Người sử dụng đang lâm vào tình cảnh không biết đâu mà lần vì sự rắc rối của các tiêu chuẩn IoT của từng hãng khác nhau đưa ra.
Năm 2014 chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ kết nối Internet of Things (IoT), với 5 công ty và tổ chức lớn đã ra mắt những sản phẩm Internet of Things của riêng mình. Điều này không chỉ khiến cho thị trường mới phát triển thêm sôi động, mà còn khiến người sử dụng lâm vào tình cảnh không biết đâu mà lần vì sự rắc rối của các tiêu chuẩn IoT của từng hãng khác nhau đưa ra.
IoT và các chuẩn kết nối
IoT là thuật ngữ chỉ các đối tượng được kết nối với nhau bằng mạng internet, giúp bạn có thể kiểm soát và điều khiến chúng một cách dễ dàng ở bất kỳ đâu. Những đối tượng này là các thiết bị trong gia đình, văn phòng mà trước đây chưa từng được kết nối internet, như những chiếc tủ lạnh, máy điều hòa, bóng đèn …
Các nhà cung cấp IoT hiện nay lại lựa chọn những chuẩn kết nối khác nhau để tích hợp vào các sản phẩm của mình, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên điều này dẫn đến những hạn chế, đó là việc mở rộng IoT lên tầm rộng lớn hơn như trong cả một thành phố. Đối với người tiêu dùng bình thường thì mọi chuyện càng tệ hơn khi họ buộc phải sử dụng thiết bị IoT từ một nhà cung cấp mà thôi, nếu mua từ hãng khác thì máy móc sẽ bị cô lập với phần còn lại của ngôi nhà.
Do đó các nhà cung cấp bắt tay nhau để tạo ra những chuẩn chung chi IoT. Họ không muốn đợi các tổ chức chính quy phát triển nên những chuẩn này (tương tự như tổ chức IEEE đưa ra chuẩn 802.11 dành cho mạng không dây mà chúng ta đang sử dụng hiện nay), thay vào đó các công ty tự làm với nhau để mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên vấn đề là không chỉ có một nhóm được thành lập. Một số hãng bắt tay nhau để tạo ra một nhóm, trong khi một vài công ty khác thì tạo ra nhóm thứ 2 với cùng mục đích. Thế nên, dù được gọi là “chuẩn” nhưng IoT hiện nay cũng có đến 4-5 chuẩn khác nhau. Theo các nhà phân tích dự đoán thì phải đến năm 2017 thì một chuẩn chung thật sự mới xuất hiện.
Các nhóm quy chuẩn IoT lớn nhất hiện nay
AllSeen Alliance: Được thành lập vào tháng 12 năm 2013 với sự tham gia của LG, Panasonic, Sharp, Silicon Image, TP-Link, HTC, Qualcomm và hiện đã có hơn 100 thành viên. Bộ khung này được xây dựng dựa trên dự án nguồn mở AllJoyn do Qualcomm khởi xướng cách đây ít đâu. Các sản phẩm IoT, ứng dụng, dịch vụ tạo bằng AllJoyn có thể liên lạc với nhau thông qua nhiều kết nối: Wi-Fi, Ethernet, thậm chí là cả đường dây điện. AllJoyn không đòi hỏi hệ điều hành phải giống nhau (Linux, Android, iOS, Windows hay các loại OS nhúng đều được).
Open Interconnect Consortium (OIC): Được thành lập vào tháng 7 năm 2014, với các thành viên chính bao gồm Intel, Samsung Electronics và Dell. Số lượng thành viên hiện tại đã là 50 với sự tham gia của cả Hewlett-Packard và Lenovo. Các tiêu chuẩn mã nguồn mở đang được phát triển sẽ bao gồm khả năng nhận dạng và phát hiện thiết bị, thông tin liên lạc, trao đổi dữ liệu và các chức năng khác như bảo mật.
Thread Group: Được thành lập vào tháng 7, bởi các công ty ARM, Samsung và Nest Labs (thuộc Google). Thread nhắm đến việc sử dụng giao thức mạng dạng mesh để các thiết bị IoT có thể kết nối không chỉ với một hai máy xung quanh mà với nhiều thiết bị cùng lúc. Tiêu chuẩn của Thread còn tập trung vào việc giảm lượng điện tiêu thụ của sản phẩm IoT, đồng thời sử dụng một loại chip mạng hiện có trên thị trường để cấp địa chỉ IPv6 cho các thiết bị.
Industrial Internet Consortium (IIC): Được thành lập vào tháng 3 năm 2014 bởi các công ty General Electric, Cisco Systems, IBM, Intel và nhà mạng AT&T. IIC tập trung phát triển các thiết bị IoT cho doanh nghiệp chứ không phải người tiêu dùng. Do đó các phần mềm mã nguồn mở được phát triển sẽ tập trung vào kết nối machine-to-machine, các cảm biển điều khiển những hệ thống dây chuyền tự động …
IEEE P2413: Viện kĩ thuật điện điện tử (IEEE) là một trong những cơ quan chính quy có nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn quan trọng trong thế giới công nghệ hiện nay, điển hình như kết nối không dây. Mặc dù các công ty cung cấp IoT cho rằng IEEE quá chậm trong việc đưa ra tiêu chuẩn cho IoT, khiến họ phải tự phát triển chuẩn riêng của mình. Tuy nhiên IEEE đã thành lập nên các nhóm thành viên để làm việc với phần còn lại của thị trường Internet of Things. IEEE đã bắt tay vào xây dựng bản nháp đặc tả kĩ thuật đầu tiên, và sẽ cần khoảng 1 năm nữa trước khi nó được công bố ra thế giới.
Một thị trường sôi động và đông đúc
Trên đây là 5 tiêu chuẩn IoT của những liên minh các công ty công nghệ lớn trên thế giới, ngoài ra còn có thêm oneM2M, ISA100 và rất nhiều những tiêu chuẩn khác. Điều đó cho thấy IoT đang là một thị trường rất tiềm năng mà rất nhiều công ty muốn đầu tư vào. Tuy nhiên không phải tất cả các chuẩn trên sẽ cạnh tranh nhau trong thị trường này, mà sẽ có một số chuẩn IoT được tạo ra để hỗ trợ các chuẩn khác.
Mặc dù vậy thì thị trường IoT vẫn rất cần một chuẩn chung cho tất cả. Những gì mà các nhà cung cấp đang làm hiện tại chỉ là giai đoạn ban đầu của một quá trình lâu dài. Theo nhà phân tích James Brehm, người sáng lập của James Brehm & Associates: “Chúng ta cần có những cuộc đối thoại, nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng”. Ngay cả thành viên trong cùng một nhóm quy chuẩn đôi khi vẫn còn xung đột lợi ích và chiến lược với nhau cơ mà. Do đó mà năm 2015 hứa hẹn sẽ không khả quan hơn khi mà các công ty vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên cũng có thể sẽ không có một tiêu chuẩn chung nào được sử dụng, giống như việc chuẩn hệ điều hành trên smartphone có cả iOS, Android, Windows Phone … Do đó mà rất có thể sẽ có nhiều chuẩn IoT phát triển song song với những ưu nhược điểm khác nhau và sự lựa chọn sẽ là ở người sử dụng.
Mặc dù vậy điều này đưa người dùng tới quyết định lựa chọn rất khó khăn, vì nếu chọn một chuẩn IoT không phổ biến sẽ dẫn tới nhiều vấn đề như lựa chọn thiết bị sau này rất khó khăn bởi nguồn cung không phong phú. Do đó mà việc có quá nhiều chuẩn IoT như hiện nay không chỉ khiến các nhà cung cấp đau đầu mà còn gây ra nhiều khó khăn cho người sử dụng.
Theo pcworld
>>Qua rồi thời hoàng kim của smartphone, "Internet of Things" sẽ lên ngôi trong 2015
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng