iBasso DX90 – Máy nghe nhạc hi-end cho dân sành nhạc
(GenK.vn) - Với những nâng cấp về phần cứng, iBasso DX90 đang trở thành một trong những mẫu máy nghe nhạc đáng sở hữu nhất dành cho các tín đồ âm thanh.
Khoảng hơn nửa năm trước, iBasso, một trong những cái tên đáng chú ý trong làng âm thanh thế giới thời gian gần đây đã tung ra mẫu máy nghe nhạc cao cấp dành cho dân audiophile mang tên DX50. Ngay lập tức, mức giá cũng như chất lượng âm thanh mà DX50 đem lại đã khiến cho cộng đồng âm thanh toàn thế giới phát sốt theo đúng nghĩa đen.
Ở mức giá quá cạnh tranh, đi kèm là chất âm không thua kém nhiều so với những đối thủ ở mức giá gấp đôi như AK100 của iRiver, DX50 trở thành lựa chọn của không ít người sử dụng.
Tuy nhiên DX50 khi ra mắt vẫn vướng phải một vài nhược điểm như chất âm có phần thiên về bass và mid (dù rằng không nhiều tới mức có thể phát hiện ra ngay lần đầu tiên) cũng như chất lượng chế tác các cổng kết nối 3.5 cho tai nghe và amp không được như kỳ vọng: Jack cắm tai nghe quá chặt hoặc quá lỏng, tuổi thọ không cao…
Chính vì lẽ đó, chỉ sau nửa năm, iBasso đã ra mắt mẫu máy nghe nhạc mới mang tên DX90. Có mức giá thấp hơn DX100 hơn gấp đôi (9 và 19 triệu Đồng), trong khi chỉ đắt hơn DX50 3,5 triệu Đồng, một lần nữa cộng đồng âm thanh lại dậy sóng, nhất là khi những cái tên như Astell & Kern thì quyết tâm không tạo ra một mẫu máy nghe nhạc có mức giá rẻ hơn AK100 (15 triệu Đồng cho model mark 1).
Ngắn gọn mà nói, với những nâng cấp về phần cứng, DX90 đang trở thành một trong những mẫu máy nghe nhạc đáng sở hữu nhất dành cho các tín đồ âm thanh. Hiện tại chiếc máy nghe nhạc cao cấp này đang được phân phối chính thức bởi ido Audio.
Ngoại hình ở mức tương đối
Đó là nhận xét của không ít người khi đặt cạnh chiếc DX90 với mẫu máy nghe nhạc đình đám một thời AK100. Dĩ nhiên ở cái giá hơn 15 triệu Đồng, người sử dụng có thể mong chờ một kiệt tác mỹ thuật từ những người Nhật Bản với AK100. Trong khi đó những con mắt không quá quan trọng những đường nét tinh tế, thì DX90 vẫn nhận được lời khen ngợi với việc kế thừa thiết kế của DX50 tiền nhiệm.
Không cầu kỳ về vấn đề bao bì, chiếc hộp đựng DX90 vẫn chỉ là một chiếc hộp nhỏ bằng bìa dán vân giả da màu nâu, và được niêm phong bằng một dải bìa khác với cái tên của thiết bị được in trên đó.
Bên trong, ngoài chiếc máy, người dùng có thêm một túi nhung đựng máy (hoặc vỏ bao silicone chống xước tùy thị trường), phục vụ nhu cầu di chuyển, một cáp micro USB để kết nối với các thiết bị khác hoặc sạc pin, một cáp burn in, hai miếng dán màn hình và một cáp chuyển từ jack 3.5mm sang đầu cắm tín hiệu coaxial để sử dụng với các dàn âm thanh.
Ngoại hình của chính chiếc máy quả thật vẫn là thứ thể hiện được đẳng cấp của cỗ máy nghe nhạc nhỏ gọn khi đặt cạnh những chiếc amplifier đắt tiền hay những dàn loa xa xỉ. Bề mặt nhôm đen xước và cụm phím bấm tuy bằng nhựa nhưng không hề lạc tông, trong khi chi tiết viền cạnh được chế tác tương đối tốt, không tìm ra lỗi trong quá trình cắt hay lắp ráp.
Không khác gì DX50, DX90 vẫn là một món đồ công nghệ cần sự nâng niu, không như những chiếc điện thoại hay tai nghe. Chỉ một vài động tác bất cẩn, mặt lưng (nắp pin) của thiết bị hoặc cạnh sườn hoàn toàn có thể để lại những vết xước hoặc vết móp méo mà không ai mong muốn.
Tuy rằng đã có cụm phím play/pause và chuyển bài “án ngữ” phía trước chiếc máy, DX90 vẫn sở hữu màn hình cảm ứng 2.4 inch IPS độ phân giải 320 x 240 pixel. Màn hình cảm ứng này tương đối tiện lợi khi sử dụng để duyệt danh sách nhạc cũng như tạo playlist.
Phần cứng đổi, chất âm cũng đổi
Thay vì một chip DAC Wolfson WM4870 từng tạo ra tiếng vang trong cộng đồng audiophile, DX90 được trang bị hai chip DAC của Sabre, hỗ trợ âm thanh chuẩn 32 bit, dù rằng 32 bit là hơi thừa thãi vì ở thời điểm hiện tại hầu hết người chơi đều chỉ thưởng thức các bản nhạc ở chuẩn 24 bit chất lượng cao, kể cả DSD (Direct Stream Digital), chuẩn âm thanh chất lượng cao được DX90 hỗ trợ.
Tuy nhiên sự “thừa” này lại khiến chất âm của DX90 trở nên khác biệt hoàn toàn so với DX50. Thử nghiệm với những mẫu in ear monitor từ tầm thấp cho tới cao cấp như TTPOD T1, RHA MA750i, Dunu DN2000, đến Shure SE535 và Sennheiser IE8, dù rằng chất âm phụ thuộc tương đối nhiều vào khả năng trình diễn của những mẫu tai nghe nói trên, nhưng sau khi thử nghiệm, chất âm của DX90 đã trở nên thanh nhẹ, hơi thiên sáng nhờ vào bộ đôi DAC Sabre với tên mã rất dài: ES9018K2M.
Trải nghiệm âm thanh của DX90 được minh chứng rõ rệt với Dunu DN2000 và TTPOD T1. Với một mẫu tai nghe hybrid có chất âm hơi tối nhưng mid và high vẫn đầy chi tiết, và một mẫu in ear thiên sáng với dải bass vừa vặn có chiều sâu, DX90 trình diễn âm trường rộng rãi, khoáng đạt trong những bản ballad đầy tình cảm hay những track jazz với sự ngẫu hứng cao.
Tuy nhiên một số người sẽ cảm thấy high của DX90 hơi chói so với cần thiết. Kỳ thực, nhiều “đôi tai có sạn” trong làng âm thanh thế giới cũng đã chỉ ra rằng, chính chip DAC Sabre của mẫu máy nghe nhạc này là thứ tạo ra chất âm tuy rất thoáng nhưng lại có phần hơi khô nếu đem so sánh với DX50 có đôi chút thiên tối. Chính vì lý do đó, cọng dây burn in được iBasso đóng gói kèm để phục vụ những người có nhu cầu “chạy rốt đa” chiếc máy nghe nhạc trước khi thưởng thức.
Nói như vậy không có nghĩa là dải bass và mid của DX50 chìm nghỉm phía sau âm high rộng rãi. Như đã đề cập, mặc dù thiên sáng, nhưng DX90 vẫn đủ khả năng đem lại âm bass đầy đặn, có lực và chiều sâu cần thiết khi nghe với IE8 của Sennheiser, cũng như giọng ca đầy ưu tư của người ca sỹ trong những bản nhạc trữ tình.
Nếu chỉ thử nghiệm với tai nghe in ear thì sẽ là vô cùng bất công với DX90. Tuy nhiên kỳ thực không ít người tiêu dùng Việt mua máy nghe nhạc cao cấp để phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc mọi lúc mọi nơi với những chiếc in ear nhỏ gọn. Nhưng để bài viết đánh giá của chúng ta thêm phần hoàn chỉnh, DX90 sẽ vẫn được cặp cùng một vài mẫu tai nghe full size ở nhiều tầm giá như Sony MDR V6, Sennheiser HD 545, Audio Technica ATH M50 và đặc biệt là HD 650, một trong những mẫu tai nghe full size hay nhất mà Sennheiser sản xuất.
Mục đích của việc thử nghiệm như thế này chỉ để thử khả năng “kéo” những mẫu tai nghe với trở kháng từ thấp tới cao, đơn giản vì ở trường hợp của tôi, DX90 có vẻ như chiều chuộng được nhiều loại tai nghe với chất âm khác nhau, dĩ nhiên là ở chất lượng nhạc đủ cao cũng như headphone cũng cần chất lượng tương đối.
Ở thử nghiệm với V6 và M50, người nghe chỉ cần chạy gain low, nghĩa là amp không cần hoạt động hết công suất mà âm thanh vẫn được mô tả thực sự chi tiết và có chất lượng. Trong khi đó, với hai mẫu tai nghe có trở kháng cao hơn là HD 545 (150 Ohm) và HD 650 (300 Ohm), người nghe đặt gain ở mức high và volume gần chạm ngưỡng 250 (cao nhất của DX90), hai chip amplifier của DX90 mới có dịp phô diễn khả năng của chúng.
Điều làm cho tôi cảm thấy bất ngờ nhất ở DX90 đó là thử nghiệm với HD650. Không cần bất kỳ mẫu amp nào đi kèm, DX90 vẫn đủ khả năng kéo được HD 650. Dù không mấy dễ dàng và HD 650 dường như chưa phô diễn hết được tiềm năng của một mẫu tai nghe audiophile khi high chưa đủ thoáng và bass có phần co cụm, không giống như khi HD 650 cặp đôi với bộ amp DAC Schitt Modi/Magni tôi từng được trải nghiệm, thế nhưng ngần đó cũng đủ diễn tả khả năng tuyệt vời của mẫu máy nghe nhạc này.
Chất âm thỏa mãn, vậy còn trải nghiệm sử dụng?
Theo những gì iBasso quảng cáo, pin của DX90 đủ khả năng thưởng thức âm nhạc trong 8 tiếng liên tiếp. Tuy nhiên với thử nghiệm của GenK, với chất lượng nhạc thay đổi từ 16 bit đến 24 bit trong nhiều bản nhạc, khoảng thời gian 8 tiếng chỉ đúng khi người nghe sử dụng iBasso DX90 với những mẫu tai nghe in ear hoặc có trở kháng thấp dưới 50 Ohm.
Trong khi đó thử nghiệm liên tục với Sennheiser HD 545, cỗ máy chỉ chịu được khoảng chưa đầy 6 tiếng đồng hồ với gain high và volume ngưỡng cao nhất là 250.
Bên cạnh đó, vì chip CPU 2 nhân của DX90 phải đảm nhiệm mọi công việc từ kiểm soát DAC, đến chạy giao diện người dùng nên việc play/pause bản nhạc đôi khi phải mất 2 giây để DX90 có thể nhận diện, điều này khiến cho một vài người chưa quen có thể nghĩ rằng cỗ máy không hoạt động như mong muốn.
Tuy nhiên ở phiên bản mới, giao diện người dùng tuy không thay đổi nhiều nhưng những phím bấm cảm ứng như back hay chọn bài đã trở nên nhạy hơn rất nhiều so với DX50, từ đó tạo ra trải nghiệm sử dụng thỏa mãn hơn phần nào.
Phần cứng của DX90 được tích hợp bộ nhớ 8GB, tuy nhiên sau khi mất hơn 2GB phần mềm thì người sử dụng sẽ chỉ còn khoảng gần 6GB để copy nhạc vào máy. Vì vậy lời khuyên được đưa ra là bên cạnh DX90, người dùng cũng nên chuẩn bị sẵn một chiếc thẻ nhớ Micro SD với bộ nhớ khoảng 16GB trở lên để đủ chỗ lưu giữ thư viện âm nhạc chất lượng cao của mình.
Các jack kết nối của DX90 biểu hiện rõ sự cẩn thận của iBasso trong quá trình lắp ráp. Sau khi nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực về chất lượng cổng kết nối của DX50, giờ đây những cổng cắm line in hay headphone in của DX90 đã có chất lượng đồng đều và cao hơn nhiều, không còn tình trạng lúc quá chặt, lúc quá rộng gây khó chịu cho người sử dụng nữa.
Chiếc máy nghe nhạc trong mơ
Đối với những người sử dụng muốn tìm cho mình một mẫu máy nghe nhạc tập trung vào khả năng hoạt động và chất âm thay vì ngoại hình, thì DX90 là một lựa chọn tốt. Tuy hơi to và có thiết kế có phần cục mịch, nhưng đường nét và ngoại hình của DX90 vẫn phần nào gỡ gạc lại trước những mẫu máy nghe nhạc hi-end đẹp mắt như AK120 hay 240…
Trong khi đó, trở lại với chất âm, với những nâng cấp phần cứng rất mạnh, DX90 đã thỏa mãn được sự kỳ vọng của rất nhiều người chơi âm thanh trên thế giới cũng như Việt Nam. Nếu so sánh với chất lượng âm thanh tương xứng, đôi khi còn hơn AK100 khi đi với một vài mẫu tai nghe nhưng với cái giá chỉ bằng 2/3, những người có hầu bao không mấy rủng rỉnh sẽ có thể an tâm lựa chọn DX90 làm mẫu máy nghe nhạc phục vụ nhu cầu trải nghiệm âm thanh cao cấp, xứng tầm audiophile của mình.
Xin cám ơn công ty TNHH truyền thông Xuân Vũ đã giúp GenK hoàn thành bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng