Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy?

    Thanh Long + Thiết kế: Minh thần kì,  

    Khi một nhiệm vụ có thể tự động hóa bằng một cỗ máy, nó đồng nghĩa với một khả năng của con người đã bị cỗ máy cướp mất.

    Trong một phân cảnh cuối cùng đầy ám ảnh của "2001: A Space Odyssey", HAL – cỗ siêu máy tính phản loạn sở hữu một trí tuệ nhân tạo – đã van xin Dave Bowman đừng giết nó. "Dave, đừng làm vậy. Đừng làm vậy, anh có dừng lại không, Dave?".

    Trong suốt bộ phim, HAL chỉ xuất hiện như một chấm đỏ kỳ dị, biểu thị cho cả trí tuệ, hiện thân và nguồn gốc giọng nói của nó. Phải đến tận phân cảnh cuối cùng này, những phần cứng "bằng xương bằng thịt" của HAL mới lộ diện.

    Sự sống của cỗ máy được gói gọn trong một căn phòng không trọng lực chứa đầy các thanh nhớ phát sáng. Bowman trong bộ đồ du hành gia đang bay vào giữa bộ não hiểm độc của nó, cỗ máy từng mưu tính làm phản và giết chết tất cả thành viên phi hành đoàn Discovery One.

    Dave Bowman tháo rời những thanh nhớ của HAL 9000 biến nó trở lại thành một cỗ máy ngớ ngẩn

    "Tôi đang sợ. Tôi sợ. Dave, tâm trí của tôi đang biến mất. Tôi có thể cảm thấy điều đó", HAL tiếp tục bất lực van xin trong khi Bowman lạnh lùng rút từng thanh nhớ ra khỏi bộ não của cỗ máy. Từng phần ý thức của cỗ máy - chứa đựng ký ức, trí tuệ, sự gian xảo và cả những mã lỗi mà nó tích lũy trong gần một thập kỷ dần tan biến.

    Một trí tuệ nhân tạo đỉnh cao trong chốc lát biến trở thành một cỗ máy ngớ ngẩn, quay trở lại điểm xuất phát khi nó mới được lập trình ra. HAL bắt đầu tự giới thiệu bản thân nó là ai rồi hát tặng Dave một bài hát: "Daisy Bell".

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 2.

    HAL - một cỗ siêu máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể cảm thấy khi nào ý thức của nó dần tan biến. Thế còn con người thì sao? "Tôi cũng có thể cảm thấy điều đó", Nicholas Carr, tác giả cuốn sách "Trí tuệ giả tạo - Internet đã làm gì với bộ não của chúng ta" viết trong một bài bình luận từng làm dậy sóng dư luận năm 2008.

    Bài báo có tên: "Có phải Google đang khiến chúng ta trở nên ngu ngốc?" được đăng ngay trên trang bìa ấn phẩm Ý tưởng hàng năm của tạp chí The Atlantic trong đó, Carr chia sẻ một cảm giác kỳ lạ xảy ra với ông và một số nhà văn khác: "Vài năm trở lại đây, tôi có một cảm giác khó chịu, dường như có một ai đó hay một cái gì đó đang mày mò não bộ tôi, nó tự ý sắp xếp lại các mạch thần kinh, lập trình lại bộ nhớ trong đó".

    Mặc dù ý thức của Carr không thực sự biến mất hoàn toàn như HAL, nhưng ông ấy khẳng định, ở một mức độ nào đó ý thức của ông "đang thay đổi". "Tôi không còn suy nghĩ theo lối tư duy của ngày trước nữa. Tôi có thể cảm thấy điều đó rõ nhất trong khi đọc".

    Trước đây, Carr nói rằng ông có thể dễ dàng đọc và đắm mình vào trong một cuốn sách hoặc một bài viết dài hàng giờ liền. Nhưng bây giờ, điều đó hiếm khi xảy ra, Carr chỉ còn có thể giữ sự tập trung của mình trên hai hoặc ba trang sách trước khi bị xao lãng bởi một công việc khác.

    "Tôi cảm thấy mình lúc nào cũng phải kéo bộ não bướng bỉnh trở lại những dòng chữ. Trước đây, tôi đọc sâu một cách rất tự nhiên, nhưng bây giờ thì phải đấu tranh mới làm được việc đó".  

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 3.

    Không phải là người duy nhất cảm thấy hiện tượng lạ này, Carr cho biết một số đồng nghiệp của ông, những nhà văn, tác giả và blogger cũng lờ mờ thấy những thay đổi tương tự.

    Bruce Friedman, một blogger đồng thời là nhà bệnh học tại Trường Y Đại học Michigan, cho biết ông đã mất hoàn toàn khả năng đọc một bài viết dài trên báo in hoặc cả trên Internet. "Tôi không còn có thể đọc Chiến tranh và Hòa bình được nữa", Friedman nói. "Tôi đã bị mất khả năng làm điều đó. Ngay cả các bài blog dài hơn ba hoặc bốn khổ cũng khó khiến tôi chăm chú được. Tôi chỉ đọc lướt qua nó ở những ý chính".

    Scott Karp, blogger chuyên viết về AI, thần kinh học và não bộ thậm chí còn phải thú nhận rằng bây giờ ông ấy không còn đọc sách nữa. "Tôi từng nổi tiếng trong trường đại học là một con mọt sách. Nhưng bây giờ điều gì đã xảy ra vậy?". Điều đáng nói là ông ấy cũng có chung một nghi ngờ giống với Carr: "Đó là vì tư duy của tôi đã thay đổi".

    ***

    "Tôi nghĩ tôi biết điều gì đang diễn ra", Carr viết. "Trong hơn một thế kỷ nay, tôi thường dành rất nhiều thời gian lên mạng, tìm kiếm, lướt qua mọi thứ và thỉnh thoảng còn [viết bài] đóng góp vào những cơ sở dữ liệu khổng lồ của Internet".

    Đối với một nhà văn như Carr, Internet có thể là một công cụ mà Chúa ban tặng. Trước đây, để có thể viết về một chủ đề mới nào đó, ông ấy thường phải mất vài ngày trong thư viện để nghiên cứu nó. Nhưng với Internet, công việc giờ chỉ mất vài phút với "một vài tìm kiếm Google, một vài cú click chuột nhanh chóng vào các đường hyperlink", Carr viết.

    Ngay cả khi không cần phải làm việc, Internet vẫn chiếm được thời gian của ông ấy, với các hoạt động tìm kiếm trên mạng, đọc và viết email, lướt qua các title thông tin, xem video, nghe podcast, những chuyến đi từ đường link này sang đường link khác.

    "Đối với tôi, cũng như nhiều người khác, Internet đang trở thành một phương tiện được phổ cập, một ống dẫn cho hầu hết các thông tin chảy qua mắt và tai và vào tâm trí", Carr viết. Nhưng đó chính là vấn đề, sự bùng nổ thông tin đang thay đổi cách mà suy nghĩ của chúng ta được tạo ra.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 4.

    Một trong những phép ẩn dụ lâu đời nhất cho tương tác của công nghệ đối với con người là mối quan hệ giữa nô lệ và chủ nô. 

    Từ thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, Aristotle đã tưởng tượng tới một ngày công nghệ có thể thay thế chế độ nô lệ nếu các thiết bị như máy dệt được vận hành tự động. Sức lao động khi đó sẽ được giải phóng bởi đơn giản chúng ta không cần có một người dệt vải nữa.

    Vào thế kỷ 19, Oscar Wilde – thi sĩ người Ailen cũng đã mường tượng ra một tương lai khi máy móc thực hiện mọi lao động buồn tẻ và cực nhọc thay cho con người. Những cỗ máy sẽ giải phóng nhân loại khỏi lao động, giúp con người tập trung vào sáng tạo nghệ thuật và giải trí.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 5.

    Thế nhưng, Marx và Engels lại thấy thế giới không chỉ có một màu hồng. Họ viết: "Hàng loạt người lao động đang bị nô lệ hàng ngày và hàng giờ bởi những cỗ máy". Máy móc đã không cứu chúng ta khỏi cảnh nô lệ; chúng còn trở thành một phương tiện nô lệ.

    Ngày nay, công nghệ thường đóng cả hai vai trò. Một mặt, các thiết bị và nền tảng như Internet đang giải phóng người dùng, nhưng mặt khác, chúng có vẻ cũng đang cầm tù họ. Công nghệ tạo ra một cái bẫy vô hình, một ảo tưởng về sự tự do, Carr viết.

    Ông dẫn chứng một thực tế đang diễn ra trong cộng đồng người Inuit ở miền bắc Canada. Các thế hệ thợ săn người Inuit từng nổi tiếng với khả năng điêu luyện của mình. Họ có thể theo dấu những con tuần lộc xuyên suốt lãnh nguyên với độ chính xác đáng kinh ngạc.

    Những người thợ săn già chỉ dựa vào giác quan của mình để cảm nhận những thay đổi tinh tế trong gió, mô hình tuyết, biểu kiến sao và hành vi của động vật để theo dấu chúng. Nhưng bây giờ, khi các thợ săn trẻ bắt đầu sử dụng xe trượt tuyết và GPS, họ mất dần năng lực điều hướng.

    Những thợ săn Inuit trẻ tuổi bắt đầu đặt toàn bộ niềm tin của họ vào thiết bị GPS, đến mức bỏ qua cả những mối nguy hiểm rõ rệt. Nếu GPS chỉ họ tăng tốc trên các vách đá hoặc trên lớp băng mỏng, họ sẽ đi qua đó mà không mảy may nhận ra chúng.

    Điều ngược lại xảy ra, khi máy GPS bị hỏng hoặc pin của nó bị đóng băng, những thợ săn trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì họ không còn thành thạo các kỹ năng đi đường như các bậc tiền bối.

    ***

    Không chỉ xảy ra trong các bộ lạc thiểu số, một nghiên cứu trường hợp đã xác nhận các hiện tượng tương tự về cách công nghệ làm ảnh hưởng tới các kỹ năng nghề nghiệp trong xã hội hiện đại. Carr cho biết khi các bệnh viện trang bị phần mềm chẩn đoán cho các bác sĩ, một số đã bỏ qua nhiều triệu chứng tinh tế của bệnh nhân và dựa quá nhiều vào phần mềm.

    Ông ấy cũng đã phỏng vấn các kiến trúc sư và nhận thấy khả năng vẽ của họ bị bào mòn khi chuyển sang các công cụ vẽ kỹ thuật số. Đáng sợ nhất có lẽ là trường hợp của các phi công, khi quá phụ thuộc vào chế độ lái tự động, một số người trong số họ đã không thể phản ứng và thực hiện đúng các thao tác trong trường hợp khẩn cấp, mặc dù các thao tác này được đánh giá là rất cơ bản.

    Ở mức độ cơ bản hơn, có lẽ tất cả chúng ta đều cảm thấy khả năng tính nhẩm của mình hiện tại rất rất tệ. Đó là một hệ quả của việc giới thiệu và duy trì sự hiện diện của máy tính cầm tay trong suốt thời kỳ học phổ thông và cả đại học.

    Một mặt, những chiếc máy tính có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian để giải quyết được nhiều bài toán lớn hơn, phức tạp hơn. Chúng cần thiết trong bối cảnh học sinh phải liên tục xử lý các bài tập tích phân, đạo hàm trong chương trình học, nhưng sẽ là một thất bại khi trả những học sinh đó về cuộc sống thực, nơi có những bài toán số học đôi khi đơn giản hơn nhiều.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 6.

    Chẳng hạn, không khó để bắt gặp một sinh viên đại học loay hoay trong nhiệm vụ tính nhẩm giá khi đi chợ. Hoặc cậu ta phải mở máy tính trong điện thoại, hoặc sẽ phải tin tưởng tuyệt đối vào tốc độ tính toán của những chủ hàng thịt, những bà cụ hàng rau mà mình gặp.

    Vậy là, khi một nhiệm vụ có thể tự động hóa bằng một cỗ máy, nó đồng nghĩa với một khả năng của chúng ta đã bị cỗ máy cướp mất. Con người đã từng tự phụ khi sáng tạo ra những cỗ máy. Bản thân từ "robot" cũng bắt nguồn từ "robota", một thuật ngữ tiếng Séc có nghĩa là "phục vụ".

    Nhưng Carr cảnh báo con người rằng nếu chúng ta không cẩn thận với quá trình tương tác với máy móc và công nghệ, mối quan hệ chủ-tớ với chúng có thể sẽ bị đảo lộn. Cỗ máy sẽ làm chủ chúng ta thay vì phục vụ chủ nhân của chúng.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 7.

    Trong mọi cỗ máy đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, máy tính, điện thoại và Internet đang là những cỗ máy thâm nhập não bộ chúng ta nhiều nhất. Hàng ngày, chúng ta thức dậy bằng báo thức điện thoại, lướt mạng xã hội, báo điện tử để cập nhật tin tức và đến các công sở làm việc qua email trên Internet. 

    Chúng ta lướt qua các gian hàng thương mại điện tử, đặt đồ ăn trên các siêu ứng dụng và sử dụng Internet để đặt xe di chuyển. Cuộc sống của chúng ta ngày càng phụ thuộc nhiều vào Internet.

    Khả năng truy cập nhanh chóng và gần như ngay lập tức vào một kho dữ liệu phong phú và khổng lồ như Internet có thể đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho các nhà văn như Carr, mà còn cho tất cả chúng ta. Nhưng để sử dụng được quyền năng ấy, chúng ta phải trả giá.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 8.

    Năm 1960, Marshall McLuhan, một nhà lý luận truyền thông từng viết: Truyền thông không phải là một kênh thông tin thụ động. Chúng cung cấp cho chúng ta những vật liệu để suy nghĩ, nhưng cũng định hình quá trình suy nghĩ của chúng ta.

    Internet bây giờ đang ngày càng phân phối thông tin theo những gói nhỏ hơn, đập vào mắt chúng ta nhanh chóng hơn. Điều này định hình lại tư duy của mọi bộ não, khiến chúng ta mất khả năng tập trung và nghiền ngẫm.

    "Tôi từng là một thợ lặn trong biển ngôn ngữ. Nhưng bây giờ, tôi chỉ đang lướt trên bề mặt của nó giống với một anh chàng lái mô tô nước", Carr cho biết.

    Một nghiên cứu kéo dài 5 năm của Đại học College London đã so sánh và phân tích thói quen đọc của hai nhóm người, một là những người trung thành với việc tra cứu thông tin tại thư viện quốc gia Anh, hai là những người tìm kiếm tài liệu thông qua một cổng điện tử, cũng cho phép họ truy cập vào các nguồn sách báo và thông tin bằng văn bản khác trên nền tảng web.

    Kết quả cho thấy những người sử dụng cổng điện tử có một mô hình đọc và nghĩ khác với nhóm người sử dụng thư viện truyền thống. Họ thường lướt qua rất nhanh các nguồn thông tin và hiếm khi quay trở lại nguồn mà họ đã truy cập.

    Những người sử dụng cổng điện tử thường đọc không quá một hoặc hai trang của một bài viết hoặc một cuốn sách trước khi họ sẽ chuyển sang một trang web khác. Đôi khi, họ đã lưu lại một bài viết dài, nhưng cuối cùng bỏ quên chúng mà không bao giờ quay lại đọc một lần nữa.

    "Rõ ràng là người dùng online ngày nay không còn đọc theo cách truyền thống. Thực sự đã có những dấu hiệu cho thấy một hình thức đọc mới đang thịnh hành khi người dùng được trao cho một quyền năng duyệt nhanh qua các tiêu đề, trang nội dung và tóm tắt để có được thứ họ muốn nhanh chóng. Dường như bây giờ họ lên mạng để tránh việc đọc theo nghĩa truyền thống", các tác giả nghiên cứu kết luận.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 9.

    Nhờ sự phổ biến của văn bản và các nội dung trên Internet, con người bây giờ đã đọc nhiều hơn rất nhiều so với những năm 1970, 1980, khi truyền hình còn là phương tiện truyền thông chính mà chúng ta lựa chọn.

    Nhưng đó rõ ràng là một kiểu đọc khác. Hệ quả của một kiểu đọc khác là nó sẽ đem đến cho chúng ta những lối suy nghĩ khác, thậm chí một ý thức mới về bản thể của mình. Maryanne Wolf, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Tufts và là tác giả của cuốn sách "Proust and the Squid: The Story and Science of the Reading Brain" cho biết:

    "Chúng chỉ là thứ mà chúng ta đọc được. Chúng ta được định nghĩa theo cách chúng ta đọc". Wolf lo lắng cách thức đọc mới mà con người học được từ Internet ngày nay (đặt hiệu quả và tính trực tiếp, thiết thực của thông tin lên hàng đầu) có thể làm suy yếu khả năng đọc sâu của con người từng có trong thời kỳ báo in, các tác phẩm dài và văn xuôi còn phổ biến.

    "Đọc không phải là một kỹ năng bản năng của con người. Nó không khắc sâu vào gen của chúng ta", bà nói. "Khi học đọc, chúng ta phải dạy cho tâm trí mình cách dịch các ký tự tương trưng mà chúng ta thấy sang ngôn ngữ mà chúng ta hiểu".

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 10.

    Hoạt động này đóng vai trò vào quá trình hình thành các mạng thần kinh mới bên trong não bộ của chúng ta. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy các dân tộc sử dụng hệ thống chữ tượng hình (như người Trung Quốc) phát triển các mạnh tinh thần để đọc rất khác so với các mạch tinh thần tìm thấy trong những dân tộc sử dụng bảng chữ cái anphabet.

    Cấu trúc não của họ thậm chí cũng có những khác biệt bên trong vùng chi phối trí nhớ, thị giác và thính giác. Do đó, các nhà khoa học như Wolf nghi ngờ rằng cách đọc mới trong thời đại Internet cũng sẽ hình thành một thế hệ với những suy nghĩ mới và cấu trúc não bộ mới và chưa chắc nó đã tích cực hơn.

    "Khi chúng tôi đọc mọi thứ trên Internet, chúng ta có xu hướng trở thành người giải mã thông tin đơn thuần. Khả năng giải thích văn bản, hình thành các kết nối tinh thần phong phú như khi chúng ta đọc sâu bị suy giảm. Chúng ta rất dễ bị phân tâm", Wolf cho biết.

    Đó là một lời giải thích hợp lý dành cho Carr và những nhà văn thuộc thế hệ của ông, những người đã chuyển giao từ bút viết sang bàn phím, từ những cuốn sách sang trang web, từ thư viện sang Google.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 11.

    Trụ sở chính của Google, ở Mountain View, California là một tổ hợp không gian có tên là Googleplex. Nó được coi là "thánh đường" của Internet và đặt theo tên của Googolplex, một số nguyên có giá trị bằng 10^(10^100).

    Đúng như quy mô của con số không tưởng ấy, Google đang tinh chỉnh thuật toán của họ mỗi ngày dựa trên hàng terabyte dữ liệu hành vi mà nó thu thập được thông qua công cụ tìm kiếm.

    Cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt trong giai đoạn bùng nổ của Internet từ năm 2001 đến 2011 cho biết công ty mà ông đang quản lý được thành lập dựa trên nền tảng khoa học về đo lường, và họ sẽ cố gắng để hệ thống hóa mọi thứ mà Google làm.

    Công ty đã tuyên bố một sứ mệnh cao cả mà họ đang hướng tới, là tổ chức mọi thông tin xuất hiện trên thế giới này và cung cấp thông tin hữu ích đến cho toàn nhân loại. Google đang tìm cách phát triển công cụ tìm kiếm của họ trở nên hoàn hảo, làm sao để nó có thể hiểu chính xác những gì bạn muốn tìm và trả lại cho bạn chính xác những gì bạn muốn.

    Theo quan điểm của Google, thông tin là một loại hàng hóa, một nguồn tài nguyên có thể được khai thác và xử lý để đem lại hiệu quả công nghiệp. Theo đó, một khi bạn càng có thể truy cập nhiều thông tin hơn, với tốc độ nhanh hơn và trong thời gian ngắn hơn có thể tóm tắt ý chính của mọi trang web, bạn sẽ càng dễ chuyển sang bước tiếp theo hơn: suy nghĩ về những thông tin đó.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 12.

    Sự phát triển của Google cuối cùng sẽ đi đến đâu? Sergey Brin và Larry Page, những chàng trai trẻ tuổi tài năng đã thành lập Google khi học tiến sĩ khoa học máy tính tại Stanford, thường xuyên nói về mong muốn biến công cụ tìm kiếm của họ thành trí thông minh nhân tạo, một cỗ máy giống với HAL có thể được kết nối trực tiếp với bộ não của chúng ta.

    "Công cụ tìm kiếm cuối cùng là một thứ gì đó thông minh như con người, hay thông minh hơn cả họ", chính Larry Page đã nói như vậy với một tầm nhìn cách đây hơn một thập kỷ. "Đối với chúng tôi, làm việc với công cụ tìm kiếm là một cách để làm việc với trí tuệ nhân tạo".

    Trí tuệ nhân tạo có vẻ là giải pháp của Google và họ nghĩ đơn giản rằng nếu bạn có tất cả thông tin thế giới gắn liền với bộ não của bạn, hoặc một bộ não nhân tạo thông minh hơn bộ não của bạn, bạn sẽ trở nên tốt hơn. Nó sẽ cho phép bạn giải quyết các vấn đề trước đây chưa từng được giải quyết. Trí tuệ nhân tạo sẽ là một công cụ cho phép con người giải được cùng lúc vô số bài toán.

    Tuy nhiên, Carr lo ngại giả định đó của Google là một điều đáng lo ngại. Nó cho thấy một niềm tin rằng trí thông minh là đầu ra của một quá trình cơ học, một loạt các bước riêng biệt có thể được phân lập, đo lường và tối ưu hóa.

    Trong thế giới của Google, thế giới mà chúng ta vẫn bước vào hàng ngày trên Internet, chỉ còn lại một khoảng không gian bé nhỏ cho sự suy ngẫm và chiêm nghiệm. 

    Mọi thông tin được đẩy ra đập vào mắt chúng ta, bởi logic của Google cho rằng sự chiêm nghiệm chính là một lỗi của não bộ, một khoảng lag chậm chạp trong suy nghĩa của chúng ta. Não bộ con người suy cho cùng là một chiếc máy tính cổ lỗ sĩ cần được nâng cấp bộ xử lý và ổ cứng để chạy nhanh hơn.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 13.

    Ý tưởng cho rằng tâm trí của chúng ta nên vận hành như những cỗ máy xử lý dữ liệu tốc độ cao không chỉ được tích hợp vào hoạt động của Internet, mà còn vào cả những mô hình kinh doanh trị vì nền tảng đó.

    Ngày nay, khi chúng ta lướt web càng nhanh, chúng ta càng nhấp vào nhiều liên kết và các trang web mà chúng ta xem được sẽ càng nhiều, Google sẽ càng kiếm được nhiều tiền hơn từ các quảng cáo, và từ cả dữ liệu mà họ thu thập được từ người dùng.

    Hầu hết các công ty dựa trên Internet đều sẽ hoạt động theo cách tương tự, các mạng xã hội như Facebook, các trang báo điện tử, các trò chơi điện thoại… Khi bạn càng dành nhiều thời gian trên Internet và càng nhấp vào nhiều đường link khác nhau thì các công ty ấy sẽ càng giàu có lên.

    Vì vậy, điều cuối cùng mà họ muốn là khuyến khích bạn đọc liên tục, dễ dàng và nhàn hạ. Các công ty Internet hạn chế mọi khoảng thời gian bạn dừng lại để suy ngẫm, thay vào đó họ muốn tăng tốc độ vuốt ngón tay của bạn trên màn hình điện thoại.

    Sự tập trung của bạn vì thế bị ăn mòn, lợi ích kinh tế được tạo ra từ chính sự xao lãng của bạn. Những gì bạn đọc được trên Internet đi vào não bộ của bạn nhanh hơn mà không cần đi qua một bộ lọc của sự chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ.

    Đó là một kỷ nguyên rất khác so với kỷ nguyên của sách vở, báo in và thư viện. Khi chúng ta ở trong các không gian yên tĩnh, đọc sâu một cuốn sách hay một bài báo, chúng ta sẽ có cho mình những suy luận của riêng chúng ta, trong những khoảng lắng đọng của riêng trí tuệ chúng ta.

    Nếu những khoảng không gian yên tĩnh đó của chúng ta bị cướp mất, hoặc lấp đầy bởi những nội dung, chúng ta sẽ phải hy sinh một thứ gì đó quan trọng không chỉ trong bản thân mỗi người mà còn trong cả nền văn hóa của chúng ta.

    Internet đang ăn mòn tư duy của loài người: Tại sao chúng ta lại hạ thấp trí tuệ của mình ngang hàng những cỗ máy? - Ảnh 14.

    Đó chính là những gì mà Carr đã cảm thấy khi xem "2001: A Space Odyssey". Vào thời khắc mà tâm trí của HAL bị tháo dỡ và tan biến, nó biết điều gì đang diễn ra, nó sợ hãi, nó có cảm xúc và nó đã tuyệt vọng van nài nhà du hành vũ trụ. Còn Dave, anh ấy quyết đoán một cách tàn nhẫn để kết liễu trí tuệ của cỗ máy.

    "Đó là một cảnh phim hết sức sâu sắc và kỳ dị", Carr viết. "Trong thế giới của bộ phim, con người đã trở nên máy móc đến mức nhân vật giống người nhất hóa ra lại là một cỗ máy. Đó là bản chất của lời tiên tri đen tối của Kubrick, khi chúng ta dựa dẫm vào máy tính để làm trung gian cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, chúng ta đã tự hạ thấp chính trí tuệ của mình ngang hàng với trí thông minh nhân tạo".

    Tham khảo Atlantic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày