iPhone: 10 năm "Công nghệ vị Nhân sinh"
Giật mình nhìn lại, một thế hệ "điện thoại thông minh" khác biệt đã đến tay người tiêu dùng được 10 năm. 10 năm không ngắn cũng chẳng dài, nhưng ít ai nhớ được, cuộc sống của chúng ta đã từng rất khác.
Một thế giới di động khác
Tôi vẫn còn nhớ mình đã từng thèm muốn gì vào năm 2006. Tại thời điểm ấy, một vài cậu bạn thật "sành" trong trường tôi có máy chơi game PSP và iPod. Một vài cô bạn biết ăn mặc thường cầm tay những chiếc Motorola RAZR hoặc Nokia 7610. Anh họ tôi, người đầu tiên dạy tôi dùng máy tính (và chơi Road Rash...), lúc đó đang sở hữu chiếc P910i có bàn phím gập và bút cảm ứng nhìn rất "oách".
Tôi muốn có 1 hoặc tất cả những thứ vật phẩm đắt tiền ấy. Mãi sau này tôi mới biết, chúng có tên gọi chung là "thiết bị di động".
Các bạn 8X và cả nửa đầu 9X có lẽ cũng ghi nhớ về một khung cảnh di động rất, rất khác của 11 năm về trước. Với tôi, đó là cả một thế giới đầy nhiệm màu với những chiếc điện thoại khác biệt: chiếc thì hình thanh kẹo, chiếc thì vỏ sỏ. Chiếc thì nghe nhạc hay, chiếc thì chụp ảnh tốt. Chiếc nào có cảm ứng thì đều phải có stylus đi kèm, nhưng cũng lại có những chiếc điện thoại chứa nguyên một bộ bàn phím QWERTY nhìn thật oách.
Thế rồi, đúng 10 năm về trước, iPhone ra mắt và cả thế giới di động cùng thay đổi theo cái cách Steve Jobs đã tiên phong. Về bản chất, smartphone ngày nay tích hợp cả máy ảnh, PSP, iPod và cả Nokia lẫn BlackBerry. Hãy nhìn vào những chiếc điện thoại Samsung, LG hay Sony của ngày hôm nay và hỏi, chúng giống với iPhone hơn hay là giống với điện thoại Samsung, LG, Sony của năm 2006 hơn? Câu trả lời là quá rõ ràng. Cả thế giới di động đều đã bị đồng hóa.
Một cuộc sống khác
Vì thay đổi khái niệm smartphone từ chỗ khó sử dụng thành "cho tất cả mọi người", iPhone thường bị mang "dớp" là dành cho những người mù công nghệ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong các công ty, các phòng ban công nghệ mà tôi từng làm việc, tỷ lệ các lập trình viên, các kỹ sư hệ thống sử dụng iPhone lại cao tới mức đáng ngạc nhiên. Cái hay của iPhone (và rất nhiều sản phẩm gắn mác Táo khác) là ở chỗ, chúng đưa công nghệ về đúng bản chất của mình: "công nghệ vị nhân sinh", chứ không phải là "công nghệ vị công nghệ". Dù bạn là một kỹ sư phần mềm hay chỉ là một bà nội trợ, vai trò tối quan trọng của một chiếc smartphone không phải là để up ROM, để tweak, để chạy simulator.
Trái lại, smartphone là để phục vụ một cách tốt nhất cho nhu cầu thiết yếu nhất, hữu ích nhất: nghe gọi, nghe gọi, lướt web, chụp ảnh, nghe nhạc, xem YouTube, chạy app, chơi game...
Ít ai biết rằng trước iPhone, ngay cả những nhu cầu đơn giản ấy vẫn nằm ngoài tầm với của những chiếc điện thoại di động. Các nhà mạng – thế lực kiểm soát ngành công nghệ viễn thông – chỉ coi di động là những vật phẩm khuyến mại bán kèm các bản hợp đồng thuê bao dài kỳ. Kết quả là điện thoại chụp ảnh tốt thì thường nghe khạc không hay (và ngược lại); điện thoại đẹp thì thường hạn chế về tính năng, smartphone thì thường xấu và khó sử dụng. Chuyện tích hợp PSP và iPod vào điện thoại di động thường thất bại thảm hại: bạn có còn nhớ về N-Gage và Motorola ROKR?
iPhone đã thay đổi tất cả. Đừng nghĩ iPhone chỉ là những khái niệm "smartphone", "cảm ứng" đem ghép lại. Để ra mắt được iPhone, Steve Jobs đã phải đấu tranh kịch liệt với các thế lực viễn thông của Mỹ. Các kỹ sư của Apple đã phải điên đầu nghiên cứu những đột phá về công nghệ sau này được chính CEO của BlackBerry thừa nhận là "đem máy Mac nhét vào điện thoại". Quan trọng nhất, trước Steve Jobs, cả Nokia, BlackBerry, Microsoft hay bất cứ ông lớn nào khác cũng đều không thể tạo ra một bộ giao diện trực quan, dễ sử dụng đã thay đổi hoàn toàn cách hiểu của con người về smartphone.
Có những lúc nhìn đứa cháu của tôi nằm trên giường xem clip Lego mà tôi vẫn thấy ngỡ ngàng. Thời đi học, muốn nằm trên giường xem YouTube, tôi sẽ phải... đặt laptop lên ngực. Đến tận khi đi làm, năm 2011 tôi mới được sở hữu một thứ có thể dùng để xem YouTube: iPhone 4.
"Tín đồ công nghệ"
Dĩ nhiên, đó không phải là lần đầu tiên tôi được chạm tay vào một chiếc iPhone. Nhưng đó lại là lần đầu tiên tôi cảm thấy đủ thuyết phục để bỏ ra tới hai tháng lương để sở hữu trải nghiệm Táo: so với cả 3 thế hệ iPhone đầu tiên (iPhone 1, 3G và 3GS), iPhone 4 mang đến thiết kế vuông vắn hơn hẳn. Dù cho chiếc điện thoại của Steve Jobs vẫn luôn được ca ngợi là "đẹp" từ khi bắt đầu, phải tới iPhone 4 tôi mới thực sự cảm thấy thuyết phục bởi vẻ đẹp vừa cao cấp lại vừa khỏe khoắn.
Có lẽ là hơi buồn cười khi nhắc đến một sản phẩm công nghệ như iPhone mà lại khen ngợi về thiết kế. Quả thật, so với các đối thủ Android, iPhone rất dễ bị coi là một thứ đồ "low-tech" khi liên tục thua kém về RAM, chip, độ phân giải...
Nhưng tôi và rất nhiều bạn bè làm công nghệ khác lại có suy nghĩ ngược lại: Apple có rất nhiều đột phá công nghệ, . Những con chip của Apple chẳng hạn: ngành thiết kế chip vô cùng ca ngợi những đột phá như A7, A10 Fusion hay A9X. Khi Apple lên 64-bit, Qualcomm vội vã chạy theo và gặp vấn đề tản nhiệt với Snapdragon 810, khiến cho thế giới Android phải đi qua một năm buồn thảm. Hiệu năng tải ứng dụng của thiết bị iOS vẫn vượt mặt Android, bởi Apple hiểu rằng giải quyết vấn đề hiệu năng đơn nhân sẽ là hướng đi thiết thực hơn, dễ dàng hơn cho các nhà phát triển ứng dụng.
Và những đột phá công nghệ ấy lại chỉ để phục vụ cho những mục đích (tưởng chừng) đơn giản. Chạy đua số nhân, dung lượng RAM, độ phân giải... không thể tạo ra những thành tựu vĩ đại. Tạo ra những thiết bị trực quan đến mức trẻ con cũng có thể sử dụng và đảm bảo chất lượng cho trải nghiệm đó mới đáng gọi là thành tựu công nghệ.
Một ví dụ khác: Siri. Bạn có thể nghĩ điều khiển qua giọng nói là một tính năng rất bình thường, nhưng đó thực chất lại là nơi tập trung những bộ não vĩ đại nhất của cả hai ngành phần cứng và phần mềm: một sản phẩm như Siri quy tụ tất cả các lĩnh vực "tương lai" như Big Data, xử lý giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và deep learning. Với một người làm phần mềm như tôi, được tham gia vào một dự án tương tự như Siri có lẽ sẽ là "tấm huy chương" đáng mơ ước nhất để đặt vào CV.
Điện thoại thông minh, con người thông minh
Với tôi, ký ức của 10 năm trước vẫn chưa hề phai nhòa. Trước iPhone, chúng ta đã sở hữu một thế giới điện thoại đầy nhiệm màu, thú vị và... rối loạn. Thế rồi iPhone ra đời, Android cũng ra đời và ngày một tiến hóa theo hướng giống iPhone. Cả thế giới di động đồng hóa lại thành những khối chữ nhật bo tròn với phần màn hình lớn làm trọng tâm. Bàn phím, ý tưởng từng bị Andy Rubin do dự không dám loại bỏ khỏi HTC G1, cuối cùng cũng tuyệt diệt.
Đi kèm với cuộc cách mạng ấy là những thay đổi khiến chúng ta phải giật mình. Nếu như với chúng tôi, Internet đồng nghĩa với những chiếc máy để bàn cồng kềnh, những chiếc laptop đắt đỏ thì với thế hệ bây giờ, Internet thực sự đặt trong lòng bàn tay. Nghe nhạc, tìm thông tin, chép bài... đều đã trở nên dễ dàng với những chiếc smartphone. Để nghe nhạc, tôi phải để dành dăm ba bữa sáng, tôi mới có tiền để mua đĩa CD nhét vào chiếc Walkman "Tàu" chứ đâu có thể dễ dàng tìm app nghe online miễn phí như bây giờ.
Đi kèm với những thay đổi từ iPhone là những cuộc sống đã bị thay đổi, theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nhưng tôi vẫn luôn thấy trân trọng những thay đổi ấy, bởi cuối cùng thì iPhone tốt hay xấu, làm cho con người "smart" hơn hay "dumb" hơn cũng vẫn chỉ là do người sử dụng.
Có những lần tôi đi trên đường, thấy các bạn sinh viên đi qua đường thường bật đèn màn hình điện thoại vẫy vẫy để xe đi từ xa có thể nhìn thấy. Thay đổi rất nhỏ và cũng chẳng dính dáng mấy đến những khái niệm hi-tech do smartphone mang tới, nhưng cũng lại là "tính năng" khó có thể thực hiện được thời Nokia đơn sắc.
iPhone đã khởi đầu một cuộc cách mạng giúp cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng