iPhone "mới" sẽ là iPhone 7, không phải iPhone 6SE và điều đó làm tôi thất vọng với Tim Cook hơn bao giờ hết
Việc xen kẽ một chiếc iPhone thiết kế mới và một chiếc iPhone S thực chất là một quyết định rất... tử tế với người hâm mộ. Nếu như trong năm nay Apple thực sự gọi một chiếc iPhone "copy paste" từ iPhone 6 là iPhone 7, sự "tử tế" đó sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Apple đã chính thức gửi đi giấy mời tới sự kiện iPhone của năm nay. "Gặp bạn vào ngày mùng 7" ("See you on the 7th") là thông điệp được Táo gửi tới các fan đang ngóng chờ một phép màu cho năm 2016 ảm đạm.
Không khó để nhận ra rằng Tim Cook muốn gọi chiếc iPhone mới là iPhone 7. Nếu không, Cook đặt số 7 lên thiệp mời của Táo làm gì?
Đáng tiếc rằng trong suốt những tháng qua, chiếc iPhone 2016 đã liên tục rò rỉ với hình dáng gần như không có gì thay đổi so với 2 năm trước. Nói cách khác, Apple nên đặt tên cho chiếc iPhone này là "iPhone 6SE", theo cùng một cách đã từng nhân bản iPhone 5 thành iPhone 5s và iPhone SE.
Những người theo dõi Apple từ năm này sang năm khác hiểu rằng khả năng một sản phẩm gắn mác Táo bị rò rỉ nhưng rồi không được phát hành chính thức là gần như 0%. 3 chiếc iPhone trong bức ảnh trên gần như chắc chắn sẽ đến tay iFan và chỉ có một chiếc duy nhất là hơi khó đoán: chưa ai biết iPhone 7 Pro sẽ có tính năng gì mới ngoại trừ camera kép, song có lẽ đây sẽ là một chiếc iPhone tập trung vào những người dùng "chuyên nghiệp" với mức giá... trên trời.
Chiến lược Pro đã từng được Apple áp dụng thành công cho iPad khi doanh số của dòng máy này lần đầu hồi phục nhờ có iPad Pro 12.9 và 9.7 vào quý trước. Vì iPad Pro có trải nghiệm khá khác biệt so với iPad Mini và iPad Air, về mặt lý thuyết thì iPhone 7 Pro vẫn có thể mang đến một trải nghiệm sử dụng mới lạ cho iFan.
Thế nhưng, sự thật hiển nhiên vẫn chỉ có một: năm nay sẽ là năm đầu tiên Apple đánh số mới cho những chiếc iPhone có thiết kế cũ mèm. Chưa ra mắt nhưng iPhone 7 đã được hứa hẹn sẽ không mang tới một cảm xúc mới mẻ nào cả, ít nhất là trên khía cạnh thẩm mỹ vốn đã luôn là thế mạnh của Apple so với các đối thủ Android. Xét tới những gì iOS 10 Beta đã bộc lộ, trải nghiệm iPhone 7 có lẽ cũng chẳng có gì nổi trội.
Trên một khía cạnh "ngầm" nhưng rất quan trọng là khả năng khoe khoang, làm sao mà những người xung quanh có thể biết được rằng bạn đang cầm trên tay chiếc iPhone 7 chứ không phải là iPhone 6s (hay tệ hơn là chiếc iPhone 6 đã 2 năm tuổi)?
Với các iFan, đây có thể coi là một sự phản bội. Một bước lùi về cả khả năng sáng tạo lẫn... đạo đức kinh doanh.
Chúng ta đã bàn tới vấn đề sáng tạo ở trên, nhưng hai chữ "đạo đức" ở đây có nghĩa là gì? Sự kiện iPhone 4S ra mắt trong thất vọng vào năm 2011 đã xác nhận rằng Apple sẽ luôn đan xen một thế hệ sở hữu thiết kế/kích cỡ màn hình mới (iPhone 4, 5, 6) và một thế hệ sở hữu tính năng mới (iPhone 4S, iPhone 5s và iPhone 6s). Tôi còn nhớ rằng vào năm 2013, sức ép từ những chiếc Android màn hình lớn đã trở nên cực kỳ gay gắt nhưng Apple vẫn bình thản ra mắt iPhone 5s. Và mỗi thế hệ iPhone S ra mắt bao giờ cũng đi kèm một mức độ nhàm chán nào đó, vì kể cả có không đoán biết được Siri, chip 64-bit, cảm biến vân tay hay 3D Touch thì người ta vẫn đã biết trước quá nhiều về thiết kế lẫn cảm giác cầm tay.
Đây chính là khía cạnh "tử tế" trong triết lý sản phẩm của Táo: đặt tên điện thoại có chữ "S" đằng sau là một cách để báo trước với người dùng rằng trong năm nay Apple sẽ chỉ ra mắt một vài tính năng hay ho chứ không làm mới về thiết kế. Bất kỳ một iFan nào cũng có thể dựa vào đó để lên lịch cập nhật iPhone cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Bạn muốn những tính năng mới mẻ hay thiết kế mới mẻ, muốn iPhone S hay iPhone thường?
Trước khi đặt ra câu hỏi rằng phải chọn lựa giữa thiết kế và tính năng thì "tử tế" ở chỗ nào, hãy nhìn sang thế giới Android. LG và HTC chẳng hạn, nếu như G3 là một bước hoàn thiện của "tuyên ngôn sáng tạo" G2 thì G4 lại là một nỗi thất vọng toàn tập khi chẳng thể mang lại một thứ gì mới mẻ cả. Còn HTC, sau chiếc HTC One M7 được báo giới tung hô lên tận mây xanh vào năm 2013, công ty Đài Loan đã ra mắt chiếc One M8 thực sự hoàn thiện nhưng cũng chẳng hề đột phá so với đàn anh. Năm 2015, HTC khép lại khả năng hồi sinh bằng chiếc One M9 nhàm chán đến mức thảm họa. Thậm chí, tượng đài này còn tự biến mình thành trò cười của cả thế giới công nghệ khi copy thiết kế iPhone lên mẫu One A9 để chữa cháy cho One M9.
Nhưng thảm họa nhất vẫn là Sony. Chúng ta đã bàn đến điều này rất nhiều lần, nhưng quả thật đến giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi người hùng Nhật Bản suy nghĩ gì mà lại xuất bản tới... 7 đời đầu bảng chung một thiết kế. Hãy thử mang chiếc Z5 đến giới thiệu với một người không "sành" smartphone và nói với họ rằng đó là Xperia Z2 – tôi tin rằng người này sẽ chẳng biết họ đang bị lừa đâu.
Nói tóm lại, dù không áp dụng chiến lược S như Táo nhưng gần như tất cả các nhà sản xuất Android đình đám đều áp dụng một chiến lược mang màu sắc S của riêng họ. Tệ hơn, qua mỗi năm họ ra mắt một chiếc đầu bảng không thực sự bứt phá về thiết kế hay tính năng so với đời trước nhưng vẫn sẵn sàng gọi đó là Galaxy S7 hay Xperia X Performance chứ không phải là "Galaxy S6s" hay "Xperia XSSSSSSS".
Steve Jobs đã đặt tên cho iPhone theo một cách thực sự tử tế
Đến năm nay, nếu như Apple thực sự mang thiết kế của iPhone 6 lên iPhone 7 thì "sự tử tế iPhone S" không những không còn mà còn bị chà đạp. Đây là lần đầu tiên Apple coi thường người dùng đến mức ra mắt một chiếc iPhone đánh số mới mà lại tái chế từ thiết kế cũ.
Một Apple của Steve Jobs đầy sáng tạo không bao giờ làm một điều như vậy. Nếu bạn là một iFan, bạn chắc hẳn sẽ nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu tiên được cầm chiếc iPhone 4 vỏ kính vuông vắn đầy quý phái cũng không thua kém gì lần đầu tiên được cầm tay iPhone 2007. Ngay cả chiếc iPhone cuối cùng có bàn tay chăm chút của Jobs là iPhone 5 cũng có thể khiến các iFan ngày ấy nức nở vì những nét đẹp hoàn mỹ trên mọi góc cạnh.
Những tưởng cảm giác hơi kém choáng ngợp của iPhone 6 đã là quá đủ, đến nay iFan lại phải chuẩn bị cho một iPhone 7 chán đến đỉnh điểm. iPhone 6s đã nguội lạnh lắm rồi, cớ sao Apple lại ra iPhone 6ss rồi đặt tên là iPhone 7?
Câu trả lời có lẽ vẫn nằm ở "con buôn" Tim Cook. Từng áp dụng vô số chiến lược kỳ dị nhằm thu tối đa từ mỗi sản phẩm mác Táo bán tới tay người dùng, đến nay Tim Cook đã sẵn sàng "phạm" vào nguyên tắc tối thượng đặt ra từ thời Steve Jobs rằng iPhone đánh số mới phải có thiết kế mới. Có vẻ, Cook đã đi đến nhận định khá hiển nhiên rằng "iPhone 6SE" chắc chắn không thể mang ý nghĩa marketing tốt như "iPhone 7". Vị CEO giỏi kinh doanh nhưng lại không có tầm nhìn sản phẩm này chắc hẳn đang muốn cứu vớt năm 2016 đầy thất vọng bằng một chiếc điện thoại "copy paste" nhàm chán nhưng lại được đặt tên thật kêu để lừa phỉnh người dùng.
Điều đó không thể che mắt các fan. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ giai đoạn "mông muội" của chiếc iPhone đầu tiên các iFan phải chịu đựng cùng một thiết kế cho 3 năm liên tiếp. iPhone 7 có đủ tiềm năng để trở thành nỗi thất vọng lớn nhất trong lịch sử Apple, vượt mặt cả iPhone 4S lẫn iPhone 6s.
Và tôi dám chắc rằng nếu Steve Jobs còn sống, iFan sẽ không phải gánh chịu nỗi thất vọng này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng