Cho phép thay đổi ứng dụng mặc định là một cải tiến nhỏ nhưng đáng kể.
Bạn có thể yêu iPhone, và bạn cũng đồng thời ghét nó. Chúng ta đều biết thiết bị này có phần cứng hoàn hảo, chạy một hệ điều hành được Apple chăm chút từng chi tiết, và các ứng dụng từ các nhà phát triển bên thứ 3 thì có chất lượng khá cao. Nhưng người dùng lại ghét iPhone vì những rào cản vô hình mà Apple đã tạo ra, khiến quá trình sử dụng thiết bị mỗi ngày gặp không ít những giới hạn. Bạn không thể thay đổi trình duyệt web mặc định; mỗi lần bạn bấm vào một địa chỉ email, bạn buộc phải sử dụng ứng dụng email khá tệ của iOS; và vì bị Apple giới hạn nghiêm ngặt, khả năng tùy biến và các tính năng ứng dụng trên iOS cũng không đầy đủ và thoải mái như Android.
Nhiều tin đồn gần đây cho biết Apple đang cân nhắc dỡ bỏ một số giới hạn nói trên trong iOS 14. Bản cập nhật hệ điều hành sắp tới này có thể là một cơ hội lý tưởng để Apple "mở cửa" với thế giới, trong bối cảnh các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu đang bắt đầu đặt ra những câu hỏi xoay quanh việc Apple kiểm soát nền tảng di động của mình.
Theo Bloomberg đưa tin vào hôm kia thì Apple hiện xem xét cho phép các ứng dụng như Chrome hay Gmail được phép trở thành ứng dụng mặc định trong iOS 14. Đó là một thay đổi tương đối nhỏ, nhưng sẽ mang lại tác động lớn đối với các nhà phát triển ứng dụng đang tìm cách cạnh tranh với các ứng dụng tích hợp sẵn của Apple. Windows, Android, và macOS đều cho phép người dùng đặt các ứng dụng bên thứ ba làm mặc định, nhưng iOS vẫn luôn là ngoại lệ trong hơn một thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian đó, các nhà phát triển trên thế giới đã tạo nên những trình quản lý email mạnh mẽ hơn, tích hợp hoàn hảo với các ứng dụng lịch đầy đủ chức năng, có thể xem được trên các trình duyệt di động hiện đại với khả năng đồng bộ xuyên suốt nhiều nền tảng không thuộc Apple. Còn trên iOS, người dùng vẫn bị buộc phải sử dụng các ứng dụng do Apple tự phát triển, thường có ít chức năng hơn nhiều.
Tại sao lại là lúc này?
iOS 14 là thời điểm lý tưởng để nới lỏng những giới hạn về ứng dụng, khi mà các nhà quản lý tại châu Âu và Mỹ đang dò xét rất gay gắt nền tảng di động cũng như sức ảnh hưởng của Apple. EU được cho là đang chuẩn bị mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Apple sau khi Spotify đệ trình một đơn kiến nghị cho rằng Apple ưu ái dịch vụ âm nhạc "chính chủ" bằng cách đưa ra nhiều cấm đoán đối với các dịch vụ của đối thủ. Spotify còn không đồng tình với những yêu cầu của Apple, rằng người dùng iPhone phải mua ứng dụng thông qua App Store của hãng, rồi sau đó thu của các nhà phát triển một khoản hoa hồng lên đến 30%.
Ý kiến phản bác lại Spotify của Apple đã cho thấy chính xác những khó khăn mà các nhà phát triển bên thứ ba gặp phải khi cạnh tranh với nhà sản xuất iPhone trên nền tảng mà hãng này là người đặt ra luật lệ và có thể thay đổi chúng chỉ trong chớp mắt. Các nhà phát triển tìm cách tránh né khoản phí mà Apple thu từ các giao dịch trong ứng dụng bị cấm không được cho khách hàng của họ biết những nơi, và làm cách nào, để có thể mua những thứ họ bán bên ngoài App Store. Có nghĩa là các ứng dụng như Netflix, nếu không kích hoạt tính năng giao dịch trong ứng dụng (in-app purchase) để khách hàng đăng ký các gói thuê bao, không được phép đưa đường dẫn đến website của họ, hay thậm chí là nói với người dùng cần vào netflix.com để đăng ký.
Apple đang phải đối mặt với những kiến nghị tương tự liên quan khoản hoa hồng 30% nói trên, và Tòa án Tối cao Mỹ vào năm ngoái từng ra quyết định rằng công ty sẽ phải đối mặt với một vụ án chống độc quyền trên App Store.
Tuy nhiên, Apple không chỉ bị "soi" vì "ăn dày". Công ty chuyên về thiết bị theo dõi qua Bluetooth là Tile mới đây đã lên tiếng tại một phiên điều trần chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ rằng Apple tìm cách đón đầu các đối thủ tiềm năng trên nền tảng của chính mình. Theo đó, Apple được cho là sắp sửa tung ra một sản phẩm cạnh tranh với thẻ theo dõi Bluetooth của Tile, và phó chủ tịch của Tile là Kirsten Daru đã cáo buộc Apple lợi dụng iOS để ưu ái cho lợi ích của chính họ.
"Apple đang hành xử như một tên gác cổng cho các ứng dụng và công nghệ theo cách ưu ái cho những lợi ích của chính họ" - Daru nói. "Bạn có thể là đội banh giỏi nhất, nhưng bạn đang đấu với một đội khác sở hữu chính sân vận động, trái banh, và cả giải đấu đó, và có thể thay đổi luật lệ khi nào họ muốn".
Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, một ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, cũng lo ngại về cách Apple kiểm soát App Store và tin rằng công ty không nên vừa điều hành App Store vừa phân phối các ứng dụng trên đó. "Chỉ được một trong hai mà thôi" - bà nói. "Hoặc họ điều hành nền tảng, hoặc họ tham gia vào cửa hàng. Họ không nên làm cả hai cùng lúc".
Những cấm đoán phiền phức của Apple
Việc Apple miễn cưỡng cho phép người dùng iPhone đặt các ứng dụng họ yêu thích làm mặc định đã gây nên tình trạng khó chịu, buộc các nhà phát triển phải tìm mọi cách để giải quyết. Các ứng dụng như Outlook cho phép bạn đặt Google Maps và Chrome làm mặc định để mở bản đồ và các đường link web, và các ứng dụng khác như YouTube thì mở thẳng link trong Chrome nếu bạn có cài trình duyệt này. Instagram, TikTok, YouTube, Twitter, và các ứng dụng khác đăng ký các đường link của chúng trong iOS như một giải pháp được Apple phê duyệt để giải quyết vấn đề không thể thay đổi ứng dụng mặc định. Tức khi bạn bấm vào đường link liên quan các ứng dụng này trong các ứng dụng khác, bạn sẽ được chuyển đến ứng dụng iOS "chính chủ" nếu chúng đã được cài đặt. Nhưng bạn không thể đặt những đường link đó để mở ra trong các ứng dụng Twitter bên thứ ba, hay các ứng dụng thay thế khác.
Mặc cho những giải pháp đó, người dùng vẫn thường xuyên bị Safari "chặn đầu" mỗi khi mở các đường link mà bạn bè hay gia đình họ gửi qua iMessage hay WhatsApp. Và các đường link mailto trên web thì bị đẩy sang ứng dụng email cài sẵn trong iOS - thứ chẳng ai thèm dùng. Siri cũng là một ứng dụng mặc định, và là trợ lý ảo duy nhất bạn có thể kích hoạt bằng giọng nói từ màn hình khóa. Alexa, Google Assistant, và Cortana đều bị giới hạn chỉ được phép hoạt động trong ứng dụng của chính chúng mà thôi.
Nếu Apple thực sự nới lỏng các quy định về ứng dụng mặc định, trải nghiệm tổng thể trên iOS sẽ được cải thiện theo rất nhiều cách khác nhau - nhưng điều đó còn tùy thuộc vào việc công ty này đi xa đến đâu. Những cấm đoán của Apple đặt lên các ứng dụng là phức tạp hơn nhiều, chứ không chỉ xoay quanh giới hạn các ứng dụng mặc định, và thường liên quan đến những nhu cầu quan trọng về bảo mật. Chrome, Edge, Firefox, Brave, và các trình duyệt khác đều phải dùng engine dựa trên WebKit của Safari khi chạy trên iOS, bởi Apple không cho phép các engine dựng hình đối thủ hoạt động trên nền tảng của mình. Nhờ đó, Apple có thể kiểm soát tính bảo mật và cách thức các nội dung web được dựng trên các thiết bị của hãng trong mọi ứng dụng. Các ứng dụng bên thứ ba cũng bị giới hạn về cách thức tương tác với các tin nhắn trong iMessage và các cuộc gọi điện.
Những giới hạn đó cải thiện khả năng bảo mật của iOS theo nhiều cách, thông qua hạn chế những đoạn mã tiềm ẩn khả năng gây hại được chạy một cách tự do, và ngăn các ứng dụng gửi đi các tin nhắn SMS dưới danh nghĩa người dùng. Nhưng những điều đó cũng dẫn đến triệt tiêu tính cạnh tranh và giảm thiểu quyền chọn lựa của người dùng iPhone. Ứng dụng Your Phone của Microsoft cho phép bạn ánh xạ và điều khiển hoàn toàn một thiết bị Android từ máy tính Windows, và thậm chí có thể gửi lẫn nhận các tin nhắn, thực hiện các cuộc gọi. Cũng ứng dụng đó trên iOS lại hầu như vô dụng, bởi chẳng có tính năng nào nói trên hoạt động được cả!
Ứng dụng Your Phone của Microsoft
Một cách khác mà Apple có thể thực hiện để "mở cửa" là thay đổi chính sách App Store. Google, Nvidia, và Microsoft đều đang phải đối mặt với những thách thức trong quá triển triển khai dịch vụ stream game đám mây trên iOS. Phải mất gần một năm Apple mới chấp thuận cho ứng dụng Steam Link của Valve lên App Store, dù rằng ứng dụng này chủ yếu chỉ thực hiện stream game từ PC lên điện thoại mà thôi. Apple ban đầu từ chối Steam Link vì lý do "xung đột trong kinh doanh", và nhiều khả năng nguyên nhân xuất phát từ việc ứng dụng này cho phép người dùng iOS truy cập đến kho ứng dụng Steam ngay trong hệ sinh thái kiểm soát chặt chẽ của Apple. Microsoft hiện đang thử nghiệm dịch vụ xCloud beta trong những khuôn khổ giới hạn của chính sách App Store và cho biết họ đã phải tự giới hạn một số tính năng của ứng dụng vì các chính sách này.
Trước đây, Apple từng nới lỏng một vài quy định nghiêm khắc trong iOS, cho thấy hệ điều hành của công ty sẽ thay đổi ra sao trong tương lai. Apple tạo ra CallKit để cho phép các ứng dụng VoIP như WhatsApp, Skype, Messenger, và các ứng dụng khác tích hợp sâu hơn vào trình gọi điện của iOS. Người dùng nay có thể thực hiện và nhận các cuộc gọi thông qua WhatsApp, trong các cuộc gọi này trông như các cuộc gọi iPhone thông thường, thậm chí còn xuất hiện trong danh sách lịch sử cuộc gọi của máy.
Apple còn nới lỏng những quy định liên quan các ứng dụng bàn phím bên thứ ba trên iOS 3, và thậm chí hiện nay, ứng dụng Messages của hãng đã có thể sử dụng tính năng QuickType tích hợp trong bàn phím để tách các mã SMS sang các ứng dụng khác. Điều này giúp giảm bớt thời gian lãng phí khi bạn cần các ứng dụng khác truy xuất mã SMS, nhưng nếu Apple sẵn sàng nới lỏng hơn nữa những giới hạn trong ứng dụng Messages, thì họ có thể cho phép các đối thủ cạnh tranh tạo nên những giải pháp thay thế thực thụ cho iMessage trên iPhone, hỗ trợ hoàn toàn cho chuẩn RCS mới.
Sân chơi không công bằng
Các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba đã và đang cáo buộc Apple đánh cắp ý tưởng trong các ứng dụng của họ trong nhiều năm trời, sau đó đưa những ý tưởng đó vào iOS và macOS. Apple đã và đang phát triển những tính năng tương tự Bitmoji, Moment, IFTTT, Google Photos, Houseparty, các ứng dụng đo đạc bằng AR, và nhiều thứ khác. Thậm chí hãng còn được đặt cho một nickname là "Sherlocking", xuất phát từ những tính năng mà hãng đã trang bị cho công cụ tìm kiếm desktop mang tên Sherlock hồi năm 2002, nhưng thực ra trước đó đã tồn tại trên một ứng dụng bên thứ 3 khá phổ biến tên Watson.
Gần đây, Blix, nhà phát triển ứng dụng quản lý email BlueMail, khẳng định Apple đánh cắp tính năng đăng nhập email ẩn danh của họ, sau đó triệt hạ ứng dụng Blix trên iPhone bằng cách hạn chế sự xuất hiện của nó trong các kết quả tìm kiếm và đá bay ứng dụng này ra khỏi App Store của macOS. Blix hiện đang kiện Apple và kêu gọi các nhà phát triển khác lên tiếng chống lại điều mà họ gọi là "những chiến thuật kinh doanh không công bằng" của Apple.
Đôi lúc, các giải pháp thay thế do Apple phát triển xuất hiện ngay sau khi hãng này vừa triệt hạ các ứng dụng bên thứ ba. Apple từng đưa tính năng kiểm soát thời gian sử dụng máy vào iOS ngay khi vừa bắt đầu triệt hạ các ứng dụng bên thứ ba cung cấp chức năng tương tự. Sau đó Apple tạm ngừng hành động này, nhưng ai nhìn vào cũng biết chuyện gì đang xảy ra.
Apple còn đối mặt với những nghi vấn rằng những cấm đoán họ đặt ra trên nền tảng của mình không phải lúc nào cũng áp dụng đối với các ứng dụng của chính họ. Gần đây, Apple bắt đầu triệt hạ các ứng dụng tận dụng tính năng địa điểm và Bluetooth của iOS 13 bằng cách đưa ra các cảnh báo rằng nhiều ứng dụng bên thứ ba đang sử dụng dữ liệu địa điểm của người dùng dưới nền. Dù tính năng này được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư, nhưng Apple lại chẳng đưa ra những thông báo tương tự nhằm vào các ứng dụng của chính họ, như Find My chẳng hạn.
Những cảnh báo dạng pop-up đó đã gây phiền toái cho người dùng, bởi bạn phải liên tục bấm nút "Always Allow" vài ngày một lần, mặc dù đã nói với iOS rằng bạn muốn ứng dụng đó luôn được truy cập dữ liệu địa điểm. Google cũng đưa ra giới hạn tương tự đối với các ứng dụng Android, nhưng các ứng dụng của chính Google cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng.
Apple còn "bẻ cong" luật lệ của chính mình ở nhiều nơi khác trong iOS khi dùng thông báo đẩy để quảng bá cho Apple Music, Apple TV Plus, hay thậm chí là show Carpool Karaoke của mình. Các quy định của Apple nhấn mạnh rằng thông báo đẩy "không được dùng để quảng cáo, quảng bá, hay cho các mục đích marketing trực tiếp".
Những kiến nghị từ các nhà phát triển chắc chắn đã khiến Apple phải lung lay, và iOS 14 có thể là cơ hội để công ty "hạ nhiệt" những áp lực họ đang gánh chịu từ phía các nhà quản lý, trong khi đồng thời có thể cải thiện trải nghiệm tổng thể trên iPhone và iPad cho người tiêu dùng. Nếu vào tháng 9 tới, khi cầm iPhone trên tay, bạn có thể dùng các ứng dụng email, trình duyệt...yêu thích của mình một cách tự do hơn đôi chút, thì đó sẽ là một thay đổi nhỏ nhưng đáng được hoan nghênh trong nỗ lực mở cửa "tường thành" của Apple.
Tham khảo: TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng