Bộ trưởng TT&TT sau đó khẳng định hiện các nhà mạng đang bán dịch vụ 3G dưới giá thành và Chính phủ đã yêu cầu chấm dứt việc này.
Một cuộc khảo sát vừa công bố cho kết quả 92% người được hỏi đồng ý tăng cước 3G. Bộ trưởng TT&TT sau đó khẳng định hiện các nhà mạng đang bán dịch vụ 3G dưới giá thành và Chính phủ đã yêu cầu chấm dứt việc này.
Như VnReview đã đưa tin về kết quả cuộc khảo sát do Báo Bưu điện Việt Nam chủ trì, công ty nghiên cứu thị trường GfK (Đức) thực hiện cho thấy 92% người được hỏi đồng ý tăng cước 3G. Trong đó, phần lớn chấp nhận mức tăng là dưới 5% (82% người được hỏi đồng ý).
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 25/4 vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói về vấn đề tăng giá cước 3G như sau:
"Trước đây, như chúng ta biết, đã có lần chúng ta tăng cước 3G theo đúng quy định của pháp luật, tức là chúng ta không bán dưới giá thành. Hiện nay tất cả các cước phí của chúng ta đều đang bán dưới giá thành. Chắc chắn Việt Nam là một trong những nước có cước 3G rẻ nhất. Chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước. Rõ ràng việc tăng giá là cần thiết để đầu tư chất lượng hạ tầng tốt hơn...
Hiện nay chúng ta có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao cố định, 130 thuê bao di động. Chính vì vậy, vừa rồi có khảo sát mẫu để đánh giá chung, số người được khảo sát là rất nhỏ so với tổng số, nên kết quả sẽ không được chính xác. Tuy nhiên, việc tăng giá 3G này theo đúng quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là không bán dưới giá thành. Hiện nay, thị phần của Viettel là khoảng 50%, thị phần của Vinaphone khoảng 21%, Mobiphone khoảng 18% và các nhà mạng khác nữa, tức là có sự cạnh tranh rất gay gắt. Chính vì cạnh tranh gay gắt nên các nhà mạng bán giá thấp, nên Chính phủ đã yêu cầu tăng giá, không bán dưới giá thành, xu hướng là chúng ta bán bằng giá thành để doanh nghiệp có tiền đầu tư. Vì sao thời gian qua doanh nghiệp vẫn có lãi, vì chúng ta vẫn sử dụng trên nền 2G, bây giờ phải mở rộng đầu tư hơn nữa, phải tăng giá để lấy thu bù chi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa để làm sao có tăng giá nhưng tăng giá đúng quy định của pháp luật".
Dịch vụ 3G được chính thức cấp phép tại Việt Nam hồi cuối năm 2009 qua phương thức thi tuyển (beauty contest). Chỉ có 4 giấy phép được phát hành, trong đó ba nhà mạng lớn nhất (Viettel, VinaPhone, MobiFone) mỗi người ẵm một chiếc, một chiếc còn lại là liên danh Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) và Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (HaNoi Telecom). Hiện nay, EVN Telecom đã được đưa về Viettel.
Để đạt được giấy phép, các nhà mạng phải đáp ứng 4 tiêu chí cơ bản, trong đó có tiêu chí về vấn đề kinh doanh - thương mại: tiêu chí này đòi hỏi doanh nghiệp phải tổ chức tốt hệ thống bán hàng, phân phối, có mức giá phù hợp, kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Không rõ trong hồ sơ thi tuyển, nhà mạng đã "hứa" về mức giá phù hợp như thế nào (và thông tin này chưa bao giờ được công khai), nhưng có một điều chắc chắn là khi đã được cấp phép và triển khai dịch vụ 3G rồi, nhà mạng nào cũng "khóc" chung một bài: dịch vụ 3G đang lỗ do phải bán dưới giá thành.
Trong năm 2013, các nhà mạng khiến thuê bao tức giận nhất khi hai lần tăng cước 3G. Và kể cả đã tăng như vậy, các nhà mạng vẫn cho là mình còn "ban ân" cho khách hàng của mình khi tuyên bố dù tăng nhưng không tăng sốc do vẫn để giá bán thấp hơn giá thành.
Cụ thể, vào tháng 9/2013, các mạng di động cho biết giá dịch vụ 3G được bán ra chỉ bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ. Điều này có nghĩa là để bán đúng giá thành thì các mạng di động sẽ phải nâng cước 3G với mức trung bình khoảng 100%. Tuy nhiên, để khách hàng không sốc thì khi đó, nhà mạng chỉ tăng bình quân 20%.
Như vậy, cùng với khẳng định của ông Nguyễn Bắc Son như trên thì việc tăng cước 3G chỉ là chuyện ngày một ngày hai.
Việc nhà mạng tăng cước 3G dù có giận dữ tới mức nào thì người tiêu dùng cũng phải chấp nhận vì họ không còn lựa chọn nào khác. Song câu hỏi đặt ra là đến bao giờ nhà mạng mới thôi viện đến lý do "bán dưới giá thành", nhất là khi việc triển khai 4G sắp xảy ra, mỗi khi tăng cước 3G (mà nhiều nơi, nhiều thời điểm người dùng chỉ được sử dụng mạng 2,5G)? Và tại sao từ nửa thập kỷ nay, các nhà mạng vi phạm điều khoản cấm bán hàng hóa dịch vụ dưới giá thành của luật Cạnh tranh mà chưa nhà mạng nào bị xử lý?
Theo báo Diễn Đàn Đầu Tư
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng