Sự thật là: Không phải ai cũng vui vẻ trong dịp nghỉ lễ, như cách bạn thấy họ thể hiện trên mạng xã hội.
- Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng "giang hồ mạng": Tại sao có người chỉ hùng hổ trên mạng, còn ngoài đời thì không?
- Bí ẩn ảo giác Lilliputian: Hội chứng khiến bạn nhìn thấy người tí hon xung quanh mình
- Nghiên cứu: Vợ nhậu cùng chồng giúp hôn nhân hạnh phúc và cả hai cùng sống lâu hơn
- Hiệu ứng tâm lý kỳ lạ khiến chúng ta thức đêm, lướt điện thoại trong vô thức chỉ để "trả thù" cuộc đời
- Thời gian giữ bí mật trung bình của phụ nữ là 47 giờ 15 phút: Tại sao họ cần phải buôn chuyện thì mới thấy thoải mái?
Những ngày nghỉ lễ thường được coi là khoảng thời gian tràn ngập tiếng cười, niềm vui và sự hạnh phúc. Đó là dịp để mọi người tạm thoát khỏi guồng quay của công việc, được trở về bên gia đình, người thân, hoặc đơn giản là có thời gian để tận hưởng cuộc sống cho riêng mình.
Thế nhưng đối với nhiều người, nghỉ lễ không thực sự vui như tưởng tượng.
Một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho thấy 89% người được hỏi nói rằng những kỳ nghỉ lễ khiến họ bị căng thẳng. Nguyên nhân được chia nhỏ ra theo chiều dọc:
58% nói rằng chuyện tiền bạc, chi tiêu trong dịp nghỉ lễ khiến họ đau đầu, 32% nói rằng nghỉ lễ thậm chí còn khiến họ vất vả hơn ngày thường vì có quá nhiều việc phải làm. 19% nói rằng việc di chuyển khi đi du lịch hoặc ngay cả khi về quê xa khiến họ bị căng thẳng.
Trong Top 10 nguyên nhân khiến mọi người cảm thấycăng thẳng trong dịp lễ còn có: Việc nhớ một người thân đã qua đời (38%), áp lực phải làm gì để dịp lễ trở nên đáng nhớ (30%), việc phải nhậu nhẹt uống bia rượu (25%)…
Ngoài ra, khoảng một phần tư người được hỏi nói rằng họ sẽ cãi nhau với người thân hoặc gặp xung đột với gia đình mỗi dịp lễ tết đoàn tụ - tưởng tượng bạn về quê và bị cả dòng họ giục phải kết hôn, lấy chồng hoặc lấy vợ…
Nói tóm lại, nghỉ lễ không hẳn lúc nào cũng vui. Nhưng tại sao chúng ta lại có cảm giác như vậy? Có một áp lực phải vui lên trong những dịp nghỉ lễ khiến chúng ta bị stress.
"Hạnh phúc gượng ép khiến chúng ta cảm thấy buồn bã, khó chịu và cô đơn hơn bình thường, vì chúng ta đang phải giả tạo cảm xúc của mình" - Judith Orloff
Nếu bạn có dịp đột nhập vào phòng marketing của một công ty FMCG đang chuẩn bị kế hoạch bán hàng cho một dịp nghỉ lễ bất kỳ, bạn sẽ thấy trên bảng trắng của họ viết đầy các từ khóa như: "Vui vẻ", "hứng khởi", "an lành", "ấm áp"…
Những từ khóa với sắc thái tích cực này là thứ, mà các công ty bán hàng tiêu dùng nhanh sẽ tìm mọi cách để truyền tải được đến não bộ của bạn - thông qua những thước phim TVC, banner quảng cáo, nội dung fanpage và thậm chí cả bài hát mà bạn nghe thấy trong siêu thị.
Hơn ai hết, các công ty FMCG hiểu rằng khách hàng của họ mua hàng theo cảm xúc. Và chỉ có cảm xúc tích cực mới thúc đẩy doanh số. Thế là họ sẽ tìm cách để khiến các dịp nghỉ lễ của dân chúng nói chung trở nên vui vẻ hết mức có thể.
Trên thị trường có bao nhiêu công ty FMCG thì có bấy nhiêu cỗ máy sẵn sàng bơm thổi niềm vui vào xã hội. Một năm có bao nhiêu dịp nghỉ lễ thì có bấy nhiêu dịp để các công ty này tìm cách bán hàng. Đó là chưa kể các dịch vụ tiêu dùng khác như ăn uống, du lịch, giải trí…
Chúng ta cũng thường có truyền thống trang hoàng nhà cửa, đường phố, tổ chức các hoạt động mít-tinh, vui chơi trong mỗi dịp lễ tết. Chỉ cần bước ra ngoài đường hay bật chương trình thời sự trên TV trong những ngày này là bạn cũng đã cảm thấy một không khí lễ hội ngập tràn.
Đó là cách mà niềm vui trong các kỳ nghỉ này bị bơm thổi quá mức, ít nhất là qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nó tạo ra một kỳ vọng ảo tưởng rằng mọi người đều vui trong những ngày này và ai cũng vậy, bao gồm cả bạn cũng phải vui lên - cho dù tài khoản ngân hàng đang cạn dần, thời tiết thì ẩm ương, còn bố mẹ ở quê có thể chỉ đang đợi bạn về để giục bạn kết hôn…
"Hạnh phúc gượng ép này là thứ khiến chúng ta cảm thấy buồn bã, khó chịu và cô đơn hơn bình thường, vì chúng ta đang phải giả tạo cảm xúc của mình", Judith Orloff, một tiến sĩ tâm thần đến từ Đại học California viết trong cuốn sách của mình có tên gọi "Lớn lên như một người đồng cảm".
Theo Judith, chúng ta thường phải gượng ép cảm xúc của mình trong những ngày nghỉ lễ, vì vậy, thực ra chúng ta không vui như chúng ta tưởng. "Việc khoác lên mình vẻ ngoài giả tạo để gây ấn tượng với người khác hoặc chứng minh cho họ thấy rằng mình thực sự ổn sẽ khiến chúng ta cảm thấy bản thân như một diễn viên tồi", cô viết.
Sự thật là: Không phải ai cũng vui như cách bạn thấy họ thể hiện
Các công ty FMCG, nhà quảng cáo hay chương trình thời sự không phải những nguồn duy nhất khuếch đại niềm vui trong ngày nghỉ lễ của bạn. Áp lực lớn nhất, hóa ra, lại đến từ chính những người xung quanh.
Lướt qua một lượt Facebook và Instagram của bạn bè, người thân trong những dịp nghỉ lễ, bạn sẽ thấy tràn ngập trên đó là những tấm ảnh, video chia sẻ lại khoảnh khắc vui vẻ mà họ có trong kỳ nghỉ, cho dù họ đang trong chuyến du lịch, quây quần bên gia đình hay ra đường dạo phố…
"Một số người rất muốn người khác nghĩ rằng họ đang hạnh phúc và đang ổn", tiến sĩ Judith Orloff cho biết. "Vì vậy, họ thường bù đắp nỗi bất hạnh của mình bằng một nụ cười quá tươi, thái độ quá sôi nổi hoặc tỏ vẻ hạnh phúc một cách giả tạo", cô nói.
Mạng xã hội luôn là một sân khấu, nơi mỗi người đều là một diễn viên đang cố gắng thể hiện phiên bản tốt nhất của bản thân. Chúng ta thường thấy trên đó những bữa tiệc sang trọng, những chuyến du lịch xa hoa hoặc những khoảnh khắc gia đình ấm cúng. Rất ít người thú nhận phía sau những khoảnh khắc đó còn có cả cảm giác cô đơn, mệt mỏi và chán chường thực sự.
Tiến sĩ Judith cho biết điều này gây ra hiện tượng "FOMO" – "Fear of Mising Out" hay nỗi sợ bị bỏ lỡ, trong đó bạn có thể nghĩ rằng "Mọi người đều đang vui vẻ trong dịp nghỉ lễ ngoại trừ tôi". Và điều này sẽ khiến bạn phải đối mặt với cảm giác ghen tị, mặc cảm hoặc đơn giản là cảm giác mình không đủ tốt.
Thực tế là: Không phải ai cũng vui trong dịp nghỉ lễ như cách bạn thấy họ thể hiện. "Những ngày nghỉ lễ thường tạo ra một tình huống khiến mọi người cảm thấy buồn hoặc khó chịu", tạp chí The Times đã viết như vậy từ năm 1985, trước cả khi internet phát triển trong thời đại mạng xã hội.
"Loại trầm cảm này bắt nguồn từ những kỳ vọng không thực tế, thường xảy ra vào khoảng thời gian mà mọi người được nghỉ lễ".
Các nhà tâm lý học như tiến sĩ Judith có một thuật ngữ riêng dành cho nó. Họ gọi nỗi buồn này là "Holiday Blues", hay "Nỗi buồn trong dịp nghỉ lễ". "Nỗi buồn trong kỳ nghỉ lễ là cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm tạm thời diễn ra trong kỳ nghỉ lễ", tiến sĩ Judith cho biết.
Các triệu chứng mà nó có thể gây ra bao gồm:
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc động lực làm việc
- Cảm thấy căng thẳng, thất vọng
- Thấy cô đơn hoặc bị cô lập
- Có cảm giác mất mát, u buồn, nhớ một người thân qua đời
- Khó tập trung, lo lắng hoặc căng thẳng
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi
Các triệu chứng kể trên có thể khác nhau về cường độ và thời gian. Một số người có thể chỉ phải trải nghiệm chúng một cách thoáng qua trong kỳ nghỉ của mình. Nhưng với một số người, triệu chứng có thể dai dẳng, kéo dài từ trước, trong và sau kỳ nghỉ của họ.
Vậy bạn có thể làm gì để xóa tan Holiday Blues?
Theo Gretchen Rubin, tác giả cuốn sách "The Happiness Project" hay "Dự án Hạnh phúc", chỉ khi tìm ra nguồn gốc nỗi buồn, bạn mới có thể tìm thấy niềm vui một cách hợp lý. Vì vậy, điều đầu tiên mà bạn cần xác định đó là lắng nghe nỗi buồn của mình để biết tại sao bạn buồn?
Nếu những áp lực về mặt tài chính và tiền bạc trong dịp lễ đang khiến bạn căng thẳng, bạn cần lên kế hoạch chi tiêu cho mình. Tiết kiệm những khoản chi không cần thiết và xác định một số việc ưu tiên cần tới tiền bạc sẽ giúp bạn dễ thở hơn so với một danh sách các khoản chi lộn xộn.
Điều này cũng có nghĩa là bạn nên chuẩn bị kế hoạch tiết kiệm cho dịp nghỉ lễ tới, để khi đó, áp lực chi tiêu không còn đè nặng lên bản thân mình.
Nếu những kỳ nghỉ lễ là khoảng thời gian bạn cảm thấy nhớ những người thân đã qua đời nhất, Rubin gợi ý bạn nên xem xét việc tưởng nhớ người đó bằng những hoạt động truyền thống mà bạn từng làm với họ khi còn sống, hay chấp nhận sự ra đi của họ sẽ khiến bạn cảm thấy an ủi hơn.
Nếu những hoạt động truyền thống trong dịp nghỉ lễ khiến bạn cảm thấy bị áp lực, Rubin nói rằng bạn luôn luôn có quyền nói từ chối.
Ví dụ, nếu gia đình bạn luôn luôn tụ tập ăn uống trong dịp nghỉ lễ nhưng bạn cảm thấy không vui với điều đó, hãy thử đi du lịch. Nếu bạn cảm thấy bị áp lực, gặp xung đột với gia đình trong dịp lễ tết nhưng vẫn phải trở về nhà, Rubin gợi ý bạn nên lập danh sách ưu tiên 5 việc làm có thể bù đắp cho những điều không vui đó.
Trong trường hợp nếu bố mẹ - người luôn giục bạn phải kết hôn - khiến bạn không vui trong dịp lễ, bạn có thể ưu tiên việc nói chuyện với một người bác, người cô, những người thoải mái và có quan điểm hôn nhân giống với bạn hơn.
Với danh sách 5 việc ưu tiên của mình, hãy đảm bảo chúng là những hoạt động mà bạn muốn làm, đồng thời có thể làm được. Hãy lên danh sách những việc mà bạn cảm thấy chúng đem đến cho kỳ nghỉ của bạn một ý nghĩa, không nhất thiết phải là ý nghĩa mà xã hội kỳ vọng.
Tiến sĩ Judith gợi ý một hoạt động tình nguyện như tham gia hỗ trợ một sự kiện cộng đồng, hiến máu, quyên góp tiền hay đơn giản là mua bữa trưa cho một ai đó, người mà bạn quý mến hoặc thậm chí một người lạ sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Dựa trên một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications nói rằng việc thực hiện những hành động hào phóng sẽ kích thích hệ thống khen thưởng trong não bộ của bạn. Nó khiến cho không chỉ một ngày của bạn mà còn của người khác trở nên tươi sáng hơn.
Tự thực hiện một cuộc tình nguyện cho bản thân mình cũng có tác dụng. Theo đó, dành ra 15 đến 20 phút trong ngày để tận hưởng khoảng thời gian yên tĩnh, đọc sách, nghe nhạc, tắm, tập yoga hoặc một số hoạt động thư giãn khác cũng có thể làm nên điều kỳ diệu.
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy cô đơn trong dịp nghỉ lễ khi chỉ có một mình, tiến sĩ Judith nói rằng vẫn có cách để bạn cảm thấy được kết nối: Rủ một người bạn để tâm sự, tham gia một câu lạc bộ địa phương hay thậm chí gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ…
"Một kỳ nghỉ lễ cô đơn có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn hơn rất nhiều so với sự cô độc hàng ngày của bạn, vì nó có thể khơi dậy cảm giác rằng bạn đang không có một gia đình mà lẽ ra bạn phải có", Lane Moore, tác giả cuốn sách "Làm thế nào để ở một mình" cho biết.
Nhiều người không có may mắn như những người khác khi phải ở một mình trong dịp lễ, họ có thể đã mất đi người thân yêu, có thể vì lý do nào đó mà không trở về để đoàn tụ cùng người thân, gia đình và bạn bè được.
"Nếu bạn không có một gia đình điển hình, hãy nhận ra rằng những gia đình trông có vẻ hoàn hảo từ bên ngoài đều phải trải qua những khó khăn của riêng họ", Moore nói.
Cô cho biết mình luôn chia sẻ trải nghiệm với sự cô đơn của mình trong những ngày nghỉ lễ trên Twitter. Đáp lại, Moore nhận được hàng loạt tin nhắn từ những người theo dõi, những người cũng có trải nghiệm cô đơn trong ngày nghỉ lễ tương tự.
"Bạn có thể thấy rằng sự cô đơn được chia sẻ sẽ xóa bỏ hoàn toàn sự cô đơn", Moore viết. Vì vậy, nếu sự cô đơn thực sự là nguyên nhân khiến bạn thấy buồn trong dịp lễ, điều quan trọng là đừng tiếp tục cô lập bản thân mình.
Luôn có cách để bạn tìm thấy những kết nối và sự chia sẻ trong một xã hội, mà niềm vui quá mức trong mỗi dịp nghỉ lễ thực ra chỉ là sản phẩm phóng đại của truyền thông, mạng xã hội và kỳ vọng quá đáng của mỗi người.
Một kỳ nghỉ lễ có thể vẫn chứa đầy áp lực và những điều tẻ nhạt, chẳng có gì vui vẻ. Nhưng nó vẫn có thể trở thành khoảng thời gian có ý nghĩa, tùy thuộc vào kế hoạch và những gì bạn chọn làm cho bản thân mình.
Tham khảo WebMD, APA, Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng