Hiệp sĩ Jony Ive - đôi bàn tay tài hoa làm nên sự hoàn hảo của iPhone
Ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ ngoài bóng bẩy, sang trọng và tinh tế của mỗi thiết bị mang logo "táo khuyết" là một nhà thiết kế vĩ đại với cuộc sống khép kín.
iPhone, iPod, iPad , iMac... những thiết bị mang trong mình sự giao thoa tuyệt vời giữa công nghệ và nghệ thuật, đồng thời mang lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất đến người dùng đã làm nên thành công cho Apple ngày hôm nay. Nhắc đến gã khổng lồ công nghệ này, cái tên đầu tiên mà đa số chúng ta nghĩ đến là cố CEO Steve Jobs - một thiên tài công nghệ, một lãnh đạo tài ba nhất.
Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ ngoài bóng bẩy, sang trọng và tinh tế của mỗi thiết bị mang logo "táo khuyết" là một nhà thiết kế vĩ đại với cuộc sống khép kín. Vâng, tôi đang nhắc đến phù thủy Jony Ive - một huyền thoại sống trong giới thiết kế, một "hiệp sĩ" đích thực ở vương quốc Apple!
Từ cậu bé với đôi tay hào hoa
Ive sinh ra và lớn lên ở Chingford, một ngôi làng ở phía Đông Bắc London, Anh. Chính người cha làm nghề thủ công tài hoa đã truyền tải niềm đam mê thiết kế cho ông. Thời ấu thơ của Ive trôi qua bên người cha tại xưởng thiết kế và hầu hết những món đồ chơi của ông đều được cả hai cùng làm bằng tay. Tuy nhiên, cha của Ive luôn yêu cầu con mình phải phác thảo ra giấy mọi thứ sẽ làm và thói quen này đã ảnh hưởng lên phong cách thiết kế đặc trưng của Jony Ive. Tất cả những thiết kế đột phá của ông tại Apple như iMac, iPhone, iPad... đều được Ive phác thảo ra giấy từ chính đôi tay hào hoa của mình.
Nhà thiết kế này chia sẻ rằng sự kết nối giữa cảm xúc và đôi tay luôn tạo ra một sức mạnh đáng kinh ngạc. Không chỉ vẽ phác thảo đẹp, Ive còn mày mò chế tạo và tìm hiểu cách hoạt động của các linh kiện bên trong mỗi thiết bị. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa ông và các nhà thiết kế đương thời.
Đến tuổi trưởng thành, không quá khó khăn để Ive thi đỗ vào ngành thiết kế công nghiệp tại Đại học Tổng hợp Newcastle .Tuy nhiên, cậu sinh viên trẻ này đã từng có ý định từ bỏ giấc mơ của mình khi học đại học. Cha của Ive đã phải thuê nhà thiết kế Tom Karen để truyền cảm hứng cho con trai của mình sau khi Ive đang phân vân về việc nghỉ học.
Ở tuổi 20, Ive đã từng thiết kế một chiếc tai nghe và một chiếc khuyên tai (làm tự nhựa) để hỗ trợ giao tiếp cho những trẻ khiếm thính. Ông cũng đạt giải thưởng của Hiệp hội nghệ thuật hoàng gia Anh nhờ thiết kế máy ATM. Rõ ràng Ive đã thể hiện tài năng hiếm có khi còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.
Tốt nghiệp đại học, Jony Ive bắt đầu làm việc cho công ty khởi nghiệp Tangerine tại London. Tại đây, ông phải thiết kế mọi thứ từ bàn chải đánh răng cho đến lò vi sóng và sớm cảm thấy mệt mỏi với những việc nhàm chán này. Mọi thứ kết thúc khi ông được chỉ định thiết kế toilet cho một khách hàng và bị chỉ trích rằng thiết kế của mình quá tốn kém để thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở Tangerine, Ive đã có cơ hội để tư vấn cho Apple - một khách hàng và thừa nhận rằng mình bị cuốn hút bởi sự đơn giản đằng sau những cỗ máy phức tạp. Apple đã đề nghị Ive về làm việc cho mình trong suốt 2 năm và đến năm 1992, ông đã chính thức gia nhập gã khổng lồ công nghệ này với công việc thiết kế ưa thích. Với tài năng và sự sáng tạo của mình, Ive chỉ mất 4 năm để trở thành người đứng đầu bộ phận thiết kế của Apple, năm 1996.
Cặp đôi hoàn hảo: Jony Ive – Steve Jobs
Mặc dù là người đứng đầu bộ phận thiết kế tại Apple, nhưng thực tế vai trò của Jony Ive không được quan trọng như chức vụ này. Trước khi Steve Jobs quay lại Apple năm 1997, nhà sản xuất này chỉ quan tâm tới lợi nhuận và cố gắng tối đa hóa số tiền kiếm được. Cảm thấy tài năng của mình bị lãng phí, Ive đã từng chuẩn bị đơn xin nghỉ việc tại Apple vào năm 1997.
Vậy lý do nào đã giữ chân nhà thiết kế thiên tài này ở lại và cống hiến hết mình cho Apple gần 20 năm qua? Chỉ có thể là Steve Jobs - một thiên tài công nghệ khác. Sự trở lại của “cha đẻ” Apple cùng một bài diễn văn hết sức lôi cuốn đã tạo nguồn hứng khởi mới cho toàn bộ nhân viên và Ive cũng đã bị thuyết phục bởi triết lý này:
“Mục tiêu của Apple không chỉ là kiếm tiền, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nhất”.
Bên cạnh khả năng hùng biện, Steve Jobs còn biết đến bởi con mắt nhìn người cực kỳ tinh tế. Ông đã nhận thấy ở Ive sự đồng cảm trong thiết kế và cảm thấy tài năng của Ive đã bị cựu CEO Gil Amelio phí phạm. Không mất nhiều thời gian để Steve Jobs và Jony thiết lập mối quan hệ biến họ trở thành bộ đôi thiết kế công nghiệp tuyệt vời nhất trong thời kỳ của mình. Cả hai bắt đầu ăn trưa cùng nhau và Steve Jobs thường kết thúc một ngày làm việc bằng cuộc trò chuyện với Ive tại phòng thiết kế. Phần lớn mọi người trong cuộc đời của Steve Jobs có thể thay thế, ngoại trừ Ive!
Người thổi hồn vào các sản phẩm của Apple
Năm 2001, Ive đã thiết kế ra iPod - một trong những sản phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp thiết kế của mình. Tại thời điểm đó, iPod là một thiết bị hoàn toàn mới của Apple - giống như chiếc Apple Watch vừa ra mắt gần đây. Cùng với iTunes, iPod không chỉ giúp thay đổi nền công nghiệp âm nhạc mà còn là dấu ấn quan trọng đối với thị trường tiêu dùng điện tử. Trang công nghệ Mashable từng nói rằng: “iPod đã mở ra kỉ nguyên mới cho các thiết bị điện tử cầm tay".
Năm 2007, Jony Ive cùng Steve Jobs đã ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên - thiết bị thay đổi vĩnh viễn ngành công nghệ của thế giới. iPhone đầu tiên được Ive thiết kế với mục đích hướng đến người tiêu dùng hơn là những doanh nhân - đi ngược với những nhà sản xuất khác thời điểm đó. Cùng với nền tảng iOS, chiếc smartphone này đã mở ra kỷ nguyên mới của Apple khi trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới.
Sau smartphone, vị thần sáng tạo này cũng là người chịu trách nhiệm thiết kế dòng sản phẩm iPad của Apple. Mặc dù iPad không phải là chiếc máy tính bảng đầu tiên nhưng nó lại là sản phẩm đưa tablet lên một tầm cao mới. Ive bắt đầu phát triển iPad bằng việc thiết kế 20 nguyên mẫu với các kích cỡ cùng độ phân giải màn hình khác nhau. Tất cả đều được đặt chung tại một chiếc bàn trong studio của Ive để ông và Jobs cùng thử nghiệm.
Đến năm 2012 (thời hậu Steve Jobs), Ive đã được giao cho nhiều trọng trách hơn tại Apple khi trở thành người đứng đầu bộ phận giao diện cá nhân của công ty, chịu trách nhiệm mảng thiết kế phần mềm lẫn phần cứng. Động thái này diễn ra sau khi Scott Forstall bị Apple cho nghỉ việc.
Sau khi tiếp quản vị trí mới, Ive đã thiết kế lại hoàn toàn UI (giao diện người dùng) cũng như UX (trải nghiệm người dùng) của iPhone lẫn iPad bằng bản cập nhật iOS 7. Đáng chú ý là việc từ bỏ phong cách thiết kế mô phỏng mang tính biểu tượng của iOS 6 và thay vào đó là một giao diện phẳng hoàn toàn mới lạ. Ban đầu giao diện mới này bị “ném đá” kịch liệt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, giao diện phẳng đã nhanh chóng trở thành quy chuẩn mới trong ngành thiết kế. Jony Ive một lần nữa khẳng định tài năng của mình!
Thiết kế bằng cả trái tim
Phong cách thiết kế khác biệt mà mà Ive tạo ra không chỉ giới hạn tại Apple mà có sự ảnh hưởng trên toàn thế giới. Khác với nhiều nhà thiết kế, Ive dành sự quan tâm đặc biệt đến từng chi tiết nhỏ bé của sản phẩm. Ông luôn theo đuổi triết lý : “đơn giản nhưng tốt hơn” từ thần tượng của mình: Dieter Rams - nhà thiết kế công nghiệp người Đức.
Phải mất rất nhiều công sức để biến mọi thứ trở nên đơn giản, phải đơn giản thật sự chứ không chỉ ở dáng vẻ bên ngoài - đấy chính là lí do các sản phẩm của Apple luôn có vẻ ngoài bắt mắt nhưng gọn gàng đến mức tối đa. “Thiết kế không chỉ là việc sản phẩm sẽ nhìn như thế nào từ phía ngoài. Nó phải phản chiếu cái cốt lõi của sản phẩm vì đó chính là tinh hoa sáng tạo bởi con người”.
Mỗi sản phẩm của Apple dưới thời bộ đôi này đều là sự giao thoa hoàn hảo giữa công nghệ và nghệ thuật, điều làm tất cả mọi người đều háo hức đến cuồng nhiệt mỗi khi nhà sản xuất này ra mắt một mẫu sản phẩm mới. Với tình yêu và sự đam mê của Jobs và Ive trong mỗi sản phẩm thì mọi sự chờ đợi của người hâm mộ đều xứng đáng, bởi vì đó là sự kết tinh của tinh hoa từ bộ đôi thiết kế vĩ đại nhất lịch sử: Jony Ive và Steve Jobs.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng