Insulin dạng viên uống, ước mơ của bệnh nhân tiểu đường sắp được nghiên cứu thành công
Cholestosome thực chất là một công nghệ đóng gói vật chất ở kích thước siêu nhỏ.
Mỗi ngày, có hàng triệu bệnh nhân tiểu đường trên thế giới phải vật lộn đau đớn với những ống tiêm insulin. Họ cần đưa hooc-môn quan trọng này vào cơ thể, nếu không muốn nồng độ đường trong máu quá cao làm tổn thương các cơ quan, mà có thể dẫn đến tử vong.
Tiêm đã là một hoạt động xâm lấn cơ thể ở mức tối thiểu. Tuy nhiên đối với bệnh nhân tiểu đường, những người phải tiêm insulin 7 ngày mỗi tuần, 365 ngày trong năm, đó hẳn là một câu chuyện khác. Nhiều bệnh nhân có tâm lý sợ hãi khi phải đối mặt với kim tiêm đã không thể tuân thủ phác đồ điều trị.
Vậy nếu như insulin có thể được uống vào đơn giản qua đường tiêu hóa thì sao? Rõ ràng đó sẽ là một tương lai mới đối với rất nhiều bệnh nhân tiểu đường.
Hướng tiếp cận cổ điển này đang được một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Niagara Hoa Kỳ theo đuổi. Họ đang tiến rất gần đến việc tạo ra những viên thuốc insulin, có thể đưa hooc-môn này qua dạ dày, vào máu theo đường tiêu hóa, điều từ trước đến nay vẫn là ước mơ của rất nhiều bệnh nhân tiểu đường.
Tương lai sẽ có những viên thuốc chứa insulin sử dụng công nghệ mới
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay có khoảng 420 triệu bệnh nhân tiểu đường, trong đó mỗi năm có đến 3.7 triệu người chết vì căn bệnh này.
Có hai loại tiểu đường. Đối với tiểu đường type 1, người bệnh phải tiêm insulin liên tục mỗi ngày. Tiểu đường type 2 có thể quản lý được bằng việc thay đổi lối sống. Bước đầu, nó sẽ giúp lượng đường trong máu giảm xuống thấp hơn, nhưng nếu bệnh tiến triển, bệnh nhân vẫn sẽ phải tiêm insulin.
Rõ ràng rằng nếu có thể uống insulin, chẳng ai lại sử dụng đến ống tiêm cả. Nhưng thực tế những viên thuốc insulin không ra đời bởi chúng vấp phải một trở ngại lớn: môi trường axit của dạ dày. Insulin bản chất vẫn là một protein, nó không được thiết kế để tồn tại trong môi trường axit cao.
Bởi vậy, giả sử có một viên thuốc bao phim đóng gói insulin trong đó, xuống đến dạ dày, nó sẽ sớm bị phân hủy. Kết quả là insulin không có cơ hội di chuyển tới ruột và sau đó đi vào máu, nơi sự có mặt của nó là vô cùng cần thiết với bệnh nhân tiểu đường.
Bây giờ với nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học tin rằng họ đã có thể giải quyết được vấn đề axit dạ dày. “Chúng tôi đã phát triển một công nghệ mới được đặt tên là Cholestosome”, Tiến sĩ Mary McCourt, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. “Cholestosome là một hạt trung tính cấu tạo từ hợp chất béo, có khả năng làm được một số điều rất thú vị”.
Tiến sĩ McCourt cùng Tiến sĩ Lawrence Mielnicki đến từ Đại học Niagara khai thác ý tưởng bao bọc lại insulin để bảo vệ chúng đi qua dạ dày một cách trót lọt. Họ sử dụng công nghệ Cholestosome, được nghiên cứu trước đây tại phòng thí nghiệm chung của cả hai. Những hạt Cholestosome đã được cấp bằng sáng chế, bây giờ được sử dụng đế đóng gói insulin phía bên trong đó.
Hình ảnh về công nghệ Cholestosome đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ
Cũng phải nói rằng, trước đây đã có nhiều nghiên cứu nhắm đến việc khắc phục hàng rào insulin ở dạ dày. Ý tưởng rất đơn giản mà ai cũng có thể nghĩ ra: Gói insulin trong một thứ gì đó đặc biệt, cụ thể có những nhà nghiên cứu sử dụng vật liệu polymer, giúp bảo vệ insulin khỏi môi trường axit của dạ dày.
Một số nghiên cứu khác né tránh con đường dạ dày, các nhà khoa học muốn đưa insulin vào cơ thể thông qua đường hít. Thử nghiệm nhận được phản hồi khá tốt từ phía bệnh nhân, nhưng nỗ lực thương mại hóa của phương pháp lại thất bại. Tính đến giờ, tương lai của các biện pháp điều trị insulin không qua đường tiêm cho bệnh nhân tiểu đường vẫn rất mù mờ.
Vậy Cholestosome có gì tối ưu hơn? Không giống như những công nghệ đóng gói thuốc tương tự khác đã từng được nghiên cứu gọi là liposome, Cholestosome không cần đến những vỏ bọc polymer.
“Hầu hết các liposome cần phải được gói trong một lớp phủ polyner để bảo vệ”, Mielnicki nói. “Ở đây, chúng tôi chỉ cần dùng những este lipid đơn giản để tạo thành những chiếc túi với các phân tử thuốc bên trong đó”.
Sử dụng mô phỏng trên máy tính, các nhà nghiên cứu nhận thấy nếu họ lắp rắp được các chất béo sử dụng thành hình cầu, chúng sẽ tạo thành các hạt trung tính, do đó thoát khỏi ảnh hưởng của môi trường axit dạ dày. Thuốc có thể được gói bên trong hình cầu đó và tồn tại qua dạ dày mà không bị phân hủy.
Tiếp theo đó, những hạt Cholestosome đi tới ruột. Cơ thể lúc này sẽ đánh giá nó là một thành phần có thể được hấp thụ. Chúng sẽ đi qua ruột, vào máu và chạm đến những tế bào. Cholestosome sau đó mới được phá vỡ để giải phóng insulin, cung cấp hooc-môn quan trọng này tại đúng địa điểm mà người bệnh tiểu đường cần chúng.
Trong tương lai, bệnh nhân tiểu đường có thể nói tạm biệt với những ống tiêm insulin đau đớn này
Trong thử nghiệm thực tế với động vật, kết quả đã cho thấy Cholestosome làm việc khá hiệu quả. Nó đã có thể đóng gói insulin và đưa chúng vào máu của chuột. Báo cáo những kết quả này tại một buổi họp báo của Hiệp hội Hóa học Mỹ, các nhà khoa học cho biết sắp tới họ sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm với động vật hơn nữa trước khi công nghệ mới này có thể được áp dụng trên người.
Nói về tương lai xa hơn nữa của Cholestosome, đó thực chất là một công nghệ đóng gói vật chất ở kích thước siêu nhỏ. Bởi vậy, ngoài việc tạo ra một phương pháp điều trị hứa hẹn cho bệnh nhân tiểu đường, Cholestosome còn có thể có nhiều ứng dụng khác.
Tiến sĩ Mielnicki cho biết: “Chúng tôi có thể đóng gói bất thứ cứ gì trong những túi nhỏ này. Điều đó mở ra nhiều tiềm năng trong việc phân phối thuốc cho nhiều phương pháp điều trị y tế nữa. Sẽ có rất nhiều ứng dụng mới được tạo nên bởi công nghệ này sau khi nó thành công với insulin”.
Tham khảo Asc, Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng