Hết giảm giá lại đến tặng voucher Vsmart Live, VSmart đang ngầm chuyển chiến thuật kinh doanh điện thoại?
Thay vì đi theo định hướng cận cao cấp cho tới siêu cao cấp như tuyên bố cách đây một năm, Vsmart giờ nhắm vào phân khúc người dùng tầm trung và giá rẻ, nhằm chiếm lĩnh thị phần càng nhiều càng tốt.
Cách đây gần tròn 1 năm, trong ngày ra mắt cùng lúc 4 mẫu smartphone đầu tiên của mình, đại diện Vsmart của tập đoàn Vingroup tuyên bố trong năm 2019, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và tấn công vào nhiều phân khúc khác ngoài giá rẻ và tầm trung.
Cụ thể, Vsmart cho biết hãng sẽ tung ra Vsmart Star thuộc phân khúc cơ bản, Vsmart Live thuộc phân khúc cận cao cấp và Vsmart Lux thuộc phân khúc cao cấp, thậm chí có cả Vsmart Super Lux thuộc phân khúc siêu cao cấp (cùng tên với mẫu xe cao cấp của Vinfast).
Nhưng gần 12 tháng đã trôi qua, Vsmart Lux và Super Lux siêu cao cấp ở khoảng giá được dự đoán là 20 triệu kia vẫn chẳng thấy đâu? Trong khi đó, Vsmart Live mới đây lại được giảm giá tới 50%, tụt từ phân khúc cận cao cấp theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất xuống phân khúc tầm trung. Chưa hết, nhà sản xuất thậm chí còn đưa ra chính sách tri ân đối với những người mua Vsmart Live từ những ngày đầu (với mức giá 6-7 triệu đồng) bằng một voucher giảm giá lên tới 1,5 triệu đồng cho sản phẩm Vsmart tiếp theo.
Điều này khiến nhiều người phải tự đặt câu hỏi: Vsmart đang muốn làm điều gì?
Chiếc điện thoại phân khúc siêu cao cấp của Vsmart đang ở nơi đâu?
Theo như những gì đang diễn ra, công ty điện thoại Việt này đang thực hiên một loạt động thái thúc đẩy bán hàng, tăng doanh số thông qua các hoạt động giảm giá, khuyến mại ở phân khúc trung cấp và giá rẻ. Cũng tức là, Vsmart đã và đang âm thầm thay đổi chiến thuật kinh doanh điện thoại của mình, một cách hết sức bí mật và uyển chuyển. Không còn là những thiết bị nhắm vào người dùng ở phân khúc cận cao cấp, cao cấp hay siêu cao cấp nữa. Thay vào đó là đối tượng ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Mục tiêu ở đây có thể đúng như dự đoán của nhiều người từ khi Vingroup chính thức bắt đầu bước chân vào mảng công nghệ, đó là "cung cấp smartphone cho càng nhiều người Việt càng tốt".
Vậy tại sao Vsmart lại muốn làm điều này - một cách rất mạnh mẽ và dứt khoát - mà không phải là nhằm mục đích thu lợi nhuận, hay quảng bá thương hiệu Việt ra quốc tế.
Câu trả lời nằm ở hệ sinh thái và những mảng kinh doanh và Vingroup đang nắm giữ, triển khai. Tham vọng smartphone của VinGroup không chỉ dừng ở chiếc smartphone. Tập đoàn có thể coi là lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang vẽ lên định hướng ở một tương lai xa hơi, chấp nhận đốt vài trăm tỷ đồng ở hiện tại để thu về hàng nghìn tỷ đồng ở các lĩnh vực khác. Bởi thông qua việc chiếm lĩnh thị phần smartphone Việt - điều chỉ có thể thực hiện được với những chiếc smartphone tầm trung và giá rẻ - Vingroup mới có thể dễ dàng triển khai các dịch vụ liên quan như thanh toán/tài chính, du lịch, y tế, quản lý nhà thông minh, kết nối xe hơi thông minh... Đây là những ứng dụng dịch vụ có thể được cung cấp và cải thiện dễ dàng thông qua smartphone. Trong tương lai gần, sản phẩm của Vsmart có thể trở thành đòn bẩy cho dịch vụ thanh toán di động tại các siêu thị VinMart, hay các ứng dụng tài chính cho khách hàng mua nhà ở VinHomes hay mua xe VinFast.
Vsmart đang chuyển chiến thuật kinh doanh, tập trung vào thị trường tầm trung và giá rẻ?
Chưa kể, trong thời đại smartphone vẫn là loại hình thiết bị thông minh phổ biến nhất thế giới, ai nắm trong tay hàng triệu người dùng là nắm trong tay một khối lượng dữ liệu thị trường cực kỳ khổng lồ và quý báu. Và rõ ràng, dữ liệu của người Việt khi do một công ty Việt Nam nắm giữ, sẽ mang lại lợi ích lâu bền và hiệu quả hơn trong tay các công ty Âu Mỹ hay Trung Quốc.
Nhìn ra thế giới, Xiaomi cũng đã thành công khi bước đi trên con đường này, chuyển mình từ một công ty điện thoại giá rẻ thành "Apple của Trung Quốc", bán mọi thứ trên đời dù chúng có "smart" hay không. Hay Huawei, Samsung, Apple sau khi thành công ở lĩnh vực điện thoại, cũng bắt đầu lấn sân sang các mảng dịch vụ khác như phụ kiện đeo, TV, smarthome... Tất cả đều nhằm một mục đích cuối cùng là mở rộng hệ sinh thái của riêng mình ra to nữa, to mãi. Và với Vsmart, bước chân đầu tiên cần đặt vững chắc, cũng chính là bắt đầu mở rộng hệ sinh thái người dùng của chính mình, thông qua việc khiến cho những chiếc smartphone mang logo ngọn lửa ở mặt lưng, đến được tay càng nhiều người dùng Việt càng tốt.
Cuộc chơi công nghệ không bao giờ có mức giá rẻ và Vsmart đang bắt đầu chấp nhận thực tại cũng như trả giá để đạt được mục đích của mình.
Việc Vingroup khởi công nhà máy sản xuất smartphone tại Hà Nội, không chỉ sản xuất điện thoại Vsmart mà còn sẵn sàng nhận gia công cho các hãng khác gần đây cũng là một biểu hiện rõ ràng cho tham vọng lớn nói trên của tập đoàn này. Một công ty Việt sẽ không thể chiếm lĩnh được thị trường Việt nếu không đủ sức cung ứng sản phẩm hay có dây chuyền sản xuất hàng loạt trong nước để hạ giá thành sản phẩm, nhằm cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Trên thực tế, ai cũng có thể nhìn nhận ra khó khăn, thách thức và phương pháp giải quyết này. Nhưng trên thị trường smartphone, không phải công ty nào cũng đủ tiềm lực tài chính để có thể chạy đua, đốt tiền và đầu tư dài hạn như Vsmart.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng