Kéo dài đúng 10 phút 10 giây, chàng trai 18 tuổi đốt 1,5 tỷ đồng mỗi giây cho chuyến du hành không gian chớp nhoáng cùng Jeff Bezos

    Linh Anh, Theo Nhịp sống Kinh tế 

    Người đàn ông giàu nhất thế giới vừa thực hiện chuyến du hành chớp nhoáng vào không gian. Trên cùng chuyến hành trình, chàng trai Oliver Daemen đã phải chi gần 30 triệu USD cho chuyên đi kéo dài 10 phút 10 giây đó.

    Những kỷ lục trong chuyến bay của Bezos

    Theo thông báo chính thức của Blue Origin, phần khoang tàu chở phi hành đoàn đã đạt tới độ cao tối đa 107 km. Tốc độ tối đa của tên lửa là 3.593 km/h, tương đương khoảng 3 lần tốc độ âm thanh. Trước đó, công ty cho biết tàu đạt tốc độ này khi ở độ cao 80km so với mực nước biển.

    Tính từ lúc tên lửa rời bệ phóng cho tới khi khoang vũ trụ hạ cánh, hành trình này kéo dài đúng 10 phút 10 giây. Đây có lẽ là thời gian ngắn kỷ lục cho một chuyến du hành vũ trụ thành công, ít nhất là trong vài thập niên trở lại đây.

    Tuy nhiên, Bezos cũng tạo ra một kỷ lục có lẽ là rất, rất nhiều năm nữa mới có người phá bỏ được. Ông hiện tại là tỷ phú đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào không gian khi tàu của mình chưa từng thực hiện bất cứ sứ mệnh chở người nào. Điều đó đồng nghĩa với mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều.

     Kéo dài đúng 10 phút 10 giây, chàng trai 18 tuổi đốt 1,5 tỷ đồng mỗi giây cho chuyến du hành không gian chớp nhoáng cùng Jeff Bezos - Ảnh 1.

    Thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ của Jeff Bezos.

    Ngoài ra, trên tàu còn có 2 người phá kỷ lục khi trở thành người trẻ nhất và già nhất bay vào không gian.

    Chàng trai Oliver Daemen, 18 tuổi đang nắm giữ kỷ lục đáng mơ ước khi là người trẻ tuổi nhất bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, chi phí cho chuyến bay kéo dài hơn 10 phút này đủ sức làm choáng cả thế giới. Chàng trai trẻ đã chi ra 28 triệu USD, tương đương khoảng 900 tỷ đồng. Tính ra, mỗi giây trên hành trình này có giá gần 1,5 tỷ đồng.

    Daemen được mô tả là chàng trai có đam mê đặc biệt với không gian từ năm lên 4 tuổi. Cậu chỉ vừa tốt nghiệp trung học năm 2020 và mới thi được chứng chỉ phi công gần đây. Daemen mang quốc tịch Hà Lan và cha của cậu là nhà sáng lập công ty đầu tư hàng đầu Somerset Capital Partners ở nước này.

    Hành trình quá đắt đỏ?

    Tuy nhiên, mức giá này là quá đắt. Theo thống kê, từ năm 2001 tới năm 2009, có 7 du khách đã bay vào không gian với tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Họ ở trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS trong vài ngày trước khi trở lại trái đất. Giá của những hành trình này dao động trong khoảng 20-25 triệu USD/chuyến.

    Dẫu vậy, Nga đã dừng chương trình đưa du khách lên không gian vào năm 2010 do số người trên trạm vũ trụ quốc tế tăng lên. Nước này lên kế hoạch để mở lại các chuyến du lịch vào không gian năm 2015 nhưng kế hoạch sau đó đã bị hoãn vô thời hạn. Chính vì vậy, giấc mơ chinh phục không gian của nhiều người bị dang dở.

    Sau khi phi đội tàu con thoi nghỉ hưu, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã phải thuê tàu Soyuz của Nga để đưa phi hành gia lên vũ trụ. Theo giá năm 2007-2008, mỗi ghế này có chi phí 21,8 triệu USD. Đến năm 2018, chi phí này tăng lên 81 triệu USD nhưng đây là vé khứ hồi. Tàu vũ trụ Soyuz luôn có sẵn trên ISS để đưa các phi hành gia về nhà.

     Kéo dài đúng 10 phút 10 giây, chàng trai 18 tuổi đốt 1,5 tỷ đồng mỗi giây cho chuyến du hành không gian chớp nhoáng cùng Jeff Bezos - Ảnh 2.

    Dennis Tito, bên trái, là khách du lịch đầu tiên đặt chân tới ISS. Chi phi cho chuyến bay vào không gian năm 2001 chỉ khoảng hơn 20 triệu USD.

    Sau khi SpaceX của Elon Musk chứng minh được khả năng đưa người lên vũ trụ, Mỹ đã không còn phải nhờ tới Nga để thực hiện các hành trình này. Chi phí, được kỳ vọng là rẻ hơn, với khoảng 55 triệu USD mỗi ghế. Hiện tại, SpaceX của Elon Musk đang đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ đưa hàng và phi hành gia NASA lên ISS và trở về.

    Tuy nhiên, để thấy rõ nhất sự đắt đỏ trong chuyến bay của Jeff Bezos, có thể so sánh nó với chi phí chuyến bay vào không gian mà dịch vụ của tỷ phú Richard Branson cung cấp. Hiện tại, mỗi ghế trên tàu vũ trụ V.S.S Unity của Virgin Galactic (do tỷ phú người Anh sáng lập) chỉ có giá khoảng 250.000 USD. Con tàu sẽ đưa hành khách tới độ cao hơn 80km so với mực nước biển. trước khi trở lại trái đất và hạ cánh như một chiếc máy bay.

    Sử dụng bệ phóng là chiếc máy bay 2 thân, phương thức du hành của tỷ phú Branson đang được xem là nhẹ nhàng nhất so với việc phóng tên lửa lên từ mặt đất. Chính vì thế, nó cũng dễ dàng đáp ứng được nhu cầu thám hiểm không gian của phần lớn mọi người, miễn là họ có đủ tiền để mua một ghế.

    Khi hạ cánh, tàu V.S.S Unity biến đổi cánh đuôi của nó để mô phỏng hình dạng của một quả cầu lông nhằm giảm tới mức tối thiểu lực cản của không khí. Tới một độ cao nhất định, con tàu sẽ trở lại hình dạng một chiếc máy bay, tương tự với các tàu con thoi mà Mỹ từng sử dụng. Tuy nhiên, độ cao mà tàu của Branson đạt tới thấp hơn khoảng 20km so với tàu của Bezos.

    Ngược lại, kiểu tàu của tỷ phú giàu nhất thế giới hứa hẹn có thể đưa con người bay lên cao hơn nữa. Nó cũng đủ khả năng để thực hiện các chuyến du hành quanh trái đất nếu động cơ tên lửa đủ mạnh. Về tiềm năng chinh phục không gian, tàu của Bezos tốt hơn tàu của Branson. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện các chuyến bay như vừa rồi, sự khác biệt đó có lẽ rất khó để phân biệt.

    Hiện tại, Blue Origin chưa cho biết con tàu duy trì trạng thái không trọng lượng trong thời gian bao lâu. Họ chỉ cho biết hành trình kết thúc trong 10 phút 10 giây, tính từ thời điểm tàu rời bệ phóng cho tới khi khoang vũ trụ chạm đất.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày