Khi quay lén trở thành một đại dịch: 5 cách để biết nơi bạn ở có lắp camera giấu kín hay không
Nạn quay lén tràn lan là thứ mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt. Đây là hành vi sẽ bị pháp luật nghiêm trị, nhưng tốt hơn hết chúng ta cũng cần phải tự bảo vệ mình.
Quyền riêng tư thực chất là một vấn đề có nhiều góc nhìn khác nhau tùy thuộc vào từng nền văn hóa. Chẳng hạn như tại Đức, có rất ít văn phòng để cửa luôn mở, trong khi đây lại là điều khá phổ biến tại Mỹ.
Nhưng dù là ở nền văn hóa nào cũng chẳng ai thích chuyện bị lén lút theo dõi cả, nhất là tại những nơi đòi hỏi tính riêng tư tuyệt đối (phòng ngủ, toilet, phòng thay đồ...). Và điều đáng sợ ở đây là nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối diện với nạn quay lén - đặt camera giấu kín để ghi lại những hành động riêng tư của người khác.
Như tại Hàn Quốc, trong 2 năm 2017 - 2019 đã có ít nhất 11.200 trường hợp phát hiện camera quay lén được thông báo cho cảnh sát, và con số dường như không chỉ có như vậy. Chúng thường được đặt trong phòng thay đồ, toilet công cộng, khách sạn... Những đoạn video thu được sau đó có thể tới bất kỳ đâu, từ tung lên mạng cho đến rao bán cho các trang web đen phi pháp... rồi để lại nhiều hệ quả đáng sợ. Thậm chí, có người còn tự tử vì nó.
Quay lén là một hành động đáng lên án và sẽ bị pháp luật nghiêm trị, nhưng nhìn chung thì tốt hơn hết chúng ta cần phải tự bảo vệ mình khỏi camera giấu kín của kẻ xấu, thông qua một số phương pháp sau đây.
1. Kiểm tra kỹ những nơi đáng ngờ
Một trong những cách dễ nhất để phát hiện camera giấu kín, đó là kiểm tra thật kỹ các vật dụng xung quanh căn phòng bạn vừa vào. Dĩ nhiên đã gọi là "giấu kín", nghĩa là chúng không thể đặt lộ liễu được, nên bạn cần phải kiểm tra thật tỉ mỉ.
Cần đặc biệt chú ý đến những thứ như giấy dán tường, đèn ngủ, móc treo tường, kệ để đồ... Các dây rợ khả nghi, ống kính, đèn nhấp nháy... đều có thể là dấu hiệu của camera.
2. Sử dụng Wifi
Đa số các camera dân sự thường hoạt động bằng sóng Wifi, và bạn có thể lợi dụng điểm này để tìm ra chúng. Bằng cách sử dụng một vài ứng dụng có khả năng hiển thị thiết bị kết nối vào mạng nội bộ (như Fing), bạn sẽ biết thiết bị nào đang cùng kết nối với Wifi trong phòng. Đặc biệt chú ý đến các thiết bị có hiện hình ống kính, hoặc có tên kiểu "IP camera".
Hình ảnh của ứng dụng Fing
3. Sử dụng đèn flash
Trong các căn phòng thử đồ, gương có lẽ là nơi dễ giấu camera nhất. Để kiểm tra chắc chắn, hãy bật đèn flash của điện thoại lên và rọi vào gương. Mặt gương sẽ phản chiếu ánh sáng, cho phép bạn nhìn xa hơn và có thể làm lộ ra camera đang được giấu ở đâu.
4. Kiểm tra gương 2 chiều
Các căn phòng thử đồ cũng là nơi rất dễ để đặt gương 2 chiều - hay còn gọi là gương trong suốt. Đó là những tấm gương có 2 mặt, trong đó 1 mặt như gương bình thường, mặt còn lại thì trong suốt, cho phép người ở phía bên kia quan sát mọi thứ.
Để kiểm tra tấm gương trước mặt bạn có phải gương 2 chiều không, hãy đưa mặt sát lại gần tấm kính, lấy 2 tay che ánh sáng lại. Nếu bạn có thể nhìn xuyên qua phía bên kia chiếc gương, thì đó đích thị là gương 2 chiều.
5. Bài test ngón tay - đừng quá tin tưởng nó
Có một phương pháp được lưu truyền khá rộng rãi về việc phát hiện gương 2 chiều, đó đưa một ngón tay vào gương. Nếu ảnh phản chiếu cách tay bạn một đoạn, đó là gương bình thường. Còn nếu ảnh và ngón thật có thể chạm vào nhau, nhiều khả năng đó là gương 2 chiều.
Tuy nhiên, cách làm này chỉ đúng một cách tương đối, vì chuyện ảnh thật có chạm ảnh ảo hay không còn phụ thuộc vào kích cỡ của tấm gương, góc độ treo gương và ánh sáng. Vậy nên bạn nên trước khi vội kết luận, hãy tìm thêm một đặc điểm khả nghi nữa.
Chẳng hạn, một tấm gương 2 chiều thường không được treo lên như gương thường, mà phải gắn vào tường giống như một chiếc cửa sổ vậy. Nếu bạn thấy đằng sau gương có một bức tường thì có thể tạm an tâm. Còn nếu tấm gương là một phần của bức tường, tốt nhất là kiểm tra cho thật kỹ.
Nguồn: BS, VT.co
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng