Houzz – Trang web cung cấp ý tưởng cải tạo nhà cửa với 40 triệu người sử dụng hàng tháng, giá trị ước tính đạt 4 tỷ USD
Houzz ra đời hơn 10 năm về trước với chỉ 20 người sử dụng. Hiện tại trang web này đã có hơn 40 triệu người sử dụng hàng tháng tới từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu, châu Á…với giá trị ước tính đạt 4 tỷ USD.
Adi Tatarko, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Houzz - trang web cải tạo nhà cửa ở Mỹ. Khi Adi và chồng quyết định cải tạo ngôi nhà ở California của họ vào năm 2000, họ thấy rằng công việc này không dễ dàng như họ tưởng.
Cô chia sẻ: “Chúng tôi thực sự hào hứng với trang trí nhà cửa và chúng tôi đã có những ý tưởng sẵn trong đầu, nhưng quá trình này trở nên vượt quá sức chịu đựng. Tìm kiếm các kiến trúc sư và nhà thiết kế có chung ý tưởng với chúng tôi rất tốn thời gian.”
Cặp đôi đã chuyển hướng qua internet để tìm sự trợ giúp, nhưng rất ít trang web cung cấp sự hỗ trợ và cảm hứng mà họ cần. Vì vậy, ý tưởng cho Houzz đã ra đời. Nền tảng cộng đồng bao gồm các bài viết và hình ảnh được đăng bởi các kiến trúc sư và các nhà thiết kế nội thất, cũng như các đề xuất cho sản phẩm. Nó cũng cho phép người dùng kết nối với các chuyên gia trong ngành, nhưng người có thể giúp các dự án của họ.
Ngày nay, Houzz có 40 triệu người dùng hàng tháng và có giá trị ước tính 4 tỷ USD, nhưng khi trang web này ra mắt cách đây một thập kỷ, những người sáng lập có mục tiêu khiêm tốn hơn rất nhiều.
Adi chia sẻ: “Chúng tôi thực sự chỉ muốn giữ nó hoạt động ở quy mô nhỏ, vì chúng tôi không muốn mất đi cảm giác cộng đồng. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi có thể mở rộng ra bên ngoài California.”
Ban đầu, Adi và chồng Alon Cohen điều hành trang web như nghề tay trái bên cạnh công việc toàn thời gian của họ. Cô làm việc tại một công ty đầu tư, trong khi chồng cô là giám đốc kỹ thuật cấp cao của eBay.
Thời gian đầu chỉ có 20 người dùng Houzz. Họ đều là phụ huynh từ trường mà con của Adi và Alon theo học, cùng với một nhóm các nhà thiết kế và kiến trúc sư từ khu vực Vịnh San Francisco đang cung cấp dịch vụ của họ. Rất nhanh chóng sau đó, cộng đồng này phát triển mạnh mẽ, khi các chuyên gia bắt đầu giới thiệu Houzz cho khách hàng của họ.
Sau khoảng nửa năm, Adi và Alon nhận được yêu cầu từ các chuyên gia ở New York và Chicago về việc mở một mục cho họ trên Houzz. Trước sự bất ngờ của hai người sáng lập, trang web cộng đồng “nhỏ” nhanh chóng chạm mốc 350.000 người dùng.
Vào năm 2010, cặp đôi đã kêu gọi được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 2 triệu USD từ Oren Zeev, một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. Sau đó, họ rời công việc và dành toàn bộ thời gian cho dự án Houzz và sử dụng tiền đầu tư để thuê những nhân viên đầu tiên.
Theo Adi, một trong những thách thức lớn nhất là tìm được nhân viên phù hợp hoặc những “Houzzers”. Trong một thời gian dài, Adi và chồng đã phỏng vấn từng ứng viên, thực tế 50% quỹ thời gian của họ dùng để tìm kiếm họ. Họ nhận thức được rằng tìm đúng người có cùng tầm nhìn với mình chính là chìa khóa để thành công.
Houzz không tính phí cho chủ nhà và các chuyên gia mà kiếm tiền nhờ 15% hoa hồng từ các sản phẩm được bán thông qua nền tảng của nó. Trang web này cũng cung cấp dịch vụ quảng cáo và bán các danh sách khách hàng cao cấp cho các chuyên gia trong ngành xây dựng.
Charles Bettes, ông chủ của công ty kiến trúc Gpad London của Anh, nghĩ rằng Houzz là một dự án thành công vì nó giúp người dùng tìm thấy cảm hứng phù hợp với các dự án cải tạo nhà của họ. Theo anh, ngày nay, có nhiều nguồn cảm hứng hơn trên mạng. Các nền tảng như Houzz giới thiệu một số dự án cải tạo tốt nhất cho khách hàng.
Vào năm 2013, Adi và Alon quyết định mở rộng phạm vi ra nước ngoài sau khi họ nhận ra rằng gần 1/3 người dùng Houzz không sinh sống ở Mỹ. Đầu tiên, Houzz ra mắt ở châu Âu, sau đó là châu Á và tới thời điểm hiện tại, khoảng ½ người dùng mới là người nước ngoài. Trước xu thế này, Houzz đã mở 6 văn phòng quốc tế bao gồm ở London, Berlin và Sydney.
Tốc độ phát triển nhanh chóng đã giúp Houzz nhận được hơn 600 triệu USD từ các nhà đầu tư cho đến nay, nhưng công ty này vẫn chưa tạo ra lợi nhuận. Vào tháng 1/2019, họ tuyên bố cắt giảm khoảng 10% trong số 2000 nhân viên, bao gồm 110 người ở Anh và Đức, và 70 người ở Mỹ. Vào thời điểm đó, các báo cáo cho thấy Houzz đã mở rộng quá nhanh và đặt ra câu hỏi rằng liệu công ty này đang có chiến lược đúng đắn hay không.
Sau quyết định cắt giảm nhân lực, một phát ngôn viên của Houzz đã chia sẻ với TechCrunch: “Chúng tôi tái cấu trúc lực lượng lao động thị trường quốc tế…để chúng tôi có thể tăng số lượng nhân viên tại các khu vực có tác động lớn nhất cho Houzz. Trải qua quá trình tái cấu trúc ở giai đoạn tăng trưởng luôn luôn rất khó khăn, do nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người.”
Bất chấp bước lùi này, công ty khẳng định rằng hoạt động kinh doanh của họ vẫn rất tốt, và đã có tin đồn rằng họ có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Houzz cũng tiếp tục cập nhật dịch vụ của mình, tung ra một công cụ tương tác thực tế trong ứng dụng cho phép người dùng nhìn thấy đồ nội thất và thiết kế theo thời gian thực trông sẽ như thế nào trong nhà của họ.
Houzz TV, cung cấp các video trực tuyến về các dự án cải tạo nhà cho người nổi tiếng, cũng đã trở thành một cú hit. Ý tưởng này được nghĩ ra bởi nam diễn viên Ashton Kutcher, một nhà đầu tu của Houzz và đồng thời cũng là người xuất hiện trong tập đầu tiên.
Adi nói: “Ashton thật sự quan tâm không chỉ đến đầu tư vào thương hiệu mà còn muốn tham gia nhiều nhất có thể. Chúng tôi đã sản xuất một tập thử nghiệm, sau đó quyết định cho ra mắt một series và có sự tham gia của những người nổi tiếng như Gordon Ramset và Olivia Munn.”
Khoảng 2,1 triệu chuyên gia hiện đang bán dịch vụ của họ thông qua Houzz và Adi nói rằng trang web này đang giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển. Cô chia sẻ câu chuyện về một nhà thiết kế người Anh, sau khi được liên lạc qua Houzz, đã có một dự án cải tạo nhà nghỉ của một khách hàng người Úc ở miền nam nước Pháp.
Adi cho biết: “Nó cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ một nền tảng để giới thiệu, không chỉ cho cộng đồng địa phương của họ, mà cả thế giới, về những gì họ thực sự có thể làm.”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng