Ít ai biết rằng cuộc chiến giữa Uber và Didi ở Trung Quốc là cặp đấu chị - em thân thiết
Ít người biết rằng thủ lĩnh Uber và người lãnh đạo Didi Chuxing lại có mối quan hệ gia đình thân thiết.
Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường vận tải hành khách tại Trung Quốc đang nóng hơn bao giờ hết sau khi hai đối thủ sừng sỏ Didi Chuxing và Uber liên tiếp thông báo về vòng gọi vốn khổng lồ gần đây. Có vẻ như cuộc chiến đốt tiền giữa hai bên sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt ít nhất là trong năm 2016 này.
Ngay sau khi Didi nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Apple, Uber cũng thông báo vừa gọi vốn thêm 3,5 tỷ USD từ Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, nâng tổng vốn đầu tư Uber nhận được trong vòng G mới nhất lên ngưỡng 5 tỷ USD, mức vốn lớn nhất mà một startup gọi được từ trước đến nay.
Didi cũng không hề ngồi yên khi ngay lập tức phản pháo bằng thông báo của chủ tịch Jean Liu trong hội nghị Code Conference tại Mỹ: Didi đang tiếp tục huy động khoản đầu tư còn lớn hơn mức 3,5 tỷ USD của Uber trong vòng gọi vốn mới nhất, mặc dù thông tin chi tiết về số tiền lẫn các nhà đầu tư vẫn chưa được công bố.
Chỉ sau đó vài giờ, giám đốc chiến lược của Uber Trung Quốc Zhen Liu cũng đáp trả bằng lời khẳng định “chúng tôi muốn vượt qua Didi vào năm sau” tại hội nghị WSJ Converge tại Hongkong.
Điều đặc biệt là ngay từ khâu chọn lãnh đạo, không hiểu là vô tình hay cố ý mà Uber và Didi đã mời hai cặp chị em họ Zhen Liu và Jean Liu vào vị trí cao nhất của mình.
Nữ chủ tịch Didi, Jean Liu, năm nay 38 tuổi và là con gái nhà sáng lập Lenovo Liu Chuanzhi. Bà từng theo học ngành Khoa học máy tính tại ĐH Bắc Kinh và ĐH Harvard, làm việc 12 năm tại Ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs và từng nắm giữ chức Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của Goldman Sachs cũng như Giám đốc vận hành của Didi trước khi lên làm Chủ tịch như hiện nay.
Theo thông tin ghi nhận được, Jean Liu luôn được coi là “nghiện công việc”, từng làm tới 140 tiếng/tuần trong năm đầu tiên bà bước chân vào Goldman Sachs. Ngay trong nửa năm đầu tiên làm việc tại Didi dưới vai trò Giám đốc vận hành, Jean Liu đã giúp công ty hoàn thành vòng gọi vốn 700 triệu USD và lãnh đạo mảng PR cũng như vận hành của Didi Black, dịch vụ gọi xe hạng sang của Didi. Chính vì vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ nửa năm sau khi gia nhập Didi Jean Liu đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch, giám sát vận hành chung của toàn công ty.
Chủ tịch Didi Jean Liu
Khác với người chị em của mình, Zhen Liu, cháu gái của nhà sáng lập Lenovo xuất phát điểm từ ngành luật. Zhen Liu từng học luật tại ĐH Nhân dân Trung Quốc và ĐH California – Berkley rồi làm luật sư tại Thung lũng Silicon khoảng 10 năm, chuyên tư vấn luật cho các công ty công nghệ tại đây, trong đó có cả Uber. Trong thời gian làm luật sư tại Mỹ, Zhen Liu thường xuyên bay về Trung Quốc để lo các khoản đầu tư, kinh doanh và pháp lý cho các công ty công nghệ muốn phát triển thị trường tại nước này.
Giám đốc chiếc lược Uber Trung Quốc Zhen Liu
Trả lời về lý do gia nhập Uber, Zhen Liu cho biết đơn giản là bà đã am hiểu sâu sắc về công ty. “Tôi đã trò chuyện khá nhiều với CEO Travis Kalanick về quá trình hình thành, phát triển và cam kết của công ty với thị trường Trung Quốc. Tôi gia nhập Uber vì niềm đam mê với kinh doanh và muốn biến Uber thành một công ty thích ứng tốt văn hóa bản địa tại Trung Quốc.” Zhen Liu giữ chức giám đốc chiến lược nhưng nắm quyền hành quan trọng nhất tại Uber Trung Quốc.
Cuộc chiến hiện tại
Cả Didi lẫn Uber đều đã gọi được lượng vốn khổng lồ bởi cuộc đua trong ngành vận tải hành khách đã thúc ép tất cả các bên phải đốt tiền mới có thể chiếm được thị phần. Chính vì vậy, cả hai đều chưa cần lo nghĩ về lợi nhuận mà trước mắt vẫn tập trung vào thu hút khách hàng và bành trướng với tốc độ nhanh nhất có thể bằng những gói hỗ trợ hấp dẫn để thu hút tài xế hay chiết khấu để thu hút khách gọi xe.
Chủ tịch Didi cho biết trong tương lai công ty sẽ cắt giảm bớt chi phí hỗ trợ tài xế. Mặc dù hiện giờ Didi đã giảm hỗ trợ khá nhiều nhưng có vẻ như số tiền đầu tư trong vòng gọi vốn mới nhất sẽ không được chi nhiều vào hỗ trợ tài xế hay khách đi xe. Theo Jean Liu, Didi hiện đã và đang cung cấp tới 11 triệu chuyến xe mỗi ngày và ở mức này thì tiền hỗ trợ cũng không còn quá quan trọng nữa. Công ty dự kiến sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào trải nghiệm người dùng.
Trong khi đó, số tiền 3,5 tỷ USD Uber gọi được lại không phải của riêng Uber Trung Quốc mà sẽ là cho tất cả các thành phố trên toàn cầu và chưa rõ công ty sẽ dành ra bao nhiêu cho thị trường đại lục. Thế nhưng Uber vẫn không có vẻ gì là sẵn sàng nhường miếng bánh Trung Quốc cho Didi, cho dù Didi có đang dẫn đầu với gần 80% thị phần đi chăng nữa. Điều này có nghĩa là nếu Didi tiếp tục đốt tiền thì Uber chắc chắn cũng sẽ bị kéo vào vòng xoáy không biết điểm dừng này.
Về mặt vận hành, Didi, với hỗ trợ cả taxi, xe buýt và một số phương tiện phụ thêm khác, việc hãng có thể dễ dàng làm việc với chính quyền đã là một lợi thế không nhỏ. Không chỉ có vậy, Didi còn được hàng loạt ông lớn công nghệ như Apple, Tencent và Alibaba chống lưng. Thuận lợi lớn nhất mà những đối tác chiến lược này dành cho Didi có thể thấy là cổng thanh toán và liên kết dịch vụ. Trong khi người dùng WeChat, ứng dụng chat phổ biến của Tencent có thể ấn nút gọi Didi ngay trên ứng dụng thì Uber lại bị chặn hoàn toàn trên ứng dụng này.
Hơn thế nữa, Didi cũng có đặc lợi sử dụng cổng thanh toán Alipay và Tenpay của Alibaba và Tencent nên giao dịch trả cước xe cũng dễ dàng hơn nhiều. Ngược lại, Uber có lẽ sẽ phải mua lại một cổng thanh toán bản địa nào đó (dù cũng rất khó có được lợi thế do chẳng có cổng thanh toán nào ở Trung Quốc đủ sức sánh nổi với Alipay và Tenpay) hoặc tự mình xây dựng từ đầu.
CEO Uber và Baidu ký hợp tác chiến lược
Bù lại, Uber nhận đầu tư từ Baidu và hợp tác với gã khổng lồ này để có được những đặc quyền về dịch vụ tìm kiếm hay bản đồ.
Chiến lược của Uber là khiến mọi thứ trở nên đơn giản, sản phẩm cũng vậy. Uber chú trọng vào việc đảm bảo sao cho xe luôn đến đón khách chỉ trong vòng 3 đến 5 phút. Chính vì vậy mà ứng dụng Uber không để các tài xế lựa chọn khách như ứng dụng Didi (có thể dẫn đến tranh giành khách hoặc có khách không được xe nào đón) mà ghép xe và khách gọi một cách ngẫu nhiên.
Uber không đưa ra dịch vụ đặt trước chuyến đi vì tin vào khả năng cung ứng xe chỉ trong vài phút. Hãng cũng không bắt khách hàng phải điền điểm đến để tránh tình trạng hủy chuyến khi thấy quãng đường quá ngắn. Uber cũng để người dùng các thành phố khác nhau trải nghiệm những dịch vụ khác nhau, tùy theo lối sống ở vùng đó.Chẳng hạn như ở Thanh Đảo, Sơn Đông hay Chiết Giang, người dùng có thể gọi cả thuyền, dù Uber Trung Quốc hiện vẫn không bao gồm xe taxi.
Những kế hoạch tương lai
Chủ tịch Didi Jean Liu, trong một lần phỏng vấn có nói mặc dù hiện tại Didi đang chạy tới 11 triệu chuyến mỗi ngày trên khắp cả nước nhưng con số này mới chỉ phủ được 1% thị trường tiềm năng. Mục tiêu của Didi là 60 triệu chuyến mỗi ngày (tương đương với độ phủ khoảng 5%). Như vậy có thể thấy quy mô ngành vận tải hành khách thực sự rất khổng lồ và ngay cả khi Didi có một lượng lớn hành khách như vậy thì cơ hội tăng trưởng vẫn còn rất nhiều, đối với cả những hãng đối thủ như Uber.
Tuy hiện nay, cả Didi và Uber vẫn đang phải đốt tiền vào các chiến dịch hỗ trợ tài xế và mở rộng ra các thành phố mới nhưng cả hai đều đã có những hướng đi bền vững hơn cho tương lai.
Chủ tịch Didi cùng CEO Apple Tim Cook
Với Didi, hãng đã vạch ra 3 kế hoạch. Thứ nhất là bành trướng sang các nước khác qua liên minh quốc tế chống Uber bao gồm Didi tại Trung Quốc, Lyft tại Mỹ, Ola tại Ấn Độ và Grab tại Đông Nam Á. Tính tới thời điểm hiện tại, Didi đã cho phép người dùng của mình khi du lịch sang Mỹ có thể gọi được tài xế của Lyft sau liên kết với Lyft hồi tháng Tư vừa qua. Didi có vẻ như cũng sẽ áp dụng chiến lược này với các thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á để giữ chân được người dùng ngay cả khi họ ra nước ngoài.
Thứ hai, Didi sẽ cho phép người dùng gọi cả xe limo, phủ nốt phân khúc cao cấp bên cạnh những phương tiện hiện thời, biến Didi thành sản phẩm cho tất cả mọi tầng lớp dân cư. Thứ ba, công ty cũng dự tính sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo vào nâng cao trải nghiệm người dùng. Didi hiện đang đầu tư mạnh vào đội ngũ các chuyên gia về khoa học dữ liệu và AI để nâng cấp thuật toán của ứng dụng, giúp người dùng ngày càng hài lòng hơn về trải nghiệm lái và gọi xe.
Trong khi đó, Uber, do là người đến sau tại Trung Quốc nên đặt mục tiêu sẽ bành trướng ra hơn 100 thành phố cho đến cuối năm nay. Uber cũng thường chọn Trung Quốc làm nơi thử nghiệm đầu tiên nhiều sản phẩm, dịch vụ mới của mình bởi “nếu có thể thành công tại Trung Quốc thì có thể thành công tại mọi nơi khác.”
Ngay cả khi mới chỉ hoạt động tại hơn 60 thành phố ở Trung Quốc, bằng một góc so với hơn 400 thành phố mà Didi vận hành, CEO Uber Travis Kalanick vẫn rất lạc quan cho rằng mặc dù mới chỉ bước vào Trung Quốc từ cuối năm 2015 nhưng Uber đã tăng trưởng tới 50% chỉ trong 6 tháng. Trong khi Didi khẳng định hãng đang chiếm 80-85% thị trường gọi xe trực tuyến, Uber lại cho rằng mình đang chiếm giữ 30-35% thị trường. Chưa rõ con số công ty nào đưa ra là chính xác nhưng nếu nhìn vào tốc độ bành trướng từ 1-2 thành phố mở đầu vào tháng 10/2015 lên đến hơn 60 thành phố ở thời điểm hiện tại của Uber thì rất có thể con số CEO Travis Kalanick đưa ra là đúng, và Uber vẫn có cơ hội vượt mặt Didi vào năm sau như lời giám đốc chiến lược Zhen Liu.
Uber thử nghiệm xe hybrid tự lại hồi đầu tháng 5/2016
Cuối cùng, con bài bí mật khác mà hai hãng chưa hé lộ chính là xe tự lái. Trong khi Uber đã đầu tư vào nghiên cứu công nghệ xe tự lái sau khoản vốn lớn cho trung tâm nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon với tham vọng sẽ dùng xe tự lái thay thế cho các tài xế hiện nay, các đại gia chống lưng Didi như Tencent, Alibaba và đặc biệt là Apple cũng đều đầu tư vào công nghệ này và hứa hẹn sẽ tung ra bom tấn nguy hiểm càn quét thị trường xe hơi trong thập kỷ tới. Xe điện tự lái rất có thể sẽ là phương tiện cách mạng của tương lai, và Apple cùng Uber cũng đang được đánh giá là hai cái tên nổi bật nhất có thể tạo ra cuộc cách mạng này. Câu hỏi liệu tương lai sẽ nghiêng về phía ai có vẻ vẫn đang làm khó cả những chuyên gia phân tích và đòi hỏi nhiều thời gian hơn mới có thể có câu trả lời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng