Jack Ma: CEO của năm trên bìa Tạp chí Time 30 năm nữa sẽ là... một chiếc máy tính

    Ngocmiz,  

    "Ở kỷ nguyên IT, Châu Á đã đánh mất cơ hội thống trị. Chúng ta không có những IBM, Microsoft, Cisco hay Intel. Thế nhưng tới kỷ nguyên dữ liệu, chúng ta vẫn có cơ hội dành phần thắng" - ông chia sẻ.

    Thứ năm vừa qua, dưới cương vị Cố vấn Kinh tế số của chính phủ Malaysia, Jack Ma đã phát biểu trong một hội nghị tại đây rằng Châu Á có thể đã bỏ lỡ cơ hội thống trị trong kỷ nguyên internet nhưng lại đang đứng trước một thời cơ khổng lồ khác - trong đó những siêu máy tính hoạt động dựa trên dữ liệu sẽ quyết định phần thắng.

    Cụ thể, ông cho biết: "Châu Á đang đi từ kỷ nguyên IT sang kỷ nguyên DT. Đó không phải là kỷ nguyên Donald Trump, mà là kỷ nguyên của dữ liệu - Data Time."

    "Ở kỷ nguyên IT, Châu Á đã đánh mất cơ hội thống trị. Chúng ta không có những IBM, Microsoft, Cisco hay Intel. Thế nhưng tới kỷ nguyên dữ liệu, chúng ta vẫn có cơ hội giành phần thắng."

    Ông nói thêm: "Hãy nhìn vào Châu Á, Malaysia, Indonesia và Phillippines - ngày càng có nhiều nông dân sử dụng điện thoại di động. Nếu chúng ta có thể dùng công nghệ di động để thu thập dữ liệu thì mọi thứ sẽ thay đổi."

    Nhà sáng lập 52 tuổi của Alibaba cũng cho biết: "Sự thay đổi đó sẽ đến nhanh tới mức những người đang làm phân tích dữ liệu vẫn tưởng họ đang chọn đúng ngành sẽ sớm phải thất vọng. Tôi dám cá với bạn rằng chỉ khoảng 10 năm nữa thôi, sẽ chẳng còn chuyên gia phân tích dữ liệu nào nữa đâu. Máy tính sẽ làm công việc đó tốt hơn bạn. Trong 30 năm tới, máy móc sẽ trở nên thông minh và quyền năng hơn con người, gương mặt "CEO của năm" trên Time Magazine khi đó cũng sẽ là...một chiếc máy tính."

    "Vậy nên nếu bạn muốn cạnh tranh với máy tính về chuyện ai uyên bác hơn thì có lẽ chẳng có cơ hội nào đâu. Tuy nhiên, văn hóa và những giá trị khác sẽ khiến con người khác biệt với robot trong kỷ nguyên của tự động hóa này."

    "Trí tưởng tượng, sự sáng tạo và tinh thần đồng đội - đó chính là những thứ chúng ta nên dạy con em mình. Nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi hệ thống giáo dục hiện tại, bọn trẻ sẽ lại kêu ca phàn nàn. Đó không phải lỗi của chúng mà chính là lỗi của chúng ta", ông chia sẻ.

    Tham khảo South China Morning Post

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày