Khám phá sức mạnh tàu ngầm Kilo của Việt Nam

    TVD,  

    (GenK.vn) - Tàu ngầm Kilo mà Nga sản xuất cho Việt Nam đã sử dụng công nghệ mới về kính tiềm vọng, thiết bị trinh sát điện tử, gạch giảm âm, lắp tên lửa Club-S thế hệ mới.

    Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm điện - diesel Kilo (Dự án 636 Varshavyanka) của Nga, đi kèm với hợp đồng huấn luyện vận hành, có thể trị giá tới 2 tỉ USD. Tàu ngầm Kilo 636 nổi tiếng nhờ khả năng hoạt động cực êm, khó bị phát hiện, được các chuyên gia quân sự phương Tây đặt cho biệt danh “Hố đen trong đại dương”.

    Lớp Kilo là tên định danh của NATO chỉ một loại tàu ngầm quân sự chạy bằng diesel-điện cỡ lớn được chế tạo tại Nga. Tên gọi chính thức của Nga đặt của lớp tàu ngầm này là Project 636. Phiên bản gốc của những tàu ngầm này được gọi ở Nga là Dự án 877 Paltus (Turbot). Có một phiên bản tối tân hơn, được gọi ở phương Tây là Kilo cải tiến và ở Nga là Dự án 636 Varshavyanka.

     

    Tàu ngầm Project 636 được thiết kế nhằm tiêu diệt các loại tàu ngầm, tàu nổi cũng như các phương tiện, khí tài trên biển của đối phương, nó có thể hoạt động độc lập hoặc theo các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau.

    Đặc điểm kỹ thuật

    Project 636 là bước phát triển tiếp theo của thế hệ tàu ngầm Project 877EKM, kế thừa những đặc tính ưu việt và được cải tiến đáng kể: động cơ diesel mạnh hơn, tăng tốc độ hành trình khi lặn, tầm hoạt động lên tới 7500 hải lý, giảm tiềng ồn khi hoạt động. Nhờ tiếng ồn được giảm đáng kể, tàu ngầm có khả năng tiếp cận tới các biên đội tàu nổi của địch và dùng tên lửa 3M-54E Club-S tiêu diệt, trước khi bị chúng phát hiện. Tàu Project 636 được trang bị hệ thống thông gió và điều hòa không khí mới, được thiết kế để có thể hoạt động trong các môi trường biển khác nhau, tạo thuận lợi trong sinh hoạt và chiến đấu của thủy thủ đoàn.

     

    So với 8 tàu ngầm lớp Kilo Project 636 do Hải quân Trung Quốc mua, tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam đã sử dụng công nghệ mới về kính tiềm vọng, thiết bị trinh sát điện tử, gạch giảm âm (anechoic tile). Kính tiềm vọng, là một trong những “con mắt” của tàu ngầm, một ống kính quang học có thể kéo dài hoặc rút ngắn lại, đưa lên khỏi mặt nước để quan sát mục tiêu, khi tàu ngầm ở cách mặt nước khoảng 8-10m.

    Lớp vật liệu dội âm được phủ trên vỏ tàu và cánh ngầm để hấp thu sóng âm sonar (sound navigation and ranging là một kỹ thuật sử dụng sự truyền âm thanh dưới mặt nước để di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện tàu bè khác), làm giảm thiểu và méo đi những tín hiệu dội lại. Lớp vật liệu này cũng làm giảm đi những tiếng ồn gây ra bởi tàu ngầm, do đó làm giảm đi khoảng cách bị phát hiện bởi sonar thụ động. Sonar thụ động của tàu ngầm cũng là “con mắt” của tàu khi đi ngầm thu âm thanh của chân vịt tàu đối phương, qua hệ thống phân tích và kinh nghiệm của thuỷ thủ sonar có thể biết được mục tiêu là chủng loại tàu nào, hướng đi, và tốc độ của tàu....

     

    Về số liệu, lượng giãn nước khi nổi của Project 636 là 2.325 tấn, lượng giãn nước khi lặn là 3.076 tấn, tốc độ khi nổi là 11 hải lý/giờ, tốc độ lặn đạt 20 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục trong trạng thái ống thông khí là 7.000 hải lý với tốc độ 17 hải lý/giờ, độ sâu hoạt động 250m, độ sâu lặn tối đa 300 m, trang bị tên lửa chống hạm Club-S.

    Vũ khí

    Khả năng tác chiến của tàu ngầm Project 636 được tăng đáng kể nhờ việc sử dụng tên lửa đối hạm 3M-54E Club-S được hỗ trợ bởi các hệ thống điện tử tiên tiến. Với tầm bắn hiệu quả đạt tới 220 km và mang theo đầu đạn 450 kg, cho phép Project 636 tấn công nhanh từ xa, không cần phải thâm nhập vào tới tầm phát hiện và tấn công của tàu địch hay phải vượt qua những khu vực địch bẫy bằng mìn hoặc thủy lôi, giúp tăng khả năng sống sót. Ngoài ra, tàu còn có môt cơ cấu phóng tên lửa phòng không cho 8 tên lửa Strela-3 (SA-N-8 Gremlin, tầm bắn tối đa 6 km) hoặc 8 tên lửa Igla (SA-N-10 Gimlet, tầm bắn tối đa 5 km). Tàu này trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang theo 18 quả ngư lôi hoặc 24 quả thủy lôi, đồng thời còn trang bị 1 giá phóng tên lửa phòng không, có thể bắn tên lửa phòng không SA-N-8. Ngoài ra còn có thể trang bị ngư lôi 53, ngư lôi SET-53M, ngư lôi SAET-60M, ngư lôi SET-65, ngư lôi dòng 71.

     

    Tàu ngầm Project 636 trang bị hệ thống chỉ huy chiến đấu đa năng, có thể cung cấp tài liệu tình báo điều khiển hiệu quả tàu ngầm, phóng ngư lôi, trang bị dò tìm tiếp nhận xử lý máy tính tốc độ cao, đồng thời thông qua hiển thị màn hình, có thể xử lý các tài liệu về mục tiêu và tính toán thông số bắn, tiến tới cung cấp điều khiển bắn tự động, đề xuất phương thức vận động chiến thuật và triển khai vũ khí.

    Hệ thống máy tính MVU-110EM, có thể đồng thời "khóa" 5 mục tiêu (thủ công 2, tự động 3). Ngoài ra, cũng đã sử dụng thiết bị phóng ngư lôi không cân bằng khí động học, đã giảm mạnh tiếng ồn khi phóng ngư lôi.

    Phục vụ

    Hiện nay, tàu ngầm lớp Kilo đã chế tạo được 52 chiếc và được sử dụng bởi lực lượng Hải quân Nga, Ấn Độ, Iran, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Trung Quốc là quốc gia mua nhiều tàu ngầm lớp Kilo nhất, với 12 chiếc lớp Kilo phiên bản khác nhau.

     

    6 tàu ngầm động cơ diesel Kilo project 636VM do nhà máy đóng tàu Đô đốc St. Petersburg Nga chế tạo cho Việt Nam sẽ bàn giao bắt đầu từ năm nay, hiện nay chiếc tàu ngầm đầu tiên của lô này đã đi vào giai đoạn cuối cùng lắp đặt thiết bị trên tàu. So với 8 tàu ngầm lớp Kilo Project 636 do Hải quân Trung Quốc mua, tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được đánh giá là hiện đại hơn với nhiều công nghệ và vũ khí tiên tiến. Nga sẽ bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên trong lô 6 chiếc Kilo 636 cho Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên nhà máy Admiralty thông báo “Cuối tháng 1.2014, chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ được đưa đến cảnh Cam Ranh (Việt Nam) và biên bản giao nhận cuối cùng sẽ được ký kết tại đây”. Hai tàu ngầm đầu tiên mà Nga đóng cho Việt Nam, mang tên "Hà Nội" và "Thành phố Hồ Chí Minh" đã trải qua các đợt thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm cấp Nhà nước một cách xuất sắc, thực hiện thành công nhiều chuyến lặn sâu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày