Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 2 - "Con đẻ" và "con nuôi"
Dù các cửa hàng do Apple ủy quyền có nhiều quyền lợi hơn hẳn, nhưng các giới hạn do Apple đặt ra cũng khiến nhiều thợ sửa chữa muốn mình độc lập hơn là hợp tác với Apple.
Nếu xem các cửa hàng bán lẻ của Apple như những đứa con đẻ của công ty, các cửa hàng cung cấp dịch vụ do Apple ủy quyền sẽ giống như những đứa con nuôi của họ vậy. Đều dùng chung tài liệu đào tạo của Apple và đều được tiếp cận với các linh kiện chính hãng của Apple, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa "con đẻ" và "con nuôi".
Điều đó thể hiện rõ rệt nhất qua những hạn chế của Apple đối với những nhà cung cấp dịch vụ do Apple ủy quyền này. Chính vì vậy, không phải cửa hàng độc lập nào cũng muốn hợp tác với Apple. Tuy nhiên, những quyền lợi đi kèm với việc liên kết Apple cũng có những sức hút khó cưỡng.
Các AASP: những nhà cung cấp dịch vụ do Apple ủy quyền
Cách duy nhất để một cửa hàng sửa chữa có thể tiếp cận được các linh kiện Apple chính hãng là thông qua Chương trình Dịch vụ do Apple ủy quyền (Apple Authorized Service Program). Trong khi có nhiều nghìn cửa hàng sửa chữa độc lập tại riêng nước Mỹ, con số các cửa hàng AASP (Apple Authorized Service Providers) ít hơn rất nhiều – có khoảng 4.800 cửa hàng trên toàn cầu.
Các cửa hàng muốn trở thành AASP cần đáp ứng các đòi hỏi của Apple, và Apple không phê duyệt hết các cửa hàng gửi đơn đăng ký. Các khóa đào tạo và các kỳ thi có thể tiêu tốn đến hàng nghìn USD, và các cửa hàng buộc phải "tuân thủ các tiêu chuẩn của Apple mọi lúc" và Apple luôn thực hiện việc kiểm tra và đánh giá để đảm bảo sự tuân thủ.
Có nhiều lợi ích khi trở thành một nhà cung cấp AASP. Ví dụ như sự tin tưởng của khách hàng. Tại một AASP, khách hàng Apple biết rằng việc sửa chữa mà họ nhận được sẽ tương tự như dịch vụ Apple cung cấp – điều này sẽ thu hút lượng khách đến đông hơn. Apple cũng hướng các khách hàng tới các AASP của họ thông qua trang web Customer Support.
Các khóa đào tạo khi tham gia AASP
Các AASP được tiếp cận với những linh kiện chính hãng đặt hàng trực tiếp từ Apple để sửa chữa, cùng với các hướng dẫn về sản phẩm, sửa chữa, dịch vụ và cách khắc phục sự cố toàn diện. Apple cũng cung cấp khoản hoàn trả cho chi phí lao động, linh kiện và đi lại khi sửa chữa cho các nhà phát triển được Apple bảo hành, vì vậy điều này sẽ đảm bảo việc kinh doanh của một AASP.
Cho dù vậy, nó cũng có nhược điểm. Các AASP phải tuân thủ theo hướng dẫn sửa chữa của Apple, đôi khi có thể là một danh sách dài các bước, và Apple giới hạn khả năng tự sửa chữa của các nhà cung cấp dịch vụ. Có rất nhiều dịch vụ sửa chữa, thiết bị phải được gửi về Apple, và việc sửa chữa có thể mất vài ngày.
Một nhà cung cấp dịch vụ được Apple ủy quyền lâu năm, Mac-O-Rama nói với MacRumors rằng, chương trình AASP của Apple rất đáng giá bởi vì nó cho phép tiếp cận vào các linh kiện của Apple, chương trình đào tạo, và quá trình sửa chữa của Apple. Trong khi phần lớn việc sửa máy Mac có thể do cửa hàng tự thực hiện, Mac-O-Rama cho biết điều này lại không đúng với iPhone.
"Chúng tôi không có thiết bị hay ủy quyền để tự thay thế màn hình iPhone, vì vậy lựa chọn duy nhất của chúng tôi là gửi yêu cầu sửa chữa cụ thể đó về kho dịch vụ Apple, điều sẽ mất nhiều thời gian hơn phần lớn mọi người muốn khi phải xa rời chiếc điện thoại của họ."
Cho dù những chậm trễ này, Mac-O-Rama vẫn thích làm việc với Apple hơn bởi vì ít vấn đề cần sửa chữa hơn. Công ty cho biết, họ đã thấy nhiều thiết bị không sửa được bởi vì linh kiện chất lượng kém của bên thứ ba hoặc việc lắp đặt không chính xác.
"Ví dụ, các khách hàng tìm đến với màn hình do bên thứ ba thay thế và viền bezel bị hư hỏng nặng. Nếu bạn cố lấy màn hình ra và thay thế pin, sau đó cố lắp lại chiếc điện thoại, màn hình sẽ bị nứt do viền bezel gồ ghề. Nhiều lần khác, chúng tôi bắt đầu thay pin và nhận ra viên pin đã được thay từ trước và được lắp đặt không chính xác, vì vậy thậm chí chúng tôi không thể lấy nó ra khỏi chiếc điện thoại mà không gây ra nguy cơ hỏa hoạn. Thật đáng sợ khi bạn có quá nhiều "kỹ thuật viên" không qua đào tạo đang cố gắng xử lý trang thiết bị này."
Đối với phần lớn các sửa chữa, các AASP cần gửi chiếc iPhone trở lại cho Apple để sửa chữa khi liên quan đến màn hình. Mac-O-Rama có thể tự thay thế một số linh kiện iPhone như camera và pin, nhưng các vấn đề khác đòi hỏi thời gian chờ lâu hơn.
Cỗ máy Horizon Machine của Apple.
Nguyên nhân cho điều này là quá trình thay thế và căn chỉnh cần phải dùng đến một cỗ máy có tên gọi "Horizon Machine," thiết bị đến cuối năm ngoái vẫn chỉ có duy nhất tại các cửa hàng bán lẻ và các nhà kho sửa chữa của Apple.
Từ mùa hè năm ngoái, Apple bắt đầu cung cấp cho một số AASP các máy Horizon Machine, cho phép họ tự làm một số công việc sửa chữa với thời gian hoàn thành nhanh nhất có thể. Apple đã cho 200 AASP ở San Francisco, London, Thượng Hải và Singapore tiếp cận cỗ máy này.
Apple đang tiếp tục triển khai cỗ máy này tới các đối tác của mình, nhưng với một số quốc gia như Úc, MacRumors cho biết, chỉ có vài cửa hàng sửa chữa được cung cấp một trong những cỗ máy Horizon Machine. Không cửa hàng AASP nào do MacRumors tiếp xúc cho biết họ có cỗ máy này, vì vậy, sự hiện diện của chúng vẫn rất hạn chế.
Không có cỗ máy Horizon Machine, rất nhiều iPhone hỏng phải gửi về Apple vì các vấn đề màn hình và những trục trặc khác. Trong nhiều trường hợp, Apple cũng muốn thay thế thiết bị hơn là sửa chữa, do vậy càng giới hạn lượng linh kiện các AASP có thể tự sửa tại cửa hàng.
Các cửa hàng sửa chữa độc lập
Hầu hết các cửa hàng sửa chữa không liên kết với Apple, và có vô vàn lý do tại sao các cửa hàng này lại chọn không trở thành đối tác được chứng nhận của Apple.
Laxmi Agrawal từ Cupertino iPhone Repair cho biết, anh đã nói chuyện với Apple về việc trở thành một AASP, nhưng nó không khả thi cho công việc của anh.
"Chúng tôi quyết định không tiếp tục với AASP. Apple trả không nhiều lắm. Họ có những hạn chế làm bạn không thể sửa màn hình tại cửa hàng của bạn. Bạn phải nhận thiết bị, gửi nó tới trung tâm và đợi đến khi nó được sửa. Thời gian quay vòng là quá lâu."
Agrawal cho biết, cửa hàng của anh hiện có rất nhiều khách hàng và đang làm việc với các công ty lớn khác như Facebook và Zynga, vì vậy nó có thể hoạt động tốt mà không cần Apple. "Chúng tôi không thể hợp tác với Apple ở mức giá này." anh bổ sung thêm.
Trong khi đó, Mansoor Safi từ iFixer cho rằng chương trình của Apple không thuận tiện với các doanh nghiệp nhỏ. "Mọi thứ đều do Apple quyết định." Anh cho biết. "Giá cả, những gì cần làm, linh kiện. Và Apple chỉ phải trả một khoản phí nhỏ."
Safi cũng giải thích rằng, Apple chỉ thực sự sửa hai bộ phận trên iPhone – pin và màn hình. Còn với những bộ phận khác, Apple sẽ thay thế toàn bộ thiết bị. Trong khi đó, cửa hàng của anh, và các cửa hàng sửa chữa khác, có thể sửa chữa các vấn đề như dính nước, các vấn đề về loa, sự cố với cổng sạc, và các trục trặc khác với mức giá rẻ hơn việc Apple thay toàn bộ thiết bị.
Hàng loạt các AASP mà MacRumors tiếp xúc (tất cả đều đề nghị ẩn danh) xác nhận rằng Apple chỉ trả một số tiền nhỏ cho việc sửa chữa iPhone. Ví dụ, một cửa hàng cho biết, với việc sửa qua thư, tiền bồi hoàn không đủ trang trải các chi phí quản lý, trong khi những người khác cho biết họ phải tính phí cao hơn để bù lại các chi phí mà Apple không phải chịu.
"Nếu sửa iPhone là chức năng duy nhất của chúng tôi, tôi không chắc mình có thể sống sót nhờ tiền bồi hoàn nhận được từ Apple, đặc biệt với việc sửa chữa qua thư." Một nguồn tin cho biết.
Theo Jim từ trung tâm Cellular Repair Center tại San Jose cho biết, anh đã tiếp cận Apple vài lần về chương trình Apple Authorized Service Provider nhưng không có phản hồi gì từ họ. Anh rất cởi mở về việc tham gia chương trình này, nhưng lại chút thờ ơ về ý tưởng của nó.
"Theo hiểu biết của chúng tôi, có những hạn chế đối với một số loại sửa chữa nhất định mà chúng tôi không được phép thực hiện và chúng tôi đã do dự vì điều đó. Chúng tôi là một trong số ít các cửa hàng trong khu vực này rất giỏi về hàn vi mạch và chúng tôi sẽ cần một củ cà rốt khá to để từ bỏ điều đó."
Hàn vi mạch là kỹ năng cần thiết để có thể sửa các vấn đề nhạy cảm trên iPhone, vốn đòi hỏi nhiều sự chính xác, ví dụ như lỗi đèn nền. "Touch Disease" gây ra các vấn đề về đa chạm, và các trục trặc khác do nước gây ra. AASP không thể giải quyết các vấn đề này và họ sẽ phải gửi thiết bị về Apple để thay thế.
Apple được cho là có chọn lọc các cửa hàng dành cho chương trình Apple Authorized Service Program của mình, đặc biệt là ở khu vực Bay Area. Cho dù MacRumors không thể xác nhận được điều này, một số cửa hàng sửa chữa cho biết rằng Apple không chấp nhận các AASP mới trong những khu vực nhất định.
Nếu không có chứng nhận từ Apple, các cửa hàng sửa chữa độc lập không tiếp cận được các bộ phận do Apple sản xuất và vì vậy, họ sẽ có hai lựa chọn: mua các linh kiện gia công do những công ty bên thứ ba sản xuất, hoặc các bộ phận tân trang lại lấy ra từ những iPhone hỏng, được sửa chữa lại và mua với số lượng lớn
Triết lý của Apple về sửa chữa
Apple khuyến khích khách hàng tới thăm các cửa hàng bán lẻ Apple hoặc cửa hàng dịch vụ do Apple ủy quyền để sửa chữa, bởi vì chúng đều dùng các tài liệu đào tạo của Apple và linh kiện do Apple sản xuất. Vì vậy, một thiết bị do AASP sửa chữa sẽ không khác biệt gì so với một chiếc iPhone nguyên gốc.
Quan điểm chung của Apple dường như là việc sửa chữa do các cửa hàng độc lập thực hiện là không an toàn, và với số lượng các cửa hàng sửa chữa bên ngoài, khách hàng iPhone có thể sẽ nhận được dịch vụ sửa chữa kém và các vấn đề thực sự về an toàn.
Khi Apple sửa chữa một thiết bị, nó được đưa qua một quá trình kiểm tra nhà máy nhỏ với cỗ máy Horizon Machine kể trên. Tất cả các tính năng cần được căn chỉnh chính xác để đáp ứng với thông số của nó khi lần đầu xuất xưởng từ nhà máy, và quá trình kiểm tra này chỉ có Apple (và cửa hàng dịch vụ do Apple ủy quyền) mới có thể thực hiện.
Chỉ có cách sử dụng dịch vụ từ một AASP, khách hàng mới có thể chắc chắn rằng thiết bị sẽ hoạt động bằng 100% thời điểm ban đầu khi nó mới rời khỏi nhà máy của Apple.
Theo Apple, có rất nhiều vấn đề có thể phát sinh khi sửa một chiếc iPhone ở một nhà cung cấp không do Apple ủy quyền, ví dụ phím bấm Touch ID hoạt động không chính xác, các điểm chết trên màn hình, khe hở quanh cạnh màn hình, chất lượng âm thanh kém, bị ăn pin và nhiều hơn nữa. Apple cũng cảnh báo về các linh kiện hàng nhái trên trang web hỗ trợ của mình.
Apple xem các AASP là một phần quan trọng trong hệ sinh thái sửa chữa của Apple, nơi mang đến các lựa chọn sửa chữa ở những khu vực không có cửa hàng Apple Store và ở các khu vực nội đô đông đúc, nơi có nhu cầu cao và tìm đến các cửa hàng bán lẻ của Apple có thể phải chờ đợi rất lâu.
Khác biệt về chi phí
Sửa chữa ở các cửa hàng độc lập thường rẻ hơn so với mức giá của Apple, và đó là một trong những lý do giải thích cho việc khách hàng lại chọn không tìm đến dịch vụ của Apple.
Với các bộ phận gia công có chất lượng cao hơn và hàng linh kiện OEM sử dụng để sửa chữa cho các thiết bị mới hơn, mức giá sẽ không quá khác biệt với mức phí của Apple, nhưng với các thiết bị cũ hơn, các cửa hàng độc lập gần như luôn luôn đánh bại Apple về giá cả.
Điều tương tự cũng đúng khi đối với một số hư hỏng khác, Apple chọn loại bỏ toàn bộ thiết bị và yêu cầu khách hàng trả chi phí thay thế nếu hết bảo hành. Các cửa hàng độc lập đôi khi có thể sửa những hư hỏng này mà không cần vứt bỏ cả chiếc iPhone.
Jason Yin đến từ QuickStart Cellular cho biết, anh tính giá từ 60 USD tới 90 USD cho việc sửa từ iPhone 6 tới iPhone 8 Plus. Trong khi đó, việc sửa màn hình hết bảo hành của Apple từ iPhone 6 tới iPhone 8 sẽ tốn từ 129 USD tới 169 USD, vì vậy, có thể hiểu được tại sao một số khách hàng tìm đến các lựa chọn có giá hợp lý hơn. "Các thiệt hại khác" không liên quan tới màn hình có thể tiêu tốn từ 299 USD tới 399 USD khi sửa tại Apple.
Cửa hàng Cupertino iPhone Repair cho biết, họ tính phí 129 USD để sửa màn hình iPhone 7, và 149 USD để sửa màn hình iPhone 8, không khác nhiều lắm so với mức giá của Apple. Cho dù vậy, trên các thiết bị cũ, khoản tiết kiệm này có ý nghĩa đáng kể hơn.
Trang web nổi tiếng về sửa chữa iFixit bán một màn hình LCD của iPhone 7 với bộ số hóa và các công cụ cần thiết để sửa với giá 90 USD, rẻ hơn 60 USD so với con số mà Apple yêu cầu. Bạn sẽ cần tuân thủ hướng dẫn của iFixit khi tiến hành sửa chữa, và dù rõ ràng nó không dành cho tất cả mọi người, đây vẫn là một khoản tiết kiệm đáng kể cho những người yêu thích kỹ thuật.
Các cửa hàng độc lập đưa ra một loạt các mức giá khác nhau, và tất nhiên, tiền nào của đó. Hầu hết các cửa hàng sửa chữa đều cho biết rằng, nói chung không mấy bất ngờ khi giá cao hơn sẽ đi kèm với linh kiện chất lượng tốt hơn.
Bên cạnh giá cả, còn một yếu tố quan trọng khác để khách hàng quyết định xem nên sửa chữa ở đâu, đó là chất lượng của việc sửa chữa. Liệu các cửa hàng độc lập với những linh kiện gia công có thể cạnh tranh về chất lượng với những cửa hàng bán lẻ của Apple và các cửa hàng dịch vụ do Apple ủy quyền hay không? Mời các bạn đón xem phần 3 của series Hệ sinh thái sửa chữa iPhone.
Tham khảo MacRumors
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng