Hóa ra coder không dùng máy Mac nhiều như người ta tưởng
Cho dù từng được các nhà phát triển ưa chuộng vào năm 2016, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều năm nay những chiếc máy tính chạy MacOS không còn là lựa chọn hàng đầu của các lập trình viên nữa.
Nhiều năm gần đây, không ít người cho rằng các máy Mac là thiết bị lý tưởng dành cho lập trình viên. Điều này càng được khẳng định hơn trong một cuộc khảo sát vào năm 2016 trên StackOverflow cho thấy, hệ điều hành MacOS X được các nhà phát triển ưa chuộng nhất với 26,2% số người tham gia khảo sát sử dụng nền tảng này.
Quả thật, để phát triển ứng dụng cho iOS, các máy tính Mac là thiết bị không thể thiếu đối với các lập trình viên. Bên cạnh đó, mức độ hoàn thiện máy tốt cùng một hệ điều hành ổn định nhờ sự tích hợp chặt chẽ của Apple đã khiến các máy tính chạy MacOS trở thành lựa chọn hàng đầu cho những nhà phát triển.
Các ưu điểm trên cùng với sức mạnh từ thương hiệu Apple đã tạo nên ấn tượng cho rằng máy tính Mac không chỉ là thiết bị lý tưởng mà còn là thiết bị không thể thiếu đối với các nhà phát triển. Nhưng hóa ra sự thật không phải vậy!
Sau khi dẫn đầu trong cuộc khảo sát trên trang StackOverflow vào năm 2016, các cuộc khảo sát sau đó được thực hiện vào những năm 2017, 2018 và 2019 lại cho thấy một điều ngược lại: các máy tính chạy MacOS không còn được các nhà phát triển ưa chuộng như trước nữa.
Bảng khảo sát các nền tảng lập trình phổ biến năm 2017
Bảng khảo sát năm 2017 cho thấy: 3 nền tảng hàng đầu cho các nhà phát triển là Windows Desktop, Linux Desktop và Android, thậm chí MacOS còn đứng sau cả nền tảng đám mây AWS của Amazon.
Bảng khảo sát các hệ điều hành phổ biến cho lập trình viên trong năm 2018
Kết quả khảo sát năm 2018 vẫn cho thấy Windows mới là hệ điều hành phổ biến nhất đối với các nhà phát triển, trong khi MacOS và Linux xếp sau khi trở thành các sự lựa chọn thứ 2 và 3.
Điều tương tự cũng vẫn đúng với cuộc khảo sát trên StackOverflow năm 2019, khi Windows vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất của các lập trình viên, và xếp thứ hai vẫn là MacOS và thứ ba là Linux.
Bảng khảo sát các hệ điều hành phổ biến cho lập trình viên trong năm 2019
Rõ ràng, các nhà phát triển vẫn cần máy tính MacOS để tạo ứng dụng cho iOS, khả năng tương thích đa nền tảng của MacOS vẫn không hề thay đổi, vậy điều gì đã làm cho hệ điều hành này trở nên kém hấp dẫn hơn trong các mắt nhà phát triển như vậy?
Phần cứng không còn đáng tin cậy như trước nữa
Trong khi các tính năng phần mềm của MacOS không có nhiều thay đổi, chất lượng phần cứng máy tính MacOS của Apple dường như không làm các nhà phát triển hài lòng nữa. Chiếc Mac Pro được Apple ra mắt vào năm 2013 rơi vào ngõ cụt về phần cứng khi nó hầu như không được nâng cấp trong suốt 6 năm sau đó. Máy Mac Mini cũng không khá hơn khi phải chờ đến 4 năm mới được nâng cấp. Do vậy, để có được các máy tính với phần cứng mới theo kịp thời đại, các nhà phát triển thường tìm đến MacBook nhiều hơn.
Tuy nhiên, các thế hệ MacBook ra mắt từ năm 2016 trở đi đang có chất lượng ở điểm đáy trong lịch sử Apple khi theo đuổi triết lý mỏng nhẹ quá mức của mình. Đầu tiên là bàn phím cánh bướm với quá nhiều tai tiếng. Được thiết kế với mục đích làm giảm độ dầy MacBook nhưng loại lẫy phím này lại dễ hỏng chỉ vì một hạt bụi.
Cũng chính vì triết lý thiết kế mỏng nhẹ tối đa, những chiếc MacBook của Apple không chỉ dễ hỏng hơn mà còn có chi phí sửa chữa rất đắt đỏ mỗi lần hỏng hóc. Điều này hoàn toàn trái ngược với niềm tin từng có của các nhà phát triển vào mức độ hoàn thiện phần cứng của Apple.
Nhưng có lẽ điều đáng quan tâm hơn cả đối với những nhà phát triển là sức mạnh phần cứng trên các máy tính MacOS của Apple. Thế nhưng triết lý mỏng nhẹ trong thiết kế MacBook của Apple đã làm hại đến hiệu năng của dòng MacBook Pro 2018. Được trang bị cấu hình cao nhất với CPU Intel Core i9 cùng khả năng mở rộng đến 32GB RAM, nhưng nó tản nhiệt kém đến mức hiệu năng cỗ máy nhanh chóng sụt giảm mỗi khi chạy các tác vụ nặng.
Thật may là dường như Apple đã nhận ra các sai lầm về thiết kế của mình và tiến hành một loạt thay đổi. Bàn phím cánh bướm đã bị loại bỏ và trở lại thiết kế cắt kéo như thường lệ. Máy Mac Pro cũng đã nhận được nâng cấp phần cứng mới và nó được đánh giá là dễ sửa nhất từ trước đến nay. Ngoại trừ mức giá cao, đây có lẽ là cỗ máy mạnh mẽ nhất của Apple cho đến nay.
Các đối thủ không còn kém cỏi như trước nữa
Sau cú sốc trên thị trường smartphone, Microsoft, đại kình địch trong lịch sử Apple tỏ ra mất phương hướng và đang trên đà xuống dốc. Tuy nhiên, việc công ty chuyển hướng kịp lúc sang lĩnh vực điện toán đám mây đã cho thấy sự đúng đắn của mình. Cùng với việc thay đổi chiến lược kinh doanh, Microsoft cũng thay đổi thái độ với Linux, nền tảng từng bị họ căm ghét dù nó rất được các lập trình viên ưa thích.
Một trong những thay đổi đáng kể nhất là từ năm 2016, Microsoft công bố tính năng Windows Subsystem for Linux (WSL), về cơ bản là một hệ điều hành phụ cho phép các lập trình viên chạy hệ điều hành Linux ngay trong Windows mà không cần máy ảo.
Tính năng này không chỉ giúp các nhà phát triển có cái nhìn thiện cảm hơn đối với nền tảng Windows của Microsoft, mà bản thân các nhà phát triển còn có thể tiếp cận với các công cụ Linux của mình dễ dàng hơn.
Trong khi đó, các nền tảng máy tính Windows cũng được cập nhật các phần cứng mới nhanh hơn, dễ dàng hơn nhiều so với máy chạy MacOS. Các máy tính desktop liên tục được nâng cấp phần cứng mới, không chỉ từ Intel mà còn cả AMD, thay vì phải chờ đợi một thời gian dài từ Apple. Không chỉ CPU mà cả RAM, VGA, ổ cứng đều được nâng cấp dễ dàng hơn nhiều so với máy Mac.
Hơn nữa, chất lượng laptop của các hãng khác cũng đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây dù đi theo xu hướng thiết kế mỏng nhẹ, lấy cảm hứng từ chính Apple. Quan trọng hơn, các nhà sản xuất máy tính khác đưa ra nhiều tùy chọn về phần cứng hơn, nhiều mức giá hơn đa dạng hơn, cũng như nhiều sự lựa chọn khác hơn cho khách hàng.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa là xu hướng phát triển phần mềm trong những năm gần đây. Điện toán đám mây, thiết bị thông minh IoT, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng web PWA đã trở thành những xu hướng nổi bật trong cộng đồng các nhà phát triển. Không giống như việc phát triển ứng dụng cho iOS, các ứng dụng phần mềm này không yêu cầu các nhà phát triển phải có máy MacOS để triển khai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng