Hơn một thập kỷ sau 2 cơn địa chấn trong làng game: Nguyễn Thành Trung trở thành tỉ phú đô la nhờ Axie Infinity, Nguyễn Hà Đông - ‘cánh chim ngừng vỗ cánh’ sau ‘cú nổ’ của Flappy Bird
Cùng xuất phát điểm là những người tạo ra các ứng dụng trò chơi gây sốt trên toàn cầu, thế nhưng Nguyễn Hà Đông và Nguyễn Thành Trung lại có những ngã rẽ hoàn toàn khác biệt.
Chú chim vỗ cánh nhưng không thể bay xa
Năm 2014, Nguyễn Hà Đông là cái tên gây bão không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Thành công bất ngờ của trò chơi Flappy Bird giúp Nguyễn Hà Đông có mặt trong danh sách "10 triệu phú Internet đi lên từ con số 0" của tờ The Richest. Flappy Bird cũng nằm trong danh sách 25 ứng dụng được CNET đánh giá là có tầm ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua. Thế nhưng, cái giá phải trả cho sự nổi tiếng và số tiền lớn kiếm được khiến Nguyễn Hà Đông cảm thấy ngạt thở. Và đến khi không còn chịu đựng nổi nữa, chàng trai 28 tuổi khi ấy đã quyết định nhấn nút xóa chú chim Flappy chỉ sau chưa đầy một năm phát hành...
Nguyễn Hà Đông sinh năm 1985 tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Nội. Có ba sở hữu một cửa hàng chuyên bán thiết bị, mẹ làm trong cơ quan nhà nước, gia đình anh không quá giàu có nên anh chưa bao giờ mơ về ngày trở thành nhà phát triển game nổi tiếng thế giới. Dù vậy, từ nhỏ, Nguyễn Hà Đông đã tỏ rõ sự hứng thú với công nghệ khi 15 tuổi đã bắt đầu học lập trình; 17 tuổi tự lập trình game. Đến năm thứ 2 đại học, anh vừa học vừa đi làm cho công ty game. Anh tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ thông tin chuyên ngành Hệ thống thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và sau đó tự mình làm từ năm 2011.
Ngay trước dịp 30/4/2013, Nguyễn Hà Đông viết trên twitter, giới thiệu về "trò chơi mới đơn giản" của mình. Ngoài vài dòng tweet, anh không có thêm bất cứ nỗ lực marketing nào khác cho Flappy Bird. Và với 25.000 ứng dụng mới được đưa lên mạng Internet mỗi tháng, Flappy Bird nhanh chóng bị... chìm nghỉm.
8 tháng sau đó, điều bất ngờ đã xảy đến. Flappy Bird lan nhanh như một loại virus. Cuối tháng 12/2013, trên các mạng xã hội, mọi người đua nhau than thở, thi đấu, thậm chí đập vỡ điện thoại của mình vì Flappy Bird.
Tình đến tháng 2/2014, tựa game này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải về. Đặc biệt, trong tháng 1/2014, Flappy Bird là game có số lượng tải về lớn nhất trên toàn hệ thống App Store và vị trí này kéo dài suốt 20 ngày.
Trước sự thành công đáng ngạc nhiên này, danh tính của người tạo ra nó thực sự khiến cả thế giới tò mò.
Bài phỏng vấn trên tạp chí Rolling Stone năm 2014 là lần đầu tiên Nguyễn Hà Đông bước ra khỏi tấm màn bí ẩn của mình, chia sẻ một phần câu chuyện thành công của "chú chim vỗ cánh", niềm hạnh phúc và nỗi bận tâm đè nặng trong lòng suốt 2 tháng kể từ khi Flappy Bird bất ngờ nổi tiếng trên toàn cầu. Ở đó, phóng viên Rolling Stone dẫn lời Nguyễn Hà Đông cho biết, mỗi ngày, tài khoản của anh có thêm 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) và ngay cả Mark Zuckerberg cũng không giàu nhanh đến cỡ ấy.
Ngoài sự nổi tiếng, thành công của Flappy Bird còn mang lại không ít rắc rối cho Nguyễn Hà Đông. Ban đầu là những lời tố cáo về việc anh đã dùng tiểu xảo để leo lên bảng xếp hạng của App Store, cũng như ăn cắp hình ảnh đường ống trong game Mario đã khiến Đông nản lòng. Anh phủ nhận những lời cáo buộc này và nói rằng việc thêm các đường ống vào chỉ đơn giản bởi vì chúng trông đẹp. Những vụ kiện có thể xảy ra cuối cùng chỉ là tin đồn và chúng không bao giờ xuất hiện.
Chưa hết, trong bài phỏng vấn trên Rolling Stone, anh cho biết bản thân thường xuyên nhận được email của những người bị mất công việc hay bà mẹ không còn trò chuyện với con cái chỉ vì Flappy Bird. Sự bám đuổi, những lời chỉ trích và cáo buộc khiến Đông cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ và không muốn đi ra ngoài.
Hà Đông cũng đã hơn một lần khẳng định trên tài khoản Twitter của mình rằng, mọi người đang đánh giá quá mức thành công của game Flappy Bird và bản thân anh đang quá tải về sự nổi tiếng bất ngờ này. Anh từng viết trên Twitter: "Đó là điều tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi yên."
Ngày 9/2/2014, Đông bất ngờ tuyên bố xóa Flappy Bird, và ngày 10/2, tuyên bố này của anh thành sự thật.
Trong lần tái xuất gần đây nhất tại sự kiện do Đại học Bách Khoa tổ chức tối ngày 18/11/2019, triệu phú sinh năm 1985 ăn vận đơn giản, ít nói, tỏ ra khiêm tốn và đôi lúc có phần ngại ngùng khi chia sẻ trước đám đông.
Tiến sỹ Tạ Hải Tùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội - người trong vai trò điều phối cuộc nói chuyện - ví von: "Đông là người khiêm tốn, sống trong một thế giới riêng của mình. Bao trùm xung quanh Đông là tấm màn bí ẩn. Đông không giống với những người thành công, anh không thích lên truyền thông, vì thế Đông càng trở nên lung linh".
Khi được gợi lại về quyết định gỡ bỏ Flappy Bird khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, anh nói: "Bẩm sinh tôi không chịu được áp lực. Vì vậy tốt nhất là nên gỡ bỏ".
Sau thành công của Flappy Bird, người ta vẫn mong ngóng và chờ đợi một điều tương tự từ Đông. Tuy nhiên, anh nói: "Xác suất để có một thành công tương tự là 0,1%. Tôi không muốn nói trước vì nói trước khó mà vượt qua. Game đó trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ trong game này chưa từng có bao giờ".
Trở thành tỷ phú nhờ game blockchain
Nhiều năm sau Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, cộng đồng game thế giới mới sục sôi bởi một tựa game do người Việt Nam phát triển. Đó chính là Axie Infinity.
Sinh năm 1992, Nguyễn Thành Trung là học sinh chuyên Toán - Tin (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và được tuyển thẳng vào Đại học FPT và theo học ngành Kỹ sư phần mềm.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo, Trung từng chia sẻ, mình ghét blockchain vì mọi người nhắc đến công nghệ này thường nói về giá Bitcoin và các cuộc ICO (huy động tài chính cho các dự án tiền điện tử). Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kĩ về blockchain và chơi thử một game có sự kết hợp với blockchain, CryptoKitties, anh nhận ra việc sử dụng như thế nào là do con người quyết định.
Trong giai đoạn này, Trung gặp các nhà đồng sáng lập của Axie Infinity. Hai trong số năm co-founder là người nước ngoài, bao gồm Aleksander Leonard Larsen từ Na Uy và Jeffrey Zirlin từ Mỹ. Dự án được chính thức khởi động vào cuối năm 2017. Ban đầu Axie Infinity chỉ đơn giản là game ứng dụng blockchain, chứ chưa có cái tên game NFT. Đây là tựa game sử dụng công nghệ blockchain đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được xây dựng với bối cảnh là một vũ trụ của các thú cưng (gọi là các Axie).
Khi đã có sản phẩm, Axie Infinity bắt đầu gọi vốn cộng đồng bằng cách cho mọi người đặt hàng các nhân vật trong game. 500.000 USD là số tiền đầu tiên mà nhóm khởi nghiệp huy động được. Trung nhận thấy, cầm tiền của mọi người thì phải thật sự có trách nhiệm với số tiền này. Chính vì vậy, anh quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian cho game Axie Infinity, chứ không chỉ còn là sở thích cá nhân và một sự phiêu lưu không tính toán nữa.
Mùa hè năm 2020, Axie Infinity đã trở thành một hiện tượng ở Cabanatuan phía bắc thủ đô Manila, Philippines. Không thể ra ngoài do các biện pháp phòng dịch Covid-19, người dân ở đảo quốc tìm đến trò chơi này để kiếm tiền.
Từ vật phẩm, quà tặng kiếm được trong game, người chơi có thể "đồng bộ hoá và hoán đổi" đồng AXS thông qua Ethereum (giao dịch theo cặp AXS/ETH trên các sàn tiền số). Kỷ lục cao nhất mà một Axie được bán là 300 ETH (gần 1,6 tỷ đồng).
Điểm khiến cho tựa game nổi tiếng toàn cầu đó là giúp các game thủ vừa thỏa mãn sở thích chơi game lại vừa kiếm được tiền. Và Axie Infinity chính là nhà tiên phong hết sức thành công của làn sóng chơi game kiếm tiền trên thị trường tiền mã hóa.
Tháng 5/2021, Trung và đội ngũ sáng lập thực hiện vòng series A thành công cho Axie Infinity với con số ấn tượng 7,5 triệu USD.
Đến tháng 10/2021, Axie Infinity thực hiện thành công vòng gọi vốn series B với con số lên tới 152 triệu USD. Nhờ vậy, Sky Mavis trở thành "kỳ lân công nghệ" thứ 3 của người Việt được định giá trên 1 tỉ USD, đạt 1 triệu người dùng hàng ngày vào thời điểm tháng 8/2021 và có định giá lớn nhất là hơn 4 tỉ USD. Bên cạnh nhà đồng sáng lập là người Việt, Sky Mavis có đội ngũ khoảng 200 nhân sự trên khắp thế giới.
Tháng 3/2022, Axie Infinity đứng trước một thách thức vô cùng lớn - bị hacker cướp đi số tiền mã hóa trị giá 625 triệu USD. Đây là một sự kiện gây chấn động trong giới và đông đảo người chơi do vị thế dẫn đầu của tựa game trong làng game blockchain. Vụ hack buộc Sky Mavis phải đóng cửa hệ thống của Axie Infinity để ngăn việc rút token ồ ạt.
Để giải quyết khủng hoảng, Sky Mavis đã kêu gọi thành công 150 triệu USD trong một vòng gọi vốn do sàn giao dịch Binance dẫn dắt, theo Nikkei. Số tiền được dùng để đền bù cho người dùng chịu ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Động thái vô cùng quan trọng có thể giúp lấy lại niềm tin của người dùng.
Chia sẻ tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 vào ngày 15/9/2023, anh Trung cho biết: "Dù trò chơi chưa thực sự hoàn hảo nhưng khi nhìn lại chặng đường mà chúng tôi đã đi qua, những thành tựu đó thật sự đáng tự hào. Tại Sky Mavis, chúng tôi gọi mình là những người xây dựng hình mẫu về một thế giới số và cơ sở hạ tầng hỗ trợ, để dần dần giới thiệu với thế giới khái niệm về blockchain và crypto.
Cho đến bây giờ, chúng tôi đã mạo hiểm vượt xa nơi chúng tôi bắt đầu và khám phá đến một thế giới đầy những điều khả thi mà chưa ai trước đây từng chạm tới và vẫn đang từng bước khám phá vùng đất mới kỳ diệu, đầy thử thách này".
(Tổng hợp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng