Hướng đi nào cho Apple khi Windows 10 bứt phá vượt trội, còn MacOS dần rơi vào bế tắc sau sự kiện của Microsoft?
Có thể nói Microsoft đang đần chiếm thế thượng phong xét trên quy mô của cả một nền tảng người dùng.
*Theo lời Matt Smith - DigitalTrends:
Ngày 10/6 năm 2013, Apple chính thức giới thiệu OS X 10.9 Mavericks, và trong thời kỳ đó, công ty đã gần như thành công tuyệt đối trong công cuộc quảng bá và phát huy tiềm năng hứa hẹn từ những nền tảng sản phẩm điện thoại và tablet di động trước đó sang cả những phiên bản hệ điều hành Mac OS X cho máy tính. Đặc biệt, không giống như truyền thống mọi lần, Mavericks hoàn toàn miễn phí cho mọi người, mở ra một chặng đường mới cũng như quy luật mỗi năm một lần Apple sẽ update và nâng cấp tối ưu hệ điều hành của mình.
Trong khi đó, Microsoft còn đang cố gắng vật lộn với những chiến lược phát triển Windows 8. Windows 8.1 thì chưa thực sự hoàn thiện và còn đang trong quá trình thử nghiệm, dự kiến lúc bấy giờ sẽ phải đến 18/10 năm 2013 mới có thể ra mắt cộng đồng công nghệ. Có thể nói rằng khi ấy Apple đang lướt đi nhẹ nhàng, êm thấm với mọi nước cờ đặt ra, còn gã khổng lồ xứ Redmond kia lại đang gặp nhiều trắc trở níu chân đầy khó chịu.
Vậy mà chỉ vài năm sau, tình thế đã thay đổi một cách chóng mặt, mở ra và viết nên những trang sử mới của lĩnh vực khoa học và công nghệ trên toàn cầu. Hãy cùng nhìn lại những gì họ đã làm được trong thời gian vừa qua:
Mọi thứ bạn có thể làm, chúng tôi đã làm được từ lâu rồi
Tôi cũng từng viết những lời nhận xét và đánh giá khá thất vọng về MacOS Sierra. Khía cạnh được cho là mới lạ, đột phá của Apple - Siri - lại là điều mà Windows 10 có từ lâu rồi, ngay khi vừa mới trình làng, thậm chí với nhiều tính năng đồng bộ và xử lý đa dạng hơn hẳn.
Microsoft thực tế cũng chẳng phải tâng bốc nhiều về cô nàng trợ lý ảo của họ vào sự kiện hồi 26/10, vì họ không cần phải làm như vậy. Cortana đã đồng hành cùng người dùng được một thời gian và chứng tỏ mình làm được những gì. Kể cả những tính năng đặc trưng đột phá trên Windows 10 cũng không được nói đến nhiều, chỉ có thoáng qua về vài cập nhật hiển thị thông báo nhanh, và không có chút gì về các menu hay thanh công cụ và chế độ đa nhiệm cả. Thực sự thì chúng ta không nhất thiết phải được nghe họ nói về những điều như vậy. Không ai có thể phủ nhận Windows 10 đích thực là một giải pháp bền vững, mạnh mẽ, vượt lên hầu hết mọi góc cạnh của MacOS.
Vượt qua giới hạn
Công nghệ cảm ứng là chìa khóa dẫn đến hầu hết mọi cánh cửa tương tác trong thế giới thiết bị số ngày nay. Hơi tiếc là Windows 8 lại từng làm điều ngược lại, cố gắng thuyết phục người dùng rằng họ không cần đến tính năng cảm ứng để có thể hoàn thành tốt công việc được giao khi hoạt động trên nền tảng PC. Tuy nhiên, Microsoft đã nghĩ lại và thực hiện một nước đi vô cùng đúng đắn. Dần dần các công nghệ tương thích được ra đời, như Paint 3D vừa ra mắt - một ứng dụng tích hợp cùng với các chức năng của bút stylus đi kèm theo gói update Windows Creator, hứa hẹn sẽ khiến mọi đối tượng tại mọi tầng lớp đều có khả năng được tiếp cận với môi trường thiết kế 3D.
Có vẻ hơi quá chuyên môn không? Đúng là có một chút. Nhưng thật sự nếu phát huy được hết tiềm năng mà Microsoft mang lại thì chúng ta có thể ngay lập tức gạt mọi ý định mua một chiếc máy tính Mac ra khỏi đầu rồi. Trừ khi Apple có câu trả lời của họ với chiếc MacBook Pro màn hình cảm ứng đột phá vào ngày mai, không thì chỉ thời gian mới có thể trả lời được.
Đó mới chỉ là những bước dạo đầu mà thôi. Quyết định đánh vào mảng thiết kế 3D cùng gói cập nhật Windows 10 Creator Update đều có nguyên do chính đáng cùng sự đầu tư, tính toán kỹ lưỡng từ Microsoft. Đó là phát triển tiềm năng của công nghệ thực tế ảo (virtual reality) và thực tế tăng cường (augmented reality). Cụ thể, tính năng của kính HoloLens sẽ được tích hợp trực tiếp bên trong Windows 10, với tên gọi Windows HoloGraphic. Đây quả thực là một động thái mới mẻ và cũng rất táo bạo của Microsoft khi hướng đến trải nghiệm của người dùng.
Apple thậm chí còn chưa đoái hoài gì đến mảng đó. Không có bất kỳ tăm hơi nào của công nghệ thực tế ảo kết nối được trên Mac, và thực ra hầu hết các sản phẩm của Apple không đủ mạnh mẽ tối ưu để "gánh" được nền tảng như vậy. Tim Cook từng hết lời ca ngợi sự phát triển của các thiết bị thực tế ảo, nhưng nay lại không phải Apple mà Microsoft mới là cái tên dẫn đầu trong phong trào xây dựng nên một hệ sinh thái cho công nghệ đó.
Không thể phủ nhận sự sắc sảo và sáng suốt của Microsoft. HoloLens có thể còn chút thiếu sót nhưng vẫn là một lời tuyên bố hùng hồn về khả năng của mình với vị thế khó mà lay chuyển trong phân khúc các thiết bị cùng chức năng. HoloLens độc đáo, hoàn thiện nhưng cũng được tạo điều kiện hết sức để phổ biến đến nhiều khách hàng và nhiều nền tảng phần cứng nhất có thể, chứ không kén người dùng như chúng ta thường nghĩ về các sản phẩm đột phá cao cấp khác.
Chơi game và giải trí - Nhu cầu tối quan trọng
Công nghệ cảm ứng và thực tế ảo chưa phải là toàn bộ những gì máy tính Mac đang thiếu sót - Microsoft còn nhắm đến một khía cạnh khác nữa, tưởng chừng như nhỏ nhặt và đơn giản nhưng lại khiến cho một bộ phận không nhỏ người dùng Mac cảm thấy khó chịu, bực tức.
Máy tính Mac hầu hết không hỗ trợ nhu cầu chơi game, và Apple cũng chẳng mảy may quan tâm đến những thắc mắc liên quan. Mặc dù công ty công nghệ xứ Cupertino có nhắc đến Apple TV như một công cụ thay thế máy chơi game, nhưng vẫn còn đó nhiều nhược điểm tồn tại cơ bản đi gắn liền với việc thiếu đi tính năng hỗ trợ tiêu chuẩn đồ họa phổ biến OpenGL. Thay vào đó, Apple quyết định tin tưởng vào Metal - giao diện lập trình ứng dụng đồ họa của riêng mình. Tất nhiên, điều này giúp cho việc phát triển game từ nền tảng di động iOS dễ dàng hơn, nhưng đáng tiếc, đó không phải là những tựa game mà các tín đồ hâm mộ cần đến.
Các con số cũng đã nói lên sự thật, phân rõ trắng đen. Trở lại năm 2010, khoảng hơn 8% số game thủ sử dụng Steam trên Mac OS X. Tính đến thời điểm hiện tại, số liệu đó đã tụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn vỏn vẹn 3,5%. Không có gì quá khó hiểu cả, vì có đến hơn 1 nửa số game được ưa chuộng nhất trên Steam không hỗ trợ MacOS.
Gần đây nhất, Blizzard lại còn đánh thêm một cú đau điếng nữa vào Apple khi quyết định không nghĩ đến việc hỗ trợ Overwatch trên MacOS. Giám đốc phát triển tựa game này - Jeff Kaplan - đã rất thẳng thừng khi phát biểu suy nghĩ của mình khi đề cập đến vấn đề trên: "So sánh những thông số cấu hình đằng sau máy tính Mac cùng cơ chế hoạt động và xử lý của Overwatch, quả thực nó sẽ là cả một thách thức lớn đặt ra để có thể mang nó lên MacOS."
Nói tóm lại, máy tính Mac hầu hết không đủ mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ ứng dụng phần mềm cũng không thực sự tối ưu, nên Overwatch sẽ không liều lĩnh bỏ công sức ra chỉ để thỏa mãn một số ít ỏi game thủ trung thành với MacOS.
Trong khi đó, Microsoft đang có những bước chạy đà không thể thuận lợi hơn, đặc biệt là khi họ sắp tung ra bản cập nhật Windows 10 Creators Edition. Người chơi có thể chạm trực tiếp lên các biểu tượng, chức năng dịch vụ của Xbox để tương tác, nói chuyện và giao lưu, thi đấu với nhau. Hơn nữa, Minecraft nay không chỉ được coi là một trò chơi đơn thuần nữa, mà là một nền tảng sáng tạo phong phú cho cả những lứa tuổi nhỏ. Apple có nằm mơ vẫn chưa nghĩ đến việc cho ra mắt thành công một sản phẩm như vậy.
Nhìn tổng thể, khách hàng giờ đây không muốn phải lãng phí tiền cho 2 thiết bị riêng biệt để làm việc và chơi tách biệt với nhau. Cái họ cần là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả 2 khía cạnh. Chắc chắn một thiết bị Windows 10 có khả năng làm được như vậy. Còn Mac ư? Có vẻ như không hứa hẹn cho lắm...
Chạy đua tốc độ
Windows 10 có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ và đa dạng mà MacOS vẫn còn chưa đoái hoài tới, và đề nghị những tựa game mà Mac không thể, đúng hơn là không có, để chạy. Đó thực sự là một tin xấu đối với Apple, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Cụ thể, Apple vừa cho ra mắt một bản update lớn của mình. Đối với những người dùng phổ thông không có nhu cầu trải nghiệm các chương trình phát triển sớm (beta), MacOS Sierra chỉ vừa mới được giới thiệu trong hơn 1 tháng trước đó. Điều này cũng có nghĩa họ phải đợi gần một năm nữa mới có thể được chiêm ngưỡng những cập nhật đáng kể tiếp theo của ông ty, chí ít là theo truyền thống.
Windows 10 Creators Update thì chưa có ngày trình làng cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ vào thời điểm xung quanh khoảng "đầu năm 2017". Và nếu không muốn phải đợi lâu, người dùng hoàn toàn có thể đăng ký trải nghiệm chương trình Windows Insider - giúp nhận các bản cập nhật sớm hơn dự tính cùng tần suất nhiều hơn so với thông thường chỉ trong vài tháng tiếp theo, trước khi bản chính thức cuối cùng được tung ra.
Hơn nữa, Microsoft còn dự định làm theo kế hoạch cho ra mắt 2 bản update lớn trong năm 2017, tương đương với việc phiên bản MacOS tiếp theo sẽ tiếp bước và cạnh tranh trực tiếp với bản cập nhật thứ 2 của Windows 10.
Hướng đi nào cho Mac?
Vẫn còn một tia hy vọng le lói: Apple đang gấp rút chuẩn bị cho sự kiện lớn vào ngày mai. Chắc chắn sẽ có một chiếc Mac mới, chất lượng có lẽ vẫn đáng khen ngợi như những thiết kế cao cấp trước đó. So với dòng Surface của Microsoft, nó có phần nhiều nhỉnh hơn về phần cứng (xét cả đến những lỗi không đáng có trên Surface nữa).
Nhưng đây không còn là một trận chiến cấu hình phần cứng nữa rồi, mà là cuộc đấu của những nền tảng phần mềm, của cả một hệ điều hành. Nếu MacOS bị tụt lại phía sau, thì cũng đồng nghĩa với việc mọi người chẳng ai quan tâm đến việc sử dụng sản phẩm của Apple nữa, cho dù chiếc MacBook mới có một vỏ bọc thiết kế và bộ khung phần cứng tuyệt vời đến đâu đi chăng nữa.
Dù sao thì Apple vẫn có thể đứng vững trong trường hợp xấu xảy ra tương tự như vậy. Các sản phẩm máy tính Mac chỉ chiếm 12% thị phần phát triển của công ty, và mọi chuyện thậm chí có thể còn đơn giản hơn cho Apple khi họ tập trung hoàn toàn vào tối ưu hóa iOS để thay thế chỗ trống của Mac. iPad Pro chính là bước đi khởi đầu đặt nền móng đó của họ.
Kết lại, nếu suy nghĩ sâu xa thì hẳn các fan Apple vẫn đang đứng ngồi không yên. Apple cần một đòn thúc đẩy, một động lực để mang đến những cải tiến, thay đổi cách mạng cho hệ điều hành máy tính của họ. Microsoft hôm nay đang ở một trong những đỉnh cao lý tưởng trong lịch sử phát triển của công ty, khiến cho MacOS của Apple như bị giáng một đòn đau, dần bị qua mặt một cách cay đắng, ngậm ngùi.
Tham khảo: DigitalTrends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng