề: độ phân cực kém, 3D Touch bị hỏng, màn hình vàng và màn LCD chảy mực khi khung màn hình không được lắp chặt. "Chúng tôi không sử dụng màn LCD của Trung Quốc." Anh cho biết, và các khách hàng cần thận trọng trước những "mánh tráo hàng xấu của các công ty sửa chữa."
Dựa trên số cửa hàng đã tiếp xúc, MacRumors nhận ra rằng, thật không may là chẳng có một hệ thống quy chuẩn nào cho những bộ phận này. Như Wiens cho biết, đó là một "thị trường hoàn toàn tự do, nơi không có tiêu chuẩn nào cả." Và nó hoàn toàn đúng sự thật – không có hướng dẫn xác thực nào, không có sự giám sát từ Apple, và cũng không ai giám sát chất lượng của các bộ phận gia công này.
Ví dụ như Jim, đến từ cửa hàng Cellular Repair Center ở San Jose, cho biết, các màn hình chất lượng tốt nhất có thể được mô tả như loại "nguyên bản", và anh cũng không đề cập đến hệ thống phân loại theo mức Cao cấp mà chúng ta đang nói ở trên.
"Nói thẳng ra, tất cả màn hình đều là hàng "gia công" và chúng tôi cũng báo với khách hàng như vậy. Những màn hình nguyên bản thực sự chỉ đến từ, hoặc Apple, hoặc AASP, hoặc gỡ ra từ một chiếc iPhone thực. Đó là những gì phần lớn các nhà cung cấp thường mô tả như "chất lượng nguyên bản". Đó là màn hình có thể so sánh được với màn hình trên iPhone. Nhiều cửa hàng sửa chữa có giới thiệu một màn hình "nguyên bản" nhưng chúng tôi nghĩ rằng họ đang gây hiểu nhầm cho khách hàng."
Tóm lại, tương tự như ngành công nghiệp phụ tùng ô tô gia công, có các linh kiện chất lượng tốt và có các linh kiện tồi, đó là điều khách hàng cần biết khi đến sửa chữa tại các cửa hàng bên thứ ba.
Các linh kiện tái chế và tái sử dụng
Ngoài ra cũng có một thị trường lớn khác dành cho các linh kiện iPhone tái sử dụng. Một số cửa hàng sửa chữa sẽ lấy ra màn hình LCD từ những iPhone hỏng, sửa lại và bán chúng với số lượng lớn. Một công ty sẽ mua lại và tân trang chúng, gắn các linh kiện số hóa mới vào và chúng có thể được tái sử dụng lại.
Công ty tân trang này sau đó lại bán các màn hình đó cho những cửa hàng sửa chữa để sử dụng cho những chiếc iPhone cần sửa trong tương lai. Tuy nhiên nguồn cung loại màn hình này rất hạn chế. Phần lớn các cửa hàng sửa chữa mà MacRumors tiếp xúc đều cho biết rằng, họ muốn mua các linh kiện iPhone chính hãng được tái chế này khi có thể, nhưng nguồn cung rất hạn chế.
Theo Kyle Wiens của iFixit, phần nhiều thị trường sửa chữa đã chuyển từ các linh kiện OEM có nguồn gốc từ việc tái sử dụng sang các linh kiện gia công trong suốt hai năm qua.
"Chúng tôi gắn chặt với các linh kiện OEM lâu nhất chừng nào có thể, và chúng tôi bán các linh kiện OEM khi chúng tôi có thể lấy được chúng, nhưng chất lượng hàng gia công đang quá tốt và giá đã quá rẻ, nó trở nên hợp lý hơn." Anh cho biết.
Nhưng Apple làm thế nào có thể kiểm soát chặt chẽ nguồn cung linh kiện của mình trước sự xuất hiện của hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ do Apple ủy quyền? Hãy nhìn vào chính sách sửa chữa của công ty đối với hệ thống các đối tác này được mô tả trong phần tiếp theo của Series này.
Tham khảo MacRumors
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng