Chuyên gia Matthew Brennan của hãng tư vấn China Channel cho rằng những doanh nghiệp như Tencent hay Alibaba đang trở nên quá hùng mạnh và chính quyền Bắc Kinh bắt đầu lo ngại những tập đoàn này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế cũng như sự sáng tạo trong làng công nghệ.
“Honour of Kings” là một trò chơi trên điện thoại vô cùng phổ biến ở Trung Quốc với 200 triệu người đăng ký tham gia. Tuy nhiên, sau khi một cậu bé 17 tuổi thiệt mạng vì chơi liên tục 40 tiếng trò chơi này, hãng sáng lập “Honour of Kings” là Tencent đã phải giới hạn số giờ chơi đối với người sử dụng.
Dẫu vậy, điều đáng nói ở đây là động thái của Tencent chỉ được thực hiện sau những tuyên bố quyết liệt từ chính phủ trong tháng 6 vừa qua. Tencent cũng đã mất 15 tỷ USD trên thị trường chứng khoán ngay sau khi có những thông tin họ vào tầm ngắm của chính phủ.
Câu chuyện của Tencent chỉ là một ví dụ nhỏ cho xu hướng chung của các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Trung Quốc ngày nay. Trong khi Alibaba và Tencent dần trở thành những ông lớn công nghệ như Facebook và Amazon thì chính quyền Bắc Kinh cũng không còn làm ngơ với các sai phạm của họ như trước đây.
Trước làn sóng chỉ trích của dư luận về các hệ lụy cũng như sự độc quyền của những tập đoàn này, chính phủ Trung Quốc đã phải có động thái kìm hãm sự tự do của những đứa con cưng làng công nghệ này.
Trong khi trò chơi “Honour of Kings” bị giới hạn giờ chơi thì chợ điện tử Taobao của Alibaba bị cấm bán xu ảo cho người dùng, một công cụ vốn bị lách luật để trở thành phương tiện thanh toán điện tử. Ngoài ra, các chương trình thanh toán điện tử qua điện thoại cũng bị chính phủ yêu cầu tập trung thiết bị đầu cuối đến một nơi thống nhất để quản lý.
Chuyên gia Matthew Brennan của hãng tư vấn China Channel đã theo dõi Tencent từ khi công ty này niêm yết vào năm 2004. Ông Brennan cho rằng những doanh nghiệp như Tencent hay Alibaba đang trở nên quá hùng mạnh và chính quyền Bắc Kinh bắt đầu lo ngại những tập đoàn này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế cũng như sự sáng tạo trong làng công nghệ.
Tính đến cuối tháng 6/2017, lợi nhuận quý II của Alibaba đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gần 100% so với quý trước đó và vượt xa so với những dự đoán ban đầu nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Trong cùng kỳ, doanh thu của Tencent cũng tăng 59% so với năm trước lên 8,6 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng hiện nay Alibaba và Tencent đã trở nên quá lớn và lâm vào những rủi ro tương tự như các tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc, đó là quá lớn để có thể phá sản. Việc dung túng và tạo điều kiện cho những công ty này phát triển đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu đối phó nhằm tránh cho các ông lớn này phá sản, qua đó gây hại cho nền kinh tế.
Những động thái chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như lo ngại của các nhà lãnh đạo về thị trường tài chính đã khiến chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các dòng vốn, đồng thời cứng rắn hơn với các tập đoàn công nghệ trên.
Đế chế online và những hệ lụy
Bất kỳ người dân nào hiện nay đến Trung Quốc cũng khó thoát được Alibaba hay Tencent vì sự phổ biến của những ứng dụng từ 2 tập đoàn này. Việc liên lạc, thanh toán qua ứng dụng WeChat của Tencent hiện nay là điều hiển nhiên ở Trung Quốc và việc không dùng chúng trở thành một điều kỳ lạ.
Số liệu của Tencent cho thấy 50% người dùng WeChat sử dụng ít nhất 90 phút mỗi ngày các dịch vụ từ ứng dụng này, như liên lạc, chơi game, nghe nhạc, thanh toán trực tuyến…
Đối với những công ty như Tencent, trò chơi như “Honour of Kings” có thể giữ người dùng online nhiều hơn và tiêu dùng nhiều hơn bất chấp điều đó có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, Alibaba cũng tung ra hàng loạt các dịch vụ từ mạng xã hội, truyền thông trực tuyến cho đến tín dụng hay quản lý tài chính như Ant Financial bất chấp tất cả chúng đều có rủi ro nhất định cho người sử dụng.
Những động thái của các tập đoàn lớn này đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu bởi chúng không chỉ là những hoạt động kinh doanh đơn thuần mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội sâu rộng khi vị thế của các doanh nghiệp đã quá lớn.
Mặc dù sự phát triển của những tập đoàn như Alibaba thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tập trung vào thị trường nội địa và mảng dịch vụ tiêu dùng cũng như công nghệ nhưng họ cũng khiến hàng chục nghìn lao động trong các ngành truyền thống mất việc làm. Hơn thế nữa, sự bành trướng của những ông lớn này đang khiến các doanh nghiệp nhỏ ngày càng gặp khó khi muốn tiếp cận thị trường.
Trước những lo lắng này, chính quyền Bắc Kinh đã buộc các tập đoàn công nghệ phải bơm 12 tỷ USD cho China Unicom, một công ty viễn thông quốc doanh đang lao đao trên thị trường bởi tác động từ những doanh nghiệp tư nhân vượt trước nhờ công nghệ.
Động thái đầu tư kỳ lạ nhất trong 10 năm qua này được coi là một trong những cố gắng của Trung Quốc nhằm giảm bớt khoảng cách giữa lĩnh vực tư nhân và quốc doanh, đồng thời kìm hãm đà bành trướng của các ông lớn công nghệ. Theo nhiều chuyên gia, khoản đầu tư 12 tỷ USD trên vẫn chưa chắc vực lại được China Unicom nhưng sẽ khiến các hãng công nghệ phải dè chừng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã giới hạn các hoạt động đầu tư cũng như chuyển khoản của Alibaba và Tencent nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính. Dịch vụ tài chính điện tử Yu’E Bao của Alibaba đã 2 lần cắt giảm trần tài khoản của các khách hàng từ đầu năm đến nay, từ 1 triệu Nhân dân tệ xuống chỉ còn 100.000 Nhân dân tệ trước áp lực của chính phủ.
Khi chính phủ không còn cưng chiều
Trong khi những công ty như Facebook, Twitter hay Google chịu nhiều hạn chế và lệnh cấm từ chính quyền Bắc Kinh thì Alibaba hay Tencent lại được nhận nhiều ưu đãi. Hệ quả là những công ty này phát triển thần tốc và không một ai nghĩ rằng họ có thể bị “thất sủng”.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng nóng giảm tốc cùng dự trữ ngoại hối giảm 1 nghìn tỷ USD trong khoảng 6/2014-1/2017 đã buộc Trung Quốc phải có hành động nhằm thắt chặt an ninh tài chính. Trong thời kỳ nhạy cảm như vậy, những sự việc như “Honour of Kings” cũng bị coi là chuyện lớn.
Ngoài Tencent, những công ty lớn như Baidu, Sina Weibo đều đang bị Cơ quan quản lý mạng Trung Quốc (CAC) điều tra từ tháng 8/2017 với lý do chế tạo các thông tin gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Cả 3 ông lớn này đều đã phải ra thông cáo xin lỗi người sử dụng Trung Quốc.
Trong khi đó, việc tiếp cận quá sâu vào thị trường tài chính, tín dụng khiến dòng tiền ngày càng ít chảy qua các ngân hàng truyền thống đang khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng và đưa ra các chính sách giới hạn.
Theo chuyên gia Brennan, hiện cả Alipay và Weixin Pay đều là những dịch vụ tài chính điện tử kinh doanh trong thị trường có giá trị tới 8,8 nghìn tỷ USD, cao hơn 50 lần so với Mỹ và chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ không để yên.
Trước tình hình này, những ông lớn công nghệ đang tích cực cộng tác với chính phủ nhằm tránh những rủi ro không cần thiết. Hãng Baidu đã hợp tác với ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) nhằm phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo.
Trong khi đó, nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba thì đang tích cực thực hiện sứ mệnh ngoại giao mềm, tham gia các diễn đàn thế giới cũng như gặp các lãnh đạo quốc gia để truyền tải thông điệp. Chủ tịch Jack Ma cũng đã tuyên bố tạo thêm 1 triệu việc làm tại Mỹ và đầu tư 10 triệu USD cho mảng khởi nghiệp ở Châu Phi, những nơi mà Trung Quốc đang muốn tạo ảnh hưởng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng