Hy vọng về một khởi đầu mới của Việt Nam từ những tư duy lạ ở Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ đầu tiên
Khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam", ngay từ lúc đặt ra, đã được tính toán kỹ về hiệu ứng truyền thông để ít nhất người nhìn thấy cũng phải đọc hai lần.
- Doanh nghiệp Việt công bố chip bảo mật với hệ điều hành nhỏ hơn Windows 10 200.000 lần, dự án thẻ căn cước và hộ chiếu tích hợp chip điện tử
- Word bị Google Docs lấn lướt trên thị trường soạn thảo văn bản online, Microsoft ra đòn đáp trả
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc có startup công nghệ sản xuất tên lửa tái sử dụng, tại sao kỹ sư Việt Nam không thể làm điều tương tự?
Slogan "sai sai" và những suy nghĩ "ngược"
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ do Bộ TTTT tổ chức đã kết thúc nhưng những câu chuyện xoay xung quanh chủ đề này vẫn tiếp tục được bàn luận. Một trong những vấn đề đó là tính đúng, sai về cấu trúc của "Make in Vietnam" – khẩu hiệu hành động mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ý nghĩa của slogan này đã được Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tường minh rằng Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu: sáng tạo, thiết kế, sản xuất ra sản phẩm công nghệ, ngay tại Việt Nam, thay vì gia công như trước.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết cụm từ này đã được cân nhắc có tính toán. Thậm chí, bà thừa nhận rằng khi đọc nhiều người sẽ cảm thấy "sai sai" nhưng nó sẽ đạt được mục đích truyền thông, vốn là đặc tính mà mỗi khẩu hiệu hướng đến. Và những cuộc thảo luận sôi nổi sau đó đang chứng minh tính toán này đúng.
Mặt khác, "Make in Vietnam" không chỉ là khẩu hiệu, thực tế thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện được những sản phẩm công nghệ ngang ngửa với các tập đoàn lớn của thế giới.
"Viettel làm thiết bị 5G, nghe thì có vẻ bình thường nhưng thực tế trên thế giới chỉ mới có 4 nước là làm được, và Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 5", ông Nguyễn Thế Tân, CEO của VCCorp nói.
Ở mảng nội dung số, các doanh nghiệp như VNG, VCCorp cũng đã tạo được sự bình đẳng, thậm chí có "một chút thắng lợi" khi cạnh tranh với Facebook, Google. Với những người hay hoài nghi, đây có thể xem là minh chứng rằng trong lĩnh vực công nghệ: Việt Nam không hề lép vế trước tập đoàn công nghệ toàn cầu.
"Chúng ta có tiền và đủ năng lực làm ra sản phẩm", ông Tân nhấn mạnh.
Tư duy của doanh nghiệp, khi đưa ra tại Diễn đàn cũng có nhiều đổi khác. Những câu chuyện được doanh nghiệp kể ra nghiêng nhiều về cách thức giải quyết và đề xuất phương pháp thực hiện thay vì "than vãn" và đòi hỏi ưu đãi. Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết tập đoàn này đã hợp tác với những đơn vị hàng đầu để chuyển giao công nghệ trong thời gian ngắn. Vingroup cũng tự chuẩn bị cho mình nguồn nhân lực chất lượng lâu dài qua việc xây dựng dự án đào tạo và đại học VinUni.
Với câu chuyện ưu đãi, cơ quan quản lý, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một cách nghĩ khác. "Trong nhiều trường hợp, muốn để doanh nghiệp tồn tại, thay vì ưu đãi, đôi khi phải tạo ra khó khăn", ông nói.
"Chính phủ, các bộ ngành hãy nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm Việt Nam. Đấy là biện pháp giúp hình thành doanh nghiệp công nghiệp nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh, buộc họ luôn phải đổi mới", ông nêu một đề xuất đi ngược với thông thường.
Thịnh vượng ngay là không thể, đây là con đường dài phải đi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ rằng ông có cảm xúc rất mạnh khi nghe giai điệu "Việt Nam ơi" vang lên tại Diễn đàn. Ông nói rằng đây là diễn đàn có nhiều điểm mới, khác biệt so với những sự kiện gần đây. Nhiều cảm hứng đã được khởi sinh.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp công nghệ từ nay sẽ được xem là hạt nhân để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng. Như vậy, lần đầu tiên, vai trò của nhóm doanh nghiệp này được thiết lập.
Chính phủ, theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội…
Những quyết tâm của Thủ tướng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã được thiết lập mạnh mẽ từ diễn đàn này.
Nhưng, để đòi hỏi ngay lập tức một cú chuyển mình là một ảo tưởng, theo nhận định thẳng thắn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ông cho biết thành công sẽ không bao giờ đến dễ dàng và nhanh chóng, nếu có một sự bứt phá đột ngột, thì bước tiếp theo có thể là sự lao dốc, thoái trào. Mỗi bước đi đến điểm đột phá, cần chậm nhưng chắc.
Trên những bức tường trang trí của Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ là hình ảnh của chim Lạc, loài chim đã ăn sâu vào tâm trí người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Chim Lạc cũng chính là biểu tượng của khát vọng, niềm tin muốn chinh phục bầu trời, bất chấp khó khăn, thử thách.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng