Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh

    Trần Nam Sơn,  

    Liệu chúng có thực sự tồn tại hay chỉ đơn giản là những truyền thuyết?

    Hình ảnh những con rồng huyền thoại tung mình sải cánh trên bầu trời với chiếc miệng luôn sẵn sàng khạc lửa thiêu rụi mọi thứ đã trở nên không còn xa lạ với nhiều người. Không chỉ trên phim ảnh, những ghi chép về rồng đã tồn tại những thời điểm rất xa xưa trong lịch sử nhân loại. Nó có thể là hình tượng tốt hoặc xấu trong rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Đối với một số người, rồng có thể chỉ là một sinh vật bị nguyền rủa, với nhiệm vụ duy nhất là ăn tươi nuốt sống các nàng tiên xinh đẹp, nhưng đối với nhiều người khác, rồng như một vị thần bảo vệ họ chống lại các thế lực ma quỷ.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Bí ẩn về những sinh vật huyền thoại này đã ám ảnh con người từ thời cổ đại cho đến nay. Chúng có thật sự tồn tại hay không? Chúng đã tồn tại trong những truyền thuyết nào? Và ý nghĩa nào nằm sau biểu tượng rồng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

    Những mô tả về Rồng

    Thói quen và hình tượng của rồng tồn tại trên rất nhiều ghi chép và cả những câu truyện truyền miệng. Một số có cánh và vuốt sắc, trong khi một số chỉ có 2 chân, hoặc không có bất cứ cái nào. Một số loài rồng khác, như Jormungand, có kích thước đủ lớn để cuộn tròn quanh Trái đất, trong khi một số loài lại chỉ bé như chim. Nơi trú ẩn của chúng cũng rải khắp nơi, từ hang động trên núi cho tới sâu thẳm dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, tất cả những mô tả này đều có những điểm chung: thân dạng rắn và có vảy, cánh giống dơi, đuôi có gai, một hàm răng sắc và tất nhiên, chúng đều có khả năng phun lửa.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Chưa ai biết nguyên nhân cụ thể nằm sau khả năng vô cùng đặc trưng này, nhưng một số giả thuyết dã được đề cập đến, như trong hai cuốn tiểu thuyết “The Enchanted Forest Chronicles” của Patricia Wrede và “The Flight of the Dragons” của Peter Dickinson.

    Những giả thuyết này cho rằng, giống như loài chim, rồng cũng cần ăn…đá. Mặc dù có chứa rất ít chất dinh dưỡng, nhưng đá sẽ giúp cho các chủng vi khuẩn sinh hydrogen trong đường ruột tiêu hóa các thức ăn cứng, ví dụ như xương. Tuy nhiên, quá trình này cũng làm nảy sinh một số tác dụng phụ. Khi bị kích thích từ việc nuốt phải một tảng đá quá lớn, các vi khuẩn này sẽ sản xuất ra một lượng hydrogen tương ứng. Khi chúng được đột ngột phóng ra ngoài (tương tự như khi chúng ta ợ hơi), sự kết hợp giữa hydrogen và oxy trong không khí sẽ tạo ra một luồng lửa đủ sức thiêu rụi bất cứ sinh vật nào cản đường.

    Và những huyền thoại…

    Người Ai Cập tin rằng rồng là những vị thần cai quản địa ngục, trong khi trong kinh thánh, rồng 7 đầu tượng trưng cho những tội lỗi của con người. Một số nền văn hóa phương Tây gắn liền hình ảnh loài rồng với biểu tượng của quyền lực và sức mạnh. Chúng bị xem là cực kỳ nguy hiểm với khả năng tàn phá trên diện rộng, cùng với đó là mức độ tàn bạo và khát máu đến cùng cực khi sẵn sàng ăn tươi nuốt sống bất cứ người nào xấu số chạm trán chúng. Chúng đóng vai phản diện trong hầu hết những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết phương Tây.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Rồng cũng xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm nghệ thuật. Một bức họa có niên đại vào khoảng năm 1340, sáng tác bởi một họa sĩ vô danh người Ý đã mô tả một con rồng chịu cảnh xiềng xích tại thành Rome. Cuốn sách “Travel”, ra đời vào năm 1366 mô tả cuộc hành trình của một hiệp sỹ người Anh xuyên suốt vùng Trung Đông có khá nhiều cảnh chạm trán với rồng. Tác phẩm kinh điển “Beowulf” dành khá nhiều thời lượng nhắc đến một con rồng có tên là Grendel.

    Cũng có những giả thuyết cho rằng rồng thực sự tồn tại như là hậu duệ của loài khủng long, hoặc rồng chính là sản phẩm của trí tưởng tượng của loài người sau khi họ tìm thấy xương khủng long. Việc hòa trộn hai hình tượng này là khá dễ hiểu, do chúng đều có hình dạng khá giống thằn lằn. Nhiều nền y học cổ đại tin rằng, xương rồng có khả năng chữa bệnh, và ngày nay, các nhà khoa học cho rằng những bộ xương đó thuộc về những loài vật đã tuyệt chủng như voi Mammoths, tê giác, và một số sinh vật thuộc loài Stegodon và Hipparion.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Một số người tin rằng, loài thằn lằn lớn nhất thế giới – rồng Komodo là hậu duệ của khủng long, và rất có thể là của rồng. Rồng Komodo có khả năng đạt tới chiều dài 3m, và dù cho không có khả năng thổi ra lửa, chúng vẫn có thể hạ sát các sinh vật khác nhờ vào bộ răng và vuốt của mình.

    Rồng – biểu tượng và ý nghĩa

    Tác phẩm nổi tiếng “Gold Legend”, xuất bản vào khoảng năm 1408 đã biến St. George thành huyền thoại bất tử. Tác phẩm được cho là nửa có thật, nửa hư cấu này mô tả về hành trình giải cứu một thị trấn khỏi sự tàn phá của loài rồng của một hiệp sỹ trẻ.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Người dân đã phải hiến tế cừu cho chúng với hi vọng cầu xin chúng không trút giận lên con người. Thậm chí, nhà vua đã tuyệt vọng đến mức phải đem người con gái mình ra đánh đổi sự an toàn cho lãnh thổ của ông. Khi nàng công chúa chỉ còn biết nhắm mắt chờ chết, một hiệp sỹ đã xuất hiện, giết chết vua rồng và đưa công chúa trở về.

    Có thể đây chỉ là một câu chuyện cổ tích hoang đường như bất cứ một câu chuyện cổ tích nào khác, nhưng loài rồng ở đây ẩn chứa nhiều ý nghĩa hơn là một thế lực phản diện. Chúng đại diện cho các thế lực của tự nhiên, hoặc một thế lực nào đó mà con người chưa thể hiểu nổi. Khi một hiệp sỹ chiến đấu chống lại rồng, anh ta đang chiến đấu với chính tiềm thức của mình. Khi hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ giải cứu được một mạng sống vô tội nào đó (thường là một nàng công chúa xinh đẹp), anh ta đã tiến một quãng dài trên chặng đường tự hoàn thiện bản thân.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Không phải con rồng nào cũng đại diện cho cái xấu. Rồng O Goncho trong huyền thoại của Nhật Bản thường xuất hiện để báo hiệu một vụ mùa đói kém sắp xảy ra. Nó thường có màu trắng – đại diện cho cái chết theo truyền thống của người Nhật. Ngược với những đồng loại của mình, O Goncho thường được mô tả với tư thế cúi đầu, biểu trưng cho tai họa sắp ập xuống.

    Thiện và ác chính là sự khác nhau cơ bản giữa loài rồng phương Tây và phương Đông. Theo quan niệm phương Tây, rồng biểu trưng cho sự hủy diệt và cái chết, trong khi rồng phương Đông là đại diện cho vận may và quyền lực. Trong các tín ngưỡng của Hàn Quốc, rồng đại diện cho một vòng sinh mệnh. Chúng thường được phác họa ở tư thế cuộn tròn – biểu hiện cách nhìn của một nền văn hóa với một vòng thời gian tuần hoàn.

    Rồng trong cuộc sống hiện đại

    Không phải tất cả rồng đều phải có cánh và sống trong các hang hốc trên đỉnh núi. Một số trong chúng, giống như con quái vật hồ Loch Ness đầy tranh cãi, được cho là có vây và sống dưới nước.

    Khoảng 1.500 năm trước, người dân bản địa sống gần một hồ nước phía bắc Scotland đã vẽ lại những hình ảnh về một con vật có hình dạng giống rắn với chân chèo. Kể từ năm 1930, những thông tin về việc có người trông thấy "Nessie" đã liên tục xuất hiện ít nhất một lần trong khoảng một thập kỷ, bao gồm cả lời kể của các chủ cửa hàng ở địa phương vào tháng 6 năm 2011.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness, với lý do là sự mơ hồ của các nhân chứng hình ảnh và các bức ảnh mập mờ.

    Những người khác lại cho rằng Nessie có thể là một con khủng long, và nếu đó là sự thật thì có thể sinh vật nhút nhát này là một con Plesiosaur - một loài bò sát khổng lồ với bốn vây, cổ dài được cho là đã bị tuyệt chủng 65 triệu năm trước.

    Những con "rồng thời hiện đại" không chỉ được tìm thấy trong các hồ ở châu Âu. Cuốn sách "The Girl with the Dragon Tattoo", loạt phim cùng tên của Stieg Larsson, trong các trò chơi Dungeons & Dragons, những con rồng trong phim hoạt hình như "Shrek" và "How to train your dragon". Các nhà thiết kế thời trang như Ed Hardy và Martin Ksohoh cũng đã đưa nhiều đặc điểm hình dạng của rồng vào những quần áo đắt tiền và trang sức.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Cựu ngôi sao truyền hình thực tế Jon Gosselin cũng có một hình xăm con rồng lớn theo phong cách Hàn Quốc trên lưng sau cuộc ly hôn.

    Một phần nhờ vào công sức của các nhà nghiên cứu sinh vật huyền bí - những người chuyên tìm hiểu các con vật huyền thoại hay đã tuyệt chủng, rồng tiếp tục hiện hữu trong suy nghĩ của chúng ta. Mặc dù các nhà phê bình cho rằng nghiên cứu sinh vật huyền bí không phải là một ngành khoa học chính thức, những người ủng hộ chỉ ra rằng đã có những phát hiện chứng minh một số loài động vật kỳ dị có tồn tại trong thực tế.

    Khám phá loài rồng: Khi huyền thoại tung cánh
     

    Như Okapi - loài có hình dáng trông giống như được lai giữa một con hươu cao cổ với lừa và ngựa vằn đã từng được cho chỉ là hư cấu. Tuy nhiên vào những năm 1800, các nhà khoa học theo đuổi bí ẩn này đã phát hiện ra rằng Okapi không chỉ tồn tại mà vẫn còn sống khỏe mạnh ở châu Phi.

    Và có lẽ đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ phát hiện điều tương tự như vậy đối với rồng.

    Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày