[Infographic] Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 so với cảm cúm thông thường
Bất kể khi nào bị ốm với các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, bạn cũng nên nghỉ ngơi ở nhà.
Một nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Việt Nam đăng trên tạp chí Epidemics cho thấy mỗi năm ở nước ta có khoảng từ 320,525 đến đến 1.824.195 trường hợp mắc các triệu chứng giống cúm. Nghĩa là họ sẽ sốt, mệt mỏi và ho trong vài ngày, nhưng các triệu chứng này không đặc hiệu cho bất kỳ một căn bệnh cụ thể nào.
Mặc dù vậy, trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang lây lan trên khắp thế giới và xuất hiện cả ở Việt Nam, những người hiện đang mắc các triệu chứng giống cúm hẳn cũng sẽ lo lắng: Liệu mình có đang nhiễm virus SARS-CoV-2 không? Hay đó chỉ là một cơn cảm cúm thông thường?
COVID-19 có những triệu chứng gì, tần suất xuất hiện thế nào?
Những người bệnh mắc Covid-19 thường có 3 triệu chứng chính: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này khởi phát sau khoảng trung bình 5,1 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc và bị lây nhiễm bởi virus.
Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh ngắn hoặc dài hơn, có thể dao động trong khoảng 2 đến hơn 14 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy các trường hợp cá biệt có thể ủ bệnh lên tới 29 ngày, tuy nhiên, con số này rất rất ít. Tới 97,5 % bệnh nhân sẽ phát bệnh trong vòng 11,5 ngày.
Theo một nghiên cứu khảo sát hơn 1,000 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, ngoài sốt, ho, khó thở là các triệu chứng thường gặp, họ có thể chia sẻ một số triệu chứng khác với cúm và cảm lạnh thông thường, với độ phổ biến như sau:
Nguồn: https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2002032
Nếu có các triệu chứng của COVID-19, bạn nên làm gì?
Nếu có các triệu chứng của Covid-19 nhưng không cảm thấy quá nặng, đừng hoảng sợ, có thể bạn chỉ bị cảm lạnh hoặc cúm thông thường mà thôi. Nếu trước đây bạn chưa từng tiếp xúc gần với một người dương tính với Covid-19, thì đó tiếp tục là một bằng chứng giúp bạn yên tâm hơn.
Tuy nhiên, bởi bản thân bạn không khỏe, bạn vẫn nên tự cách ly ở nhà. Ngay cả các bệnh đường hô hấp thông thường như cúm cũng có thể lây cho người khác và khiến họ bị ốm. Tùy theo sức đề kháng và tình trạng sức khỏe của người nhiễm, ngay cả cúm thường cũng nguy hiểm đối với những người già và người có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư...
Giáo sư Preeti Malani, Trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Đại học Michigan cho biết: "Mặc dù hiện nay trọng tâm phòng dịch đang được đặt vào Covid-19, tuy nhiên, một sự thật là cả bệnh cúm mùa cũng đang lưu hành".
Vì vậy, bất kể khi nào bạn bị ốm với các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, bạn cũng nên nghỉ ngơi ở nhà. Nhìn chung, các bệnh gây ra bởi virus đường hô hấp rất dễ lây lan. Bạn nên che miệng khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để phòng bệnh cho cả bản thân và những người xung quanh.
Stanley Perlman, giáo sư khoa Vi sinh và Miễn dịch học Nhi khoa tại Đại học Iowa cho biết: "Điều này đặc biệt đúng nếu trong cộng đồng của bạn đã có người nhiễm bệnh [Covid-19], sẽ là một lựa chọn khôn ngoan khi bạn không đi tới những nơi công cộng".
Giả sử bạn là một người trẻ tuổi, khỏe mạnh và không mắc bệnh nền, các triệu chứng của Covid-19 có thể khá nhẹ và giống với cảm, cúm thông thường. Mặc dù cơ thể bạn có thể chiến đấu với căn bệnh này dễ dàng, nhưng nếu chủ quan và đi ra ngoài, bạn sẽ trở thành một nguồn lây nhiễm tiềm năng cho xã hội.
Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco cho biết, "nếu bạn đang sụt sịt mà mắt buộc phải ra ngoài, khuyến nghị của CDC là hãy đeo khẩu trang để tránh truyền bệnh cho người khác".
Mặc dù khẩu trang không được khuyến khích sử dụng ở người khỏe mạnh, tuy nhiên, những người đang bị bệnh hoặc có triệu chứng bệnh bắt buộc phải đeo chúng để phòng ngừa cho người khác.
Nếu có triệu chứng của Covid-19, bạn nên đeo khẩu trang y tế dùng một lần thay vì khẩu trang vải. Đồng thời, bản thân bạn vẫn phải rửa tay thường xuyên để tránh làm lây lan mầm bệnh lên các bề mặt ở nhà và cả nơi công cộng (trong trường hợp vẫn bắt buộc phải ra ngoài).
Lý tưởng nhất, bạn nên tự cách ly bản thân tại nhà, tự chăm sóc để hạn chế lây lan căn bệnh của mình cho người khác, bất kể nó là cúm thường hay Covid-19.
Khi nào bạn cần xét nghiệm và chăm sóc y tế?
Ngoài các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19, bạn bắt buộc phải tìm sự trợ giúp y tế một khi cảm thấy khó thở nặng hoặc đau ngực. Bạn cũng sẽ cần đi khám nếu thấy triệu chứng ho nặng hơn. Chắc chắn, ngay cả khi bạn không nhiễm Covid-19 đi chăng nữa, ho nặng vẫn là một biểu hiện cho thấy bạn cần đi viện.
Hiện tại, xét nghiệm là phương pháp duy nhất giúp bạn biết chính xác mình có đang nhiễm Covid-9 hay không. Các triệu chứng lâm sàng là chưa đủ để kết luận về tình trạng bệnh của bạn.
Nếu bạn đã đi du lịch đến một quốc gia có nguy cơ cao trong vài tuần qua, hoặc đã tiếp xúc gần gũi với ai đó được xác nhận dương tính với Covid-19, bạn nên gọi đường dân nóng, khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly và xét nghiệm phù hợp.
Trong khoảng thời gian chờ được cách ly và xét nghiệm tại cơ sở y tế, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người khác trong gia đình. Lý tưởng nhất, bạn nên có phòng riêng với phòng vệ sinh riêng.
Bạn không nên tự mình đi đến một bệnh viện hoặc phòng khám mà không báo trước đặc điểm dịch tễ của bạn.
Vì nếu làm điều đó, bạn có nguy cơ lây nhiễm cho tất cả những y bác sĩ, nhân viên bệnh viện tiếp xúc với bạn mà không được chuẩn bị trước. Bạn cũng có thể phơi nhiễm mầm bệnh cho những người ngồi ở phòng chờ với mình, trong số đó có thể có những đối tượng rất dễ tổn thương và mắc bệnh nặng sau khi nhiễm Covid-19.
*Bạn cần phải làm gì khi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Hãy làm bài trắc nghiệm dưới đây để biết:
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng