iPhone X đã học tập những tính năng gì từ một chiếc điện thoại ra đời năm 2009?
Từ rất lâu trước khi iPhone X xuất hiện, Palm Pre đã tạo nên các tiêu chuẩn cho giao diện cả ngành smartphone hiện nay.
Apple đã đưa chiếc iPhone X đến với người dùng toàn thế giới theo một cách không thể ấn tượng hơn với những công nghệ và sáng tạo mới lần đầu xuất hiện trên dòng smartphone nổi tiếng này. Tuy nhiên, không phải 100% các công nghệ đó đều đi đầu thế giới.
Ví dụ như Face ID, công nghệ nhận dạng gương mặt để mở khóa đã có trên các dòng Nexus của Google và Galaxy của Samsung từ lâu, mặc dù vậy hiệu năng của các thiết bị đi trước này đều khá kém cỏi nếu so với iPhone X.
Tuy nhiên, nếu như Face ID chỉ là sự trùng lặp về ý tưởng giữa những người khổng lồ, nhiều tính năng và công nghệ mới xuất hiện trên iPhone X lại cho chúng ta thấy sự vay mượn rõ ràng từ một thiết bị đã khai sinh từ năm 2009 và cũng đã bị khai tử cách đây khá lâu: Palm Pre.
Sạc không dây
Palm là nhà sản xuất smartphone lớn đầu tiên phổ biến sạc không dây. Về cơ bản, nó hoạt động tương tự như các thiết bị ngày nay: một tấm pad với cuộn dây cảm ứng từ lớn bên trong để truyền năng lượng không dây đến một cuộn dây khác bên trong điện thoại.
Dù là một sáng tạo tuyệt vời nhưng đó vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của công nghệ này và nó quá chậm. Nhưng cũng kể từ đó, đã có một cuộc chiến lớn giữa các cách triển khai việc sạc không dây. Giờ đây mọi thứ hầu như đã được giải quyết, và Apple đã lựa chọn tiêu chuẩn sạc không dây Qi cho thiết bị của mình.
Và cách Apple làm cũng tương tự như Palm: sử dụng các nam châm để điện thoại thẳng hàng với cuộn dây và giữ chặt nó trên tấm pad. Một thiết kế thông minh cho sạc không dây.
Bạn có thể hiểu lý do tại sao Apple lại chờ đợi lâu đến vậy mới đưa công nghệ này vào thiết bị của mình. Trước đây, cuộc chiến tiêu chuẩn sạc không dây thực sự là một mớ hỗn độn và tốc độ sạc chậm khủng khiếp của chúng dễ khiến cho người dùng thất vọng vì công nghệ này. Đó là điều mà Apple luôn tránh.
Điều hướng dựa trên cử chỉ
Trên iPhone X, bạn có thể quay về màn hình chính bằng cách vuốt từ dưới lên. Còn nếu bạn vuốt và giữ ở giữa màn hình, đó là cách vào chế độ đa nhiệm. Bạn cũng có thể chuyển đổi ứng dụng khi trượt ngang trên thanh Home. Giờ đây thay vì dùng một nút ấn đơn giản, các thao tác này cần một loạt các cử chỉ để thực hiện các chức năng khác nhau.
Và ấn tượng thay, các thao tác cử chỉ đó quá quen thuộc với người dùng WebOS.
Tuy nhiên, trên WebOS mọi thứ hoạt động hơi khác một chút. “Home” trên WebOS giống màn hình desktop với hình ảnh nền và một thanh dock. Vì vậy, việc trượt ngang trong WebOS giống như đưa bạn vào chế độ xem các thẻ tác vụ đa nhiệm, hơn là thoát khỏi ứng dụng Home. Ngoài ra, bạn cũng có thể vuốt và giữ ở giữa màn hình để bật thanh dock lên. Đây cũng là cách bạn truy cập vào shortcut các ứng dụng.
Palm cũng đặt một khu vực cảm ứng chạm ngay bên dưới màn hình, bởi vì công nghệ ngày đó chưa thể có thiết kế viền tràn như hiện tại. Do vậy, trong phiên bản Palm Pre đầu tiên, có một nút Home hoạt động tương tự như vậy khi vuốt lên. Sau đó, Palm loại bỏ nút Home và thay thế bằng một dải đèn LED nhỏ trên chiếc Pre 2. Điều này cũng tương tự như vạch chỉ báo cho nút Home hay các thao tác trên iPhone X.
Điều khác biệt trong việc điều khiển của hai thiết bị này là trong khi các thao tác vuốt và trượt đó đóng vai trò lớn trong Palm Pre, Apple chỉ giới thiệu một số thao tác trên giao diện mới của iPhone X. Việc cách điều khiển bằng nút Home đã quá quen thuộc và có quá đông người dùng đến nỗi, nếu đưa vào hàng loạt thao tác mới sẽ khiến nó trở nên xa lạ với người dùng. Nhưng khi doanh số iPhone X gia tăng, có lẽ Apple sẽ loại bỏ hẳn phím Home và thay thế nó bằng phần mềm.
Những điểm đi đầu của WebOS
Tuy nhiên, không chỉ iOS mà cả Android cũng tích cực vay mượn các tính năng đã từng xuất hiện trên WebOS. Các bạn có thể kể đến Universal Search, tính năng tìm kiếm được mở rộng và làm được nhiều hơn thế khi cho phép bạn gửi email hay tweet trực tiếp từ nó. Kết quả tìm kiếm đưa ra các dữ liệu cá nhân cơ bản và kết hợp chúng với thiết bị.
Ngoài ra còn các thông báo có thể gọi lên bằng cách vuốt nhẹ, cập nhật OTA thay vì phải cắm vào máy tính qua cổng USB. Hơn nữa, còn có giao diện UI có thể tự động thay đổi kích thước trên các màn hình khác nhau. Và cũng như iPhone X, bạn có thể vuốt từ trên đỉnh màn hình xuống để kéo ra khu vực thay đổi thiết lập.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất mà webOS từng đóng góp là ý tưởng về việc đa nhiệm bằng các thẻ. Thay vì một biểu tượng nhỏ tý xíu như các công ty khác, chiếc Pre hiển thị ảnh chụp toàn màn hình của ứng dụng mà bạn đang chạy. Không lâu sau đó, cả Android và Apple đều đi theo hướng này, và giờ nó là một tiêu chuẩn trong yếu tố giao diện của màn hình cảm ứng.
Dù vậy, cách WebOS thao tác với các thẻ này vẫn có một chút khác biệt với các hãng khác. Trong khi các thẻ này trên Android và iOS đều được sắp xếp theo danh sách các ứng dụng được dùng gần đây nhất, còn trên webOS, bạn có thể sắp xếp lại vị trí của các thẻ này – một yếu tố có thể trở thành rất đáng giá trong hiện tại khi bạn có ngày càng nhiều ứng dụng nhưng lại chỉ thường xuyên sử dụng một phần trong số đó.
Vẫn còn nhiều điều thú vị khác trên webOS mà đến tận bây giờ vẫn không ai làm. Nó có thể kết hợp nhiều dịch vụ nhắn tin vào một giao diện duy nhất, do vậy, bạn sẽ không phải chuyển đổi giữa các ứng dụng nữa. Bạn cũng có thể dễ dàng bật chế độ nhà phát triển để tinh chỉnh toàn bộ hệ điều hành mà không phải quá thông thạo về hack thiết bị - cởi mở hơn nhiều so với Android ngày nay.
Người đi đầu không quan trọng bằng người tốt nhất
Nhưng như bạn còn nhớ điều gì đã xẩy ra với dòng Palm Pre và webOS, ngoại trừ một số điểm tạo nên tiêu chuẩn cho cả ngành công nghiệp, webOS lại sai lầm với nhiều yếu tố cơ bản. Phần cứng kém cỏi, chậm chạp. Ngoài ra việc thiếu hỗ trợ từ các nhà mạng lớn ở Mỹ cũng là yếu tố hạn chế doanh số để quay vòng phát triển sản phẩm. Và còn nhiều hơn nữa các sai lầm đó.
Trên thực tế, từ trước đến nay vẫn luôn có những lời chỉ trích cho iPhone nói chung và iPhone X nói riêng về việc bắt chước hay sao chép những tính năng đã có nào đó. Nhưng sẽ là không sai khi cho rằng, những gì họ vay mượn đều là các ý tưởng tuyệt vời và nó xứng đáng được đưa đến số đông người dùng, thay vì chỉ bó hẹp trong một dòng thiết bị nào đó.
Hơn nữa, thay vì chỉ vay mượn một cách đơn giản các ý tưởng đó, Apple còn hoàn thiện nó và biến nó trở thành điều gì đó thực sự hữu ích, và đó mới là điều thực sự quan trọng với người dùng, thay vì chỉ nhìn lại quá khứ và hồi tưởng lại xem ai mới là người làm ra nó đầu tiên.
Tham khảo The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng