Khác Bill Gates, Steve Jobs, ông lão U100 khởi nghiệp ở ‘tuổi nghỉ hưu’, tạo nên đế chế nắm giữ ‘nguồn sống’ cả thế giới đều cần, đến Apple, Nvidia cũng muốn ‘bắt tay’ hợp tác
Morris Chang đã có hàng chục năm kinh nghiệm trước khi thành lập một doanh nghiệp “không thể thiếu” đối với nền kinh tế toàn cầu. Vậy các doanh nhân khác có thể học được gì từ ông ấy?
- Người dùng không muốn mua xe điện Xiaomi SU7 vì "dễ bị say xe", CEO Xiaomi Lôi Quân phản hồi ra sao?
- Streamer bán xe tại Trung Quốc "khốn khổ" sau màn ra mắt của Xiaomi SU7
- Bí ẩn về lò phản ứng hạt nhân cổ xưa của Shivlinga!
- Ô tô thực sự có thể phát nổ sau một vụ va chạm như trong phim không?
- Tiền bối hơn 2 tuổi khiến Elon Musk run sợ: Ra mắt 'xe điện trong mơ' giúp tài xế điều khiển được điều hòa, nồi cơm điện từ trên xe, 1 lần sạc đi được tới 830 km
Tạo nên vị thế nhờ tư duy khác biệt
Các công ty công nghệ giá trị nhất thế giới từng được thành lập trong phòng ký túc xá, nhà để xe và quán ăn bởi các doanh nhân còn rất trẻ. Bill Gates 19 tuổi, Steve Jobs 21 tuổi, Jeff Bezos và Jensen Huang 30 tuổi.
Tuy nhiên, có một công ty cũng có giá trị hàng đầu thế giới nhưng lại được thành lập bởi một người đàn ông đã 55 tuổi, đó là Morris Chang. Ít có ai ở độ tuổi như vậy có thể tạo ra một doanh nghiệp hàng đầu toàn cầu như TSMC - Công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc).
TSMC đã sản xuất ra các linh kiện thiết yếu cho máy tính, điện thoại, ô tô,...và nhiều thiết bị đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Những gì ông đã xây dựng không giống với bất kỳ công ty bán dẫn nào hiện có. TSMC thực tế không thiết kế hoặc tiếp thị những con chip. Điều này nghe có vẻ hoàn toàn vô lý khi nhắc đến một công ty sản xuất chất bán dẫn.
Tuy nhiên, ông Chang đã có những ý tưởng “cấp tiến” - đó là độc quyền sản xuất những con chip do khách hàng thiết kế. Bằng cách không thiết kế hoặc bán chip của riêng, TSMC chưa bao giờ cạnh tranh với chính khách hàng của mình.
Mô hình kinh doanh sáng tạo đằng sau xưởng sản xuất chip của ông sẽ biến đổi ngành công nghiệp này và khiến TSMC có vị thế không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu.
Với bề dày kinh nghiệm cùng số tuổi của mình, Chang cũng nằm trong danh sách những người có sức ảnh hưởng hàng đầu trong việc phát triển công nghệ quan trọng nhất thế giới.
Hành trình khó khăn của “ông trùm” TSMC
Morris Chang, nay 92 tuổi đã chính thức nghỉ hưu với tư cách chủ tịch TSMC vào năm 2018. Tuy vậy, vị “doanh nhân tiên phong tóc trắng” vẫn ngồi ở bàn làm việc trong bộ vest và cà vạt chỉn chu. Ông đã uống một cốc Diet Coke trong lúc tham gia buổi phỏng vấn kéo dài 90 phút với phóng viên của Wall Street Journal.
Chang chia sẻ rằng mình đã chuyển đến Mỹ khi còn là thiếu niên. Còn trước đó, ông sinh ra ở Trung Quốc và có một tuổi thơ vất vả khi gia đình phải di chuyển khắp nơi.
Ông đã lớn lên với ước mơ trở thành một nhà văn, một tiểu thuyết gia, có thể là một nhà báo và ông cũng có dự định sẽ theo học chuyên ngành văn học Anh tại Đại học Harvard. Nhưng sau năm thứ nhất, ông quyết định rằng điều mình thực sự muốn là một công việc tốt. Ông chuyển đến Viện Công nghệ Massachusetts để học ngành kỹ thuật cơ khí. Ông đã có công việc đầu tiên trong lĩnh vực bán dẫn và đến Texas Instruments vào năm 1958.
Chang cũng thuộc thế hệ đầu tiên của những người đam mê chất bán dẫn. Ông nổi tiếng là một nhà quản lý ngoan cường, người có thể tận dụng mọi cải tiến có thể có trong dây chuyền sản xuất, điều này đưa sự nghiệp của ông đi lên nhanh chóng.
Ba năm sau khi chuyển đến Dallas, công ty đã cử ông đến Đại học Stanford để học và ông đã lấy bằng Tiến sĩ ngành kỹ thuật điện. Vào cuối những năm 1960, ông đang quản lý bộ phận mạch tích hợp của TI. Chẳng bao lâu sau, ông đã điều hành toàn bộ nhóm bán dẫn.
Chang là một người nghiện công việc. Ông thậm chí đã gọi điện bán hàng cho Nvidia khi đang trong tuần tuần trăng mật. Hiện nay, TSMC đang đầu tư 40 tỷ USD để xây dựng các nhà máy ở Arizona, nhưng dự án đã bị cản trở bởi sự chậm trễ và thiếu hụt lao động. Chang nói với phóng viên rằng một số nhân viên trẻ của TSMC ở Mỹ có tinh thần đối với công việc mà ông cảm thấy khó hiểu.
“Họ nói về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đó là một thuật ngữ mà tôi thậm chí còn không biết khi ở độ tuổi của họ. Khi ở độ tuổi đó, đối với tôi nếu không có việc làm thì không có cuộc sống”, Chang chia sẻ.
Chang đã leo lên vị trí điều hành, nhưng vì khác biệt trong định hướng phát triển, ông đã rời Texas Instruments. Gần như ngay lập tức, ông được nhà sản xuất điện tử General Instrument mời làm chủ tịch và giám đốc điều hành. Nhưng ông nhận ra rằng mình cũng không phù hợp nên đã nghỉ việc ở General Instrument sau 1 năm.
Và sau nhiều biến động, Chang đã quyết định đến Đài Loan (Trung Quốc) để bắt đầu đế chế TSMC của mình cùng sự thành công “nở muộn”.
Vậy liệu Morris Chang có phải một ngoại lệ?
Cách đây không lâu, một nhóm các nhà kinh tế đã điều tra xem liệu các doanh nhân lớn tuổi có thành công hơn những người trẻ tuổi hay không. Bằng cách xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của Cục điều tra dân số và dữ liệu mới có của Sở thuế vụ, họ có thể xác định được 2,7 triệu người sáng lập ở Mỹ đã thành lập công ty từ năm 2007 đến năm 2014. Sau đó, họ xem xét độ tuổi của họ.
Độ tuổi trung bình của những doanh nhân này khi thành lập công ty là 41,9. Đối với những công ty phát triển nhanh nhất, con số đó là 45. Các nhà kinh tế cũng xác định rằng những người sáng lập 50 tuổi có khả năng đạt được thành công lớn gần gấp đôi so với những người sáng lập 30 tuổi, trong khi những người sáng lập có cơ hội thành công thấp nhất là những người ở độ tuổi đầu 20.
Họ viết trong bài báo năm 2020: “Các doanh nhân thành công là những người trung niên chứ không phải còn trẻ”. Đây không phải là hình ảnh của những nhà sáng lập startup mà hầu hết mọi người đều có trong đầu. Họ có nhiều khả năng sẽ nghĩ đến Steve Jobs đang mày mò trong gara hoặc Mark Zuckerberg viết mã trong phòng ký túc xá của mình.
Microsoft, Apple, Nvidia, Alphabet, Amazon và Meta Platforms đều có những người sáng lập ở độ tuổi từ 30 trở xuống khi các nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã đưa tiền vào tay các doanh nhân trẻ tài năng với hy vọng họ sẽ thành lập công ty nghìn tỷ đô la tiếp theo.
Bản thân ông Chang cũng nói rằng những người trẻ tuổi có nhiều sáng tạo hơn khi nói đến các môn khoa học và kỹ thuật. Nhưng về cơ bản, trong kinh doanh, càng lớn tuổi càng tốt. Các doanh nhân ở độ tuổi 40 và 50 có thể không có đủ niềm tin để tin rằng họ sẽ thay đổi thế giới, nhưng họ có kinh nghiệm để biết mình thực sự có thể làm được điều gì đó.
Một số lĩnh vực cần nhiều năm đào tạo chuyên môn trước khi có thể thành lập công ty. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, những người sáng lập thường là giáo sư đại học hơn là những người bỏ học đại học.
Sự ra đời của một xưởng đúc
Morris Chang đã có 30 năm kinh nghiệm trong ngành khi quyết định rời bỏ và chuyển đến một nơi khác. Ông là một trong những người biết nhiều về chất bán dẫn hơn bất kỳ ai trên thế giới – và chắc chắn hơn bất kỳ ai ở Đài Loan (Trung Quốc).
Khi ngồi xuống để tìm hiểu xem mô hình kinh doanh của TSMC nên như thế nào, Chang bắt đầu bằng việc nhận ra điều gì không thể xảy ra. “Tôi quyết định ngay rằng đây không thể là mô hình mà tôi muốn xây dựng ở Texas Instruments hay General Instrument,” ông cho biết.
TI xử lý mọi phần của quá trình sản xuất chip, nhưng những gì hiệu quả ở Texas sẽ không được áp dụng cho Đài Loan. Cách duy nhất để ông có thể xây dựng một công ty vĩ đại tại ngôi nhà mới của mình là thành lập một loại công ty hoàn toàn mới, một công ty có mô hình kinh doanh có thể khai thác điểm mạnh của khu vực và giảm thiểu những điểm yếu.
Chang xác định rằng Đài Loan có thế mạnh trong chuỗi cung ứng chip. Công ty nghiên cứu mà ông đang điều hành đã thử nghiệm chất bán dẫn trong 10 năm trước. Khi nghiên cứu dữ liệu của thập kỷ đó, Chang đã rất ngạc nhiên trước tỷ lệ chip hoạt động trên silicon wafer tại đây. Ông nói, tỷ lệ này ở Đài Loan cao gần gấp đôi so với ở Mỹ.
Chang biết công ty của mình sẽ không có đủ nguồn lực để cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong lĩnh vực thiết kế, bán hoặc tiếp thị chip. Nhưng ông tin rằng có một lợi thế cạnh tranh cho công ty đó là sản xuất chip – và chỉ sản xuất chip - một sự đổi mới về mô hình kinh doanh.
Ông cho biết ý tưởng đằng sau TSMC cũng là kết quả của triết lý cá nhân mà ông đã phát triển trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. “Trở thành đối tác của khách hàng,” ông nói. Nguyên tắc sáng lập đó từ năm 1987 đã là nền tảng của hoạt động kinh doanh sản xuất cho đến ngày nay. Phía TSMC cũng nhấn mạnh chìa khóa thành công của họ là luôn tạo điều kiện để hỗ trợ cho sự thành công của khách hàng.
TSMC có hàng trăm khách hàng và phải kể đến những ông lớn như Apple và Nvidia. TSMC sản xuất chip trong iPhone, iPad và máy tính Mac cho Apple.
“Cơn khát” chip đã khiến TSMC trở nên giá trị hơn bao giờ hết. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gần gấp bốn lần và khoảng 0,5% cổ phần TSMC mà Chang sở hữu hiện trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.
Tham khảo WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng