iPhone 16 sẽ là sản phẩm nhàm chán cuối cùng của Apple: Chính thức lên kế hoạch làm điện thoại gập, kỷ nguyên mới của 'nhà Táo' sắp bắt đầu

    Vũ Anh,  

    Dù thời điểm ra mắt chính thức vẫn còn là ẩn số, song việc Apple mạnh dạn tham gia vào thị trường smartphone gập hứa hẹn tạo nên một cuộc cách mạng mới trong ngành công nghiệp smartphone.

    iPhone 16 sẽ là sản phẩm nhàm chán cuối cùng của Apple: Chính thức lên kế hoạch làm điện thoại gập, kỷ nguyên mới của 'nhà Táo' sắp bắt đầu- Ảnh 1.

    Apple đang chuẩn bị một loạt các thay đổi lớn về thiết kế và định dạng cho iPhone hoặc có thể là các sản phẩm khác - một nỗ lực nhằm phục hồi tăng trưởng sau nhiều năm chỉ cung cấp các phiên bản nâng cấp nhàm chán.

    Bắt đầu từ năm sau, Apple có kế hoạch giới thiệu một chiếc iPhone mỏng hơn so với độ dày khoảng 8 mm của các mẫu hiện tại. Mẫu này dự kiến sẽ rẻ hơn các mẫu Pro, với hệ thống camera được đơn giản hóa để giảm chi phí.

    Công ty cũng đang lên kế hoạch cho hai thiết bị có thể gập lại. Một thiết bị lớn, có thể sử dụng như chiếc máy tính xách tay, có màn hình khoảng 19 inch. Mẫu nhỏ hơn còn lại có màn hình nhỉnh hơn iPhone 16 Pro Max, có thể gập.

    Cả hai thiết kế có thể gập lại vốn đã được phát triển trong nhiều năm, song một số bộ phận chính vẫn chưa sẵn sàng. Những thách thức chính bao gồm cải thiện bản lề - cơ chế cho phép thiết bị gập lại, mở ra và nắp màn hình - vật liệu linh hoạt giúp bảo vệ màn hình.

    Jeff Pu, nhà phân tích của công ty môi giới Haitong International Securities có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết các điện thoại gập hiện có trên thị trường không đủ mỏng, nhẹ hoặc tiết kiệm năng lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn của Apple. Đó là lý do tại sao Apple chậm chân hơn trong việc thâm nhập phân khúc này.

    Theo WSJ, các giám đốc điều hành của Apple đang thúc đẩy kế hoạch phát hành vào năm 2026. Điện thoại siêu mỏng sẽ cung cấp một lựa chọn thay thế cho những người tiêu dùng thích thiết bị trông bóng bẩy nhưng không ngại từ bỏ một số tính năng có sẵn trong dòng Pro.

    Apple đang khao khát tìm ra những cách mới để tăng tốc tăng trưởng. Mảng kinh doanh iPhone, vốn chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu, đang ghi nhận tình trạng doanh số sụt giảm khi doanh thu năm tài chính 2024 tăng trưởng dưới 1%. Làn sóng tăng trưởng doanh số lớn gần đây nhất là vào năm 2021, khi các nhà mạng trợ cấp cho việc mua iPhone để hỗ trợ cơ sở hạ tầng mạng 5G.

    Các bản cập nhật không phải đột phá lớn, song cho thấy những thay đổi đáng kể về hình thức và chức năng so với những gì Apple đã thực hiện trong nhiều năm. Trong những năm gần đây, dòng sản phẩm chính của Apple không có nhiều thay đổi đáng kể. Chip nhanh hơn, camera tốt hơn, song chưa đủ để khuyến khích người dùng chi tiền.

    Cliff Maldonado, nhà phân tích chính tại BayStreet Research, đơn vị nghiên cứu thị trường điện thoại thông minh, cho biết lần thiết kế lại iPhone lớn gần đây nhất diễn ra với iPhone X, ra mắt vào năm 2017.

    Đối với dòng iPhone 16 mới ra mắt gần đây, công ty tập trung tiếp thị vào Apple Intelligence, hệ thống AI mới có sẵn cho các mẫu iPhone mới hơn, thay vì nâng cấp phần cứng. Các tính năng AI mới đang dần được triển khai nhưng không chắc chắn liệu có đủ để phục hồi nhu cầu.

    “Có vẻ như Apple đang hướng đến sự đổi mới phần cứng để thúc đẩy người dùng nâng cấp”, Maldonado nói. “iPhone 16 sẽ là chiếc điện thoại nhàm chán cuối cùng”.

    Theo truyền thống, thiết kế phần cứng mới là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số của Apple. Mười năm trước, hãng giới thiệu iPhone 6 Plus với kích thước lớn hơn, khởi động làn sóng tăng trưởng cho công ty vào thời điểm đó.

    Apple hiện cũng đang tìm kiếm các sản phẩm mới bên ngoài iPhone để tăng trưởng. Đầu năm nay, hãng tung ra động thái đầu tiên của mình với Vision Pro - chiếc kính thực tế ảo giá 3.499 USD cho phép người dùng đặt các vật thể kỹ thuật số vào môi trường vật lý. Tuy nhiên, với mức giá cao, doanh số Vision Pro đến nay vẫn chậm chạp.

    Dù thời điểm ra mắt chính thức vẫn còn là ẩn số, song việc Apple mạnh dạn tham gia vào thị trường smartphone gập hứa hẹn tạo nên một cuộc cách mạng mới trong ngành công nghiệp smartphone, giống như những gì iPhone thế hệ đầu tiên làm được. Theo báo cáo của Counterpoint Research vào tháng 5, thị trường điện thoại gập toàn cầu đã tăng trưởng 49% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất trong sáu quý.

    “Điện thoại gập là tương lai”, Billy Zhang, đại diện Oppo, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới, cho biết.

    Lý do rất đơn giản. Smartphone gập giúp nâng cao trải nghiệm người dùng khi màn hình, hệ điều hành và các ứng dụng bên trong đều được tối ưu, tương thích hoàn hảo. Đây cũng chính là cách giúp các nhà sản xuất tạo sự khác biệt trong một thị trường quá cạnh tranh, đồng thời lôi kéo thêm khách hàng mạnh tay xuống tiền cho các tính năng cao cấp.

    Tất nhiên, vẫn có rất nhiều người dùng yêu thích kiểu dáng của smartphone truyền thống. Họ bày tỏ sự lo ngại về độ bền cũng như độ tinh chỉnh của ứng dụng mỗi khi chiếc điện thoại được mở ra hoặc đóng vào.

    Eiji Araki, giám đốc điều hành một công ty công nghệ Nhật Bản, đã chuyển từ chiếc điện thoại thông minh thông thường sang Pixel Fold của Google. Ông cho biết thiết bị mới nặng hơn một chút so với smartphone cơ bản song mang lại rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi đọc sách online hoặc xem video.

    “Nếu muốn thay đổi cuộc sống của mình, tại sao bạn lại chi thêm 1.000 USD chỉ để mua cùng một chiếc điện thoại?”, ông Eiji Araki nói.

    Theo: WSJ, The NY Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày