Nghiên cứu cho thấy 50% - 90% những người làm việc với máy tính có ít nhất một dấu hiệu của hội chứng thị giác màn hình.
Nếu bạn thường xuyên sử dụng máy tính, rất có thể bạn đã gặp phải hội chứng thị giác màn hình. Đây là một dạng mỏi mắt do sử dụng màn hình kỹ thuật số như màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian dài. Hội chứng thị giác màn hình có thể gây ra các triệu chứng như: đau đầu, mỏi mắt, khô mắt,...
Tuy nhiên, việc bạn mắc hội chứng thị giác màn hình không có nghĩa là bạn cần ngưng hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu bạn biết điều chỉnh cách sử dụng màn hình kỹ thuật số, bạn sẽ có thể cải thiện đáng kể tình trạng bệnh này.
Để tìm hiểu thêm về hội chứng màn hình máy tính cũng như những thay đổi trong lối sống để ngăn ngừa hội chứng này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
1. Hội chứng thị giác màn hình là gì?
Hội chứng thị giác màn hình, hay còn gọi là hội chứng căng mắt kỹ thuật số hay căng mắt máy tính, là một tình trạng có thể gây ra các vấn đề về thị lực và mắc như:
- Mỏi mắt
- Mờ mắt
- Đau đầu
- Khô ngứa mắt
- Đau cổ
- Đau vai
- Ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
- Nhìn đôi
Nếu bạn thường xuyên sử dụng máy tính, rất có thể bạn đã gặp phải hội chứng thị giác màn hình. (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân gây hội chứng thị giác màn hình là do tập trung nhìn vào màn hình kỹ thuật số trong thời gian dài. Các màn hình kỹ thuật số này bao gồm: màn hình máy tính, màn hình tivi, màn hình điện thoại, máy tính bảng, ….
Khi bạn nhìn vào màn hình kỹ thuật số, mắt bạn cần phải làm việc nhiều hơn để tập trung. Nguyên do là vì văn bản trên màn hình kỹ thuật số không sắc nét như văn bản trên sách in.
Ngoài ra, nhìn màn hình kỹ thuật số sẽ khiến mắt dễ bị lóa và khó tập trung. Bạn rất dễ mắc hội chứng thị giác màn hình nếu bạn xem màn hình kỹ thuật số nhiều hơn 2 giờ liên tục.
Các yếu tố nguy cơ khác gây hội chứng thị giác màn hình:
- Sử dụng thiết bị điện tử trong môi trường thiếu ánh sáng
- Ánh sáng chói hoặc phản chiếu từ màn hình kỹ thuật số
- Các vấn đề về thị lực chưa được điều chỉnh (như viễn thị hoặc loạn thị)
- Ngồi không đúng tư thế
- Khoảng cách hoặc góc nhìn không chính xác
Các triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình có thể tiến triển nặng hơn nếu bạn thường xuyên sử dụng màn hình kỹ thuật số nhiều giờ mỗi ngày hoặc đã có bệnh lý về mắt tiềm ẩn.
2. Phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình
Để giảm hoặc ngăn ngừa hội chứng thị giác màn hình, bạn cần thay đổi cách sử dụng màn hình kỹ thuật số. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bảo vệ đôi mắt bạn khỏi căng thẳng và khó chịu.
2.1. Điều chỉnh máy tính
- Đặt màn hình máy tính cách mắt từ 50 - 70 cm. Ngồi quá gần màn hình có thể làm tăng nguy cơ mỏi mắt.
- Đặt màn hình thấp hơn tầm mắt một chút, từ 10 - 13 cm. Nghiêng đầu màn hình trở lại khoảng 10 đến 20 độ. Đảm bảo rằng bạn không ngửa cổ lên hoặc cúi xuống khi nhìn màn hình.
- Bạn cũng có thể làm cho hình ảnh và văn bản hiển thị rõ ràng và dễ đọc hơn bằng cách tăng độ tương phản, chỉnh độ sáng và kích thước phông chữ trên thiết bị của bạn.
Xem thêm:
- Nhận biết dấu hiệu cận thị nhẹ không phải ai cũng chú ý tới
- 6 điều cần lưu ý khi đeo kính gọng cận không thể bỏ qua
2.2. Chớp mắt thường xuyên
Chớp mắt thường xuyên giúp làm tăng độ ẩm và chất nhờn khắp mắt. Nếu bạn không chớp mắt thường xuyên, mắt bạn có thể bị khô và kích ứng nhiều hơn.
Nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại có thể khiến bạn chợp mắt ít hơn so với bình thường. Theo số liệu của Đại học Iowa, khi sử dụng máy tính mắt bạn chớp ít hơn 66% so với bình thường.
Do vậy, cố gắng nhớ chớp mắt thường xuyên khi sử dụng máy tính hoặc thiết bị kỹ thuật số và thường xuyên rời mắt khỏi màn hình sẽ giúp mắt được nghỉ ngơi, ngăn ngừa tình hội chứng thị giác màn hình và các bệnh về mắt khác.
Chớp mắt thường xuyên giúp làm tăng độ ẩm và chất nhờn khắp mắt. (Ảnh: Internet)
2.3. Giảm độ chói của màn hình
Hiện tượng lóa màn hình xảy ra khi ánh sáng phản chiếu vào màn hình của bạn. Ánh sáng thường đến từ các thiết bị chiếu sáng trên cao hoặc từ cửa số gần đó.
Bạn có thể giảm hoặc tránh tình trạng ánh sáng phản chiếu vào màn hình bằng cách:
- Đóng rèm, che bớt cửa sổ
- Sử dụng bóng đèn có công suất thấp hơn
- Làm mờ đèn chiếu trên cao
- Thêm bộ lọc lóa màn hình vào máy tính của bạn
2.4. Sử dụng kính mắt phù hợp
Nếu bạn đang sử dụng kính mắt, hãy chắc chắn rằng bạn đang đeo kính đúng với đơn thuốc, đúng độ. Việc đeo kính sai với đơn thuốc có thể khiến mắt bạn khó tập trung chính xác. Điều này làm tăng nguy cơ mỏi mắt và nhức đầu.
Xem thêm: Người bị cận thị không nên ăn gì để tránh tăng độ cận?
2.5. Điều chỉnh tư thế ngồi
Ngồi sai tư thế có thể làm tăng nguy cơ mỏi mắt. Do vậy, bạn cần thiết kế không gian làm việc của bạn theo cách thúc đẩy tư thế tốt khi bạn ngồi trước máy tính.
Bạn cần ngồi đúng tư thế khi làm việc với máy tính. (Ảnh: Internet)
Khi ngồi trước máy tính hoặc màn hình kỹ thuật số khác, bạn cần lưu ý:
- Ngồi thẳng lưng, tránh để đầu và cổ của bạn hướng về phía trước.
- Đặt màn hình máy tính thấp hơn tầm mắt một chút. Đảm bảo rằng bạn không phải nghiêng đầu lên hoặc nghiêng người về phía trước để nhìn rõ màn hình.
- Sử dụng ghế có độ cao phù hợp. Cố gắng giữ bàn chân phẳng trên sàn, đầu gối ngang bằng hoặc cao hơn hông một chút.
- Sử dụng ghế có tựa lưng tốt. Đảm bảo rằng lưng ghế hỗ trợ tốt cho cột sống của bạn.
2.6. Nghỉ giải lao thường xuyên
Nguyên nhân chính gây hội chứng thị giác màn hình là do bạn sử dụng máy tính, điện thoại liên tục trong thời gian dài.
Để phòng tránh hội chứng thị giác màn hình, bạn hãy tập cho mình những thói quen sau:
- Tuân theo quy tắc 20-20-20. Quy tắc 20-20-20 có thể giúp mắt bạn tập trung và nghỉ ngơi. Cứ sau 20 phút, bạn nhìn vào thứ gì đó cách xa 20 feet ( khoảng 6 mét) trong 20 giây.
- Sau 2 giờ làm việc liên tục, hãy cho mắt nghỉ ngơi trong 15 phút. Bạn hãy di chuyển tầm nhìn ra khỏi màn hình máy tính của bạn và tập trung vào các vật ở gần và xa hơn màn hình của bạn.
- Thực hiện các hoạt động không sử dụng màn hình. Trong mỗi lần giải lao, bạn nên tránh nhìn vào màn hình. Thay vào đó, hãy thực hiện các hoạt động không sử dụng màn hình như sắp xếp công việc giấy tờ hoặc ra ngoài đi dạo.
2.7. Dùng thuốc nhỏ mắt
Sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng sẽ giúp giữ ẩm cho đôi mắt của bạn. Bạn có thể mua một số loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn (OTC) để giúp làm giảm các triệu chứng khô mắt.
Nếu mắt bạn vẫn bị khô hoặc kích ứng sau khi thử thuốc nhỏ OTC, hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa của bạn để được kê loại thuốc riêng.
3. Khi nào cần đến bác sĩ?
Trong nhiều trường hợp, hội chứng thị giác màn hình có thể biến mất hoặc được cải thiện nếu bạn giảm thời gian sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, những thay đổi trong lối sống được đề cập ở trên cũng có thể giúp giảm bớt hoặc ngăn ngừa các triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh của bạn vẫn tồn tại hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đến ngay các phòng khám nhãn khoa. Các triệu chứng này gồm:
- Mắt bị thay đổi tầm nhìn đột ngột
- Đau mắt không rõ nguyên nhân hoặc mắt đỏ bất thường
- Mắt khô không thuyên giảm khi dùng thuốc nhỏ mắt
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về thị lực hoặc các bệnh tiềm ẩn khác.
Đối với hội chứng thị giác màn hình, bác sĩ có thể kê đơn kính mắt dành riêng cho việc sử dụng máy tính. Bạn cũng có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp rèn luyện thị giác hoặc sử dụng loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng.
Tham khảo Webmd, Healthline
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng