Chim Honeyguides có mối quan hệ cổ xưa với con người. Trên thực tế, những con chim này thậm chí có thể hiểu và làm việc cùng với con người để tìm kiếm thức ăn.
Trong các savan rậm rạp ở miền Nam châu Phi, tồn tại một mối quan hệ đối tác phi thường giữa con người và chim honeyguide lớn hơn (tên khoa học là Indicator indicator). Cụ thể, những con chim này sẽ chỉ cho những người thợ săn mật ong địa phương biết mật ong ở đâu, và đổi lại những người thợ săn sẽ chia cho chúng một phần thành quả tìm kiếm được.
Honeyguide là một trong số ít loài chim trên thế giới có thể ăn và tiêu hóa sáp ong. Tuy nhiên, những chú chim nhỏ bé không thể tự mình phá tổ ong rừng, chứ đừng nói đến việc xử lý hàng nghìn con ong đang giận dữ mà không bị đốt. Do đó, nó đã học được cách dẫn con người đến các tổ ong hoang dã, vì họ có thể xử lý những con ong bằng khói và thu hoạch mật ong. Sự hợp tác này có lợi cho cả hai bên: con người có nhiều khả năng tìm thấy tổ ong hơn khi được loài chim này chỉ đường, và sau khi lấy mật, những con chim nhỏ sẽ có được sáp và ấu trùng ong như một khoản phí dẫn đường.
Đó là sự hợp tác hoàn hảo: trong khi những con chim thường biết vị trí của nhiều tổ trong lãnh thổ của chúng, thì chúng lại không thể trực tiếp tiếp cận nguồn thức ăn. Mặt khác, con người ít có khả năng tự mình tìm thấy một tổ ong hơn, nhưng họ có các công cụ và kỹ năng phù hợp để thu hoạch những tổ ong này.
Tuyệt vời hơn nữa, những con chim này và những người thợ săn mật ong có thể giao tiếp với nhau. Thông thường, những con chim này sẽ tiếp cận con người bằng một tiếng kêu lớn, nghe như “tirr-tirr-tirr-tirr”, để thu hút sự chú ý của họ. Sau đó, nó bay từ cây này sang cây khác để chỉ hướng cho những người thợ săn về phía tổ ong. Để giữ cho con chim tập trung hơn đến việc dẫn đường, những người thợ săn thường huýt sáo, nói chuyện và đập những tiếng kêu của chúng cho đến khi tìm thấy tổ ong rừng.
Để chủ động hơn trong việc tìm kiếm mật ong, con người cũng đã phát triển một tín hiệu về thời điểm họ sẵn sàng đi săn. Claire Spottiswoode, một nhà động vật học tại Đại học Cambridge, từ lâu đã quan tâm đến mối quan hệ giữa loài chim này và con người. Trong khi nghiên cứu những con chim tại cộng đồng người Yao ở Mozambique, cô phát hiện ra rằng họ cũng có thể thu hút những con chim bằng cách phát ra tiếng gọi lớn “brrrr-hm”. Đó là một truyền thống săn bắn rất cụ thể của người Yao, một truyền thống đã được truyền từ nhiều thế hệ.
Spottiswoode phát hiện ra rằng những con chim nhận ra và phản ứng với tiếng gọi "brrr-hm" này. Để đo lường điều này, cô ấy đã ghi lại hai "cuộc gọi" khác; một là tín hiệu được phát ra từ những người thợ săn Yao, và một là lời kêu gọi của một loài chim khác. Sau đó, cô phát những bản ghi âm trên khắp lãnh thổ của loài chim honeyguides. Kết quả rất rõ ràng: những con chim honeyguides có nhiều khả năng phản hồi lại cách gọi “brrr-hm” truyền thống và tín hiệu này cũng làm tăng khả năng được dẫn đường bởi một con chim honeyguides từ 33% lên 66%, và với mỗi chuyến đi săn như vậy, tỷ lệ thành công thường là 75% dưới sự hướng dẫn của một con chim.
Mối quan hệ giữa loài chim này và con người lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1588, khi một con chim nhỏ mổ vào chân đèn trong nhà thờ đã thu hút sự chú ý của một nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha có trụ sở tại Sofala, Mozambique.
Ông viết rằng con chim tò mò đã chỉ cho mọi người đường đến tổ ong. Sau đó, những cuộc gặp gỡ được ghi lại với loài chim liên tục xuất hiện trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, hầu hết các ghi chép này không tạo ra nhiều hứng thú về mối tương tác giữa con người và và chim honeyguides, bởi cộng đồng khoa học lúc đó cho rằng đây chỉ là truyền thuyết địa phương của những người thổ dân Châu Phi.
Thế nhưng tất cả đã thay đổi vào những năm 1980, khi Hussein Isack, một thợ săn mật ong người Kenya và Heinz Ulrich Reyer, một nhà động vật học người Đức, thực hiện việc theo dõi những người thợ săn mật ong Boran trong khoảng 3 năm. Thông qua công việc thực địa này, họ có thể xác nhận rằng sự hợp tác giữa con người và loài chim này là sự thật: những con chim thực sự giao tiếp và tương tác với những người thợ săn mật ong.
Mặc dù những cuộc gặp gỡ của người phương Tây đầu tiên có từ thế kỷ 16, nhưng các chuyên gia tin rằng mối quan hệ hợp tác độc đáo này có lịch sử lâu đời hơn nhiều và có lẽ đã phát triển qua hàng trăm nghìn năm. Vì trên thực tế, loài chim hoang dã sống tự do này không được thuần hóa và chưa bao giờ nhận được bất kỳ sự huấn luyện nào từ con người, nên mối quan hệ này có thể được hình thành thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên.
Việc săn bắt mật ong truyền thống dựa vào sự hợp tác với loài chim này trên thực tế đang ngày càng ít phổ biến do nhiều ngôi làng đã chuyển sang nuôi các tổ ong thay vì tìm kiếm trong tự nhiên. Điều này thậm chí đã làm cho những "người dẫn đường biết bay" dừng hành vi dẫn đường do không có phản ứng từ những người săn mật ong.
Tuy nhiên, tại Khu bảo tồn Quốc gia Niassa, truyền thống săn bắn này vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong cộng đồng người Yao, những người hiếm hoi vẫn giữ được truyền thống và tôn trọng sự hợp tác giữa con người và động vật.
Tham khảo: Earthlymission; The Guardian; Inverse
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng