Khi não bộ bị "lag": Các nhà khoa học có thể đọc suy nghĩ để biết bạn sắp làm gì trong 11 giây tới

    zknight,  

    Chúng ta đang làm chủ đời mình, hay là bị thứ gì khác trong vô thức điều khiển?

    Bạn có tin rằng bạn đang làm chủ cuộc đời mình hay không? Giả sử, bạn tỉnh dậy vào một ngày mưa bão và phân vân không biết nên ngủ tiếp hay đội mưa đội gió đi học. Bạn có hai sự lựa chọn, và chỉ có 20 giây để ra quyết định.

    Trong 20 giây đó, một loạt các dữ kiện đã được não bộ bạn phân tích: từ độ ấm của chăn, tiếng mưa to hay nhỏ, nhà bạn cách trường bao xa, bạn sẽ đi giày hay đi dép, hôm nay liệu thầy có điểm danh hay không…

    Đúng đến giây thứ 20, bạn đưa ra quyết định: Ngủ tiếp và nằm xuống.

    Nhưng các nhà khoa học nói rằng họ đã biết chính xác quyết định của bạn ngay từ giây thứ 9 - nghĩa là trước cả khi bạn nhận ra quyết định của bản thân mình. Đó là bởi dòng suy nghĩ vô thức của bạn đã định hướng ra câu trả lời ở giây thứ 9. Việc bạn nhận ra quyết định của chính mình đã bị “lag” mất 11 giây.

    Và nếu bằng cách nào đó, các nhà khoa học có thể can thiệp vào 9 giây bị lag này, họ có thể thay đổi quyết định của bạn và dựng bạn dậy đi học. Giờ thì, bạn có chắc bạn sẽ làm chủ được cuộc đời của mình hay không?

    Khi não bộ bị lag: Các nhà khoa học có thể đọc suy nghĩ để biết bạn sắp làm gì trong 11 giây tới - Ảnh 1.

    Khi não bộ bị "lag": Các nhà khoa học có thể đọc suy nghĩ để biết bạn sắp làm gì trong 11 giây tới

    Các nhà khoa học có thể đọc suy nghĩ để biết bạn sắp làm gì trong 11 giây tới

    Kịch bản trên được xây dựng dựa trên một kết quả nghiên cứu có thật được công bố trên tạp chí Scientific Reports. Trong đó, các nhà khoa học Australia đã có thể đọc được suy nghĩ và dự đoán chính xác hành động mà một người sẽ thực hiện, trước khi họ nhận thức được và thực hiện hành động đó 11 giây.

    Nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học South Wales, Australia. Họ tuyển dụng 14 tình nguyện viên để tham gia vào một thí nghiệm khi khi nằm trong máy cộng hưởng từ chức năng (fMRI).

    Các tình nguyện viên được cho nhìn 2 hình ảnh mẫu, một có sọc ngang màu đỏ và một có sọc dọc màu xanh lá cây. Họ được cho tối đa 20 giây để lựa chọn một trong hai hình ảnh mẫu. Khi quyết định xong, tình nguyện viên sẽ nhấn một nút để chọn và có thêm 10 giây để động não hình dung, tưởng tượng mọi thứ họ có thể tưởng tượng ra từ hình ảnh họ đã chọn.

    Cuối cùng, các tình nguyện viên được hỏi một số câu trắc nghiệm cũng bằng cách ấn nút, trả lời cho việc họ đã tưởng tượng ra những gì, hình ảnh đó sinh động đến mức nào?

    Sử dụng fMRI để theo dõi hoạt động của não và một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu thu được, các nhà nghiên cứu đã có thể dự đoán được tình nguyện viên tham gia sẽ chọn hình mẫu xanh hay đỏ. 

    Sớm nhất, các dự đoán này có thể được đưa ra trước 11 giây so với thời điểm họ đưa ra quyết định. Không những vậy, các nhà khoa học thậm chí còn có thể dự đoán những người tham gia tưởng tượng ra hình mẫu một cách sống động đến như nào. 

    Khi não bộ bị lag: Các nhà khoa học có thể đọc suy nghĩ để biết bạn sắp làm gì trong 11 giây tới - Ảnh 2.

    Nghiên cứu cho thấy dấu vết của những suy nghĩ tồn tại trong vô thức trước cả khi chúng ta ý thức được về chúng.

    Não bộ của tất cả chúng ta đều đang bị “lag

    Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư khoa học thần kinh Joel Pearson tại Đại học South Wales ở Úc, cho biết: Nghiên cứu cho thấy dấu vết của những suy nghĩ tồn tại trong vô thức trước cả khi chúng ta ý thức được về chúng.

    Chúng tôi tin rằng khi chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hai hoặc nhiều lựa chọn cần suy nghĩ, những dấu vết vô ý thức đã đưa ra lựa chọn của nó từ trước đó, một chút giống với ảo giác vô thức”, giáo sư Pearson giải thích thêm.

    Khi quyết định suy nghĩ về những gì được đưa ra, các khu vực điều hành của não chọn nghiêng về phía dấu vết vô thức mạnh hơn. Nói cách khác, nếu bất kỳ tiền hoạt động não nào phù hợp với một trong những lựa chọn của bạn, thì não của bạn có nhiều khả năng sẽ chọn tùy chọn đó khi nó được tăng cường bởi hoạt động não trước đó.

    Cũng phải nói rằng, đây không phải là nghiên đầu tiên cho thấy những suy nghĩ có thể bị đọc trước khi chúng ta có ý thức được về chúng. 

    Như các nhà nghiên cứu lưu ý, các kỹ thuật tương tự đã có thể dự đoán các quyết định vận động trong khoảng từ 7 đến 10 giây, trước khi chúng ta có thể ý thức về hành động sắp làm, và các quyết định trừu tượng trước 4 giây khi chúng ta nhận thấy mình đang nghĩ về chúng.

    Kết hợp lại với nhau, những nghiên cứu này cho thấy những suy nghĩ của bạn đã khởi nguồn rất lâu trước khi bạn có thể nhận thức về chính suy nghĩ đó. Nói một cách khác, não bộ của tất cả chúng ta đều đang bị “lag”.

    Khi não bộ bị lag: Các nhà khoa học có thể đọc suy nghĩ để biết bạn sắp làm gì trong 11 giây tới - Ảnh 3.

    Liệu chúng ta có thể làm gì để giảm độ trễ này xuống hay hoàn toàn loại bỏ nó để làm chủ cuộc đời mình hay không?

    Chúng ta đang làm chủ đời mình, hay là bị thứ gì khác trong vô thức điều khiển?

    Các nhà thần kinh học từ lâu đã biết rằng bộ não chuẩn bị sẵn sàng cho một hành động trước cả khi bạn nhận thức được hành động đó. Khoảng thời gian giữa khi bạn nhận thức được và thực hiện hành động thì chỉ có độ trễ vài phần nghìn giây.

    Những mili giây đó được cho là sẽ đem lại cơ hội cho chúng ta thay đổi một cách có ý thức những hành động vô thức, tạo thành một nền tảng của ý chí tự do.

    Nhưng với phát hiện mới này, các nhà khoa học cho rằng vô thức mới là thứ đang điều khiển bạn nhiều hơn, trong 11 giây bị lag, so với chỉ vài mili giây trong đó bạn có thể thay đổi quyết định của mình.

    Nếu vậy, bản thân bạn không phải một người có ý chí tự do, mà đang bị điều khiển bởi bộ não hoạt động trong vô thức của chính mình. 

    Bây giờ, câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có thể làm gì để giảm độ trễ này xuống hay hoàn toàn loại bỏ nó để làm chủ cuộc đời mình hay không? Hi vọng câu trả lời sẽ được các nhà khoa học đưa ra trong các nghiên cứu tương lai.

    Trước lúc đó, chúng ta phải chấp nhận rằng, não bộ của tất cả chúng ta đều đang bị lag mất ít nhất vài giây.

    Tham khảo Qz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày